FDI: Nhìn người biết mình

HẢI MINH 13/04/2013 08:04 GMT+7

TTCT - Philippines - nước đứng thứ ba trong danh sách trả lương nhân công cao ở Đông Nam Á, không hề coi đó là bất lợi với họ.

Phóng to
Một góc Khu công nghệ cao TP.HCM. Khu công nghệ cao TP.HCM đã thu hút khá nhiều dự án FDI, nhưng công nghệ cao đến đâu vẫn còn nhiều tranh luận - Ảnh: Minh Đức

Thái Lan thu hút FDI với một thái độ cởi mở và nhất quán. Malaysia đề ra những nhiệm vụ rõ ràng để thu hút FDI trong sự ủng hộ thị trường tự do và sự tham gia của khu vực tư nhân... Đây là những chi tiết đắt giá giúp Việt Nam mường tượng tốt hơn vị trí và đường đi của mình trong tương lai ở cuộc đua tranh thu hút nguồn vốn quan trọng này.

Dòng FDI vào Việt Nam vốn dĩ có xuất phát điểm thấp, chỉ 5% vào những lĩnh vực công nghệ cao, theo số liệu của Bộ Kế hoạch - đầu tư, lại đang tiếp tục giảm mạnh về chất lượng - cái giá tất yếu cho những thủ tục nhiêu khê, pháp luật kinh doanh không đủ minh bạch, chất lượng lao động thấp và nhiều vấn đề nhức nhối khác không thể chối bỏ của nền kinh tế.

So sánh

Với các nước đang phát triển, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, thu hút vốn FDI là tấm gương phản chiếu tương đối rõ ràng toàn bộ nền kinh tế. Cho tới nay, lợi thế gần như duy nhất của Việt Nam trong cuộc đua thu hút FDI là lao động giá rẻ.

Philippines - nước đứng thứ ba trong danh sách trả lương cao ở Đông Nam Á, không hề coi đó là bất lợi với họ. Trên tờ Business Insider, giám đốc quảng bá và quan hệ công chúng của Cơ quan Điều hành các khu công nghiệp toàn quốc Philippines Elmer H. San Pascual giải thích rằng tuy mức lương cao, chi phí lao động ở Philippines thật ra vẫn rất cạnh tranh.

“Lợi thế của chúng ta so với các nước lương thấp như Việt Nam hay Trung Quốc là bất cứ khi nào những nhà đầu tư nước ngoài cần các công nhân kỹ thuật cao, họ sẽ có được từ Philippines. Lẽ tự nhiên, lương không thể rẻ hơn” - ông Pascual nói. Giá trị lao động thấp không chỉ bởi dân số đông, mà quan trọng hơn với trường hợp Việt Nam, thể hiện năng suất lao động kém, điều đã không được cải thiện nhiều sau 25 năm bắt đầu mở cửa thu hút FDI.

Thiếu nhân công lành nghề, chính sách thuế khóa phiền phức, pháp luật về sở hữu tài sản, bao gồm đất đai, về sở hữu trí tuệ mơ hồ hoặc không thực thi được trên thực tế, bộ máy quan liêu cồng kềnh với quá nhiều thủ tục rắc rối cùng sự tăng trưởng chậm lại khiến quy mô thị trường không còn là yếu tố đủ hấp dẫn... Tất cả đã khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam chững lại và sau 25 năm, nền kinh tế vẫn loay hoay ở những xuất phát điểm rất thấp.

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh 2011-2012 của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy Việt Nam đứng cuối hoặc gần cuối bảng ở khu vực Đông Nam Á trong hầu hết tiêu chí. Điều này đương nhiên quan hệ trực tiếp với việc thu hút FDI.

Bảng các tiêu chí mà Diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra mang tới nhiều gợi ý quan trọng để Việt Nam cải thiện cả số lượng và chất lượng của dòng vốn FDI trong dài hạn. Sự ổn định và hiệu quả của các thể chế nhà nước (hạng 87), cơ sở hạ tầng (hạng 90), giáo dục bậc cao, đi kèm với lao động lành nghề (103) là những yếu tố mà Việt Nam phải cải thiện trong dài hạn. Nhưng việc đó đòi hỏi nhiều thời gian, sự đầu tư lâu dài và những cải cách lớn.

Ở Thái Lan và Malaysia người ta làm gì?

Ý thức được tính chất quan trọng của FDI với nền kinh tế đang phát triển, Thái Lan thu hút FDI với thái độ cởi mở rất rõ ràng và nhất quán. Về quan điểm quản trị nhà nước, chính phủ, dù “Áo vàng” hay “Áo đỏ”, áp dụng các chính sách tự do tối đa với dòng vốn: không hạn chế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài ở lĩnh vực sản xuất, không đặt các yêu cầu về xuất khẩu, không yêu cầu cả tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm chế tạo.

Các hiệp định tự do thương mại song phương với hàng loạt nước, thị trường rất lớn như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc (qua ASEAN), ASEAN, Úc, Bahrain... khiến Thái Lan trở thành lựa chọn hấp dẫn cho những nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào xuất khẩu, qua đó khuyến khích các ngành chế tạo, sản xuất, bao gồm cả nông nghiệp, thay vì những ngành công nghệ phế thải hay đầu cơ như bỏ tiền vào bất động sản.

Thái Lan cũng có một cơ quan riêng giống như Bộ Kế hoạch - đầu tư Việt Nam, nhưng với tên gọi rành mạch và rõ ràng về nhiệm vụ hơn nhiều: Hội đồng các chiến lược đầu tư - cơ quan ban hành chính sách về đầu tư, quản lý hành chính các dự án đầu tư và hỗ trợ cũng như giám sát các nhà đầu tư. Ý tưởng về cơ bản rất đơn giản: hội đồng hỗ trợ các nhà đầu tư trên cơ sở các biện pháp dựa trên thuế hoặc không dựa trên thuế - công cụ mạnh nhất của nhà cầm quyền.

Về thuế, hoặc miễn giảm trực tiếp cho nhà đầu tư, hoặc miễn giảm thuế đánh vào nguyên vật liệu và máy móc nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI. Các chính sách không dựa trên thuế bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp có quyền sở hữu đất rõ ràng, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, quyền tự do mang các chuyên gia và kỹ thuật gia nước ngoài cũng như thủ tục cấp giấy phép lao động dễ dàng.

Nước này bắt đầu các chính sách khuyến khích xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài từ khoảng những năm 1970. Đến khoảng giữa những năm 1990, họ bắt đầu có lần tổng kết lớn đầu tiên về FDI, tức là ở giai đoạn tương đương Việt Nam hiện nay. Cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, Thái Lan đã quyết định phải đến lúc tự do hóa các chính sách và giảm bớt việc tập quyền về chính sách thu hút đầu tư.

Malaysia, giống như Thái Lan, đã có cuộc trở lại ấn tượng sau suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2008 nhờ vào những nỗ lực chung tự thân và nhờ rất lớn vào dòng vốn FDI trở lại mạnh mẽ. Báo cáo Malaysia 2012 của Nhóm kinh doanh Oxford (OBG) của Anh cho thấy sau khi giảm trong giai đoạn 2007-2009, FDI vào Malaysia tăng trở lại 12,2% vào năm 2010.

“Kể từ khi FDI đạt đỉnh năm 2007, Malaysia đã tiến hành nhiều biện pháp tự do hóa nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư để tạo ra tăng trưởng. FDI ở Malaysia đã đạt đỉnh cao mới, trong khi dòng FDI toàn cầu chưa trở lại như mức 2007” - báo cáo viết.

OBG cũng cho rằng hàng loạt chính sách, chương trình và sáng kiến do Thủ tướng Datuk Seri Najib Razak bảo trợ đã tạo ra sự khác biệt lớn. Một ví dụ là việc thu hút đầu tư nước ngoài cho ngành du lịch từ lâu đã là mũi nhọn được Malaysia thúc đẩy mạnh mẽ. Mọi dự án du lịch được giảm thuế trong năm năm và miễn thuế 100% ở các bang Sabah và Sarawak.

Với công nghiệp, những cụm công nghiệp lớn ở các bang Penang, Selangor và Sarawak đã được xây dựng từ trước khủng hoảng nay đón nhà đầu tư trở lại, với 65% dự án mới cho chế tạo ở Malaysia là vào những bang này.

“Đầu tư cao trong lĩnh vực này do ở đây đã có sẵn những cơ sở công nghiệp phụ trợ rất hấp dẫn các nhà sản xuất nước ngoài. Chìa khóa của vấn đề là sự tham gia của lĩnh vực tư nhân. Chính quyền sẵn sàng bỏ vốn nhưng chỉ là phần mồi ban đầu, không phải trực tiếp bỏ tiền cho các khu công nghiệp, mà chỉ là cho thấy sự ủng hộ với thị trường tự do và việc làm ăn của các doanh nghiệp tư nhân” - OBG nói.

Malaysia đề ra một nhiệm vụ rõ ràng trong việc thu hút FDI nhắm chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ do nước này muốn chuyển từ một quốc gia chỉ dựa trên chế tạo và gia công sang một nền kinh tế có khuynh hướng dịch vụ. Mô hình kinh tế mới (NEM) là một kế hoạch chiến lược tổng thể với nền kinh tế được Chính phủ Malaysia vạch ra từ tháng 3-2010 với mục tiêu chuyển nền kinh tế sang hướng dịch vụ, mà việc thu hút FDI vào lĩnh vực dịch vụ để lĩnh vực này sẽ chiếm 60% GDP vào năm 2020.

Trong đó, Malaysia đặc biệt chuyên chú vào mục tiêu trở thành một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trên toàn cầu trong cung cấp dịch vụ tài chính cho các nước Hồi giáo và cung cấp nhân công chất lượng cao làm thuê ngoài.

Riêng trong lĩnh vực dịch vụ, động cơ FDI khác với lĩnh vực sản xuất, đó là một quá trình hai chiều. Thứ nhất, những công ty đầu tư tìm kiếm hiệu quả cao hơn và những thị trường rộng lớn hơn để mở rộng kinh doanh. Nhưng đồng thời, các chính quyền nước nhận FDI cũng phải cố gắng hết sức để tạo ra môi trường thu hút FDI.

Quy trình thu hút FDI được tiến hành qua bảy bước cụ thể, đi từ việc nhắm vào những ngành nghề, công ty và nhà đầu tư phù hợp với lợi thế cạnh tranh của Malaysia và của từng vùng trong nước đến tạo ra một chương trình hỗ trợ về đất cho nhà đầu tư (gồm hỗ trợ lựa chọn địa điểm, cung cấp thông tin về những nhà cung cấp và phân phối mà nhà đầu tư có thể hợp tác trong vùng, phát triển một “ô bảo vệ hành chính địa phương” để hỗ trợ về pháp lý, nguồn nhân lực, kiểm toán, tài chính và cả phong tục, tập quán), cuối cùng là hỗ trợ thực tế nhà đầu tư triển khai việc đầu tư.

Quan trọng không kém là việc tiến hành các chiến dịch quảng cáo để thu hút đầu tư. Có thể so sánh trang chủ của Cơ quan Đầu tư phát triển Malaysia (MIDA) (ở địa chỉ: http://www.mida.gov.my/env3/) và trang của Bộ Kế hoạch - đầu tư Việt Nam (http://www.mpi.gov.vn/portal/page/portal/bkhdt).

Tạm không nhắc tới phần giao diện khác hẳn về sự chuyên nghiệp và thẩm mỹ cũng như năm thứ tiếng và hai thứ tiếng tương ứng của hai trang, đập ngay vào mắt người xem ở trang chủ của MIDA là “Các sự kiện sắp tới” và những hướng dẫn chi tiết về khởi động đầu tư, quan điểm của chính quyền và nhất là các ưu đãi đầu tư.

Ngược lại, trang của Bộ Kế hoạch - đầu tư được trình bày lộn xộn và rất thiếu hấp dẫn với nhà đầu tư, khi những thông tin cơ bản cho một doanh nghiệp FDI sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm hơn hẳn.

Sự thay đổi quan điểm cũng như thực thi về việc thu hút FDI ở Việt Nam vì vậy tốt nhất là nên bắt đầu từ những việc nhỏ như thế.

Tuy nhiên, có nhiều gợi ý khác có thể làm được ngay trong ngắn hạn thông qua báo cáo Doing Business 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo báo cáo này, Việt Nam xếp hạng tổng là 99 về tạo dễ dàng cho sự hoạt động của các doanh nghiệp (DN), so với hạng 18 của Thái Lan và hạng 12 của Malaysia.

WB ước tính mất 10 thủ tục, 34 ngày và 8,7% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm để khởi đầu một DN mới ở Việt Nam. Các con số tương tự ở Thái Lan là 4, 29 và 6,7%; Malaysia là 3, 6 và 15,1%. Tức để mở mới một DN ở Việt Nam mất gần gấp năm lần số ngày so với ở Malaysia. Các tiêu chí cụ thể khác về xin giấy phép xây dựng, tiếp cận với điện, đăng ký tài sản, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư và thuế khóa, Việt Nam cũng đều bị bỏ xa.

Với những DN FDI, cũng như mọi DN khác coi lợi nhuận là điều quyết định, những báo cáo này có ý nghĩa tham khảo rất quan trọng và với đánh giá ở mức chênh lệch như thế dễ hiểu vì sao dòng vốn chất lượng đang chảy vào những nơi khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận