​Đúng và sai trong quản lý đất đai

DANH ĐỨC 28/07/2015 20:07 GMT+7

Các cơn bão dư luận gần đây về những vụ cưỡng chế và cấp đất cần được bình tĩnh và khách quan nhìn lại như những kinh nghiệm cần tránh chung cho các tỉnh, thành, địa phương khác.

Minh họa: Bích Khoa

Nhận xét đầu tiên là những quyết định đó, thu hồi hay đền bù hoặc cấp đất... đã không đúng chuẩn mực lẽ ra phải có nên sinh phản ứng. Đó đều là các chuẩn mực có sẵn trong các văn bản pháp luật, quy định hiện hành... nhưng không ít người có trách nhiệm quản lý đất đai lại hoặc cố tình phớt lờ các quy định này, hoặc áp dụng các quy định đó một cách tùy tiện. Từ đó rơi vào những rủi ro dẫn đến điều mà rất nhiều học giả trong và ngoài nước gọi là “tham nhũng trong quản lý đất đai”.

Trong nhiều năm qua đã có những nghiên cứu phân tích về các “ngóc ngách” trong việc cấp, thu hồi đất, tỉ như nghiên cứu “Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam” do Đại sứ quán Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới (WB) và Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp thực hiện. Công trình này đã được Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật ấn hành từ năm 2011.

Hoàn toàn có thể sử dụng nghiên cứu này để nhìn lại các vụ việc gây nhức nhối dư luận đã qua, để từ đó tránh những vụ việc rối rắm dư luận tương tự không cần thiết.

Cần công khai

Có những vụ dư luận lùm xùm tỉ như là do chuyển đổi vị trí tái định cư từ chỗ này sang một chỗ khác, nay mới vỡ lở ra và dư luận mới được hay biết. Phàm thì dân chúng đã quen với nếp “tái định cư ở đâu thì về đó”, chứ ít khi được chuyển đổi vị trí theo ý muốn. Nếu đã có chủ trương cho chuyển đổi vị trí - điều thật giá trị cho người dân bị giải tỏa đất, thì công khai chủ trương đó ra sẽ là điều đầu tiên cần làm và chắc chắn sẽ được dân chúng hoan nghênh.

Một thông báo công khai kêu gọi bất cứ người dân nào muốn đổi đất tái định cư từ chỗ này sang nơi khác hãy nộp đơn như thế nào, ở đâu, khi nào... để mọi người đều hay biết mà nộp đơn sẽ là một hành động “do dân, vì dân” đích thực. Ra thông cáo rồi, sau đó công khai danh sách ai xin chuyển đổi từ đâu đến đâu, kết quả ra sao... cho mọi người được rõ sẽ là điều làm cho dân chúng nức lòng.

Và nếu có thể, nhất là trong điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin thuận lợi như hiện nay, công bố trên mạng để mọi người có thể theo dõi đơn của mình hiện đang đến đâu. Hình thức này (tracking) hoàn toàn không khó về mặt kỹ thuật, song lại mang ý nghĩa “dân vận” vô song. Nó đã trở thành một công cụ bình thường và thuận tiện mà nhiều nước khác đã và đang làm, thậm chí các công ty tư nhân cũng đang làm, như khi gửi một món hàng xuyên quốc gia hay xuyên châu lục, người gửi nào cũng có thể gõ tìm mã số kiện hàng của mình là biết ngay nó đang tới đâu.

Nêu thí dụ này là để nhận ra sự lạc hậu ở ta và để rút kinh nghiệm về nhu cầu công khai. Điều này cũng xảy ra đối với mọi lĩnh vực khác, với những nỗ lực khắc phục đáng khích lệ, chẳng hạn gần đây nhất là việc Bộ Giao thông vận tải để giải quyết nạn nâng giá vé máy bay bán vào giờ chót, đã công khai còn bao nhiêu chỗ trên từng chuyến bay, với mục tiêu chấm dứt được tệ nạn này.

Không được tùy tiện!

Trong khảo sát “Tình hình công khai thông tin trong quản lý đất đai” được thực hiện theo yêu cầu của WB và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID), công bố năm 2010, có một nhận xét rất lý thú: “thậm chí tại các nơi có kết quả tương đối khả quan thì vẫn có thể làm tốt hơn!”. Nghiên cứu cho thấy mức độ khó khăn đối với một người dân bình thường khi tìm hiểu hệ thống quản lý đất đai ở Việt Nam.

Việt Nam đã có những bước phát triển trong việc thiết lập khung pháp lý phù hợp cho tính liêm chính và chống tham nhũng, đồng thời đã đạt được tiến triển đáng kể trong các quy định về tính minh bạch. (sđd.tr.11)
 

Trên thực tế, nhiều nơi không chủ ý rào chắn làm khó dân, mà là do sự tùy tiện đơn giản hóa công tác quản lý đất đai theo diễn dịch chủ quan, do thiếu ổn định trong các quyết định giao, cấp, chuyển đổi liên quan đất đai, nay quyết định như thế này với đơn xin này, mai quyết định như thế kia với đơn xin kia, mà bỏ qua những quy định đã có... Các nghiên cứu nêu trên đều không hoan nghênh cách quyết định như thế, trái lại cùng nhận định rằng đây là những trường hợp mà các “viên chức nhà nước... quá lạm dụng quyền tự quyết định trong việc phê duyệt phương án bồi thường và hồ sơ kê khai đất”.

Một trong những hậu quả của mọi sự “vô tư” trong quyết định như thế là nạn tham nhũng. Thật vậy, tham nhũng trong quản lý đất đai có thể được biểu thị bằng phương trình:

Tham nhũng = Độc quyền + Quyền tự quyết định - Trách nhiệm giải trình - Tính minh bạch (sđd.tr.13).

Nghĩa là: khi một quan chức hay một cơ quan được độc quyền, khi quan chức đó hay cơ quan đó có phần lớn quyền tự đưa ra quyết định, và khi trách nhiệm giải trình đối với các quyết định đó hoặc tính minh bạch còn hạn chế thì có nguy cơ tham nhũng. Áp dụng phương trình trên vào các trường hợp cấp đất tai tiếng ở bất cứ địa phương nào khác cũng có thể thấy: chính do sự độc quyền quyết định, mà cụ thể là quyền tự đưa ra quyết định của các ban dự án tái định cư là quá to lớn, mà những quyết định gây bất bình mới đã “vô tư” diễn ra. Càng “vô tư” khi mà không cần phải giải trình với bất cứ ai, càng không với người dân.

Đúng là đúng, sai là sai!

Trong quản lý nhà nước, với hệ thống quy định chặt chẽ và lớp lang, tồn tại một nguyên tắc tối thượng: chỉ có đúng/ sai, không thể có không gian cho những quyết định dạng “không sai, nhưng nhạy cảm”. Tính hợp pháp trong quản lý nhà nước thể hiện qua sự phục tùng pháp luật tuyệt đối của cơ quan hành chính. Điều này đã rõ qua thí dụ các nghị định, thông tư đều phải tuân thủ nội dung của các đạo luật liên quan.

Pháp luật về phòng chống tham nhũng không thiếu, các quy định pháp luật về công khai, minh bạch trong quản lý đất đai cũng tương đối đầy đủ, nghiên cứu “Nhận diện rủi ro và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng” nêu trên đã thừa nhận, lẽ ra chỉ cứ thế mà thi hành. Có thể nêu ví dụ Luật giao thông. Người thi lấy bằng lái phải trải qua một bảng câu hỏi chỉ có hai chọn lựa “đúng/sai”, và khi lái xe cũng chỉ có thể phán đoán trên cơ sở “đúng/sai” mà thôi. Trên công lộ, cái giá của “không sai” nhất định là giá máu của một tai nạn. Trong quản lý nhà nước, cái giá của “không sai” càng đắt đến đâu.

Từ đó, có thể thấy đang có một sự “mông lung” về trách nhiệm quản lý đất đai và chính sự “mông lung” đó đang gây tác hại.

Có nhận thức đúng mới hành động đúng

Những câu chuyện inh tai nhức óc vừa xảy ra chẳng qua do không có một nhận thức đầy đủ về những rủi ro có thể dẫn đến sơ suất, thậm chí tham nhũng trong quản lý đất đai. Lẽ ra các quan chức đầu tỉnh, thành, huyện, cũng như các viên chức có trách nhiệm liên quan cần được hiểu biết tỏ tường về những rủi ro đó, vốn đã được nghiên cứu, mô tả, phân tích, rút thành bài học như đã thấy qua nhiều nghiên cứu đã được in thành sách và phát hành rộng rãi.

Một khi đã tỏ tường thế nào là rủi ro, một khi đã hiểu biết thế nào nhu cầu công khai, minh bạch, và làm thế nào để công khai, minh bạch như đã được chỉ dẫn trong nghiên cứu “Báo cáo khảo sát tình hình công khai thông tin trong quản lý đất đai” thì sẽ không mơ hồ, “vô tư” trong việc cấp, thu hồi đất nữa.

Trong nghiên cứu “Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro...”, để giảm thiểu những tùy tiện đó, các tác giả đề xuất: “Trong bối cảnh các cán bộ trong Ban giải tỏa bồi thường có rất nhiều quyền tự quyết trong tay, vấn đề quan trọng là phải tăng tính trách nhiệm của các cán bộ này. Có thể sử dụng nhiều công cụ: thanh tra tài chính, kiểm toán độc lập các cơ quan địa chính, và hội đồng nhân dân xem xét lại các dự thảo kế hoạch bồi thường, kế hoạch bồi thường đã được thông qua và đã được thực hiện...”(tr.63).

Vì vậy, một khi tham nhũng trong quản lý đất đai đã được nghiên cứu tường tận như thế, kết quả nghiên cứu đã được phát hành công khai, thể hiện một ý muốn chính trị chống tham nhũng trong quản lý đất đai, thì động thái tiếp theo là sử dụng các nghiên cứu đó làm tài liệu học tập cho các quan chức, viên chức quản lý đất đai. Cần tập hợp những người có quyền và trách nhiệm trong việc cấp, thu hồi đất... học tập các nghiên cứu đã phổ biến để họ nhận chân rằng làm như thế này là sai, làm như thế kia là đúng mà cải tiến công tác quản lý đất đai. Đó có lẽ sẽ là cách rút kinh nghiệm hữu ích nhất từ các vụ việc đáng tiếc đã qua.

Năm 2013, Oxfam đã tham vấn ý kiến người dân tại 22 xã thuộc 11 huyện của bốn tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình và Long An về đất đai. Hơn 1.300 người dân đã kể những câu chuyện thực về đất đai xảy ra với gia đình họ ở địa phương. Những câu chuyện này được gần 300 cán bộ chính quyền cơ sở kiểm chứng và làm rõ thêm.

Hai câu chuyện sau đây minh họa sống động cho tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong quản lý đất đai:

“Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định quy hoạch đất cho Công ty cổ phần Tập đoàn Linh Thành xây dựng nhà máy bột đá tại thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa với diện tích là 11ha, thu hồi từ diện tích đất sản xuất và diện tích đất sản xuất hoa màu của 11 hộ dân.

Qua gần bốn năm, nhà máy vẫn chưa được xây dựng xong. Số đất đai đã thu hồi của dân bị bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Lời hứa đào tạo và tạo việc làm cho con em địa phương cũng không được thực hiện vì chưa có nhà máy. Tiền bồi thường, hỗ trợ đã tiêu hết, thanh niên địa phương thất nghiệp, nhiều gia đình không có thu nhập và một số đã rơi vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.

Chính quyền nói phải quy hoạch xây dựng nhà máy vào năm 2009. Năm tiếp theo lại nói quy hoạch xây dựng đường giao thông và khu nguyên liệu... Người dân không được biết tí gì cụ thể về quy hoạch cũng như tiến độ thực hiện vào năm nào. Chính quyền nói đền bù và giải tỏa ở đâu thì biết ở đó, tò mò mà đi hỏi trước cũng không có ai nói cho hay”.

“Trong dự án mở rộng đường 32 ở xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái), mức bồi thường được đưa ra chẳng dựa trên căn cứ nào cả, cứ khi người dân phản đối thì được tăng lên một nấc.

Ông Lưu Ngọc Minh ở thôn Bản Lọng, xã Sơn Thịnh, kể: Khi áp giá đền bù cho các hộ ban đầu bằng miệng là 160.000 đồng/m2, người dân không chịu. Lần thứ hai huyện gọi lên nói là 300.000 đồng/m2, người dân cũng không chịu. Lần thứ ba huyện lại gọi lên trả 600.000 đồng/m2, dân vẫn không chịu. Quá bức xúc vì bị huyện áp giá quá thấp, tôi đã lên tỉnh để xin tài liệu khung giá đất của tỉnh Yên Bái mang về huyện thì huyện mới chịu trả lên 800.000 đồng/m2, hộ được huyện trả cao nhất là 1.150.000 đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thị trường do người dân tự mua bán với nhau là 1.875.000 đồng/m2”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận