​EU “mang” nổi thân mình và Ukraine?

DANH ĐỨC 31/12/2014 09:12 GMT+7

TTCT - Năm 2015, vận mệnh Liên minh châu Âu (EU) tùy thuộc nơi cuộc đối đầu với Nga về vấn đề Ukraine mà bài diễn văn ngày 4-12 và cuộc họp báo hôm 19-12 của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã báo trước tính quyết liệt.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng trừng phạt Nga là để đảm bảo “an toàn của châu Âu đối với Nga, chứ không phải chống lại Nga” - Ảnh: reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng trừng phạt Nga là để đảm bảo “an toàn của châu Âu đối với Nga, chứ không phải chống lại Nga” - Ảnh: reuters

Thật khổ cho EU, với chỉ nửa tỉ người (7,3% dân số thế giới) mà tổng GDP lên đến 18.124 tỉ USD (chiếm 23% GDP thế giới) thì muốn hay không muốn vẫn cứ hấp dẫn tự nhiên các cá nhân và cả các quốc gia, tỉ như Ukraine hiện nay.

EU hấp dẫn ở chỗ hoạt động như là một “liên hiệp” 28 nước trên một cơ chế gắn kết có thể gọi là hình mẫu pháp quyền: luân phiên lãnh đạo, lá phiếu bình đẳng trong các cuộc họp “nội các” chung gọi là thượng đỉnh EU, được kiểm soát bởi Nghị viện châu Âu.

Tất nhiên, không phải 28 nước EU đều “bằng nhau”, mà là một EU với nhiều tốc độ tăng trưởng khác nhau và có vài tiếng nói mạnh hơn các tiếng nói khác, như của nước Đức đang thống lĩnh việc cứu hộ đồng euro và các nước mang nợ.

Tất nhiên, EU cũng đang “đuối” với đồng euro, nợ nần và đình trệ tăng trưởng. Dẫu sao, các chính sách khắc khổ áp đặt bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu đã phần nào đem lại kết quả...

Reuters ngày 16-12 bình luận chắc như bắp: “Tương lai Hi Lạp có thể sẽ lại phập phù, song khác với giai đoạn 2011-2012, các nhà đầu tư dường như tin rằng phần còn lại của khu vực sẽ được bảo vệ chống lại những tác động của một cuộc khủng hoảng mới. Hi Lạp thậm chí không có tên trong danh sách 10 rủi ro then chốt của năm 2015 do Ngân hàng HSBC xác lập”. 

Trên một bình diện khác, sự mở rộng của NATO về phía Ukraine càng làm khó EU hơn nữa. Khoảng cách giữa EU như là liên hiệp 28 nước châu Âu với NATO như là liên minh quân sự dưới trướng Mỹ dường như ngày càng nhạt nhòa.

Hầu hết các chính phủ EU đã tỏ rõ thái độ “kính nhi viễn chi” trước các quyết định bài binh bố trận của NATO về bán đảo Crimea, về Ukraine, tuy EU cũng trừng phạt Nga.

Ngay từ tháng 7, trong một chuyến thăm của Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phản ứng một cách thận trọng để kêu gọi triển khai thường trực của quân đội đồng minh ở các nước Đông Âu, vì lo ngại sự trả đũa của Nga trong một số quốc gia thành viên (euractiv.com, 3-7-2014).

Sang tháng 8, không chỉ người Đức mới ái ngại, như tường thuật của The Guardian ngày 27-8: “Vấn đề căn cứ thường trực của NATO ở phía đông châu Âu gây chia rẽ. Người Pháp, người Ý và người Tây Ban Nha phản đối, trong khi người Mỹ và người Anh thì ủng hộ. Người Đức, một quan chức NATO phát biểu, thì vất vưởng trên hàng rào, tránh chọc giận Nga”.

Rốt ruộc, hăng hái cùng Mỹ chặn Nga nhất là Anh, một nước đang rất đòi ra khỏi EU! 

Từ ngày 20-12, các biện pháp trừng phạt bổ sung của Eu liên quan đến đầu tư, dịch vụ và thương mại bắt đầu hiệu lực nhằm đáp ứng với việc “tiếp tục thôn tính bất hợp pháp Crimea và Sevastopol” (europeansanctions.com, 19-12-2014).

Chuyện buôn bán dân sự còn bị trừng phạt huống hồ là hai chiếc tàu đổ bộ Mistral do Pháp đóng có thể chở đến 16 trực thăng cùng 1/3 trung đoàn bộ binh cơ giới: các lãnh đạo EU cảnh cáo rằng các tàu này có thể được sử dụng để đe dọa các láng giềng của EU (BBC 25-11-2014). 

Tuy nhiên, cũng  theo europeansanctions.com, Thủ tướng Đức Merkel hôm 19-12 tuyên bố EU có thể xem xét giảm nhẹ trừng phạt Nga nếu sự vẹn toàn lãnh thổ của Ukraine được bảo toàn. Nghĩa là so với các đợt trừng phạt trước, yếu tố “xâm lược Crimea và Sevastopol” đã không còn được tính đến nữa.

Có thể xem đó là một bước nhượng bộ của EU.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận