Điện Biên Phủ & Hoa Kỳ: Binh pháp Điện Biên Phủ

HỮU NGHỊ 18/04/2004 02:04 GMT+7

TTCN - Điện Biên Phủ (ĐBP) đã là đề tài của không ít luận án tiến sĩ sử học, chiến lược Mỹ. Một trong những luận án tiến sĩ đó là của thiếu tá Harry D. Bloomer (sau này là đại tá chỉ huy trưởng lữ đoàn phòng không 108, trước khi về bộ tư lệnh phòng không - tên lửa ở Washington) trình năm 1991.


Tính cơ động của Việt Minh và lính viễn chinh Pháp: một bên tha hồ đi bộ, một bên chỉ từ trên trời rơi xuống

Trong góc độ của một nhà nghiên cứu binh pháp, Bloomer đã nhận định toàn cục như sau: “Việt Minh đã đánh bại người Pháp tại ĐBP trong một trận đánh đã được tính toán nhằm đánh thắng quân Pháp chính trong “cuộc chơi” do người Pháp đặt ra. Tại ĐBP, người Pháp đã vi phạm hầu như mọi nguyên tắc chiến tranh ở mọi cấp độ - chiến lược, chiến thuật và hành quân. Những vi phạm này đã đóng góp đáng kể vào thất bại của Pháp”.

Dựa trên chín nguyên tắc cơ bản trong cẩm nang binh pháp bộ binh FM 100-5, viết tắt là cẩm nang, tác giả phân tích về binh pháp ở ĐBP.

Nguyên tắc thứ nhất và có lẽ trọng tâm chính là mục đích. Cẩm nang mô tả mục đích như sau: Mọi cuộc hành quân nào cũng phải xác định một mục đích rõ ràng là có thể đạt được. Mục đích đó được diễn đạt qua các mệnh lệnh của tư lệnh chiến dịch. Ở ĐBP, mục đích của người Pháp đã không được xác định rõ ràng lại không thể với tới được.

Nhà cầm quyền Pháp tại chính quốc đã chỉ được thông báo về chiến dịch Castor (tiến vào lòng chảo ĐBP) của Pháp chỉ sau sáu giờ khi chiến dịch được khởi động. Chỉ thị trước đó cho tướng tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương Henri Navarre là “phải đảm bảo an toàn cho lực lượng viễn chinh của chúng ta trên hết”. 

Điều đó có nghĩa là về mặt chiến lược, Paris đã không chỉ đạo gì cho tướng Navarre về chiến dịch này. Vào thời điểm đó, Chính phủ Pháp chú tâm đến việc ổn định tình hình ở VN sao cho có thể bắt đầu đàm phán. Người Pháp tìm kiếm một lối ra khỏi cuộc chiến tranh này trong danh dự qua đàm phán hơn là tìm kiếm một chiến thắng quân sự. 

Tướng Navarre biết rõ điều đó, song ông vẫn phát động chiến dịch Castor bất chấp việc ông không có thẩm quyền rõ rệt để tổ chức một chiến dịch như vậy. Từ khởi đầu, ĐBP đã thiếu ý đồ chiến lược rồi, do đó tất cả sẽ tùy thuộc nơi các diễn biến chiến thuật.

Tuy nhiên, nếu như đã chẳng có mấy lý lẽ chiến lược để giải thích cho việc nhảy vào thung lũng nằm sâu trong lãnh thổ đối phương, thì cũng đã có một lý lẽ chiến thuật để giải thích. Tướng Navarre cho rằng mục tiêu của cuộc hành quân là để bảo vệ Lào. ĐBP chỉ cách biên giới Lào có 8 dặm. 

Vấn đề đặt ra cho giải thích này là: liệu Việt Minh sẽ có thể tiến vào Lào mà không cần phải bước qua ĐBP hay không? Hơn thế nữa, tướng Navarre nào có được lệnh là phải bảo vệ Lào!

Một mục tiêu khác biện minh cho chiến dịch Castor là ý định thiết lập một đầu cầu tiếp tế cho các đơn vị du kích thân Pháp. Các đơn vị này có thể sẽ phối hợp với quân Pháp ở trong lòng địch. Thế nhưng, lại có đến hai câu hỏi đặt ra cho mục tiêu này. Đầu tiên là: các đơn vị này vẫn chưa khả dụng, chưa hoạt động. Sự có mặt của các đơn vị Việt Minh ở ĐBP rõ ràng là sẽ ngăn trở việc thiết lập căn cứ tiếp tế này.

Người Pháp, cũng như người Mỹ sau này nối gót, luôn gặp khó khăn khi phải giao chiến với địch quân trong một thế trận đã được bày sẵn. ĐBP được Pháp dùng để nhử Việt Minh vào rồi “dập”. Trước đó, vài cuộc hành quân tương tự đã được mở ra và được đánh giá là thắng lợi.

 Thế nhưng, tướng Navarre đã đánh giá sai thực chất của các thắng lợi đó. Quân Việt Minh quả là đã có tấn công và đã chịu tổn thất nặng nề, song quân Pháp cũng thường bị ghì đầu xuống đất và bị buộc phải rút đi một cách vội vã, bỏ lại những đồn bót không tài nào bảo vệ được. 

Các cuộc hành quân này chưa hề diễn ra ở tiền tiêu như ĐBP, và lần nào cũng thế, quân Pháp đều tự ý rút quân. Phải chăng tư lệnh Việt Minh, tướng Võ Nguyên Giáp, đã rút được những bài học sinh tử từ các trận đánh qui mô nhỏ hơn này trong khi tướng Pháp đã chẳng rút tỉa được gì? 

Thế cho nên, ở ĐBP, người Pháp đã bày ra trước tướng Giáp một mục tiêu ngon xơi với qui mô chưa từng thấy như thế. Tướng Giáp đã xốc đến và người Pháp đã rơi vào trong bàn cờ thế của mình.

Ngược lại, mục đích của Việt Minh là rất rõ rệt, kiên định và có khả năng đạt được. Mục đích của tướng Giáp là phá tan trại lính Pháp ở ĐBP. Hơn thế, Trung ương Đảng, mà tướng Giáp hằng ngày phải báo cáo, hoàn toàn ủng hộ các kế hoạch của ông. 

Trên bình diện chiến lược, Việt Minh chú tâm đến một chiến thắng quân sự ngoạn mục có thể buộc Pháp phải đàm phán trong những điều kiện do ông Hồ Chí Minh đặt ra. Trên bình diện chiến thuật, tướng Giáp nhận ra rằng quân Pháp lệ thuộc hoàn toàn vào đường hàng không và hỏa lực yểm trợ. 

Tướng Giáp đã nhận ra những điểm yếu cực kỳ này của quân Pháp. Chính vì thế, mục tiêu ưu tiên của ông là hủy diệt hoặc vô hiệu hóa không lực Pháp. Việt Minh cũng hướng đến một trận thế và quyết tâm không để cho quân Pháp lần này tuột ra khỏi cái rọ.

Nguyên tắc thứ nhì của chiến tranh là tấn công. Cẩm nang định nghĩa gồm: “tiến chiếm, gìn giữ và khai thác lợi thế bất ngờ”. Chiến dịch Castor khởi sự hôm 20-11-1953 với năm tiểu đoàn quân Pháp nhảy dù xuống ĐBP. Vào thời điểm đó, quân Pháp có lợi thế bất ngờ. Tuy nhiên, mọi hi vọng duy trì thế tấn công đều chóng vánh tan tành. 

Sang đầu tháng 12, quân Pháp chủ yếu chỉ còn tổ chức tuần tiễu, phản công tại chỗ chứ không thể ra khỏi thung lũng này được. Trong thực tế, tướng Navarre đã nhường thế công cho Việt Minh từ hôm 3-12-1953. 

Trong bản đánh giá tình hình, ông đã dự báo đúng rằng địch quân sẽ tấn công. Song tướng Navarre lại đã bổ nhiệm một sĩ quan kỵ binh, đại tá De Castries, làm chỉ huy ĐBP. Trong khi dự kiến một trận đánh phòng thủ trong một lòng chảo, thì tướng Navarre lại đi bổ nhiệm một chuyên gia hành quân cơ động để chỉ huy một lực lượng phòng thủ!

Từ tháng 1-1954, tướng Navarre đã khởi sự thăm dò các kế hoạch rút quân, song một khả năng đột phá ra khỏi ĐBP được đánh giá là tự sát. Tướng Navarre còn đánh giá là nếu có mất ĐBP cũng còn là có thể chấp nhận được về mặt chiến lược, song ông đã không đánh giá được tác động của việc mất ĐBP nơi tinh thần quân đội Pháp và rằng hậu thuẫn chính trị dành cho chiến tranh sẽ bị xói mòn như thế nào. 

Thế cho nên, đến ngày 13-3-1954, khi trận đánh ĐBP bắt đầu, thế tấn công đã lọt vào tay Việt Minh mất rồi. Chính tướng Giáp đã hầu như ấn định thời điểm và địa điểm giao chiến trong chiến dịch. Lần này tướng Giáp đã không xua quân theo chiến thuật biển người như quân Pháp mong đợi. Ông đã dành thời giờ tập trung lực lượng, đưa hỏa lực yểm trợ vào sâu, bảo đảm an ninh cho các đường liên lạc và trải vòng vây chặt đồn binh Pháp. 

Người Pháp đã trao thế tấn công cho ông Giáp và ông đã hoan hỉ đón nhận và sử dụng làm lợi thế của mình. Hai nguyên tắc chiến tranh kế tiếp thì nghịch đảo với nhau. Tập trung lực lượng và tiết kiệm lực lượng phải được tính toán chung với nhau. Cần phải tập trung lực lượng chiến đấu vào thời điểm và địa điểm then chốt, và tiết kiệm lực lượng bằng cách chỉ định một lực lượng tác chiến tối thiểu cho các mục tiêu thứ yếu mà thôi.

Chiến lược mà nói, các lực lượng tham chiến ở ĐBP đã có những cách tập trung lực lượng hoàn toàn khác nhau. Người Pháp không muốn duy trì một lực lượng đông đảo ở Đông Dương. Qui mô của lực lượng viễn chinh Pháp, vào khoảng 150.000 quân, không đủ để đáp ứng yêu cầu tập trung lực lượng chiến lược. 

Ngược lại, Việt Minh lại đã huy động được quần chúng: mọi người, nam hay nữ, đều ra trận. Mọi tài nguyên có thể có đều được huy động. Đến năm 1954, Việt Minh đã tổ chức huấn luyện, trang bị được sáu sư đoàn chính qui bên cạnh các đơn vị địa phương không chính qui.

Trên bình diện hành quân, căn cứ ĐBP tập trung 13.000 quân, không đầy 10% quân lực Pháp tại Đông Dương. Số binh sĩ này đến từ 13 tiểu đoàn. Chu vi của thung lũng ĐBP khoảng 50 dặm. Để đảm bảo an toàn cho khu vực này phải cần đến 50 tiểu đoàn... Người Pháp định sử dụng ưu thế hỏa lực và kỹ thuật nhằm đánh bại ưu thế đông quân của Việt Minh. 

Trong chiến dịch Atlante nhắm vào miền nam Trung phần, cách ĐBP 400 dặm, tướng Navarre đã tung vào gấp đôi số quân đóng tại ĐBP. Chiến dịch Atlante được tung ra một cách “cạnh tranh” với ĐBP, sẽ gây hậu quả là không còn quân dự trữ cho ĐBP. 

Trong thực tế, tướng Navarre xem chiến dịch Atlante như là nỗ lực chính, còn ĐBP chỉ nhằm tiết kiệm lực lượng. Tướng Navarre không tin nơi tin tức tình báo khẳng định rằng Việt Minh đang tập trung ở ĐBP.

Trên chiến trường, người Pháp một lần nữa lại không tập trung được lực lượng. Họ trải quân ra nhiều cứ điểm. Hơn 1/3 số quân đóng tại cứ điểm Isabelle, nằm về phía nam thung lũng, cách cứ điểm gần nhất những 7km. Do đó, Isabelle và phần còn lại không thể yểm trợ lẫn nhau. Do quân Pháp phân tán lực lượng quá rộng như thế, nên Việt Minh có thể tập trung lực lượng ở bất cứ một cứ điểm nào của quân Pháp.

Ở mọi cấp của cuộc chiến tranh, người Pháp đều đã vi phạm nguyên tắc tập trung lực lượng, trong khi Việt Minh lại làm ngược lại.

Cẩm nang định nghĩa nguyên tắc vận động là đặt đối phương vào trong một vị trí bất lợi trong khi phe ta linh hoạt sử dụng lực lượng tác chiến. Người Pháp đã vào trận mà không có mấy khả năng linh hoạt. Đến khi ĐBP sắp bị mất mà vẫn không có được một hành động nào, người Pháp bèn quay sang cầu cứu Mỹ, một nước có khả năng linh động có thể làm thay đổi chiến sự ở ĐBP. Song Mỹ đã từ khước giúp đỡ vì những lợi ích chính trị của mình. Đến lúc đó số phận của ĐBP đã được an bài.

Việt Minh đã cho thấy tính linh hoạt chiến lược của họ nhằm đáp ứng với tình hình. Tướng Giáp nhanh chóng triển khai kế hoạch đối phó với tình hình và được Ủy ban trung ương phê chuẩn nhanh. 

Trên bình diện chiến thuật, Việt Minh đã gây bất ngờ khi cho thấy tính cơ động của mình chưa từng thấy trong các chiến dịch trước. Nhờ đó, Việt Minh đã có thể tập trung lực lượng đặt quân Pháp vào thế bất lợi.

Tính cơ động của quân Pháp tùy thuộc vào sức mạnh của không quân. Song không quân Pháp đã hoàn toàn không thành công trong việc ngăn ngừa địch quân tập trung quân tác chiến, trọng pháo, tiếp liệu... 

Tướng Navarre lẽ ra đã có thể đưa thêm quân bổ sung bằng đường hàng không, song ông đã không làm điều đó. Thành ra ông đã không tận dụng được lợi thế cơ động của mình. Trên bình diện chiến thuật, sự cơ động chỉ còn qua những cuộc phản công hoặc không kích. 

Trong những ngày cuối cùng, khi cả hai bên cùng chiến đấu trong các giao thông hào, phía Pháp hầu như đã chỉ rúc xuống hầm để thoát thân. Phía Pháp dự định sẽ sử dụng không quân và pháo binh kết hợp với bộ binh cơ động để đánh tan cuộc tấn công của Việt Minh vào thung lũng, song một khi Việt Minh đã  khống chế được ưu thế trên không của Pháp thì nguyên tắc vận động chiến đã thuộc về Việt Minh, do lẽ họ đã giành được thế tấn công.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận