Đoàn lữ hành và miền đất hứa

HẢI MINH 21/11/2018 19:11 GMT+7

TTCT - Tính tới giữa tháng 11, đoàn lữ hành 5.000 người, chủ yếu mang quốc tịch Honduras, đã rời thủ đô Mexico, Mexico City, thẳng tiến tới “miền đất hứa” Hoa Kỳ, nơi 5.200 vệ binh quốc gia đã được triển khai để “chào đón” họ. Đó là một câu chuyện dài mang màu sắc siêu thực của một thế giới đang mở hơn bao giờ hết, nhưng cũng chia rẽ hơn bao giờ hết.

Đoàn người đi bộ và tận dụng mọi phương tiện có thể. Ảnh: The New York Times
Đoàn người đi bộ và tận dụng mọi phương tiện có thể. Ảnh: The New York Times

Những hình ảnh chấn động về đoàn người được cánh nhiếp ảnh gia báo chí truyền tải lại (chẳng hạn như trong phóng sự ảnh này của tờ The New York Times: https://www.nytimes.com/2018/11/09/world/americas/caravan-migrant-mexico.html) không khỏi khiến người xem so sánh với những hành trình tị nạn huyền thoại, như khi Moses dẫn đoàn dân Do Thái về đất hứa, hay như cuộc Hijrah của nhà tiên tri Muhammad và những người đạo Hồi theo ông từ Mecca về Medina.

Hành trình tìm đất hứa của đoàn dân Honduras, khởi đi là một cuộc chạy trốn nghèo đói và bạo lực, ngày càng mang nhiều màu sắc tôn giáo khi giờ họ đã đi được gần nửa đường hành trình 3.700km, gần như đi bộ hoàn toàn (“Tôi ước gì Jesus chạm vào trái tim (Tổng thống Mỹ Donald) Trump” - Hilda, bà mẹ mang theo đứa con mới 8 tháng tuổi, nói với ABC News; hay “Chỉ Chúa mới định đoạt chúng tôi có làm được không” - tít báo của The Guardian ngày 23-10 dẫn lời một phụ nữ trong đoàn dân, Aida Acevedo).

Chạy trốn

Họ sẽ cần một phép lạ thực sự để tất cả có thể vào và ở lại Hoa Kỳ trong thời đại của Trump. Câu chuyện của Hilda, và thông điệp của cô, có thể nói là một đại diện điển hình cho đoàn người tự phát này. Đầu tháng 10, cô nghe tin hàng trăm người đang tập hợp với nhau để rời Honduras và cô quyết định cần theo họ.

Chiến sự liên miên giữa các băng ma túy đã biến cuộc sống hằng ngày ở nhiều thành phố lớn Honduras thành một canh bạc sinh tử, và Hilda còn lo lắng về con trai 8 tháng tuổi của mình - Cleberson. Thế là cô, cùng con, anh trai và chị dâu, đã khởi đầu hành trình nghìn dặm đó. Họ không được chào đón ở Mỹ, Tổng thống Trump đã nói rõ (và không chỉ có ông). Ngoài lực lượng vệ binh quốc gia chính quy, báo chí Mỹ nói một số lực lượng dân quân tự thành lập chống nhập cư cũng đã bắt đầu tuần tra vùng biên giới.

Đoàn người tới Mexico City đúng vào đêm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trọng đại ở Mỹ, khi ông Trump đi vận động cho phe Cộng hòa với cương lĩnh sẽ chống lại tới cùng “cuộc xâm lăng đất nước chúng ta của bọn nhập cư”.

Với đoàn người tới giờ thì mọi chuyện vẫn ổn thỏa, sự chào đón họ ở Mexico ấm áp hơn nhiều so với dự kiến. Suốt hành trình, xuyên qua Guatemala và giờ đã được một nửa nước Mexico, họ đã được các chính quyền địa phương, những nhóm dân sự và cả người dân bình thường chào đón, cho họ thức ăn, quần áo, chỗ ở và cả phương tiện đi lại.

Bạo lực, nghèo đói và thất nghiệp triền miên đã tạo thành ba ngôi tội lỗi ở Honduras, và người dân nước này đã bỏ xứ mà đi với số lượng lớn suốt vài năm qua. Thêm vào đó, đất nước hơn 9 triệu dân này cũng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Mùa mưa năm nay ở Honduras có lượng mưa rất thấp, đồng nghĩa hầu hết nông dân không thể có một vụ mùa như ý.

Thống kê của Viện nghiên cứu FOSDEH, chuyên về Trung Mỹ, cho thấy 68% dân số Honduras sống dưới chuẩn nghèo và 80% lực lượng lao động nhận lương thấp hơn lương tối thiểu chính thức.

Chỉ khoảng một tuần lễ sau khi khởi hành, đoàn người đã lên tới số ngàn, với những người gia nhập tới từ khắp vùng Trung Mỹ - El Salvador, Nicaragua và Guatemala. Nhiều người cũng đã đổi ý và quyết định ở lại Mexico.

Từ khi đoàn người vào biên giới Mexico, chính quyền liên bang đã nhận được 3.230 đơn xin tị nạn từ họ, theo Mexico News Daily. Trong khi quá trình xét đơn xin tị nạn sẽ mất nhiều thời gian, chính quyền Mexico đã nhanh chóng cấp quyền lao động cho khoảng 2.600 người trong số đó.

Như thể để làm gương cho láng giềng khó chịu Hoa Kỳ, bộ trưởng phụ trách đô thành Mexico City sắp nhậm chức Rosa Icela Rodriguez còn nói thêm các gia đình người di cư chắc chắn không bị chia cắt. “Chúng tôi không làm như ở một số nước khác. Tại đây các gia đình sẽ được ở cạnh nhau” - bà Rodriguez nói, ám chỉ, dù không tế nhị lắm, chính sách chia tách người xin tị nạn với con cái của họ ở biên giới Mỹ của chính quyền Trump.

Nhưng không phải chỉ toàn chuyện lãng mạn. Các chính quyền bang và liên bang Mexico từ đó tới nay đã siết chặt kiểm soát biên giới phía nam của họ với Guatemala. Cũng đã có xung đột chết người khi lính biên phòng bắn chết Henry Diaz, người nhập cư 26 tuổi từ Honduras, bằng đạn cao su. Thêm vào đó, nếu nói về tình trạng bạo lực do băng đảng ma túy thì Mexico cũng không thua gì Honduras.

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Nghiệp chướng?

Không hẳn như lời Trump và những người bài nhập cư, nước Mỹ không phải là nạn nhân trong “cuộc xâm lăng” này. Giới ăn trên ngồi trước và nhiều chính trị gia Honduras phải chịu trách nhiệm chính cho tình trạng đất nước hiện tại, nhưng Hoa Kỳ cũng góp phần không nhỏ khi can thiệp tích cực vào khu vực này trong nhiều thập kỷ.

The Conversation giải thích: “Nghèo đói và bất bình đẳng ở Honduras có gốc rễ từ hoạt động của các công ty trái cây Mỹ ở nước này vào thế kỷ 19 và 20. Sự bất ổn hiện nay bắt đầu từ cuộc đảo chính năm 2009 mà chính sách đối ngoại của Mỹ đã góp phần”.

Việc Mỹ nhắm mắt làm ngơ cho cuộc bầu cử gian lận của Tổng thống Honduras đương nhiệm Juan Orlando Hernández (đắc cử năm 2017) cũng là một sự thật nhiều người biết. Kể từ khi ông Hernández lên nắm quyền, bạo lực và đàn áp chính trị đã gia tăng. Qua mối quan hệ thắm thiết với giới tinh hoa bản địa, các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ đã góp một tay vào tất cả những rối loạn dẫn tới các cuộc di cư hàng loạt.

Nhiều thuyết âm mưu về đoàn người đã được đưa ra. Trump và các chính trị gia cánh hữu khác ở Mỹ thậm chí cho rằng đoàn lữ hành được cung cấp ngân quỹ từ “bọn Dân chủ”, hoặc tỉ phú chuyên can thiệp vào chính trị George Soros.

Nhưng hầu hết những người tham gia hành trình nói chuyến đi của họ hoàn toàn tự phát. Động năng đám đông có vẻ tăng lên, sau khi nghị sĩ Honduras Bartolo Fuentes tuyên bố trên mạng xã hội ông sẽ đi theo nhóm 160 người đã bắt đầu chuyến đi nghìn dặm từ những bước chân thứ nhất ở thành phố miền bắc Honduras San Pedro Sula hôm 12-10. Fuentes đã bị bắt ở Guatemala và bị trục xuất trở lại Honduras. Giống như Moses không được vào đất hứa, Fuentes không tới được Mexico, chứ đừng nói là Mỹ, nhưng hàng nghìn người khác đã tiếp tục cuộc hành trình.

Sau khi họ vào Mexico, tổ chức phi chính phủ có cái tên rất hợp Pueblo Sin Fronteras (Con người không biên giới - PSF) tham gia hỗ trợ họ. Alex Mensing, điều phối viên của PSF, xác nhận với USA Today rằng cuộc thiên di này là tự phát, như cá nước chim trời: “Không có ai tổ chức cả. Giống với dân tị nạn Syria, họ không cần ai tổ chức. Đây là một cuộc thiên di của con người”.

Với nhiều người trong đoàn lữ hành, logic rất đơn giản: cuộc sống ở quê nhà không còn chịu đựng được nữa. Hành trình của họ cũng không dễ dàng: những người dễ tổn thương trong đoàn người, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, có nguy cơ cao trở thành mục tiêu của các băng đảng, nạn cưỡng hiếp, cướp bóc và bị đánh đập.

Lối nói hình tượng “cuộc thiên di của con người” là rất đáng suy nghĩ. Trong khi cầm thú không cần tôn trọng các đường biên giới, những bức tường ngày càng mọc lên nhiều - trên thực địa, nhưng quan trọng hơn là trong tâm trí - để chia tách nhân loại.

Hoa Kỳ, có lịch sử hoàn toàn là một quốc gia của người nhập cư, có chính sách đối phó nhập cư biên giới vào loại rộng rãi nhất. Vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ chỉ là một khinh tội (misdemeanor), một tội vặt và mọi người đến biên giới Mỹ đều có quyền tuyên bố mình xin tị nạn, rồi nhập trại chờ cứu xét, ít ra là theo lý thuyết luật định.

Tuy nhiên, chính quyền Trump đã cho thấy họ tư duy và hành động khác với truyền thống đó. Chính sách chia rẽ cha mẹ với con cái những gia đình nhập cư bất hợp pháp, đối sách “không chút khoan dung” (zero-tolerance) và lời đe dọa sẽ chấm dứt việc những đứa trẻ sinh trên lãnh thổ Mỹ nghiễm nhiên có quốc tịch đã gây nhiều xáo trộn. Với Honduras, nước này đã phải đón về lượng người bị trục xuất từ Mỹ kỷ lục: hơn 35.000 người trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 55% so với năm trước.

Nhưng sự chênh lệch mức sống là quá lớn, đến mức rủi ro đủ bù đắp cho lợi ích. Edin Mata, người Honduras bị trục xuất, nói với USA Today rằng ở Miami anh kiếm được 160 USD một ngày khi làm việc tại công trường xây dựng. Giờ trở về Honduras, toàn bộ thu nhập của anh là 4 USD mỗi ngày, bán quần áo ngoài đường phố. “Chúng tôi sống như nô lệ ở Honduras - Mata nói - Ở Mỹ cuộc sống tốt hơn nhiều”. ■

Thách thức với mọi đường biên giới

Dù đoàn lữ hành thu hút nhiều sự chú ý trên truyền thông, xấp xỉ 5.000 con người đó chỉ là giọt nước trong biển cả. Lấy ví dụ, hơn 300.000 người đã bị bắt giữ vì vượt biên bất hợp pháp từ Mexico sang Mỹ vào năm 2017, và đây đã là một con số thấp kỷ lục so với mức đỉnh 1,6 triệu người vào năm 2000.

Quy mô đoàn lữ hành cũng chẳng là gì so với tổng số người di cư trên toàn thế giới - 258 triệu người vào năm 2017 (được định nghĩa là những người hiện không sống ở quốc gia mà họ sinh ra), tăng 49% so với năm 2000, theo báo cáo di cư 2017 của Liên Hiệp Quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận