Đổi mới từ người thầy: Các giáo viên nói gì?

VĨNH HÀ - THƯ HIÊN 19/11/2012 23:11 GMT+7

TTCT - Là những người thực thi chủ chốt cả Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 (bắt đầu triển khai từ năm học 2012-2013) lẫn đề án đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện (sắp tới), nhiều thầy cô giáo khẳng định: “Đổi mới từ người thầy là việc quan trọng nhất trong rất nhiều việc lớn nhỏ cùng lúc đặt ra thời gian qua”.

Những suy nghĩ, mong mỏi của họ đều giản dị và thiết thực, trái ngược với rất nhiều định hướng to tát và phức tạp... của ngành giáo dục hiện nay.

“Phần đông nhà giáo cần được công bằng trong đối xử” - thầy Vương Gia Thắng (ảnh), giáo viên vật lý Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), mong mỏi - Ảnh: Nguyễn Khánh

Một bài giảng có thể trở nên thú vị, lôi cuốn, khiến học sinh thích học, nhớ lâu nhưng cũng có thể rất nặng nề, căng thẳng; một bài học đạo đức được đáp lại bằng thái độ đối phó, hình thức hay thắp lên ngọn lửa trong tim nhiều học sinh, điều đó chủ yếu dựa vào “nghệ thuật của người thầy”.

Tìm lại vị thế người thầy

Thích môn học vì yêu thầy cô

Học sinh chúng em yêu môn học vì yêu thầy cô giáo. Thầy cô tính tình hiền hòa, cởi mở, cách dạy học dễ hiểu, hấp dẫn khiến chúng em thích học. Vì thích học nên sẽ nhớ lâu bài học. Qua thông tin chúng em được đọc, được nghe thì thầy cô đang sống vất vả quá, vì thế thầy cô phải dạy thêm. Chúng em từng có ý nghĩ “học ở trường là học thêm, học ở lớp học thêm mới là học chính thức”.

NGUYỄN NGỌC ANH(học sinh Trường THPT Kim Liên)

Thầy Đàm Hiếu Chiến, một trong những giáo viên kỳ cựu dạy chuyên toán của Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội), kể ông đã dạy rất nhiều thế hệ học sinh chuyên toán giỏi hơn 20 năm qua, chứng kiến hầu hết các em chọn những nghề nghiệp dễ phát triển sự nghiệp và có thu nhập tốt hoặc đi học nước ngoài.

“Tôi có một học trò chuyên toán duy nhất chọn nghề sư phạm và tình nguyện về trường phổ thông dạy học, trong khi nhiều nơi khác “trải thảm đỏ” mời em làm việc. Trong thâm tâm tôi rất mừng, nhưng nhìn vào những bất cập trong cơ chế hiện nay tôi lại muốn khuyên em ấy đừng bỏ qua những cơ hội tốt hơn. Vì tôi biết rất có thể tài năng, tâm huyết của thầy giáo trẻ đó sẽ bị mai một”- thầy Chiến chia sẻ.

Cho rằng việc khôi phục vị thế của nhà giáo là việc quan trọng trong việc thay đổi những bất cập của giáo dục hiện nay, thầy Hồ Tuấn Anh, giáo viên lịch sử Trường THPT Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho biết với công việc của một nhà giáo, ông chỉ mong đổi mới lần này giúp các giáo viên có “lương đủ sống, làm nghề đàng hoàng, được xã hội nhìn nhận đúng, nhân cách nhà giáo được tôn trọng”.

Ông cho biết: “Tôi gần 20 năm đi dạy nên thu nhập được 6 triệu đồng/tháng, gọi là đủ sống ở nông thôn. Trường vợ tôi dạy - tiểu học Quỳnh Phương B - có những giáo viên hợp đồng hơn chục năm vẫn chưa được vào biên chế, lương hợp đồng không quá 2 triệu đồng/tháng, lo cái ăn cũng đủ cơ cực lắm rồi”. 

Câu chuyện lương thấp, cơ chế đãi ngộ theo kiểu cào bằng, thậm chí thiếu công bằng với những người có cống hiến thật sự, nhiều khuất tất, tiêu cực ở đội ngũ quản lý các cấp làm niềm tin ở những người trực tiếp đứng trên bục giảng bị suy giảm... được rất nhiều giáo viên đề cập trong bức xúc.

“Phần đông nhà giáo không đòi hỏi nhiều tiền, họ cần sự công bằng trong đối xử: là người đóng góp nhiều phải được ghi nhận, là người đứng đầu, người quản lý phải đủ tài đủ đức, là nhìn nhận khách quan về lao động của người thầy” - thầy Vương Gia Thắng, giáo viên dạy vật lý Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói. Ông cho rằng để vị thế người thầy được coi trọng, việc đào tạo giáo viên, giữ gìn vị thế người thầy phải trở thành một ưu tiên đặc biệt.

“Không chỉ cần được đào tạo đúng với đặc thù bậc học, người vào nghề sư phạm cần có cam kết tinh thần để đón nhận một nghề nhiều hi sinh hơn là hưởng thụ, yêu thương học sinh hơn lợi ích bản thân mình” - thầy Thắng nói.

Bỏ lối mòn bóp nghẹt sáng tạo

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng phát biểu trên thông tin đại chúng là “giáo viên có thể thoát ly sách giáo khoa để dạy học sáng tạo”. “Nếu chúng tôi thật sự có thể được như thế thì tốt quá. Nhưng các lãnh đạo trung ương phải về trường mới hiểu vì sao chúng tôi không được thoát ly” - một giáo viên THPT ở Hải Phòng cho biết.

Phàn nàn về thực tế người thầy ở bậc phổ thông khó phát huy được năng lực, sáng tạo, nhiều nhà giáo đã có nhận xét giống nhau về những quy định quá cứng nhắc trong phân phối chương trình, soạn giáo án, trong các tiêu chí đánh giá giáo viên, quy định về họp hành, báo cáo...

“Rất nhiều quy định choán hết thời gian của giáo viên nhưng chỉ mang tính hình thức, đối phó. Nhưng nếu giáo viên định thay đổi sẽ không thể yên ổn khi bị thanh tra sư phạm” - một giáo viên cho biết.

Và “quy định lấy giáo án để chấm giáo viên là quy định dở nhất hiện nay - thầy Đàm Hiếu Chiến nhận xét - Một giờ dạy có tốt hay không phải xem họ dạy trên lớp thế nào. Đằng này lại đi kiểm tra giáo án theo mẫu, trong đó có những quy định cụ thể tới mức không thể nào thực hiện nổi. Giáo án chỉ là bản nháp, còn nội dung dạy học, nghệ thuật dạy học là thứ được đúc rút đặc biệt trong mỗi người thầy”.

Hành chính hóa việc đánh giá giáo viên khiến nhiều “sáng kiến, kinh nghiệm” hiện nay là do giáo viên sưu tầm, chép lại của nhau. “Chúng tôi khổ vì họp hành nhiều và nặng nề, khổ vì luôn phải chuẩn bị hồ sơ giáo án chuẩn - cô giáo Đào Hà Lan cho biết - Đổi mới giáo dục bây giờ hãy bắt đầu từ việc đánh giá giáo viên từ chính sản phẩm giáo dục. Đánh giá này có thể thực hiện từ kênh nhà quản lý đánh giá hoặc từ chính học sinh đánh giá giáo viên”.

Chữa bệnh “Bội thực”

Theo nhiều thầy cô giáo, từ sai lầm của các nhà quản lý, nhà trường phổ thông đang chạy theo hai điều nhầm lẫn: Thứ nhất là nhầm lẫn về mục tiêu giáo dục toàn diện, thứ hai là nhầm về mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học bằng công nghệ hiện đại. Sự nhầm lẫn làm gia tăng “bệnh bội thực” cho cả người học và người dạy.

Chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình bậc giáo dục trung học nói riêng đặt ra mục tiêu “toàn diện” nên bắt học sinh học 12-13 môn học, môn nào cũng ôm đồm kiến thức, trong đó rất nhiều kiến thức chuyên sâu và hàn lâm chưa cần thiết. 

Tiêu chí đánh giá học sinh cũng đòi hỏi mọi học sinh muốn đạt học lực giỏi phải học tốt tất cả các môn khiến các em đối phó, chạy theo điểm số. Trong khi thực chất việc giáo dục “toàn diện” phải là dạy cho học sinh biết cách để chung sống trong cộng đồng, có những kỹ năng cần biết để sống, lao động, hòa đồng, vượt lên khó khăn...

Kinh nghiệm của thầy Vương Gia Thắng chứng thực điều này: “Khi kiểm tra vật lý một tiết, các em làm bài rất nhanh và tốt, nhiều em đạt điểm 9, 10. Nhưng sau một tháng, tôi bất ngờ kiểm tra lại, phần lớn các em quên hết kiến thức. Điều này cho thấy học sinh đang học để đối phó, điều trở thành kiến thức thật của các em không là bao”.

Khó khăn của người học cũng là khó của người dạy. Thầy Thắng kể: “Khi còn là giáo viên dạy ở Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), một trường nổi tiếng có nhiều học sinh hư, tôi mới thấy người thầy cần dành nhiều thời gian để dạy những điều khác ngoài chương trình quy định. Chứng kiến một học sinh vứt bút bi còn mực xuống đất, tôi nhặt lên. Em học sinh hỏi: “Thầy không có bút hả thầy?”. Tôi để cái hộp trên bàn giáo viên và bảo: “Lần sau em nào định vứt bút còn dùng được thì hãy để vào đây. Khi nào có người cần đến thì chúng ta cho họ”. Từ đó, nhiều học sinh đã làm theo lời tôi. Có thể đó là một bài học về tiết kiệm mà nhiều người lớn quên dạy cho học sinh”.

Quan niệm sai về “đổi mới phương pháp dạy học” cũng tạo nên nhiều chuyện bi hài ở các nhà trường phổ thông. Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên dạy văn THCS, băn khoăn: “Một thời gian dài chúng tôi bị chỉ đạo “đổi mới thì phải áp dụng công nghệ thông tin”, nhưng tôi thật không hiểu một giờ bình giảng văn, dùng Power Point để chiếu một bài thơ, một bài soạn của giáo viên lên cho học sinh xem thì liệu có ích gì? Nhưng nếu không làm thì “không đổi mới”. Công nghệ đang là thứ để đánh giá giáo viên, cộng thành tích cho các nhà trường, một kiểu sắm bể cá vàng chỉ để ngắm”.

Nỗi băn khoăn mang tên... sách giáo khoa

Vài năm trước, sách giáo khoa (SGK) được phổ biến trong toàn ngành là pháp lệnh, không thể không theo. Bây giờ, người dạy lại được phổ biến “sách chuẩn kiến thức” mới là pháp lệnh. Lạ là mỗi nơi hiểu thế nào là pháp lệnh một kiểu.

SGK sử dụng hiện nay đã được biên soạn kỹ đến độ cứ trước mỗi kiến thức cần cung cấp, sau mỗi ý, mỗi đoạn là có câu hỏi gợi ý, sơ kết, người dạy phải theo đó mà thực hiện. Giáo viên nào đột phá, sáng tạo câu hỏi mới không có trong SGK thường không được sự hưởng ứng của đồng nghiệp, của thanh tra dự giờ.

Khi học ở trường sư phạm, các giáo viên tương lai đã được yêu cầu không được thoát ly sách giáo viên, bây giờ là “sách chuẩn kiến thức” nên khi ra dạy dần mất thói quen tự suy nghĩ và sự sáng tạo. Thay vì biên soạn một bộ SGK ghi sẵn mọi trình tự, phương pháp, thời gian, kiến thức truyền đạt..., nên chăng Bộ GD-ĐT chỉ cần hướng dẫn phần kiến thức trọng tâm cần có, còn lại mọi việc nên để người dạy chủ động từ phương pháp, thời lượng dạy đến hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh? Chưa kể trong điều kiện cơ sở vật chất của toàn ngành chưa đầy đủ, việc yêu cầu dạy y như sách cho tất cả các nơi là không thể.

Ở tỉnh tôi có suýt soát 200 trường THCS và THPT, nhưng hiện chỉ có 10% số đó được trang bị phòng lab để phục vụ việc dạy và học tiếng Anh, số còn lại chỉ còn cách cho học sinh luyện nghe, nói qua máy CD dù bài soạn có ghi rõ như sách là sử dụng phòng lab... Theo thông lệ, cứ 10 năm SGK sẽ được viết lại nên những số liệu trong sách không còn thuyết phục. Nếu để người dạy chủ động cập nhật, điều chỉnh, bài giảng sẽ hợp lý, hiệu quả hơn. Hoạt động của thầy và trò sẽ tùy theo trình độ tiếp thu của học sinh, tùy cơ sở vật chất của nhà trường.

Rất cần có nhiều hơn một bộ SGK để giáo viên có thể tham khảo và vận dụng vào tình hình thực tế địa phương. Có như thế mới xóa được hiện trạng giáo viên cả nước soạn bài một mẫu, dạy học khi ấy mới có cơ hội trở thành “nghệ thuật sư phạm”.

NGUYỄN TRUNG NGUYÊN (Đồng Tháp)

Nỗi sợ của người thầy

Thầy cô giáo gần học sinh của mình bằng tình cảm nhưng vẫn cần nhớ mình luôn là hình mẫu cho học sinh. Học sinh không thể nể phục một người làm thầy mà chỉ toàn những giờ dạy nhạt nhòa. Sự vững vàng, rộng mở về chuyên môn là tối quan trọng với người làm thầy. Dù rời trường đại học từ lâu thì hành trình “học tập không bảng điểm” của mỗi “cựu sinh viên sư phạm” vẫn không ngừng. Tự học là việc đồng hành cùng năm tháng. Người làm thầy mà không học, kiến thức sẽ dần trơ lì, yên tâm với những gì đã có. Trong khi những cái ngỡ có ấy đã hao hụt theo thời gian.

Tôi có một đồng nghiệp vong niên, thầy bị huyết áp cao lâu năm nhưng vẫn luôn là người say sưa đốt cháy mình trong các bài giảng văn. Và thầy đã gục xuống, trút hơi thở cuối trên bục giảng khi đang bình một tác phẩm văn chương. Không hiểu sao khi nghĩ đến bục giảng, tôi không nghĩ nhiều về những thành công suôn sẻ mà còn hay nghĩ đến những giọt mồ hôi, nỗi sợ hãi cô đơn khi bài dạy không có sự cộng hưởng.

Cô giáo NGUYỄN KIM ANH(Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội)

___________

Lớp chất lượng cao K54 khoa toán tin (ĐH Sư phạm Hà Nội) gồm 17 người, chỉ Bùi Mạnh Tùng (SN 1986) trở về dạy toán phổ thông và lại là cấp THCS. Người thầy trẻ này cho biết vẫn đang rất hào hứng với nghề “gõ đầu trẻ”, cảm thấy ngọn lửa tình yêu với môn học của mình được lan tỏa trong học trò nhưng không dám chắc mình đủ kiên trì để gắn bó mãi với nghề...

Cô trò Trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong giờ học hóa học - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thầy Bùi Mạnh Tùng - Ảnh: Thu Hiên

Thầy Tùng chia sẻ: “Bạn bè và gia đình tôi, kể cả mẹ - một giáo viên, không ai ủng hộ khi tôi thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cả Trường THPT Thăng Long, Hà Nội năm đó gần như không có bạn nào thi vào sư phạm. Lúc đó tôi chưa có cảm nhận gì cụ thể về nghề giáo, lại có thể chọn bất cứ trường nào với sức học của mình hồi đó (thi ĐH đạt 29 điểm/3 môn), nhưng tôi rất yêu môn toán. Đó là động lực để tôi quyết tâm thi sư phạm”.

* Nhiều nơi khác đào tạo toán chứ đâu chỉ sư phạm?

- Khi còn học phổ thông, tôi được tiếp xúc với một số thầy ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội như phó giáo sư Dương Quốc Việt, tôi thấy các thầy rất giỏi và rất ngưỡng mộ các thầy. Các thầy cho biết Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có môi trường rất tốt. Thực tế đúng như vậy, bên cạnh công tác giảng dạy thì các thầy rất mạnh về nghiên cứu khoa học cơ bản.

* Thầy Đàm Hiếu Chiến, một trong những thầy dạy cũ của giáo sư Ngô Bảo Châu hồi ở Trường THCS Trưng Vương, nói rằng thầy rất mừng vì có người giỏi toán như Tùng tiếp nối sự nghiệp dạy toán ở phổ thông của các thầy, nhưng lại cảm thấy tiếc cho cá nhân Tùng vì e ngại với một cơ chế sử dụng con người như hiện nay trong ngành giáo dục, năng lực cá nhân của Tùng sẽ khó có đất phát triển...

- Thầy Chiến không chỉ tiếc nuối mà còn rất giận vì tôi bỏ lỡ cơ hội được đi học tiếp ở Mỹ. Năm 2008, tôi được Trường ĐH TH Wisconsin (Hoa Kỳ) cho một suất học bổng toàn phần làm nghiên cứu sinh năm năm. Lần đầu tôi thi tiếng Anh không đạt. Tôi được Trường Wisconsin cho bảo lưu một năm để thi ngoại ngữ lần 2. Nhưng rồi bố tôi ốm rất nặng, là con cả, gia đình lại không khá giả nên tôi quyết định không tham gia kỳ thi ngoại ngữ lần 2. Muốn được giữ lại giảng dạy chính thức ở trường sư phạm thì tôi phải làm nghiên cứu sinh luôn, trong khi cuộc sống của tôi lúc đó cần có những tính toán thực tế hơn.

Thầy Chiến, lúc đó là phó hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, bảo tôi về dạy toán với thầy. Ban đầu, tôi không thấy hào hứng với những việc tỉ mỉ của một giáo viên THCS. Dạy học sinh lớp 6, mình đọc một đề bài toán 3-4 lần mà các em chép cũng không xong thì cảm thấy mệt mỏi. Nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy gắn bó hơn với công việc, thấy yêu bọn trẻ con tầm tuổi ấy. Điều quan trọng nhất là tôi thấy mình rất có ích khi dạy cho những học sinh có tố chất tốt về toán cách tư duy và chứng kiến tư duy các em trưởng thành hằng ngày. Các em rất thông minh, hào hứng tiếp nhận kiến thức.

Khi còn là học sinh phổ thông, tôi đã suy nghĩ, trăn trở và cũng thấy rất lý thú với nhiều mảng nội dung trong môn toán. Khi đi dạy, ngoài việc học theo các thầy kỳ cựu truyền lại cho học trò những kiến thức có lớp lang, kín kẽ, sâu sắc thì tôi cũng truyền lại cho học trò được tình yêu với môn toán. Tôi nghĩ đó là điều rất quan trọng.

* Nhiều giáo viên nhận xét họ không có đất để sáng tạo, thầy nghĩ sao?

- Trong cách quản lý, điều hành về chuyên môn của giáo viên hiện nay có nhiều yếu tố kiềm chế sáng tạo. Ví dụ phân phối chương trình rất chi tiết, khung thời gian rất chặt chẽ trong khi học sinh quá khác nhau. Giáo viên bắt buộc phải dạy bài này hai tiết, bài kia ba tiết khá máy móc khiến công việc dạy học thành ra nặng nề. Rồi những quy định có phần cứng nhắc về khung giáo án của một bài giảng khiến giáo viên phải đối phó. Thật ra trên lớp họ có thể dạy theo ý mình nhưng trong khuôn khổ một tiết học chuẩn, họ vẫn phải tuân theo những trình tự mà nhiều chi tiết đã trở nên cũ kỹ.

Tôi băn khoăn về một điều mà tôi cho là rất kỳ lạ, mà theo như những giáo viên kỳ cựu nói nó tồn tại rất lâu rồi - đó là người ta không đánh giá nhiều về năng lực chuyên môn của giáo viên. Tại sao không có những bài kiểm tra chuyên môn để đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên? Lẽ ra tôi là giáo viên toán thì theo định kỳ tôi phải làm những bài kiểm tra về toán. Tại sao học sinh luôn phải làm bài kiểm tra, hết 15 phút rồi 45 phút, kiểm tra giữa kỳ rồi kiểm tra học kỳ, còn giáo viên chẳng bao giờ phải làm bài kiểm tra? Người ta cứ đồn nhau thầy này giỏi hơn thầy kia mà tôi không hiểu họ nhận xét theo tiêu chí nào.

Người ta hô hào giáo viên đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá... nhưng cái cần nhất của giáo viên là chuyên môn thì tôi không thấy họ quan tâm. Nhà giáo không giỏi, không vững về chuyên môn thì thật khó để dạy hay được.

* Xin được hỏi lương của thầy hiện nay là bao nhiêu?

- Tôi rất không muốn nói về việc này. Nhưng nếu các chị thật sự muốn biết thì tôi trả lời: 2,6 triệu đồng/tháng.

* Chắc thầy không thể không dạy thêm?

- Tôi có tham gia dạy thêm. Việc này cũng giải quyết được phần nào khó khăn trong cuộc sống.

* Với những giáo viên giỏi và cần kiếm tiền, dạy thêm có một sự hấp dẫn khá lớn. Thầy có sợ mình bị cuốn vào guồng quay đó rồi bỏ bê những mục tiêu lớn lao mà mình từng ấp ủ?

- Tôi muốn học tiếp, vợ tôi rất ủng hộ ý định này. Tôi may mắn có một người vợ không chỉ là vợ mà còn là bạn, cô ấy không hề hối thúc gì về kinh tế cả nên tôi được thảnh thơi theo đuổi những dự định cho sự nghiệp. Khi mới theo học sư phạm toán, tôi từng nghĩ rằng mình sẽ trở thành nhà khoa học nghiên cứu cơ bản. Nhưng rồi tôi nghĩ người như mình nếu ngồi một mình nghiên cứu toán chưa hẳn đã ý nghĩa bằng mình đi dạy học. Khi dạy học sinh phổ thông tôi thấy những ý tưởng, tạm gọi nó là một ngọn lửa, của mình lan tỏa rộng hơn.

* Nghĩa là thầy đã xác định sẽ gắn bó đời mình với công việc dạy toán phổ thông?

- Thật ra tôi cũng không dám chắc. Tôi được nhà trường tạo điều kiện, như việc giao cho một giáo viên trẻ như tôi chủ nhiệm một lớp CLB toán. Nhưng dẫu sao Trưng Vương cũng là trường công lập, chịu những ràng buộc về cơ chế quản lý trong ngành. Điều tôi mong đợi là làm sao có một cơ chế có thể để giáo viên nỗ lực hơn thay vì chủ yếu vẫn là hình thức cào bằng như bây giờ. Cái đó làm những bạn có khả năng có phần nản chí. Nếu như công việc của người thầy ngày càng khó khăn thế này thì tôi e nhiệt huyết của mình sẽ mai một.

* Những khó khăn như thế nào?

- Khó khăn về cái nhìn của xã hội với giáo dục. Đãi ngộ thì cào bằng. Khó khăn nữa là các cấp quản lý ngày càng siết chặt hơn việc thực hiện các thủ tục hành chính trong nhà trường. Những cái đó làm giáo viên mệt mỏi. Vì từng có thời gian tham gia giảng dạy ở trường ĐH nên tôi thấy môi trường làm việc ở ĐH và môi trường làm việc ở phổ thông như hai thế giới hoàn toàn khác nhau.

Ở phổ thông, như ở cấp THCS, hồ sơ sổ sách viết lách quá nhiều, không còn thời gian đâu cho giáo viên suy nghĩ, sáng tạo nữa! Ví dụ giáo viên chủ nhiệm phải chép danh sách lớp vào cuốn sổ chủ nhiệm rất nhiều lần trong khi ai cũng có một tờ photo danh sách lớp. Những việc như thế tôi thấy không có ý nghĩa và rất mệt mỏi. Giáo viên thắc mắc thì được bảo ghi đi ghi lại cho nhớ tên học sinh! Tôi không hiểu đấy là cách quản lý thế nào! Rồi nhiều kiểm tra, thanh tra quá...

Tôi cho rằng trong đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay còn rất nhiều người giỏi và giỏi hơn tôi. Nhưng theo quan sát của tôi, số người giỏi ngày càng ít dù số sinh viên giỏi trong các trường sư phạm không ít. Vì sao vậy? Một người bạn học với tôi ở lớp chất lượng cao khoa toán tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từng muốn xin về đi dạy ở một trường THPT nhưng rồi đã bỏ cuộc.

Trong quá trình bạn ấy đi xin việc, người ta không quan tâm chuyện lớp chất lượng cao hay không, giỏi toán đến đâu, khả năng sư phạm thế nào, chỉ quan tâm có bằng tốt nghiệp chưa, có rồi thì cách thức để lo liệu sẽ là thế nào? Nếu chỉ với mục đích kiếm nhiều tiền thì thu nhập của một giáo viên dạy toán ở phổ thông có đủ cho người ta lao vào cuộc đua kiểu như thế?

* Có những điều kìm hãm chí hướng của thầy?

- Đôi khi tôi thấy căng thẳng, luẩn quẩn. Tôi rất băn khoăn khi thấy người ta bảo nâng cao chất lượng giáo dục nhưng lại không có cơ chế cụ thể nào để ưu tiên những nhân tố hạt nhân về dạy ở trường phổ thông. Theo tôi, để nâng cao chất lượng giáo dục thì trước hết và trên hết phải bằng chất lượng giáo viên. Tiêu chí hàng đầu để đánh giá chất lượng giáo viên phải là chất lượng chuyên môn của giáo viên. Giáo viên mà không thật sự giỏi thì thật khó để nâng tầm chất lượng.

Tôi mong đợi một cơ chế linh hoạt hơn để có thể thu hút nhiều người giỏi, có khả năng về giảng dạy ở phổ thông, vì chính những người trực tiếp đứng lớp mới là những người quyết định hiệu quả giáo dục.

* Cảm ơn thầy.

___________

Khi tháng 11 tìm về, tôi tin là các nhà giáo, đang đứng lớp hay đã thôi giảng dạy, đều để ra những giờ khắc lắng đọng nhất trong cuộc sống nhiều lo toan của mình chiêm nghiệm về con đường nghề mà mình đã hoặc đang đi.

Phóng to
Một buổi lên lớp của cô trò Trường Lê Ngọc Hân (TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Năm học này, tôi bước vào năm thứ 29 trong đời dạy học của mình với 20 năm trọn đứng lớp và 9 năm làm quản lý. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, tôi hiểu, khi cái “thời quan” qua đi, nếu chuyên môn tôi đã lụt thì có nghĩa việc “làm dân” cũng… nghìn trùng. Vì thế suốt những năm làm quản lý, cứ có dịp là tôi trở về bục giảng với học trò.

Bục giảng - dù bằng ximăng, chỉ dài vài bước chân - nhưng quả là rất chông chênh và đi được hết “chiều dài” của nó không phải là chuyện dễ dàng. Từ chính bục giảng ấy, tôi thấu hiểu được mọi điều mà đồng nghiệp - những nhà giáo - mong đợi, hi vọng và cả đối phó... Bể học là mênh mông, việc truyền thụ kiến thức của người thầy, suy cho cùng, cũng giống như người dạy bơi nên dù mênh mông đến nhường nào thì bể kiến thức cũng phải có bến bờ để người bơi biết đường mà cập.

Bến bờ đó, theo nhà giáo chúng tôi, là chuẩn kỹ năng kiến thức quy định mà ở mỗi khối lớp, mỗi cấp lớp người học phải đạt được. Việc đưa được kiến thức đó đến học trò, muôn đời nay, vẫn chủ yếu qua người thầy. Nhưng thử ngồi điểm danh các chương trình thí điểm, cải cách, đổi mới giáo dục qua các lần áp dụng trong bao năm qua, ta sẽ thấy chưa lần nào đối tượng “đổi mới” nhắm đến là người thầy cả.

Loay hoay đủ thứ, từ dạy cho nhanh, dạy cho mới, dạy cho hiện đại... mà người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra những “nhanh, mới, hiện đại” ấy thì… không được tính đến. Nếu có cũng chỉ bâng quơ từ quan điểm “Thầy chủ đạo - trò chủ động” sang băn khoăn “Thầy làm trung tâm hay trò làm trung tâm?”.

Chuyển tải “kênh làm người”

Đối tượng chính trong quá trình dạy đã vậy, chương trình và sách giáo khoa lại không kém phần… lủng củng. Thực tế sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo, công nghệ trình chiếu, bản đồ tư duy… gì đi nữa, với nhà giáo đều chỉ là phương tiện hỗ trợ, làm phong phú thêm tiết dạy, tạo sự mới lạ để kích thích ham muốn học tập nơi học trò.

Nhưng không hiểu sao vẫn cứ có những nơi người ta căn cứ vào các hiệu ứng chớp tắt, căn cứ vào “cái sân khấu lớp học” được tung hứng ra sao để lấy đó đánh giá năng lực làm thầy mà không quan tâm đến một cái chuẩn khác là: Học trò có hiểu bài không? Có áp dụng được lý thuyết vào việc xử lý bài tập, xử lý tình huống, vào chính đời sống của các em hay không? Và quan trọng hơn, thông qua “kênh chữ”, ta đã chuyển tải gì được “kênh làm người” cho học sinh?

Vì thế, mỗi năm học là một lần người thầy thấp thỏm không biết năm nay ngành lại “đẻ” ra những “cải tiến” nào? Năm thì trình chiếu, thế là rộ lên trình trình chiếu chiếu. Năm thì bản đồ tư duy, thế là ào ạt sắm sanh chương trình phần mềm vẽ bản đồ tư duy, năm lại đến “bảng tương thích” mà giá cả lên tới trăm triệu đồng một cái…

Không chỉ ngừng lại ở hình thức “dạy bơi” có vấn đề. Đến ngay cái việc “bơi” trong bể kiến thức sao mà cũng lắm “biển dâu”. 11 môn học mà dường như môn nào cũng nhắm đến cái đích “đào tạo chuyên gia”, đặt ra những yêu cầu không những quá tầm học sinh mà nhiều khi còn quá tầm cả người thầy, sự giảm tải e là “chỉ có trong mơ”. Học lý thuyết đã vậy, hình thức kiểm tra bài của học sinh lại càng nhộn nhịp. Có năm thì rộ lên cách thi trắc nghiệm, cho đó là cơ sở đánh giá kiến thức học sinh một cách “toàn diện”, tránh cho các em học tủ, học vẹt, học theo đề cương.

Nhưng sau đó, khi phong trào “nói không với tiêu cực thi cử” nở rộ, ta lại phát hiện khi cho làm bài thi dạng trắc nghiệm, học sinh với bản tính nghịch ngợm và “thông minh vốn sẵn tính trời” sẽ rất dễ “thông bài, mớm nghiệm” cho nhau, và thế là “Trắc nghiệm ơi! Chào mi”. Một nền học vấn chung cho toàn xã hội mà chỉ cách nhau vài năm, quay lại, thế hệ anh chị đi trước đã không thể kèm cặp cho em mình thì nói gì đến cha mẹ. Và khi cái sự “không thể” đó tạo ra lo lắng, tất yếu, giải quyết lo lắng đó sẽ trở về hiện trạng “trăm sự nhờ thầy cô”…

Bốn chữ còn lại

Bục giảng không chỉ gắn bó với nhà giáo đơn thuần trong công việc, trong nghề nghiệp. Nó còn là nơi bốn chữ “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp diễn ra hằng ngày, hằng giờ qua các tiết học, các bài giảng. Nếu ta chất lên quanh cái bục quá nhiều điều phải “nói không” thì chắc chắn bốn chữ “tôn sư trọng đạo” bị che mờ. Những suy nghĩ này chắc chắn là không mới, nhưng là cả một đúc rút chân thành của một nhà giáo đã bước vào những năm cuối của đời nghề, hi vọng nó đủ sức kéo sự chú ý của xã hội, của ngành vào nơi mà tôi cho rằng cần phải thay đổi rốt ráo nhất cho sự nghiệp giáo dục, đó là: nhà giáo!

Bục giảng sẽ không thể làm nên lớp học, khi mà trên đó không có những người thầy xứng là thầy…

LÂM MINH TRANG (Gò Vấp, TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận