Doanh nghiệp nhà nước: 3 điều không rõ ràng

TTCN - Trong bối cảnh chuyển sang nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp quốc doanh đã bộc lộ những khuyết tật cơ bản của nó. Vừa xây dựng kinh tế thị trường. VN vừa phải chuyển đổi thói quen của một xã hội nhiều năm dựa vào quốc doanh sang một xã hội dựa vào đa dạng hóa sở hữu trong môi trường cạnh tranh.

Tác phẩm Hội nhập của Nguyễn Văn Thương (Bảo Lộc, Lâm Đồng) 

Quyền tài sản không rõ ràng

Mọi yếu kém của doanh nghiệp nhà nước theo tôi đều bắt nguồn từ quan hệ quyền tài sản không rõ ràng. Thực ra, theo qui định của hiến pháp VN các doanh nghiệp này thuộc sở hữu toàn dân, vì vậy chúng ta phải được gọi là doanh nghiệp thuộc sở hữu toàn dân mới chính xác (1). 

Lập luận rằng nhà nước là người đại diện cho sở hữu toàn dân, từ năm 1991 các văn bản pháp luật nước ta đồng loạt chuyển tên gọi các xí nghiệp quốc doanh thành doanh nghiệp nhà nước, hi vọng làm rõ người quản lý sở hữu toàn dân là nhà nước.

Tuy nhiên, nhà nước cũng là một phạm trù rất trừu tượng, người dân chỉ cảm nhận được nhà nước thông qua các cơ quan của nó, được đại diện bởi những công chức cụ thể và các hành vi của họ. Bởi vậy, nếu giao kết hợp đồng với doanh nghiệp nhà nước, người ta cần biết ai có thẩm quyền kiểm soát những tài sản này. 

Ví dụ: một đối tác nước ngoài muốn liên doanh với doanh nghiệp nhà nước cần biết rõ những cơ quan nào có quyền quyết định liên quan đến việc góp quyền sử dụng đất làm vốn thành lập doanh nghiệp liên doanh. Từ trung ương đến địa phương, có rất nhiều cơ quan có thể can thiệp vào quá trình sử dụng nguồn vốn này.

Do rất nhiều cơ quan có quyền can dự vào việc sử dụng tài sản như vậy, các giao dịch liên quan đến loại tài sản này cần được sự đồng thuận của họ - một công việc tốn kém thời gian và tiền bạc. Chi phí giao dịch gia tăng, dẫn đến các doanh nghiệp nhà nước phản ứng chậm chạp với thay đổi của thị trường và kém tính cạnh tranh. Nếu lô đất góp vào liên doanh thuộc quyền tài sản tư hữu, chủ tài sản có toàn quyền quyết định trong giây lát, song nếu lô đât đó thuộc quyền sử dụng của một doanh nghiệp nhà nước, thì những trình tự lập, trình, lấy ý kiến và xét duyệt dự án khi kéo dài hằng năm.

Thêm nữa, nếu hiểu nhà nước chỉ là một trong những thiết chế đa dạng của hệ thống chính trị, thì tài sản nhà nước đã bắt đầu khác biệt với “sở hữu toàn dân”. Khi các địa phương, từ cấp xã, huyện cho đến cấp tỉnh đều là những cấp hành chính có ngân sách riêng, dần trở nên tự quản, thì tài sản quốc gia sẽ khác với tài sản địa phương. Bộ luật dân sự VN cũng bắt đầu du nhập khái niệm “pháp nhân công quyền”, theo đó các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, đoàn thể cũng được hiểu là pháp nhân, có tài sản độc lập. 

Dường như “sở hữu toàn dân” đang chuyển nhanh sang “tài sản nhà nước”, và trong xu hướng tản quyền cho địa phương, “tài sản nhà nước” có xu thế được phân chia thành “tài sản quốc gia” và “tài sản địa phương”. Tới chừng đó, chủ tài sản đã được tách bạch rõ ràng: quốc lộ thuộc tài sản quốc gia, đường liên tỉnh thuộc tài sản từng tỉnh và đường làng thuộc tài sản của từng làng. 

Tương tự như vậy, sẽ xuất hiện những doanh nghiệp thuộc tài sản của các làng xã, tỉnh hoặc quốc gia. Chúng đều giống nhau ở một điểm hoạt động vì lợi ích công, do vậy có tên chung là doanh nghiệp công. Tuy nhiên, điều này còn rất mơ hồ ở nước ta. 

Vì tải sản không được định nghĩa rõ ràng, nhiêu cơ quan công quyền, ban lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp, các ngân hàng cho vay, khách hàng ai cũng tìm cách kiểm soát tài sản doanh nghiệp nhà nước trong khả năng của mình. Sự mâu thuẫn về lợi ích của rất nhiều chủ thật, chủ hờ là không thể tránh khỏi. Muốn cải cách doanh nghiệp nhà nước, phải bắt đầu từ việc minh bạch hóa ai là chủ đích thực của loại doanh nghiệp này.

Quyền tự chủ kinh doanh không rõ ràng

Doanh nghiệp nhà nước gắn liền số phận của mình với “cơ quan chủ quản”, thường là một bộ hoặc một ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã thành lập, đầu tư vốn và quản lý doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Tài sản doanh nghiệp thường không do vốn của ban lãnh đạo và công nhân viên hợp thành, mà do cơ quan chủ quản cấp - một phần hoặc toàn bộ, do vậy cơ quan này đương nhiên là chủ tài sản và doanh nghiệp được hiểu như một đơn vị kinh doanh thuộc quyền giám sát của họ. 

Trong thời bao cấp, đơn vị kinh doanh có các nghĩa vụ không khác một đơn vị hành chính phụ thuộc, tự lập báo cáo, triển khai kế họach, chịu sự giám sát điều động nhân lực cho đến di chuyển tài sản. Ngày nay, doanh nghiệp có được một sự tự chủ hơn, song từ việc bổ nhiệm các nhân sự chủ chốt, cho đến kế hoạch kinh doanh, các dự án đầu tư... về cơ bản vẫn do cơ quan chủ quản quyết định. 

Cân bằng quyền lực một cách hợp lý giữa ban giám đốc doanh nghiêp và cơ quan chủ quản sẽ còn là một mối lo lắng lâu dài ở nước ta. Nếu quyền lực tập trung về cơ quan chủ quản, cơ quan nhà nước trở thành nơi quyết định kinh doanh, còn doanh nghiệp chỉ là đơn vị thực thi. Nếu quyền lực rơi vào ban giám đốc, khả năng các giám đốc lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân tăng lên (2). Trong cả hai trường hợp lợi ích công cộng đều không được đáp ứng thỏa đáng.

Thực trạng cơ quan hành chính phải đảm đương nhiều chức năng kinh doanh thay cho doanh nghiệp, không thể dành toàn bộ thời gian và nhân lực cho các hoạt động điều tiết vĩ mô đang dẫn đến một thực trạng các doanh nghiệp trở nên thụ động và các cơ quan hành chính thì phải làm những phần việc không đúng với chức năng của mình. Đây là một di sản của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chưa thể xóa nổi trong thời gian chuyển đổi. 

Hơn nữa, khi mà chế độ lương cho công chức còn quá thấp, thì những lợi ích kinh tế từ việc quản lý khối doanh nghiệp phụ thuộc có khi trở nên cần thiết để nuôi sống nhân lực của cơ quan chủ quản. Bởi vậy không một cơ quan nào tự nguyện từ bỏ chức năng này (3). Các cục quản lý công sản được thành lập, rồi vội vã tái sáp nhập và rút lui hoạt động của mình cuối những năm 90 cho thấy chủ trương xóa bỏ cơ chế chủ quản không thể thực hiện được dễ dàng.

Quan hệ đại diện không rõ ràng

Trong thực tiễn, để cạnh tranh và tồn tại, các doanh nghiệp buộc phải tìm mọi cách để huy động vốn và tổ chức kinh doanh có lãi, trước hết vì lợi ích của cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp. So với vốn ban đầu do cơ quan chủ quản cấp, tài sản của nhiều doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng. 

Ban lãnh đạo và người lao động trong doanh nghiệp đương nhiên phải tìm cách bảo vệ lợi ích kinh tế của mình; ngày càng xuất hiện nhiều hơn yêu cầu tài sản do doanh nghiệp quản lý là thuộc doanh nghiệp. Giành lấy sự tự do trong điều hành, chế độ lương, phụ cấp, phúc lợi... trong các doanh nghiệp nhà nước tuy cùng dựa trên một qui chế chung, song đã trở nên khá xa nhau. 

Nhân viên ngành dầu khí, viễn thông hay hàng không co mức lương thu nhập thực tế đương nhiên khác xa so với nhân viên của một công ty môi trường đô thị. Phần vì bất lực, phần cũng vì thuận tiện trong thực tế, một cơ chế khoán ngầm đã dần trở nên rất phổ biến: cơ quan chủ quản “giao khoán” cho doanh nghiệp phải đạt những chỉ tiêu nhất định, ban giám đốc “giao khoán” cho các bộ phận, phân xưởng, doanh nghiệp “giao khoán” cho các chi nhánh, chi nhánh “giao khoán” cho nhân viên. Điều ngạc nhiên là pháp luật hiện hành về doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn không có qui định về hiện tượng này: không cho phép mà cũng không cấm.

Một cơ chế như vậy có phần tích cực làm đa dạng hóa quyền kiểm soát tài sản, phân bổ rủi ro và khuyến khích năng động trong kinh doanh, song cũng dẫn đến những quan hệ đại diện không rõ ràng, bất lợi cho đối tác kinh doanh. Khi giám đốc các chi nhánh xuất hiện như những đại diện được ủy quyền của doanh nghiệp nhà nước, các đối tac thường không lường được những rắc rối về pháp luật khi tranh chấp xảy ra. 

Thêm nữa, cơ chế khoán có thể làm mất đi sức mạnh của toàn doanh nghiệp. Như những người nông dân, từng đơn vị nhận khoán “canh tác” trên mảnh đất của mình, đôi khi cạnh tranh và triệt tiêu lẫn nhau, làm mồi cho các đối tác bên ngoài tận dụng để ép buộc trong kinh doanh. 

Thực tế kinh doanh và xuất khẩu hải sản, kinh doanh du lịch và nhiều ngành khác có thể cung cấp dẫn chứng cho một nhận xét như vậy. Khi cơ chế quản lý trở nên xơ cứng, người VN tự phát tận dụng những tư duy kinh doanh có sẵn, song cung cách kinh doanh này về cơ bản rất lạc hậu trước sự liên kết ngày càng tinh vi của tư bản nước ngoài.

Những lực cản của cơ chế cũ

Không chỉ là một nước chậm phát triển, VN còn là một nước chuyển đổi. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã để lại những di sản nặng nề trong nếp nghĩ của cán bộ quản lý và nhân viên người VN. Nếu không đẩy lùi, nếp nghĩ này tạo ra một lực cản đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế. 

Từ khi pháp lệnh cán bộ, công chức 1996 có hiệu lực, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước mới được tách ra khỏi đội ngũ công chức nhà nước. Mặc dù vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp từ cơ sở đến tổng công ty vẫn được bổ nhiệm và luân chuyển theo những qui chế của công chức và dưới sự sắp đặt của các ban tổ chức cán bộ của Đảng. 

Không góp vốn trong công ty, có mức lương không gắn liền với hiệu quả kinh doanh, không chịu trách nhiệm vật chất trực tiếp cho công việc quản lý của mình, không hiếm khi các giám đốc thường lo toan giữ quan hệ thật mật thiết với các cơ quan chủ quản để bảo vệ chức vụ của mình hơn là dành toàn tâm lực vì lợi ích doanh nghiệp.

Xuất phát từ tâm lý dựa dẫm vào nhà nước, những người trẻ tuổi ở nước ta vẫn mong ước được làm việc tại doanh nghiệp nha nước hơn là làm việc cho tư nhân. Trong một xã hội mà các thiết chế an sinh xã hội còn rất sơ khai, mất việc làm đồng nghĩa với mất nguồn sống và chỗ đứng trong xã hội. Lo sợ mất việc làm, người lao động có thể trở thành một lực cản quan trọng đối với các chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Thêm nữa, chính sách lương bình quân được áp dụng trong nhiều năm không khuyến khích nhân tài và cải tiến kỹ thuật, không tạo ra trách nhiệm cua người lao động với chất lượng sản phẩm. 

Hơn một thập niên cải cách doanh nghiệp nhà nước dường như chưa tạo ra được một đội ngũ người lao động tự chịu trách nhiệm, tự đào tạo, có kỷ luật và gắn trách nhiệm cũng như cuộc đời của mình đối với doanh nghiệp.

Tham khảo:

(1) Pháp luật phương Tây thường dùng thuật ngữ doanh nghiệp công, hoặc doanh nghiệp có một phần sở hữu nhà nước, bao gồm: các doanh nghiệp do nhà nước chiếm cổ phần chi phối, các cơ quan công quản: Authority, Establissement, Anstalt, và nhiều hình thức khác hoạt động vì mục đích công cộng. 

(2) Các vụ án và thua lỗ của TCT Dệt Nam Định, TCT Dâu tằm tơ Bảo Lộc, TCT Da giày, TCT Ximăng là vài ví dụ minh họa. Bộ nganh níu kéo quyền chủ quản doanh nghiệp, báo Đầu Tư, ngày 7-11-2002. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận