Giờ là đúng lúc dùng đến Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

ĐỨC BÌNH 08/04/2020 21:04 GMT+7

TTCT - “Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không chỉ để dành cho người lao động (NLĐ) khi thất nghiệp mà còn để đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ trở lại thị trường lao động, phòng ngừa thất nghiệp, giúp NLĐ luôn có việc làm... Đây là thời điểm có thể dùng quỹ BHTN để cứu doanh nghiệp và NLĐ” - ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu quan điểm như vậy khi trao đổi cùng TTCT.

Ông Bùi Sỹ Lợi (phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội). Ảnh: Việt Dũng
Ông Bùi Sỹ Lợi (phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội). Ảnh: Việt Dũng

Ông Lợi nói: Dù chưa thống kê cụ thể số người thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng những con số về doanh nghiệp phá sản, tạm ngưng hoạt động phần nào cho thấy ảnh hưởng của nó đến thị trường lao động. 

Theo quan sát và xem xét của cá nhân tôi, sẽ có 2 nhóm bị tác động:

 1) Bản thân NLĐ vùng có dịch xảy ra, không thể chuyển vào các nhà máy để tiếp tục làm việc vì phải cách ly để chống dịch, như Vĩnh Phúc.

2) Các lao động làm việc trong những doanh nghiệp FDI về quê dịp tết, quay trở lại đúng vào thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và phải cách ly (người đến từ vùng dịch). Trường hợp này, doanh nghiệp phải thu hút NLĐ tại chỗ và những vùng không có dịch, thay thế NLĐ không tiếp cận được.

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn trên. Ông đánh giá như thế nào về những gói hỗ trợ này?

- Việc cần làm ngay là thực hiện nghiêm các biện pháp nêu trong Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-3-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Có thể nói, “gói giải cứu” này khác với tất cả các “gói giải cứu” mà Chính phủ đã thực hiện trước đây. Tôi đánh giá đây là những chính sách rất tốt, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông, với riêng NLĐ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra cần có thêm các chính sách hay biện pháp gì để hỗ trợ?

- Do tác động của dịch COVID-19, một số doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động dẫn đến thất nghiệp hoặc thất nghiệp tạm thời, vì vậy chúng ta cần rà soát, thống kê và kịp thời chi trả BHTN cho NLĐ bị thất nghiệp để họ có thể bảo đảm được cuộc sống hằng ngày, có thể được đào tạo, nâng cao tay nghề hoặc chuyển sang ngành nghề khác, duy trì thu nhập.

Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì nếu không, NLĐ dễ bị khó khăn kép khi vừa phải chống đỡ với dịch bệnh COVID-19 vừa chống đỡ với việc không có thu nhập, dẫn tới không bảo đảm được cuộc sống của bản thân và gia đình.

Với các doanh nghiệp hiện đang phải tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, do không xuất khẩu được hàng hóa có thể tranh thủ thời gian này tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề NLĐ, nhưng lại phải bảo đảm tránh tập trung đông người để tránh dịch - một bài toán khó. Có thể dùng một phần Quỹ BHTN để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc này.

Với khoảng 70.000 tỉ đồng kết dư của Quỹ BHTN hiện nay, theo tôi, có thể vận dụng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và NLĐ. Chúng ta vừa thực hiện trợ cấp thất nghiệp nhưng cố gắng đào tạo lại lực lượng lao động thì mới có nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước, cũng như tránh tình trạng NLĐ rơi vào tình cảnh không có việc làm, gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, khi có biến cố xảy ra, có khủng hoảng thì bao giờ việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu khi bị tác động là rất quan trọng. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của chúng ta không chỉ là hiện tại mà phải tính cho trung hạn và dài hạn, bởi chất lượng nguồn nhân lực hiện tại của nước ta rất thấp.

Lao động qua đào tạo chiếm tới 60% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi làm việc. Nghe qua thì nhiều nhưng gốc, lõi của vấn đề chỉ có 25% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Những lao động này ít khi rơi vào tác động của khủng hoảng, kể cả về kinh tế, dịch bệnh. Còn lại 35% NLĐ trong tổng số 60% NLĐ chỉ qua đào tạo ngắn hạn là không có nghề, rất khó để thay đổi.

Để xử lý vấn đề này, doanh nghiệp cần có phương pháp quản trị nhân lực tốt: phải đào tạo lao động có nghề chủ lực và hiểu biết nghề khác. Khi có thay đổi, NLĐ có thể chuyển dịch nghề nghiệp ngay. Bên cạnh, doanh nghiệp phải chuẩn bị chiến lược đào tạo lại nghề nghiệp để giữ chân NLĐ.■

“Gần 39% số doanh nghiệp được khảo sát đã thực hiện cắt giảm lao động, gần 21% số doanh nghiệp đang sử dụng biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhưng cũng rất khó; gần 4% số doanh nghiệp thực hiện ngừng kinh doanh; khoảng 4% số doanh nghiệp cho NLĐ nghỉ không lương” - ông Bùi Sỹ Lợi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận