Đoàn cần nhận diện tình hình từ chính thanh niên

BÀ PHẠM PHƯƠNG THẢO 04/11/2012 03:11 GMT+7

TTCT - “Trước các vấn đề xã hội của tuổi trẻ, người ta hay hỏi Đoàn đang ở đâu, có dám đối diện sự thật không?” - nguyên bí thư Thành đoàn, bí thư T.Ư Đoàn, chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo trò chuyện với TTCT về những điều mà tổ chức Đoàn cần suy ngẫm để làm bạn được với thanh niên.

Phóng to
Xung kích bảo vệ môi trường - một trong những hình ảnh đẹp của tuổi trẻ TP.HCM thời gian qua - Ảnh: Q.Linh

Phóng to
Bà Phạm Phương Thảo - Ảnh: Thanh Đạm
* Trên con đường lập thân, nhiều bạn trẻ gặp không ít khó khăn để khẳng định mình bởi cơ hội chưa thật sự công bằng cho tất cả. Thậm chí đã xuất hiện tư tưởng yếm thế trong suy nghĩ của người trẻ trước hiện tượng “con ông cháu cha”. Bà có nghĩ vậy?

- Đúng là cũng có hiện tượng “con ông cháu cha”, nhưng tôi cho rằng đây không phải vấn đề quá lớn và phổ biến. Dĩ nhiên việc tạo một cơ chế cạnh tranh bình đẳng trong tuyển dụng vẫn là điều chúng ta hướng tới, cũng như cần làm minh bạch hơn nữa về tiêu chuẩn cụ thể, phỏng vấn công khai, thi tuyển cạnh tranh, cả thi tuyển công chức và thi tuyển vào các chức danh.

Điều cốt lõi tôi muốn nói với các bạn trẻ chính là bạn phải có năng lực thật sự, phải khẳng định được mình có trình độ, chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu công việc. Năng lực không thể được thể hiện bởi sự thân quen mà phải là thực tài của chính bạn khi đối diện và giải quyết một vấn đề nào đó. Tôi cho rằng sự công bằng, cơ hội là đồng đều và đừng bao giờ để suy nghĩ “thân cô thế cô” làm nhụt ý chí, khả năng phấn đấu của bạn.

* Chủ quyền biển đảo, tham nhũng... là những vấn đề lớn của đất nước mà lớp trẻ hôm nay rất quan tâm nhưng lại không nhiều cơ hội bày tỏ chính kiến. Nguyên bí thư Thành đoàn Lê Văn Nuôi từng góp ý Đoàn không thể im lặng, né tránh trước những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Còn quan điểm của bà thì sao?

- Thanh niên luôn đặt ra nhiều vấn đề nhưng dường như Đoàn còn ít đối thoại. Trước nhiều vấn đề nóng, lẽ ra có tiếng nói của Đoàn với vị trí là tổ chức đại diện cho tiếng nói, quyền lợi chính đáng của thanh niên thì tốt hơn. Tôi cho rằng trong hoạt động, Đoàn phải rất thực tế khách quan, cứ xông vào tìm kiếm, nhận diện tình hình từ chính thanh niên, từ người yêu quý thanh niên, các cấp các ngành thì thế nào cũng có cách giải quyết.

Trước các vấn đề xã hội của tuổi trẻ, người ta hay hỏi Đoàn đang ở đâu, có dám đối diện sự thật không? Cũng vậy, những vấn đề khó của thanh niên, chuyện nóng của đất nước mà thanh niên còn lúng túng thì chính tổ chức Đoàn phải định hướng nhận thức, cách hành xử cho người trẻ. Nói cách khác, Đoàn phải có chính kiến. Điều này đòi hỏi Đoàn phải thật sâu sát với thanh niên để biết họ đang muốn gì và cần được giúp gì. Chỉ cần Đoàn đừng thúc thủ thì chắc chắn khi làm nòng cốt phối hợp với các lực lượng trong xã hội để tạo điều kiện, môi trường cho thanh niên, tôi nghĩ sẽ không ai từ chối Đoàn cả.

Hiện nay có nhiều diễn đàn cho tuổi trẻ như hệ thống báo chí của Đoàn, các kênh thông tin nên người trẻ muốn nói cũng đâu có khó. Nhưng chúng ta cần tạo cơ hội để thanh niên được nói nhiều hơn, đưa ra giải pháp chứ không chỉ là phản ánh hiện tượng, thực trạng.

Phóng to
Các bạn trẻ TP.HCM cùng đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” - một trong những hoạt động của tổ chức Đoàn và báo Tuổi Trẻ có sức lay động người dân cả nước - Ảnh: Q.Linh

“Có những tấm gương tốt nhưng cũng nhiều tấm gương phản diện. Không phải người đi trước nào cũng là tấm gương tốt nên đôi lúc tạo ra cái nhìn không thuần trong lớp trẻ”

* Trong một hội thảo do Thành đoàn tổ chức, bà từng phát biểu Đoàn đừng đứng xa thanh niên quá, phải gần gũi, lắng nghe, dám đối diện và tìm cách giải quyết vấn đề thanh niên đặt ra. Có phải bà nhận ra hoạt động Đoàn đang ngày càng rời xa thanh niên? Hay còn vì điều gì khác?

- Đoàn tiếp sức cho thanh niên nhưng vẫn còn hạn hẹp. Sức cảm hóa, độ phủ của Đoàn chưa thật sâu và chưa phải ở diện rộng. Vẫn còn khá đông người trẻ trên các lĩnh vực, địa bàn mà Đoàn chưa với tới. Điều này xuất phát từ hai phía. Người trẻ chưa thấy gần gũi, gắn bó để khi gặp khó khăn tìm đến với Đoàn như người bạn thật sự. Và đôi lúc Đoàn cũng mắc bệnh hành chính hóa, chưa đủ sức hấp dẫn để lôi cuốn được số đông. Đoàn có nhiều phong trào của Đoàn nhưng sức thu hút chưa mạnh mẽ. Những con số hiện có cũng chưa nói lên sức mạnh của tổ chức Đoàn một cách đầy đủ.

Có ý kiến nói rằng thanh niên đang chuyển động rất nhanh mà Đoàn chưa theo kịp để tìm cách tập hợp, làm bạn được với họ. Cũng có ý kiến cho rằng Đoàn đang xa quyền lợi thanh niên. Những điều ấy đáng để Đoàn phải suy ngẫm lắm. Đành rằng chúng ta đòi hỏi tuổi trẻ cống hiến nhưng cũng phải gắn bó với quyền lợi của họ, cả quyền lợi vật chất và quyền lợi về tinh thần.

Đoàn thanh niên TP cần tự hỏi mình có vai trò gì trong tái cấu trúc nền kinh tế của TP, sẽ đóng góp sản phẩm gì trong chuỗi sản phẩm mang giá trị toàn cầu chúng ta đang hướng đến. Tôi nghĩ có thể lập ra các quỹ sáng kiến, sáng tạo để xem xét, tài trợ cho những ý tưởng hay, lạ, những sáng tạo mới của tuổi trẻ và phải mạo hiểm, chấp nhận thất bại vì không phải sáng tạo hay ý tưởng nào cũng thành công.

Phóng to
Công chức trẻ TP.HCM tư vấn, hỗ trợ người dân thực hiện chương trình cải cách hành chính của TP - Ảnh: Q.Linh

* Vậy làm sao giải phóng nguồn “năng lượng trẻ” này để họ đóng góp tốt nhất cho sự phát triển của TP, đất nước?

- Không ở đâu sự cạnh tranh thị trường lao động lại dữ dội như TP.HCM. Các cơ hội được mở ra khá phong phú cho cả người có trình độ cao, có tay nghề đến lao động phổ thông...

Con của một giám đốc sở tại TP sau khi đi học nước ngoài về không làm việc được ở cơ quan nhà nước nhưng lại làm rất tốt trong một đơn vị nước ngoài. Bạn đó được trả lương 30 triệu đồng/tháng, quan trọng hơn là được làm đúng chuyên môn đã học. Kể với các bạn chuyện này, tôi muốn nói rằng không phải ai đi học nước ngoài về cũng đòi hỏi chuyện lương cao, cái chính là họ có được tạo điều kiện, có môi trường làm việc thật sự phát huy hết những gì họ đã học hay chưa. Tôi biết có không ít bạn đi học nước ngoài về cơ quan nhà nước cảm thấy khó phát triển vì cách giao việc và đánh giá không phù hợp. TP có chương trình đào tạo hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ nhưng số bạn trẻ đi học bằng học bổng tự tìm hay ngân sách gia đình lớn hơn rất nhiều mà các cơ quan nhà nước chưa hút được họ trở về, trong khi nhiều tập đoàn, đơn vị bên ngoài làm rất tốt điều này.

Trong bộ máy lãnh đạo cũng vậy, tỉ lệ người trẻ rất khiêm tốn. Phải có người trẻ vào cơ quan lãnh đạo để hoạch định chính sách. Chúng ta phải tin lực lượng trẻ vì nhiều bạn được đào tạo bài bản, có năng lực thật sự, làm việc trong sáng và không bon chen, tiếc là họ lại ít được chú ý. Đừng vì chuyện thiếu kinh nghiệm mà không bố trí vì biết đâu sẽ làm mai một người trẻ.

* Trân trọng cảm ơn bà.

“Tuổi trẻ VN thời nào cũng thể hiện lòng yêu Tổ quốc, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, cũng muốn cống hiến. Đừng nói tuổi trẻ hôm nay không biết dấn thân, không biết hi sinh.

Các bạn hôm nay có cơ hội học tập, nắm bắt tiến bộ khoa học công nghệ nhanh, tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau nên cũng trưởng thành rất nhiều. Nhưng trong tình hình thế giới nhiều biến động, suy thoái kinh tế, thông tin đa chiều chắc chắn tác động không nhỏ đến thanh niên. Việc nắm bắt thông tin dễ dàng hơn nhưng cũng chính các bạn lại gặp khó khăn khi định hướng thông tin vì đúng - sai, thật - ảo lẫn lộn, nhất là với lứa tuổi mới lớn. Đó là chưa kể áp lực kiếm tiền cũng ảnh hưởng nhiều đến đời sống giới trẻ. Không phải lúc nào các giá trị đạo đức cũng được tôn vinh, nền tảng văn hóa cũng được đề cao, đôi khi những giá trị vật chất nổi lên và như đang thắng thế. Những điều này ảnh hưởng không ít đến quá trình phát triển của thế hệ trẻ”.

Đi tìm diễn đàn cho nhà khoa học trẻ

Từng là bí thư Đoàn trường trước khi qua Đan Mạch làm nghiên cứu sinh, TS trẻ Nguyễn Tuyết Phương (khoa hóa ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) - một trong 449 đại biểu chính thức dự Đại hội Đoàn TP lần IX - ưu tư khi nói về cơ hội làm khoa học của người trẻ.

Phóng to
TS trẻ Nguyễn Tuyết Phương - Ảnh: Q.Linh

Ba năm rưỡi ở Đan Mạch với học bổng tiến sĩ toàn phần tại Trường ĐH Roskilde, Tuyết Phương cho hay chị nhận được rất nhiều lợi ích từ một cách làm giáo dục mà “dịch vụ không thể tốt hơn”. “Hầu như tất cả những người làm việc liên quan đến giáo dục theo nghĩa phục vụ người học, họ cung cấp những dịch vụ tốt nhất, một không gian giáo dục mở và đồng đều, không phân biệt vùng miền, công hay tư - Tuyết Phương chia sẻ - Nền giáo dục như thế nên các bạn sinh viên Đan Mạch luôn tự tin, chủ động đặt vấn đề, đề xuất đề tài thảo luận trong việc học mà không ngại bất cứ điều gì. Họ sẵn sàng tranh luận với giáo sư để tìm ra điều đúng nhất chứ không giấu dốt”.

Bằng góc nhìn của một người từng làm công tác Đoàn, chị nói rằng trang bị những kỹ năng như làm việc độc lập, tự tin, chủ động học tập... là điều tổ chức Đoàn hoàn toàn có thể giúp được cho các bạn trẻ.

Tuyết Phương tâm đắc với chính sách dành cho nhà khoa học vừa được áp dụng mới đây, tức là người chịu trách nhiệm với đề tài được duyệt sẽ hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng nguồn kinh phí được cấp, miễn sao tạo ra những kết quả khoa học đích thực. “Điều này tưởng nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vì nhà khoa học không phải bận tâm lo quyết toán tỉ mỉ chi tiết xem mình đã sử dụng đồng nào vào mục nào, mua cái gì bao nhiêu tiền... Quan trọng nhất phải là thành quả nghiên cứu, ứng dụng kết quả ấy vào cuộc sống”, Phương nói.

“Đừng suy nghĩ rằng điều gì Đoàn cũng phải có mặt, cái gì cũng phải tham gia”, theo Tuyết Phương, trong lĩnh vực khoa học, Đoàn cần làm tốt hơn nữa vai trò hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học vì đó là bước khởi đầu rất ý nghĩa đối với họ. Chị kỳ vọng vào khả năng tập hợp của Đoàn để tạo ra một diễn đàn mà ở đó tiếng nói của các nhà khoa học trẻ được lắng nghe, được trân trọng để cùng đóng góp vào quá trình phát triển khoa học của TP, đất nước. “Đương nhiên, đòi hỏi Đoàn phải tạo cơ chế hay can thiệp sâu vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học là không thể, đó phải là chuyên môn của các bộ ngành, là định hướng, chính sách khoa học của một đất nước. Nhà khoa học trẻ có mặt ở hầu như tất cả các lĩnh vực, họ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu và khả năng tiếp thu những tiến bộ khoa học mới khá nhạy nhưng tiếng nói thường riêng lẻ, không nhiều trọng lượng nên việc có một diễn đàn chung cho nhà khoa học trẻ là rất cần thiết, để họ thấy trí tuệ của mình được sử dụng đúng chỗ, được trân trọng. Đừng dừng lại ở những buổi gặp gỡ, đối thoại, hứa hẹn hỗ trợ, nói xong rồi lại đâu vào đấy” - chị đề xuất.

Tuyết Phương hình dung diễn đàn ấy còn là nơi chia sẻ thông tin để không lãng phí thành quả khoa học chung. “Chúng ta vẫn làm khoa học khép kín, không chia sẻ kết quả với nhau trong khi xu hướng chung là cần chia sẻ kết quả khoa học để bổ sung kiến thức cho nhau. Điều này một phần cũng bởi tình trạng không tôn trọng bản quyền, chất xám còn khá phổ biến tại nước ta”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận