Di sản Lý Quang Diệu:Biến chuyển chỉ trong một thế hệ

THANH TUẤN 29/03/2015 20:03 GMT+7

17g ngày 18-3, trang Facebook của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu bắt đầu chuyển ảnh profile của ông sang một tấm hình ông chụp ngang với ánh nhìn xa xăm về phía trước.

 

Những dòng chia sẻ của mọi người ào ạt đổ tới: “Chúng tôi chia sẻ với ông và gia đình”, “Tâm tưởng chúng tôi cùng với ông”.

Tấm hình chụp đơn giản của Thủ tướng Lý Hiển Long là tấm hình cóp y hệt bức hình đã trở thành biểu tượng của cha ông, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, trên trang bìa cuốn hồi ký From third world to first: the Singapore Story - 1965-2000 (cuốn hồi ký được dịch ra tiếng Việt với tên Bí quyết hóa rồng).

Ánh mắt xa xăm như tầm nhìn của ông Lý, như sự sắc lạnh và quyết liệt mà những người nào từng tiếp xúc với ông đều nhớ và ấn tượng.

Ông Lý Quang Diệu, người sáng lập đảo quốc Singapore và làm thủ tướng từ năm 1959 đến 1990, đã nằm viện hơn một tháng rưỡi nay và kể từ đầu tháng 2, ông đã phải thở bằng máy. Trang web của văn phòng thủ tướng Lý Quang Diệu hằng ngày vẫn cập nhật tình hình của ông và những ngày này dòng chữ luôn là “tình hình xấu đi”.

Và đến sáng sớm 23-3, ông đã trút hơi thở cuối cùng “một cách thanh bình” tại Bệnh viện Tổng hợp Singapore.

Singapore đang ở ngưỡng kỷ niệm 50 năm ngày độc lập (tách ra từ Malaysia năm 1965). Sau khi trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore năm 1959, ông Lý chứng kiến Singapore giành độc lập từ Anh và Malaysia rồi với tầm nhìn kinh tế của mình và một bàn tay sắt kỷ luật, ông biến Singapore từ một nền kinh tế phát triển trở thành trung tâm tài chính kinh tế quan trọng bậc nhất của khu vực.

Henry Kissinger từng viết Lý Quang Diệu là “một trong những bất cập của lịch sử về sự không tương xứng giữa khả năng của một số lãnh đạo và quy mô sức mạnh của đất nước đó.” Richard Nixon, sếp của Kissinger một thời, thậm chí cho rằng nếu ông Lý sống vào thời điểm khác và ở vùng đất khác, ông có thể “đạt tầm thế giới của Churchill, Disraeli hay Gladstone” (các thủ tướng mang tính lịch sử của nước Anh thời đỉnh cao).

Fareed Zakaria, nhà báo nổi tiếng của Time Magazine và CNN, viết “người đàn ông lớn ở sân khấu nhỏ đã gắn với ông Lý kể từ những năm 1970.” Nhưng trên nghĩa nào đó, sân khấu Singapore đã không còn nhỏ nữa. GDP đầu người của Singapore giờ đã hơn rất nhiều so với nước Anh, mẫu quốc trước kia của họ thời thuộc địa.

Singapore có lẽ là nước thuộc địa cũ hiếm hoi đạt được kỳ tích này. Mảnh đất của sư tử biển là một trong những thương cảng nhộn nhịp nhất thế giới, trung tâm lọc hóa dầu hàng đầu cũng như là trung tâm sản xuất hàng hóa và dịch vụ.

Và tất cả biến chuyển chỉ trong một thế hệ. Năm 1965, khi Singapore cuối cùng tách ra khỏi Malaysia, GDP nước này chỉ ngang với Chile, Argentina và Mexico. Giờ GDP đầu người của Singapore gấp 4-5 lần các nước Latin đó. Ông Lý tạo ra sự chuyển mình thần kỳ này trong khi vẫn kiểm soát rất chặt nền chính trị Singapore.

Giới quan sát phương Tây gọi đó là nền toàn trị “mềm”, còn bản thân ông Lý và chính quyền của ông có những lúc rất cứng rắn.   

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận