Đối diện một đồng bằng bị thương tổn: Phải liên kết để thịnh vượng

THỦY NGUYỄN 14/07/2016 03:07 GMT+7

TTCT - Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2016 vừa diễn ra cuối tháng 6, quy tụ các lãnh đạo cao nhất của Chính phủ và bộ ngành, Ngân hàng Thế giới, nhiều đối tác phát triển, các nhà tư vấn, doanh nghiệp, giới nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ. Tất cả đối mặt với một sự thật: ĐBSCL đang và sẽ bị tổn thương rất lớn do biến đổi khí hậu.

Các thửa ruộng không nhất thiết phải dành cho trồng lúa, nông dân không nhất định phải thâm canh 3 vụ-Vân Trường
Các thửa ruộng không nhất thiết phải dành cho trồng lúa, nông dân không nhất định phải thâm canh 3 vụ-Vân Trường

Đề bài được đưa ra: nền sản xuất nơi đây cần phải thay đổi mạnh mẽ về phương cách và chất lượng để hướng tới sự phát triển thịnh vượng và bền vững. Sinh kế của gần 18 triệu dân sinh sống trong vùng ĐBSCL vốn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nước và đất tự nhiên. Sự thay đổi về chất lượng quản lý nhà nước và địa phương sẽ thay đổi chất lượng cuộc sống của họ.

Quyết định của chính phủ chưa đủ

Vùng ĐBSCL vốn hấp dẫn nhiều đối tác phát triển quốc tế. Họ là các đơn vị cho vay vốn, tài trợ vốn, kỹ thuật, đã gắn bó với VN nhiều chục năm như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hà Lan, Đức, Pháp, Úc, Mỹ.

Đối tác nào bước vào công cuộc này cũng gặp muôn vàn khó khăn. Trước đó, 15 đơn vị đối tác phát triển đã đưa ra một tuyên bố chung về điều phối vùng tại VN - “yếu tố then chốt cho các giải pháp liên tỉnh và liên ngành”.

Để cải thiện điều phối vùng, khâu trọng yếu là cải thiện quản lý sử dụng đất, nước và quy hoạch không gian. Việc này đòi hỏi thể chế mạnh, tầm nhìn chung theo điều kiện tự nhiên toàn vùng, nhưng thực tế lại đang bị chia nhỏ theo đường ranh giới giữa các tỉnh.

“Nỗi khổ quy hoạch” được các đại biểu VN diễn giải một cách dễ hiểu: quy hoạch chồng chéo chức năng giữa các bộ trung ương, phân định manh mún giữa các địa phương, và cuối cùng là các quyết định đầu tư sẽ bị xé lẻ, kém hiệu quả.

Quyết định 593/QĐ-TTG về Quy chế thí điểm phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL mới ban hành hồi tháng 4, mở đường cho việc “phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản với quy mô lớn theo chuỗi giá trị”.

Vẫn biết đây là việc quá mới mẻ, nhưng cứ đi ắt sẽ thành đường. Nhóm thảo luận là những nhà quản lý địa phương, người làm chính sách đã đưa ra kiến nghị mạnh mẽ hơn: để thực hiện được việc liên kết vùng, quyết định trên của Chính phủ là chưa đủ, mà cần có thêm một nghị quyết đưa ra bởi Bộ Chính trị. Vì sao ư? Có thể các đối tác quốc tế không thể hiểu hết. Đó là đặc trưng riêng của VN. Và đó là góp ý tâm huyết của những người làm tư vấn chính sách ở VN.

Về nỗi ám ảnh “an ninh lương thực”

Nếu như trong Diễn đàn ĐBSCL năm 2015, các nhà phân tích vẫn còn phải trăn trở nhiều với khái niệm về “an ninh lương thực”, rằng có nhất thiết phải hiểu an ninh lương thực một cách cứng nhắc là tăng sản lượng lúa gạo hay không, thì đến diễn đàn năm nay, các thảo luận đã rộng mở hơn hẳn. “Nông nghiệp thông minh”, phát triển bền vững, hiệu suất cao, giá trị kinh tế lớn, khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu... được nhấn mạnh.

Sang thế kỷ 21, nỗi lo thiếu đói trong nước không còn quá ám ảnh nữa, giấc mơ làm giàu đang nhen nhóm thì định hướng nông nghiệp của Nhà nước cũng cần phải thay đổi. Các thửa ruộng không nhất thiết phải dành cho trồng lúa, nông dân không nhất định phải thâm canh 3 vụ.

Các mô hình giới thiệu trong diễn đàn 2016 hướng đến những vùng canh tác đa dạng lúa - tôm - màu xen kẽ, kết hợp trồng rừng ngập mặn, phù hợp với điều kiện nước ngọt - lợ - mặn. Khuyến nông cần phải “khuyến” cả nhà khoa học và doanh nghiệp vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Hơn bao giờ hết, ước vọng của doanh nhân và hộ kinh doanh lớn là dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng lớn để canh tác lớn, dựa trên nguyện vọng và năng lực của nông dân, hoàn toàn khác xa với ý chí chính trị “chia lại ruộng đất” thô bạo. Giải quyết những bức xúc về cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ là một phần đáng kể trong nút thắt này.

Đề tài thảo luận về lựa chọn giải pháp đầu tư đặt lại vấn đề về tư tưởng “đấu lại sức trời” bằng những công trình kiên cố. Bài trình bày của bà cựu bộ trưởng môi trường và quy hoạch của Hà Lan Tineke Huizinga-Heringa có sức đánh động lớn.

Bà đưa ra ví dụ về các đại công trình đê biển của Hà Lan đã ngạo nghễ đứng vững cả nhiều chục năm qua, và những hệ quả của chúng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Những công trình này đã can thiệp mạnh vào sự vận động tự nhiên vùng bờ biển, biến đổi điều kiện sống của nhiều loài thủy sinh.

Hà Lan đang phải điều chỉnh các công trình này theo hướng vận hành linh động hơn, tôn trọng và tận dụng tự nhiên hơn, do đó sẽ càng phù hợp hơn với các điều kiện biến đổi khí hậu. Thông điệp rõ nét mà bà cựu bộ trưởng gửi gắm là VN không nên lặp lại bài học của Hà Lan.

Hướng tiếp cận mới về việc xây dựng các công trình hạ tầng là sự linh hoạt, cẩn trọng, nương theo tự nhiên, để mở nhiều khả năng điều chỉnh trong tương lai. Điều này cũng được phản ánh trong các công trình đê đập mới ở Hà Lan, với các thiết kế trục xoay thông minh, đóng mở thuận tiện, dành nhiều không gian cho nước, tạo ra các vùng luân chuyển tự nhiên hài hòa.

Nạn khô hạn đầu năm 2016 gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng đã dạy chúng ta một bài học thuyết phục. Điều mà một trăm năm trước con người chưa chắc lắm - biến đổi khí hậu, đang trở nên rất rõ nét hiện nay và còn tiếp tục biến thiên trong tương lai. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận