Dịch mới, hệ quả cũ

TRÚC ANH 12/02/2020 21:02 GMT+7

TTCT - Mỗi đại dịch mang tính toàn cầu - tức vượt ra ngoài biên giới quốc gia khởi phát - nào cũng dẫn đến những hệ quả về tâm lý xã hội bên ngoài các tác động về sức khỏe. Dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của coronavirus (2019-nCoV) dĩ nhiên không phải là ngoại lệ.

 

Kỳ thị

Hồi đầu tháng 1-2020, khoảng 5.000 nhân viên của một công ty thực phẩm chức năng Trung Quốc đến Hàn Quốc trong chuyến du lịch đầu năm và được chào đón như thượng khách. Chính quyền địa phương thậm chí còn đổi tên một con phố thành tên công ty nói trên.

Nhưng những du khách từ Trung Quốc đến đây vào cuối tháng 1 không còn được trải thảm đỏ như thế nữa, mà trái lại là sự sợ hãi của người dân địa phương. Tất cả chỉ vì 2019-nCoV. Và “nỗi sợ khách Trung Quốc (gieo rắc mầm bệnh) còn lan nhanh hơn bản thân chủng virus cúm này”, như tít bài báo trên Los Angeles Times ngày 31-1.

Theo Los Angeles Times, hơn 600.000 người Hàn Quốc đã ký thỉnh nguyện thư trực tuyến yêu cầu cấm người Trung Quốc nhập cảnh và hơn 400.000 người ở Malaysia cũng ký tên vào đề nghị tương tự. Gieo sợ hãi, kích động kỳ thị là ảnh hưởng gần như lập tức khi có dịch bệnh.

Nếu khẩu trang y tế (cùng với nước rửa tay khô) “cháy hàng” ở Việt Nam thì nó lại gây ra một đứt gãy văn hóa trong cộng đồng gốc Hoa ở nước ngoài, mà chuyện ở khu phố Tàu (Chinatown) tại Los Angeles là một ví dụ.

Theo tờ Salon ngày 1-2, việc nhiều người bắt đầu mang khẩu trang đã trở thành hiện tượng tại Chinatown - bởi hình ảnh người dân sinh hoạt, đi lại với khẩu trang che miệng không phải là điều quen thuộc ở Mỹ.

Những người Trung Quốc di cư đến Hoa Kỳ đã “nhập gia tùy tục”, không mang khẩu trang mọi lúc mọi nơi như ở quê nhà do lẽ theo hướng dẫn của giới chức y tế Mỹ, khẩu trang chỉ có tác dụng “bảo vệ tối thiểu” trước vi khuẩn và ô nhiễm, và “mang lại cảm giác an toàn giả hiệu” cho người đeo.

Thế nhưng những thông tin cập nhật liên tục về coronavirus đã khiến họ làm ngược với khuyến cáo y tế. Tương tự, sinh viên - học sinh gốc Hoa cũng bất chấp phạm quy của nhà trường, đến lớp với khẩu trang.

Chiếc khẩu trang bỗng trở thành đề tài tranh cãi. “Không có bằng chứng cho thấy đeo khẩu trang ở trường có tác dụng gì, ngoài việc gây ra sợ hãi - Toby Gilbert, đại diện một trường có đông học sinh gốc Trung Quốc ở Los Angeles, nói với Salon - Đeo khẩu trang chỉ khiến người ta quên rằng động tác đề phòng cơ bản nhất phải là rửa tay”.

Vì “xuất thân” châu Á, coronavirus còn khiến những người gốc Á ở nước ngoài cảm thấy bị đối xử như “những mầm bệnh sống”. Một nhà báo người Anh gốc Hoa viết cho tờ The Guardian kể chuyện một người đàn ông trên xe buýt đã vội dời sang ghế khác khi ông vừa bước lên xe, trong khi một nhân viên xã hội người Malaysia gốc Hoa cũng có trải nghiệm tương tự hồi cuối tháng 1.

“Nhiều người tại một trường học ở Đông London nơi tôi làm việc cũng hỏi tôi tại sao người Trung Quốc có thể ăn những món ăn kỳ quái dù biết rằng chúng gây bệnh” - nữ nhân viên xã hội nói với CNN.

Tại Canada, có tin trẻ em Trung Quốc bị bắt nạt hoặc bị cô lập ở trường trong khi ở New Zealand, nơi thậm chí còn chưa ghi nhận ca nhiễm corona nào, một phụ nữ Singapore cho biết bị chặn đường và quấy rối phân biệt chủng tộc tại một trung tâm mua sắm.

Những hệ quả này thật ra không phải đến thời corona mới có.

Nguồn: CNet

Những hệ quả quen thuộc

Trong bản tin số tháng 1-2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn báo cáo của một nhóm nghiên cứu cho biết dịch Ebola (diễn ra từ năm 2013-2016 với 28.646 ca nhiễm và 11.323 ca tử vong, đa số ở Tây Phi) không chỉ gây tác động về sức khỏe mà còn có các ảnh hưởng tâm lý xã hội, cả cấp bách và lâu dài, ở 3 cấp độ - cá nhân, cộng đồng và quốc tế (xem thêm bảng).

Riêng ở cấp độ quốc tế, dễ thấy những hệ quả của Ebola như gây ra kỳ thị, phân biệt đối xử, đổ lỗi cho cộng đồng (cụ thể là người gốc Phi sống ở các nước ngoài châu Phi); giảm tương tác (hợp tác làm ăn, đầu tư, du lịch) với các quốc gia có dịch lan rộng và kỳ thị với người về từ vùng dịch cũng sẽ đúng với các dịch bệnh khác.

Tháng 6-2018, 4 nhà khoa học Trung Quốc công bố nghiên cứu trên tập san Journal of Environmental and Public Health, nhìn lại và so sánh ảnh hưởng lên sức khỏe, xã hội và kinh tế của hai dịch SARS và H7N9 ở Trung Quốc, với nhiều chi tiết tương tự như những gì quan sát được trong dịch corona hiện tại.

Theo báo cáo này, trong những ngày đầu bùng phát SARS năm 2003, tình hình ở Trung Quốc rất căng thẳng do thiếu thông tin chính thức đáng tin cậy nên thông tin đồn thổi về mức độ lây lan của dịch bệnh được lan truyền qua truyền miệng, tin nhắn và mạng xã hội.

Tháng 2-2003, như báo cáo mô tả, “người dân Quảng Châu mang khẩu trang ở khắp mọi nơi” và “sự lan truyền của đủ thể loại tin đồn làm trầm trọng thêm cơn hoảng loạn cũng đang lan truyền trong xã hội, thể hiện ở việc người dân đổ xô đi mua thuốc ở tỉnh Quảng Châu”.

Một trong những tin đồn phổ biến nhất lúc đó là bản lam căn (một loại thuốc cổ truyền làm từ rễ cây tùng lam) và giấm có thể ngăn chặn và kiểm soát SARS.

Bản lam căn “cháy hàng” ở mọi hiệu thuốc dù “bài thuốc trừ SARS” nói trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào. Ngay cả một nhà báo cũng thú thật với nhóm nghiên cứu rằng thời điểm đó cũng chạy đi mua bản lam căn và giấm, “và giờ nghĩ lại tôi thấy làm thế thật buồn cười”.■

Ngày 3-2, Úc bắt đầu đưa công dân nước này trở về từ Vũ Hán ra đảo Christmas, nơi có một trung tâm chuyên giữ người tị nạn, để cách ly trong 2 tuần trước khi cho phép họ trở lại cộng đồng.

Canberra cho biết đợt “ra đảo” đầu tiên gồm 243 công dân Úc và thường trú nhân, trong đó có 89 trẻ em. Theo BBC, nhiều người thuộc diện phải cách ly đã phản đối việc phải đến trại tị nạn như vậy. Một số thậm chí còn chấp nhận ở lại Vũ Hán thay vì về Úc để rồi bị cho… ra đảo.

Tính đến ngày 3-2, có trên 600 người Úc vẫn ở lại thành phố Vũ Hán đã bị phong tỏa và các vùng lân cận ở tỉnh Hồ Bắc. Mỹ, Pháp và Nhật đều đã đưa công dân ở Vũ Hán về nước.

Nhiều người Úc gốc Hoa lo sợ sẽ bị phân biệt đối xử so với “người Úc trắng”, song Canberra đã lên tiếng bác bỏ các chỉ trích, khẳng định kế hoạch cách ly trên đảo “được tiến hành trên cơ sở các khuyến nghị y khoa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận