Điện Biên Phủ sau 50 năm nhìn lại

DƯƠNG TRUNG QUỐC 18/04/2004 01:04 GMT+7

TTCN - Khi diễn ra trận Điện Biên Phủ tôi mới 7 tuổi và sống tại Hà Nội tạm chiếm. Ý niệm về chiến tranh trong ký ức chỉ là cảnh bắt lính và một ông anh họ đến trốn lính trong nhà mình.

Điện Biên Phủ đã thất thủ (báo Nước Pháp Buổi Chiều - số đặc biệt)

Rồi cảnh những đoàn xe nhà binh của Pháp nối đuôi chờ qua cầu Long Biên sang phía sân bay Gia Lâm, làm tắc nghẽn ngã tư phố Hàng Đậu mà hằng ngày tôi phải vượt qua để đến học một trường tư ở phố Hàng Than.

Rồi những buổi trốn học chạy ra để xem máy bay hai thân thả dù phía Chèm, đó là những đơn vị được huấn luyện cấp tốc để tăng viện cho chiến trường... Nhưng ấn tượng sâu sắc hơn lại là những câu chuyện thì thầm của người lớn với nét mặt lúc lo lắng lúc vui mừng. Đón xuân năm ấy người ta truyền tay nhau số báo Tia sáng đặc san với bức tranh vẽ vua Quang Trung cùng các kỵ sĩ Tây Sơn ào ạt đại phá quân Thanh.

“Ba tiếng Điện Biên Phủ còn vang lên trên tất cả các lục địa”

Phó tổng thống Mỹ Nixon và tướng Cogny tại Điện Biên Phủ
Đó là câu của Roger Lévy, tổng thư ký các Ủy ban nghiên cứu những vấn đề Thái Bình Dương, viết trong lời tựa tác phẩm Điện Biên Phủ, một góc địa ngục (The siege of Dien Bien Phu, hell in a very small place) của nhà báo - sử gia Mỹ Bernard Fall, xuất bản năm 1967.

Sách viết về Điện Biên Phủ không ít, trước hết là các tác giả thuộc hai quốc gia dính líu trực tiếp vào cuộc chiến Đông Dương là Pháp và Mỹ. Để chuẩn bị cho năm 2004 này, ngay từ 2002 nhóm các nhà sử học Pháp hợp tác với đồng nghiệp Việt Nam đã xuất bản tập thư mục đồ sộ 12.000 tên sách và tài liệu thành văn (bài tạp chí, luận án, phim...) viết về cuộc chiến l945- 1954 ở Đông Dương. Trong số này, một khối lượng không nhỏ viết về chiến trận Điện Biên Phủ như một đỉnh cao, một khúc ngoặt lịch sử có tầm vóc vượt ra khỏi khuôn khổ các quốc gia có liên hệ.

Về ý nghĩa của sự kiện lịch sử này thông qua biểu thị ngôn ngữ của địa danh Điện Biên Phủ, rất nhiều tác giả viết rằng cho đến trước khi Pháp thả ba tiểu đoàn lính dù xuống vùng đất hẻo lánh ở vùng Tây Bắc Bắc kỳ thì không mấy ai biết đến cái địa danh Điện Biên Phủ.

Ngày 24-7-1953, tại Ủy ban Quốc phòng Pháp khi lần đầu tiên đại tướng Navarre đề cập dự kiến sẽ đưa quân đến Điện Biên Phủ thì không một thành viên nào phản đối vì họ chưa khi nào nghe đến cái địa danh lạ hoắc này. Đây là điểm duy nhất Navarre chấp nhận trong khi bác bỏ toàn bộ kế hoạch của người tiền nhiệm là tướng Salan. Đó là một thỏa hiệp định mệnh.

Khi chiến dịch đô bộ xuống Điện Biên Phủ mang tên “Con hải ly” (Castor) được ấn định vào ngày 20-11-1953, đã có một sự lưỡng lự trong cấp chỉ huy quân Pháp. Tiểu đoàn trưởng Bigeard kể lại rằng khi phổ biến mệnh lệnh tác chiến vào ngày 19-11, tướng không quân bốn sao Pierre Bodet, phó tướng của Navarre, đã dặn dò rằng nếu đặt chân xuống Điện Biên Phủ mà gặp quá nhiều khó khăn thì có thể tìm đường rút sang Lào. Tướng Bodet còn nói thêm rằng nếu ngày mai thời tiết không tốt thì sẽ “không bao giờ diễn ra Điện Biên Phủ”.

7g30 ngày 20, chiếc máy bay đâu tiên trong số 65 chiếc máy bay được huy động vào chiến dịch này đã cất cánh. Trời còn mù sương, ba vị tướng trên chiếc máy bay chỉ huy sẽ quyết định đổ bộ hay không...

10g30, khi những chiếc máy bay chở đầy lính dù đã lượn trên bầu trời của cánh đồng Mường Thanh thì trời hửng nắng... Và thế là cái tên Điện Biên Phủ kể từ đó luôn xuất hiện trên các bản tin chiến sự, trên bản đồ... cho đến sẩm tối ngày 7-5-1954 thì trở thành một biểu tượng “vang lên trên tất cả các lục địa” như đã được viêt trong lời giới thiệu cuốn sách của B.Fall.

Sau này viên tiểu đoàn trưởng lính dù Bigeard, người sống sót sau khi cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, trở thành một vị tướng của quân đội Pháp nhớ lại câu nói của tướng Bodet đã bình luận rằng: “Chao ôi, sao cái buổi sáng hôm ấy (20-11-1953) trời lại không mưa nhỉ?”.

Trong hồi ức của nhiều người dân Hà Nội cũng như nhiều vùng tạm chiếm, địa danh Điện Biên Phủ trở thành một nỗi thấp thỏm, rồi niềm hi vọng và nghẹn ngào nén chặt trong lòng như niềm vui một Điện Biên Phủ đại thắng giữa lúc chính quyền thực dân chiếm đóng treo cờ rủ để tang cho một Điện Biên thất thủ.

Và trên đường phố, những tên lính viễn chinh nốc rượu để cố nuốt trôi cái cục nghẹn được gọi bằng một địa danh đã trở thành địa ngục cho quân xâm lược mà chúng gọi trại đi là: “Tiens - bien - fou” (phát điên lên được)...

Mãi mãi đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, Điện Biên Phủ đã nối tiếp những địa danh Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... để trở thành biểu tượng chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp giữ nước.

 Và với lịch sử nhân loại, lịch sử phong trào giải phóng dân tộc, Điện Biên Phủ gắn với tên tuổi của Chủ tịch Hô Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một biểu tượng được thể hiện bằng nhiều hình tượng khác nhau để nói về phẩm giá và sức mạnh của các nước nhỏ trước chủ nghĩa thực dân xưa kia cũng như trước vận mệnh chung của nhân loại ngày nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận