Doanh nghiệp nhà nước vào TPP minh bạch đến độ nào?

TTCT - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đưa ra nhiều điều khoản yêu cầu về công khai và minh bạch, trong đó có quy định công khai và minh bạch giao dịch và tài chính của DNNN. Đây chính là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc và sàng lọc lại hệ thống DNNN.

m
 

Sao chỉ có 28% giao dịch được công khai?

Khác với các quốc gia phát triển, các DNNN của Việt Nam đang hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ, chỉ một số ít hoạt động trong lĩnh vực công ích. Hai lĩnh vực có số lượng DNNN lớn nhất là sản xuất công nghiệp (247 DN, chiếm 18,9%) và thương mại, dịch vụ và khác (200 DN, chiếm 15,3%).

Không chỉ trải rộng trên nhiều ngành nghề và lĩnh vực, khu vực DNNN của Việt Nam còn có quy mô quá lớn. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), khu vực DNNN của Việt Nam đóng góp tới gần 30% GDP của cả nền kinh tế. Trong khi đó, tỉ trọng này ở các nước công nghiệp phát triển trung bình ở mức dưới 10%, còn ở các nước đang phát triển tỉ lệ này ở mức trên 10%.

Bên cạnh vấn đề về quy mô, vấn đề công khai, minh bạch thông tin của các DNNN cho đến nay cũng chưa được tuân thủ nghiêm túc. Một khảo sát về quản trị DNNN cũng do CIEM tiến hành với 400 DNNN trong nước (gồm cả DN 100% vốn nhà nước và DNNN đa sở hữu) cho thấy chỉ có khoảng 28% các giao dịch kinh doanh của DN 100% vốn nhà nước được công khai.

Khoảng 27% giao dịch mua bán cổ phần của DN hoặc DN khác trong tập đoàn từ phía hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị và ban giám đốc được công khai. Có tới hơn 80% DNNN không gửi báo cáo tài chính hằng năm cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Số DNNN không thực hiện yêu cầu gửi báo cáo này cho cơ quan tài chính cũng lên tới khoảng 40%.

TPP sẽ giúp cổ phần hóa thực chất

TPP dành hẳn một chương trong hiệp định quy định về hoạt động của các DNNN. Về cơ bản, chương này yêu cầu: (i) tạo sân chơi bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân; (ii) không can thiệp đến hình thức thành phần kinh tế của một quốc gia; (iii) chỉ chi phối hành vi của DNNN để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho khu vực tư nhân.

Như vậy, TPP thừa nhận sự tồn tại của khu vực DNNN nhưng cam kết sẽ loại bỏ những lợi thế mà nhiều quốc gia đang dành cho các DNNN như lợi thế về tiếp cận vốn, đất đai, được chính phủ ưu tiên mua sắm, về độc quyền thị trường...

Sau khi TPP có hiệu lực, các DNNN sẽ không còn được ưu ái như trước nên sẽ buộc phải thay đổi cách thức hoạt động hiệu quả hơn để cạnh tranh với các DN tư nhân trong nước và nước ngoài trên tất cả các lĩnh vực. Các DN tư nhân sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển và mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực mà hiện khu vực DNNN vẫn gần như độc quyền.

Các nội dung trên của TPP hoàn toàn trùng khớp với định hướng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó có chủ trương cải cách mạnh mẽ khu vực DNNN, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Theo nghĩa này, cam kết của Việt Nam khi tham gia TPP đóng vai trò như là một áp lực “cứng” từ bên ngoài, không cho khu vực DNNN cũng như các cơ quan có liên quan con đường lùi hoặc hoãn binh trong việc cải cách.

Nỗ lực minh bạch ở đây sẽ phải đến từ cả phía DNNN và Nhà nước

“Với Việt Nam, dịch vụ công và DNNN không phải đơn giản có thể thay đổi và cải cách ngay được khi chưa có một áp lực từ hội nhập từ bên ngoài. Với ngành điện, xăng dầu hay vận tải, nếu vào TPP, đây sẽ là những ngành chịu áp lực cải cách mạnh quyết định nhất” - theo ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng CIEM.

Về phía DNNN, minh bạch báo cáo tài chính, minh bạch các giao dịch mua bán cổ phần và có chiến lược phát triển rõ ràng sẽ giúp DNNN hội nhập nhanh hơn.

Minh bạch thông tin trước hết sẽ giúp cải thiện chính việc quản trị trong nội bộ công ty; mặt khác, việc này sẽ giúp quá trình cổ phần hóa thuận lợi hơn khi các nhà đầu tư có thể nắm được định hướng chiến lược của DNNN để đưa ra quyết định đầu tư.

Việc xóa bỏ hầu hết các lợi thế cũng như vị thế độc quyền của DNNN cũng buộc DNNN phải xây dựng lại chiến lược phát triển.

Nếu như trước đây hoạt động cổ phần hóa vẫn “bình mới rượu cũ” thì sân chơi mới này sẽ đòi hỏi các DNNN phải thay đổi chiến lược quản trị và hoạt động như một DN tư nhân thực thụ, nhất là đối với các lĩnh vực vốn là độc quyền của khu vực DNNN như điện, xăng dầu...

Về phía Chính phủ, việc minh bạch thông tin nên tập trung vào việc công khai chính sách hỗ trợ DNNN. Việc này vừa đúng với tinh thần của cam kết trong TPP, vừa tạo động lực mới để DNNN tiến hành cải cách khi mà cơ hội nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước đã dần khép lại. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận