Gánh nặng thất nghiệp

VŨ THỦY 04/05/2020 19:05 GMT+7

TTCT - Dịch bệnh COVID-19 kéo dài nhiều tháng khiến hàng triệu người trong nước đối diện với mất việc, giảm thu nhập. Áp lực việc làm thêm nặng khi nhiều người VN ở nước ngoài cũng chịu cảnh thất nghiệp tìm đường về quê hương.

Nơi ở của một số lao động Việt Nam do các nghiệp đoàn ở Nhật Bản cung cấp trong thời gian họ thất nghiệp hoặc hết hợp đồng lao động nhưng chưa thể về nước. Ảnh: V.Đạt
Nơi ở của một số lao động Việt Nam do các nghiệp đoàn ở Nhật Bản cung cấp trong thời gian họ thất nghiệp hoặc hết hợp đồng lao động nhưng chưa thể về nước. Ảnh: V.Đạt

Thất nghiệp ở xứ người

Đã gần một tháng rưỡi kể từ ngày Thanh Vân (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) hết hợp đồng làm việc với một công ty pin năng lượng mặt trời ở Kuala Lumpur (Malaysia), nơi chị đã làm việc suốt 4 năm, nhưng chị vẫn chưa thể trở về nhà. Vân hết hạn hợp đồng từ ngày 16-3, theo kế hoạch chị sẽ bay về VN ngày 21-3 trước khi visa hết hạn vào 23-3 do công ty đang giảm sản xuất nên không thể gia hạn hợp đồng.

“Chưa kịp bay thì ngày 18-3 Malaysia thông báo phong tỏa, đóng các đường bay đến 12-5. Hơn 10 người Việt khác làm cùng công ty cũng kẹt lại. Những người còn hợp đồng cũng đang tạm nghỉ làm”, Vân kể. Trong thời gian phong tỏa đó, Vân và mọi người ở lại trong ký túc xá của công ty, đồ ăn đặt người khác mua giúp.

“Ngày nào cũng đọc tin VN, tin Malaysia rồi hỏi về chuyến bay. Công ty ở VN đưa sang đây thông báo chờ khi nào mở đường bay rồi về. Công ty vẫn cho ở ký túc xá, có chỗ ở nhưng tốn kém ăn uống. Tôi lại đang mang thai 4 tháng” - chị Hà Thị Phong (35 tuổi), một lao động khác đang thất nghiệp ở Malaysia, kể.

Cả hai vợ chồng chị đều đi làm ở Malaysia, nhưng mỗi người mỗi công ty nên từ ngày phong tỏa cũng không gặp nhau. Chị chỉ mong ngóng về nước, “kiếm việc làm ở nhà, chứ không quay lại nữa”.

Nhưng chị Vân và chị Phong vẫn còn may mắn khi được công ty cũ cho ở miễn phí. Cao Cường (34 tuổi), thợ xây dựng ở Malaysia, phải trả tiền thuê trọ và tiền ăn hằng ngày suốt thời gian Malaysia phong tỏa. Cường đã ở Malaysia nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên không có việc làm lâu như vậy.

“Mấy ngày nay nhờ tổ chức từ thiện của người Việt phát gạo, thức ăn miễn phí, chứ tiền bạc cạn kiệt rồi. Nếu có chuyến, được mua vé về thì người nhà gửi tiền sang. Lần này về cũng chưa biết như thế nào, giờ ở đâu cũng không có việc để làm”, Cường nói.

Nhiều người lao động ở Saudi Arabia cũng đang thất nghiệp và kẹt lại do sân bay đóng cửa. P.T.Thi (37 tuổi, quê Quảng Bình), giúp việc ở Riyad, đã không làm việc cả tháng nay. Chị đang trụ lại nhờ sự hỗ trợ của các nhóm thiện nguyện VN để có nơi ở và thức ăn.

“Bên này dịch bệnh đang lan nhanh lắm, nhiều nơi đóng cửa nên khó xin việc làm”, chị kể. Hơn một năm rưỡi sang làm giúp việc, bị chủ nhà đầu tiên giữ lương mấy tháng liền, chị phản đối thì bị chủ nhà bỏ đói nên đã trốn ra ngoài làm tự do. Đến giờ dịch bệnh bùng phát, những người làm việc bất hợp pháp như chị lập tức thất nghiệp. “Tôi đã tìm đến đại sứ quán xin cấp giấy thông hành và đăng ký chuyến bay về VN”, chị cho biết.

Không ít lao động VN ở Nhật cũng đang mong ngóng chuyến bay trở về khi không còn việc làm. H.Tùng (24 tuổi), công nhân giàn giáo tại Nhật, đã thất nghiệp 3 tháng nay, phải ở nhờ nhà người quen và vay mượn tiền sống qua ngày.

“Nhóm của tôi có nhiều người, lần nào đại sứ quán phát mẫu đăng ký chúng tôi cũng đăng ký nhưng vẫn chưa được xét. Giờ chỉ mong được xếp chuyến bay cho về thôi”, Tùng nói. Văn Đạt, thực tập sinh dập kim loại ở Shiga, cũng ngừng việc từ ngày 20-3 đến nay.

“Tôi làm ở Nhật ba năm nay rồi và chưa về quê lần nào, hợp đồng lẽ ra vẫn còn, nhưng công ty có trục trặc nên nghỉ trước hạn. Hơn tháng nay tôi được nghiệp đoàn ở Shiga cho chỗ ở miễn phí trong thời gian chờ về nước, nhưng chi phí ăn uống bên này vẫn tốn kém lắm”, Đạt kể.

Công nhân Việt Nam đang làm việc tại rất nhiều nhà máy ở Malaysia. Ảnh: H.Thanh
Công nhân Việt Nam đang làm việc tại rất nhiều nhà máy ở Malaysia. Ảnh: H.Thanh

Khó khăn cả hai đầu

“Người chuẩn bị đưa đi xuất khẩu lao động thì không đưa đi được, người hết hạn làm việc bên nước tiếp nhận cũng không về được”, đại diện một công ty xuất khẩu lao động thị trường Nhật Bản chia sẻ.

Ông cho biết các nước tiếp nhận như Nhật, Hàn Quốc ngừng nhập cảnh, VN cũng ngừng hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài nên nhiều trường hợp dự kiến ngày đi đều phải dời lại. “Lịch xuất cảnh dự kiến của nhiều người trong tháng 4 dời qua tháng 5, nhưng có trường hợp chưa biết dời đến khi nào. Phải đợi khi dịch bệnh được kiểm soát, các công ty đối tác mới tiếp tục xem xét và thông báo lịch chính thức”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, nhiều lao động ở VN đã rút hợp đồng khi chờ mãi vẫn không được đưa đi. Anh Thư (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) chuẩn bị cho chuyến đi Nhật làm ngành nhà hàng, khách sạn từ hơn một năm trước, nhưng đến phút cuối đã phải hủy.

“Lẽ ra lịch bay là từ tháng 1-2020, nhưng do công ty bên Nhật không kinh doanh nên không tuyển dụng nữa. Công ty xuất khẩu lao động ở VN đã cho phỏng vấn thêm nhiều công ty khác ở Nhật ngành nhà hàng, khách sạn nhưng đều không được. Cuối cùng, họ gọi lên để thanh lý hợp đồng, tôi lấy lại tiền và các khoản phí đã đóng, không đi nữa”, Thư chia sẻ.

Trước đó, Thư đã mất một năm học tiếng Nhật, tham gia các khóa đào tạo để đủ điều kiện làm việc tại Nhật. “Giờ muốn đăng ký ở một công ty khác cũng lại phải theo quy trình của công ty mới, mệt mỏi lắm nên tạm thời tôi chưa biết tính sao”, Thư nói.

4,6-10,3 triệu lao động bị ảnh hưởng

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các nhà máy phục vụ thị trường nội địa đang phải cắt giảm thời giờ làm việc của người lao động, đề nghị giảm mức lương hay tạm dừng mọi hoạt động sản xuất, cho người lao động nghỉ việc. Lao động trong các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về số giờ làm việc, tạm dừng hợp đồng, cắt giảm lương và sa thải.

Trong thời kỳ đầu của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất ở VN đã cố co kéo, giảm giờ làm, cho nghỉ luân phiên để giữ lao động, chờ các thị trường mở cửa trở lại để phục hồi sản xuất. Nhưng khi dịch bệnh kéo dài nhiều tháng, bắt đầu có sự sa thải. Toàn bộ 600 công nhân Công ty Yesum Vina (ngành may mặc, 100% vốn Hàn Quốc, Khu chế xuất Linh Trung 2, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã nhận thông báo chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 30-5 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng và đại diện người lao động, công ty cho biết nhiều đơn hàng đã bị hủy, đơn hàng từ Mỹ đã ngừng hẳn và nhiều khách hàng thông báo trả tiền trễ nên công ty phải ngừng sản xuất.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến giữa tháng 4-2020 có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu người), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu người), lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740.000).

Trong số trên, khoảng 54% lao động đang làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, 46% lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã. Có đến 59% tạm nghỉ việc, 28% bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên và 13% lao động mất việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã.

ILO đưa ra hai kịch bản: một là mức độ tác động thấp hơn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý 2; hai là mức độ tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng. Với hai kịch bản đó, ước tính đến cuối quý 2 năm nay, cuộc khủng hoảng có thể tác động tới sinh kế của 4,6-10,3 triệu lao động thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm.■

Đề xuất không tăng lương tối thiểu trong năm nay

Theo TS Đào Quang Vinh - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, thị trường lao động VN thời gian tới sẽ vô cùng khó khăn, các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại nhưng vẫn ở mức thấp nên nhu cầu tuyển lao động sẽ không cao.

Người lao động cũng khó tìm được việc làm với mức lương ưng ý, việc thỏa thuận mức tiền lương sẽ rất khó. Nhiều doanh nghiệp và đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị, đề xuất năm 2020 không tăng lương tối thiểu bởi các doanh nghiệp đang và sẽ “rất yếu”...

Đ.Bình

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong quý 1-2020 có 32.062 lao động VN đi làm việc ở nước ngoài, giảm 0,87% so với quý 1-2019. Riêng tháng 3, các doanh nghiệp đã cung ứng 11.560 lao động, giảm 17,23% so với tháng 3-2019.

Tính đến ngày 30-3-2020, có 561.000 người VN đang làm việc theo kênh chính thức tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 90% số lao động này làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Phần lớn (khoảng 80%) làm việc trong lĩnh vực sản xuất.

V.Thủy

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận