Đừng để học sinh nào nghĩ rằng mình là công dân hạng hai

TTCN - Tại TP.HCM đang có một cuộc vận động với nội dung “học sinh thành phố học công lập, học sinh các tỉnh tạm trú tại TP.HCM thì học dân lập, tư thục”. Bạn nghĩ gì?

Phải tạo một sân chơi bình đẳng để các em thi đua, cạnh tranh lành mạnh trong học tập. 

Thành phần học sinh về TP.HCM chủ yếu có hai dạng: con em gia đình giàu, khá giả hoặc con em cán bộ đang giữ chức vụ, địa vị cao trong xã hội muốn tìm cơ hội tiếp cận các cơ sở chất lượng cao, điều kiện học tập đầy đủ, hiện đại, đội ngũ giáo viên giỏi, chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm luyện thi với hi vọng sẽ vào trường đại học mũi nhọn, du học thành tài... 

Loại đối tượng còn lại tập trung vào con em các gia đình nghèo, do sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn thiên tai khắc nghiệt, lam lũ quanh năm trên ruộng vườn chật vật vẫn không đủ ăn, buộc phải tìm đến thành phố, đô thị kiếm sống, tạm trú. Với những học sinh này cả ngày lẫn đêm phải cùng cha mẹ bươn chải, làm đủ nghề thuê mướn mưu sinh, thời gian ít ỏi tranh thủ tham gia học tập tại các cơ sở, trường học bình dân.

Từ bối cảnh trên, hiện tượng phân hóa trong giới học sinh là tất yếu. Vấn đề là xã hội và nhà trường định hướng ra sao cho các em đều được quyền bình đẳng trong học tập. Thời gian qua hẳn ai cũng biết không ít con em nhà nghèo khó, lưu lạc vào TP.HCM kiếm kế sinh nhai vẫn ham học, kiên trì rèn luyện trở thành con ngoan trò giỏi, thi đậu một lúc hai, ba trường đại học với số điểm cao. 

Như vậy, nhân tài, vật lực không phụ thuộc vào yếu tố địa giới hành chính, mà là môi trường xã hội, môi trường giáo dục đào tạo, điều kiện kinh tế của gia đình cộng với năng lực, nghị lực, bản lĩnh của học sinh mới là yếu tố quyết định sản sinh những chủ nhân tương lai của đất nước. 

Nếu chúng ta hạn chế thu nhận con em ngoại thành vào trường công lập, trong đó có cả những cơ sở giáo dục chất lượng cao, chắc chắn nhiều học sinh sẽ phải chịu thiệt thòi lớn. Về lĩnh vực tài chính, tiền bạc eo hẹp, lại phải đóng góp học phí, xây dựng... cao hơn hẳn cơ sở công lập làm cho đời sống càng chồng chất khó khăn. 

Về phương diện kiến thức, trong điều kiện hiện nay, nhìn chung các trường dân lập, tư thục có cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, lực lượng giáo viên còn khiêm tốn ở tất cả các mặt... sẽ hạn chế tư duy phát triển đối với học sinh khá giỏi mà nhìn lâu dài chính chúng ta đã đánh mất cơ hội đào tạo người tài có ích cho đất nước.

Rõ ràng chất lượng nền giáo dục của chúng ta còn quá thấp, và có một yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng giáo dục là phải tạo một sân chơi bình đẳng để các em thi đua, cạnh tranh lành mạnh trong học tập. 

Nếu chúng ta dành ưu tiên cho bộ phận học sinh có hộ khẩu sẽ dễ tạo tinh thần ỷ lại. Khi đó chất lượng giáo dục sẽ tiếp tục đi xuống. Ngày nay nền kinh tế nước ta đang nỗ lực hội nhập để cạnh tranh toàn cầu, tại sao không tạo ra sự cạnh tranh học tập cho học sinh trong toàn quốc. Chức năng của ngành giáo dục là phải đào tạo người tài cho đất nước chứ không phải cho một bộ phận riêng biệt hay cho một địa phương nào.

Tôi thấy hình như các nhà lãnh đạo của chúng ta khi thấy một vấn đề khó là tìm con đường dễ nhất để đi. Nếu thành phố thiếu trường lớp thì hạn chế học sinh không có hộ khẩu thành phố, quận thiếu trường lớp thì hạn chế học sinh không có hộ khẩu quận, phường thiếu trường lớp thì hạn chế học sinh không có hộ khẩu phường…

Cách làm này sẽ dẫn chúng ta đi đâu? Để duy trì sự phát triển các nước đang tìm cách thu hút chất xám không biên giới, tại sao chúng ta đưa ra một chính sách phân biệt đối xử và quá cục bộ như vậy. Ai tài giỏi hơn, có chí phấn đấu tốt hơn phải được đào tạo trong môi trường tốt hơn để phục vụ tốt hơn cho đất nước.

Hiện nay nhiều trường dân lập, tư thục còn đặt nặng tính kinh doanh mà chưa đặt nặng vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút học sinh. Chính vì vậy mà ở các trường này vẫn còn thừa nhiều chỗ. Nếu chúng ta qui định như trên vô hình trung tạo cho các trường này có một lượng “khách hàng” dồi dào mà chẳng cần nâng cao chất lượng giáo dục?

Đừng tạo cho các em cảm giác mình là công dân hạng hai trong chính đất nước của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận