Đi tìm khái niệm nông nghiệp công nghệ cao

CHIÊU VĂN 21/02/2017 21:02 GMT+7

TTCT- Nông nghiệp, cũng như mọi ngành nghề khác, cần hiệu quả cao và khả thi về mặt kinh tế để có đủ sức cạnh tranh và cải thiện mức sống cho người nông dân.

Nông dân Đà Lạt rất năng động tìm kiếm công nghệ mới. Ảnh Mai Vinh

Nhưng những đòi hỏi mới cũng nhắm nông nghiệp tới các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, bền vững và an toàn cho người tiêu dùng.

Cách tiếp cận đúng

Khó có thể tìm thấy một định nghĩa nhất quán, đúng cho tất thảy về nông nghiệp công nghệ cao, mà ngay cả tên gọi cũng có thể gây tranh cãi.

Những thuật ngữ kỹ thuật được chấp nhận rộng rãi hơn là “nông nghiệp thay thế” (alternative agriculture) - chỉ những phương pháp sản xuất khác với cách làm nông nghiệp truyền thống, hoặc “nông nghiệp bền vững” (sustainable agriculture) - được tác giả người Úc Gordon McClymont đưa ra từ cuối những năm 1980 với đặc điểm “một hệ thống tích hợp sản xuất cây trồng và vật nuôi với các ứng dụng phù hợp cho vùng địa lý cụ thể có thể duy trì trong dài hạn”.

Các chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), J.F. Parr và Neill Schaller, từ đầu những năm 1990 đã tìm cách làm rõ hơn khái niệm “nông nghiệp thay thế” bằng những đặc điểm cụ thể như “đầu tư đầu vào ít”, “hữu cơ”, “thân thiện về mặt sinh học”, và “tự nhiên”.

Những tác giả khác lại có thể nhấn mạnh về mô hình tổ chức và cách vận hành của nông trại, với các tính chất độc lập, phi tập trung hóa, thiên về cộng đồng, hòa hợp với tự nhiên, đa dạng...

Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Hoa Kỳ (National Research Council) từ năm 1989 gọi “nông nghiệp thay thế” là “một cách tiếp cận nông nghiệp có tính chất hệ thống đưa vào các kiến thức về những chu kỳ tự nhiên của nông sản và sự tương tác của các yếu tố sinh học khác”, tức nhấn mạnh việc coi canh tác nông nghiệp, và cả chăn nuôi, cần được cân nhắc như một phần của tổng thể là tự nhiên.

Tóm lại, định nghĩa về nông nghiệp công nghệ cao có thể thiên hình vạn trạng, chứ không chỉ chú trọng vào năng suất, sản lượng và tính khả thi kinh tế.

Ở một số nơi, các yếu tố kinh tế được nhấn mạnh, nhưng hiểu theo một nghĩa hiện đại hơn thì nông nghiệp thật sự tiên tiến phải tính tới tất cả khía cạnh xã hội - văn hóa, kinh tế, và nhất là hệ sinh thái của sản xuất nông nghiệp. Như thế, một hệ thống nông nghiệp bền vững và hiện đại không nhất thiết phải là hệ thống tạo ra giá trị kinh tế lớn nhất.

Chọn đường đi nào?

Với những quốc gia khan hiếm nguồn lực nông nghiệp, bao gồm nước ngọt, đất đai và các nguồn lực khác, như Israel chẳng hạn, nông nghiệp hiện đại được định nghĩa là “nông nghiệp chính xác”.

Phương pháp nay đã nổi tiếng thế giới này dựa trên việc quan sát, đo lường tỉ mỉ, từ đó đưa ra các phương pháp canh tác tiết kiệm nhất với từng loại mùa màng. Mục tiêu của “nông nghiệp chính xác” là tìm kiếm một hệ thống tối ưu để quản trị việc làm nông, trong khi vẫn bảo tồn được nguồn lực quý giá.

“Nông nghiệp chính xác” ngày nay trở nên rất khả thi nhờ các công nghệ mới như GPS, các nghiên cứu về tương quan địa chất, thổ nhưỡng với nông sản, các hệ thống tưới tiêu chính xác và tự động hóa cao độ...

Ở những nước mà sản xuất nông nghiệp diễn ra trên các cánh đồng quy mô lớn, như Hoa Kỳ, thì nông nghiệp hiện đại lại có thể có nghĩa hoàn toàn khác, với sự nhấn mạnh vào tự động hóa, robot nông nghiệp (đặc biệt là các máy bay không người lái), và có thể cả thực phẩm biến đổi gen.

Các robot nông nghiệp được sử dụng trong giai đoạn thu hoạch, máy cày, máy bay phun thuốc sâu, phân bón không người lái, và cả máy vắt sữa bò hay xén lông cừu giờ đã là điều phổ biến ở nhiều nước phát triển.

Nông nghiệp hiện đại, tại các nước giàu mà sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong nền kinh tế - như Đức hay Nhật Bản, lại nhấn mạnh các khía cạnh khác nữa, chủ yếu là sự hài hòa với môi trường, sản xuất xanh, và nhất là trào lưu đang lên mạnh mẽ: nông nghiệp hữu cơ.

Các công nghệ mới cũng sẽ được áp dụng nhưng là theo hướng giảm thiểu ô nhiễm, tăng các sản phẩm tự nhiên, hay xa xỉ tới mức tính đến cả phúc lợi cho động vật chăn nuôi, với những tiêu chuẩn ngặt nghèo về nuôi nhốt và giết mổ.

Ở những nước này, việc tiếp tục tăng năng suất và sản lượng không còn nhiều ý nghĩa, mà việc quan trọng hơn là làm sao không để sản xuất nông nghiệp xung đột với những yêu cầu bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Tính chất đặc thù của khái niệm “nông nghiệp hiện đại” có lẽ rõ ràng nhất ở Singapore, một đảo quốc nhỏ bé đã đô thị hóa gần như 100%.

Ở đây, nông nghiệp hiện đại đồng nghĩa với “theo chiều thẳng đứng” và “trong nhà”, với các công nghệ chiếu sáng nhân tạo, sản xuất trong nhà kính, tưới tiêu tiết kiệm và điều chỉnh nhiệt độ bằng máy.

Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng Singapore cũng có một nền nông nghiệp đang phát triển rất nhanh. Chẳng hạn, sản lượng rau lấy lá ở đây đã tăng 20% trong 5 năm qua, ở mức 11.420 tấn vào năm 2015, đáp ứng được 13% nhu cầu của cả thành phố - quốc gia 5,4 triệu dân này.

Cơ quan Chăn nuôi và trồng trọt Singapore (AVA) đã cấp vốn cho khoảng 140 nông trại trong nhà như thế từ năm 2012 tới nay.

Hơn 20 triệu SGD (hơn 14 triệu USD) cũng đã được chi ra cho nghiên cứu và phát triển để tăng sản lượng và năng lực sản xuất, dưới sự giám sát của AVA, cho cả các nông trại trồng rau lẫn bè cá.

Sản xuất ở hòn đảo người khôn của khó này bao gồm việc tái chế rác từ cây trồng thành phân bón, gieo hạt tối ưu, tưới nước tự động, thu hoạch và đóng gói hoàn toàn bằng máy.

Rõ ràng, nông nghiệp công nghệ cao là một khái niệm hoàn toàn không nhất quán, không chỉ với từng quốc gia mà có thể với cả từng ngành sản xuất, thậm chí là từng khu vực trong một quốc gia, mà việc lựa chọn con đường “hiện đại hóa” ra sao đòi hỏi nhiều hơn chỉ là quyết tâm chính trị.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận