Đừng để "gương soi biến dạng"

L.N. 03/12/2012 21:12 GMT+7

TTCT - LTS: Thống kê cho thấy số du khách Nga sang Việt Nam đang ngày càng tăng. Nhưng người Nga hiện đại biết gì về Việt Nam trước khi đặt chân tới đất nước này?

Tham luận của nhà Việt Nam học người Nga Daria Mishukova tại Hội thảo Việt Nam học 2012 đã đặt vấn đề về việc tạo hình ảnh và quảng bá Việt Nam ở nước ngoài.

Phóng to
Daria Mishukova cùng giáo sư Hà Minh Đức tại Hội thảo Việt Nam học 2012 ở Hà Nội - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Chào Daria Mishukova. Chị đã chọn đề tài về quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, mà cụ thể là ở Nga, để trình bày tại hội thảo. Có lẽ phải có một “nhu cầu bức thiết” nào đó cho đề tài này chứ?

- Daria Mishukova: Cách đây vài ba năm đã có một bài viết của giáo sư Vladimir Kolotov “Việt Nam trong gương soi biến dạng của sách du lịch”. Giáo sư Kolotov là nhà Việt Nam học, nhà sử học rất có uy tín trong giới Việt Nam học ở Việt Nam và Nga.

Trong bài viết này giáo sư Kolotov đã phê bình tính không chuyên nghiệp của một số sách du lịch về Việt Nam đang bán trong cửa hàng sách Nga. Trong đó có các sách do người nước ngoài viết và được dịch sang tiếng Nga từ tiếng Đức và tiếng Pháp. Tiêu biểu là các thông tin sai lệch “18 đời vua Hùng không có đóng góp đáng kể trong việc xây dựng đất nước” và nhiều ví dụ khác mang tính chất tương tự... (xem box). Cuối bài giáo sư Kolotov kết luận: “Với kiến thức như vậy về lịch sử Việt Nam, nên gọi xe cấp cứu”.

Do vậy tôi muốn đề cập đến những phương hướng có thể cải thiện tình hình này.

Tổng cục Du lịch Việt Nam dự báo năm 2012 lượng khách Nga vào Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 55-60% so với năm 2011.

Số lượng khách Nga đến Việt Nam tăng theo từng năm. Nếu như năm 2010 có gần 83.000 lượt khách thì năm ngoái đã vượt 101.000. Trước đó, năm 2009 chỉ có 49.000 du khách Nga đến Việt Nam. Hiện Nga đứng ở vị trí thứ 11 trong số các nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam.

* Liệu chị có thể khái quát tình hình sách về Việt Nam học ở Nga, một thị trường tiềm năng cho du lịch Việt Nam?

- Nói chung thông tin về Việt Nam cũng như các loại sách về Việt Nam học ở Nga có thể phân chia thành các loại ấn phẩm theo nhóm như sau. (Tôi không đề cập đến thông tin trên Internet vì Internet là chủ yếu để xem nhanh, thông tin cơ bản, và thông tin Internet trước khi sử dụng cần phải kiểm tra lại các nguồn.

Các diễn đàn trên Internet là nơi mọi người có thể bày tỏ ý kiến của mình một cách thoải mái mà chưa chắc đã chính xác. Ngoài ra, số người đọc tuy có thể được tính theo mấy trăm ngàn người, nhưng con số này rất là ảo. Chính vì vậy, khi nói về nguồn thông tin về Việt Nam, tôi chủ yếu đề cập đến các ấn phẩm).

1/ Ấn bản tóm tắt các báo cáo tại các hội thảo chuyên ngành. Đặc điểm của nhóm ấn phẩm này là số lượng ít, 200-1.000 cuốn, tùy theo quy mô của hội thảo. Số người đọc là tương tự hoặc thậm chí ít hơn, vì người trong ngành ít khi đọc tài liệu nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của mình.

2) Sách nghiên cứu về Việt Nam và các giáo trình chuyên đề, thường được xuất bản với số lượng trên dưới 500 cuốn. Và số người đọc chủ yếu cũng chỉ là các chuyên gia trong ngành. Riêng sách được làm như giáo trình cho sinh viên mới được xuất bản với số lượng lớn hơn, ví dụ như sách về lịch sử Việt Nam, kinh tế, quan hệ quốc tế được sử dụng trong quá trình đào tạo sinh viên trong ngành.

3) Sách du lịch và sách đọc để hiểu biết về văn hóa. Tôi muốn nói về những cuốn sách giới thiệu thông tin về văn hóa, đất nước và con người. Dạo này sách loại này về Việt Nam ở Nga được xuất bản với số lượng khoảng 5.000 cuốn. Sách này được du khách mua và đọc trước khi sang Việt Nam. Trong số bạn đọc sách này cũng có người không có điều kiện đi du lịch vì lý do tuổi già, sức khỏe hay tài chính, mà vẫn tò mò về văn hóa các nước khác nhau.

4) Các loại tạp chí màu, nay chủ yếu là các tạp chí của hãng hàng không. Số cuốn in trong tháng tùy theo hãng hàng không. Số người đọc rất nhiều. Tôi đã từng viết cho tạp chí của Hãng hàng không Vladivostok Aiva, họ đã in 5.000-8.000 cuốn/tháng. Nay tôi chủ yếu viết cho tạp chí Pegas (in 30.000 cuốn/tháng), được sử dụng trên các chuyến bay chuyên khách du lịch của Tập đoàn du lịch Pegas Touristik. Thông thường các bài viết trong tạp chí của hàng không rất hấp dẫn, có nhiều hình ảnh đẹp minh họa, nhiều người thích đọc. Những ấn phẩm loại này dành chủ yếu để giải trí trong khi ngồi trên máy bay, do vậy tính hấp dẫn của bài viết là ưu tiên số một.

* Vậy thì nên cải thiện tình hình theo hướng nào để có thể thu hút hơn nhiều đồng bào của chị tới Việt Nam?

- Thị trường sách in trước hết là một hình thức kinh doanh. Theo tôi, giới Việt Nam học nên chú ý nhiều hơn đến việc viết và in sách dành cho nhiều người đọc ngoài các tạp chí chuyên ngành. Với tình hình trên thị trường sách in bây giờ, có lẽ sách du lịch (có nội dung giới thiệu tỉ mỉ về văn hóa, đất nước và con người) là một loại ấn phẩm có thể đưa đến nhiều bạn đọc mọi lứa tuổi, mọi trình độ. Đồng thời giới Việt Nam học nên tập trung ủng hộ xuất bản các loại ấn phẩm như thế này. Vì nếu nhiều người biết về Việt Nam từ nguồn thông tin đáng tin cậy và có nội dung hấp dẫn thì các sơ suất như sự khẳng định vô ý về đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ Google Map không bao giờ có thể nảy sinh được.

Tác giả Việt Nam viết về Việt Nam bằng tiếng nước ngoài thì có thể tuy viết rất nghiêm túc nhưng nội dung sẽ không hấp dẫn lắm đối với khách nước ngoài. Một ví dụ tiêu biểu là các ấn phẩm của Nhà xuất bản Thế Giới bằng tiếng nước ngoài, trong đó có tiếng Nga. Tuy sách này cung cấp kiến thức cơ bản về văn hóa và đất nước Việt Nam, nhưng vì được viết với cách diễn đạt như một công trình nghiên cứu nên bạn đọc người nước ngoài ít khi thấy thú vị.

* Có vẻ như người bản xứ viết mới biết hết những cung cách để tiếp cận người bản xứ? Một đầu sách về du lịch của chị là Việt Nam - Đất nước con rồng cháu tiên đã được tái bản và được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Việt Nam tặng kỷ niệm chương vì những đóng góp quan trọng cho phát triển du lịch Việt Nam. Khi làm quyển sách này, có câu chuyện nào mà chị đã phải “giải thích” thêm cho du khách Nga về lối sống của người Việt?

- Người bản xứ viết từ góc nhìn của mình, nhưng người bản xứ không thể biết được bạn đọc nước ngoài quan tâm và tò mò về cái gì. Do đó khi viết quyển sách của mình, tôi chọn những vấn đề mà người Nga quan tâm, tò mò hay lắm khi còn hiểu lầm. Ví dụ nhé: đi xe máy người Việt Nam hay đeo khẩu trang để bảo vệ da mặt và phổi khỏi khói bụi. Nhưng người nước ngoài nhìn thấy dễ hoảng hốt tưởng Việt Nam đang có dịch bệnh nguy hiểm. Do đó tôi đã giải thích đấy là cách để người Việt bảo vệ sức khỏe khi đi xe máy.

Hay câu chuyện nước trên sân. Đối với người Tây Âu, mặt sân ướt có nghĩa là bẩn, nhưng ở Việt Nam sân ướt là sân mới được rửa dọn sạch. Còn nhiều chuyện khác về lối sống, như chuyện hỏi tuổi. Người Nga khó chịu khi bị hỏi tuổi tác, nên tôi viết cho họ rằng ở Việt Nam câu hỏi này có khi không phải vì tò mò, mà vì tiếng Việt có hệ thống xưng hô phức tạp nên việc hỏi tuổi là để bảo đảm giao tiếp lịch sự hơn.

Hay người nước ngoài thường thấy lạ và ngạc nhiên, cho rằng người Việt Nam mặc áo ngủ khi đi dạo, mua sắm, và tôi đã giải thích là với người Việt, bộ quần áo bằng cotton là trang phục nghỉ ngơi, thư giãn...

* Cảm ơn Daria.

Trích từ “Việt Nam trong gương soi biến dạng của sách du lịch” của giáo sư Vladimir Kolotov, Đại học quốc gia Saint Petersburg:

“...Để lấp khoảng chân không thông tin, du khách, trên nguyên tắc, sẽ tới hiệu sách tìm sách hướng dẫn du lịch về đất nước đó. Và họ đã tìm thấy gì?

...Trong phần tổng quan lịch sử của cẩm nang du lịch “Việt Nam” có bao nhiêu là nhầm lẫn mà nếu dùng nó để giao tiếp với người Việt thì sẽ gây ra biết bao rắc rối. Thí dụ trong sách này, phần về “Đền thờ các vua Hùng”... được các tác giả sách cho là “không để lại những dấu ấn đáng kể trong lịch sử Việt Nam”...

Hoặc cẩm nang này viết năm 1965 “chính quyền miền Nam bắt tướng Nguyễn Văn Trỗi”... để rồi tiếp sau đó viết “Năm 2001 cựu tổng thống Trỗi chết trong nhà tù Mỹ”. Nhưng trên thực tế thì nhà yêu nước Nguyễn Văn Trỗi chẳng có quan hệ gì với các vị tướng thân Mỹ. Cái tên của ông rất quen thuộc với mỗi người Việt, bởi năm 1964 ông đã ám sát bất thành cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara và vì vậy mà sau đó đã bị chính quyền Sài Gòn xử bắn...

...Dân tộc Chăm chiếm một vị trí quan trọng trong một Việt Nam nhiều dân tộc, những tháp Chàm độc đáo đã trở thành những địa điểm cuốn hút du khách, thế nhưng trong cẩm nang du lịch không lần nào viết chính xác tên của dân tộc này. Lúc thì nói về những cuộc chiến với người ””, lúc lại là nghệ thuật ””...

...Phát âm và phiên âm tiếng Việt rất khó. Tác giả cẩm nang đã phiên âm lời chào người đàn ông “Xin chào ông” thành “Xin cho om”

(), mà phát biểu không khéo có thể khiến người nghe hiểu thành “xin con chó ốm”!

()....

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận