Gặp gỡ Việt Nam: Một tiêu điểm hội tụ ánh sáng khoa học

HÀM CHÂU 04/08/2013 20:08 GMT+7

TTCT - Như tiêu điểm của thấu kính, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (International Centre for Interdisciplinary Science and Education, ICISE) đang trở thành một điểm hội tụ những thông tin mới nhất, ở trình độ cao, trong vật lý học và cả trong một số ngành khoa học và giáo dục khác của khu vực, và tiến xa hơn là toàn cầu.

Giáo sư Trần Thanh Vân, chủ tịch Gặp gỡ Việt Nam, đã bày tỏ mong muốn như trên trong cuộc gặp TTCT trước thềm Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 tại Quy Nhơn (Bình Định).

Các nhà khoa học bàn luận bên lề hội nghị (từ trái qua): GS Roland Triay (Pháp), TS Nguyễn Trọng Hiền (làm việc tại Nasa, Mỹ), GS Trần Thanh Vân, GS Meade (Nhật) và GS Jacques Dumarches (Pháp). Ông Roland và Jacques là hai người tổ chức hai hội nghị trong Gặp gỡ Việt Nam lần 9 - Ảnh: Trường Đăng

“Gặp gỡ” từ tình bạn cố tri

* Kính chào GS Trần Thanh Vân, chúc mừng ông trở lại Việt Nam trong Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 (từ 28-7 đến 17-8-2013). Từ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất tới nay là một chặng đường dài... Giáo sư muốn nhấn vào những điểm chính nào của Gặp gỡ Việt Nam lần này? 

Giáo sư Trần Thanh Vân - Ảnh: Trường Đăng

- Thật ra thì từng cuộc gặp, từ lần thứ nhất đến lần thứ 8, mỗi cuộc đều có ý nghĩa riêng. Cuộc gặp lần thứ nhất diễn ra cách đây 20 năm tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, Hà Nội, có ý nghĩa mở đường. Người Việt Nam ta thường nói: “Đầu xuôi, đuôi lọt”. Nếu như lần đầu mà không “xuôi” thì sẽ khó có thể tổ chức những lần sau.

Tình hình hồi tháng 12-1993 thật hết sức gay go. Đất nước đang bị bao vây, cấm vận. Đời sống đồng bào trong nước còn quá thiếu thốn. Khách sạn kém tiện nghi, đặc biệt là về mặt thông tin - liên lạc. Cách suy nghĩ của nhiều người trong nước chưa thật cởi mở, còn nhiều định kiến nặng nề.

Nước ta chưa có quan hệ ngoại giao với Mỹ và nhiều nước phương Tây khác. Việc làm thủ tục visa cho GS Jack Steinberger (giải Nobel) và nhiều nhà vật lý Mỹ cũng như phương Tây nói chung đến Hà Nội gặp nhiều trắc trở. Rất may, tôi được GS Nguyễn Văn Hiệu, lúc đó là viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, hết lòng tin cậy, giúp đỡ.

* Giáo sư có mối quen biết với viện trưởng Nguyễn Văn Hiệu từ bao giờ?

- Từ năm 1963, tức là cách đây đúng nửa thế kỷ. Năm ấy, anh Hiệu mới 25 tuổi, còn tôi 27, đều vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Tôi từ Paris đến, còn anh Hiệu thì từ Matxcơva. Chúng tôi gặp nhau tại một cuộc hội nghị vật lý hạt cơ bản ở Sienna, một thành phố nhỏ ở miền bắc Ý có nhiều ngôi nhà và đường phố cổ rất đẹp. Từ đó, chúng tôi quen nhau, rồi dần dần trở nên thân thiết, do đều là người Việt Nam, lại cùng nghiên cứu trong một chuyên ngành.

Về sau, anh Hiệu và tôi còn gặp nhau nhiều lần tại Pháp hoặc tại các hội nghị vật lý quốc tế ở phương Tây. Anh Hiệu mời tôi về nước tổ chức các hội nghị quốc tế để thu hút các nhà vật lý trên thế giới đến với Việt Nam, từ đó tạo nên hình ảnh đẹp cho đất nước chúng ta trong mắt bạn bè năm châu. Năm nay, tại Gặp gỡ Việt Nam lần này, chúng tôi sẽ tổ chức “lễ vàng” của tình bạn đó.

* Một “lễ vàng” tại Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9, thật thú vị!

- Từ năm 1993 đến nay, chúng tôi đã tổ chức chín lần Gặp gỡ Việt Nam. Nhưng phải nói lần này là có quy mô lớn và nhiều ý nghĩa nhất. Đây là cuộc gặp được nhiều nhà bác học Nobel cũng như nhiều nhà vật lý đầu ngành rất nổi tiếng khác tới dự nhất.

Về mặt chuyên môn, cuộc gặp kéo dài ba tuần, gồm một chuỗi bốn hội nghị quốc tế về vật lý song song hoặc nối tiếp, theo bốn chủ đề khác nhau: 1/ Vật lý học trong kỷ nguyên Planck. 2/ Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn. 3/ Vật lý nano: từ cơ bản đến ứng dụng. 4/ Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ (tức hội nghị khánh thành khu nhà hội nghị trong khuôn viên ICISE).

* Năm nhà bác học từng đoạt giải Nobel đều sẽ có mặt tại Quy Nhơn trước ngày 12-8 để dự lễ khánh thành khu nhà hội nghị trong khuôn viên ICISE? 

- Riêng GS Klaus von Klitzing, người Đức, thì đến sớm hơn vì ông cần chủ trì hội nghị vật lý nano diễn ra từ ngày 4-8 đến 10-8. Ông là chuyên gia hàng đầu thế giới về vật lý nano, vì đã khám phá ra hiệu ứng Hall lượng tử, được tặng giải Nobel vật lý năm 1985.

Trong vật lý học, từ đấy đã xuất hiện một hằng số mới, gọi là hằng số von Klitzing. Sau hội nghị về vật lý nano, GS Klitzing vẫn ở lại để dự lễ khánh thành. Bốn nhà bác học đoạt giải Nobel khác như Sheldon Lee Glashow (Mỹ gốc Do Thái), Jack Steinberger (Mỹ gốc Đức), David J. Gross (Mỹ gốc Do Thái) và George Smoot (Mỹ) đều sẽ đến vào ngày 11-8, và dự hội nghị Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ.

Cũng cần phải nói thêm điều này: lúc đầu có tới chín nhà bác học Nobel nhận lời mời đến Quy Nhơn và đều đã đặt vé máy bay khứ hồi. Nhưng rồi tới sát ngày khai mạc xảy ra một vài trục trặc về sức khỏe bản thân hay công việc gia đình nên bốn người đành trả lại vé, hủy chuyến sang Việt Nam!

Trong số người không tới được có những nhà bác học rất thân thiết với Việt Nam, từng đến nước ta nhiều lần như GS Jerome Friedman, người Mỹ gốc Nga, từng là khách mời danh dự của Olympic vật lý quốc tế năm 2008 diễn ra tại Hà Nội. Cũng có người muốn đến thăm Việt Nam lần đầu như GS Carlo Rubbia, người Ý, để tận mắt chứng kiến nước Việt Nam đang đổi thay...

* Quy tụ được nhiều nhà bác học giải Nobel đến Việt Nam như thế, hẳn phải mất nhiều công sức và một sự đầu tư tri thức lâu dài lắm?

- Phải nói rằng nguyên nhân sâu xa nhất khiến các nhà bác học ấy sẵn lòng đến Gặp gỡ Việt Nam là do họ vốn sẵn có tình cảm yêu mến Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp là do mối quen thân của riêng tôi với họ từ nhiều năm về trước. Ngay từ năm 1966, khi mới 30 tuổi, tôi đã cùng một số nhà vật lý trẻ người Pháp tổ chức Gặp gỡ Moriond về vật lý hạt bên dãy núi Alps trên biên giới Pháp - Ý.

Rồi sau đó, từ năm 1989, lại tổ chức Gặp gỡ Blois về vật lý thiên văn liên kết với một số ngành khoa học khác như sinh học, hóa học, ở vùng thung lũng sông Loire. Nhiều người đã tới dự những cuộc gặp gỡ ấy khi họ còn là những nhà nghiên cứu trẻ, và họ đã trở nên quen thân tôi từ khi họ còn chưa nổi tiếng, chưa được tặng giải Nobel.

Chính tình bạn lâu năm ấy khiến họ cảm thấy vui vẻ thoải mái khi nhận lời mời của tôi - một “ông bạn cố tri”. Hơn nữa, họ tới Quy Nhơn là để thể hiện sự ủng hộ đối với việc thành lập ICISE.

GS Trần Thanh Vân (giữa) cùng đoàn công tác của Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ KH-CN kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục tại Quy Nhơn - Ảnh: Trường Đăng

Khoa học cơ bản không phải ngành xa xỉ!

* Trở lại với Gặp gỡ Việt Nam lần 9... Nội dung chính các bài nói chuyện của hai nhà bác học Nobel Sheldon Lee Glashow và Klaus von Klitzing tại phiên họp khai mạc hội nghị Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ đề cập vấn đề gì?

- S. Glashow là nhà bác học hàng đầu thế giới về vật lý hạt cơ bản. Ông đã cùng S. Weinberg và A. Salam thống nhất được tương tác điện từ và tương tác yếu thành tương tác điện - yếu, một thành tựu đột phá trong vật lý hạt. Còn K. V. Klitzing là nhà bác học hàng đầu về vật lý nano, người khám phá ra hiệu ứng Hall lượng tử. Tiếng nói của hai ông ấy, tất nhiên, rất có trọng lượng.

Hai ông sẽ trình bày để cử tọa nhận thức được tường minh: Tại sao khoa học cơ bản lại đóng vai trò then chốt trong việc tạo nên những thành tựu nhảy vọt của công nghệ, và kết quả là nâng cao nhanh chóng GDP của một quốc gia, tức là mang hiệu quả rất thiết thực, chứ không phải là những ngành khoa học... “xa xỉ”! Coi nhẹ khoa học cơ bản là một sai lầm nghiêm trọng, về lâu về dài chắc chắn sẽ làm chậm lại tốc độ phát triển của một quốc gia. Việt Nam ta nên đề phòng mắc phải sai lầm đó, ngay từ bây giờ, kẻo muộn!

Cũng cần phải nói thêm rằng bên cạnh bài nói của hai nhà Nobel, thì bài thuyết trình của hai nhà vật lý lớn là GS Rolf Heuer - tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) và GS Jean-Loup Puget - giám đốc Chương trình nghiên cứu Planck - về những kết quả đặc sắc nhất trong nghiên cứu vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn cũng rất hấp dẫn, đem lại nhiều thông tin mới, sốt dẻo nhất.

Như tiêu điểm một thấu kính, chúng tôi hi vọng trung tâm Quy Nhơn sẽ hội tụ được những thông tin mới nhất, ở trình độ cao, về vật lý học cũng như một số ngành khoa học và giáo dục khác trong khu vực, và tiến xa hơn là toàn cầu.

* Câu hỏi cuối cùng, có tính “hậu cần” nhưng là thắc mắc của không ít người. Về ICISE, tại sao giáo sư lại chọn Quy Nhơn mà không phải một nơi nào khác?

- Đây là một trung tâm gồm nhiều hạng mục kiến trúc mà khu nhà hội nghị chỉ mới là hạng mục đầu tiên được khánh thành.

Để các nhà khoa học Việt Nam và châu Á, cũng như trên thế giới, có thể tới đây hội họp, nghiên cứu ngắn hạn hoặc dài ngày thì còn phải xây dựng thêm nhiều hạng mục khác nữa, chẳng hạn: khách sạn tiện nghi, nhà hàng “ngon lành”, quán cà phê, bể bơi nước ngọt, những ngôi nhà gỗ hiên rộng (bungalow), nhà trầm tư (cogitum), nhà trị liệu bằng nước (spa), sân tennis, nhà chiếu hình vũ trụ, những con đường dạo bộ...

Khi tới đây làm việc một vài tuần hay vài ba tháng, các nhà khoa học có thể dẫn theo cả vợ con. Họ vừa làm việc, vừa kết hợp nghỉ ngơi.

Một trung tâm như thế, tốt nhất là nằm trên bờ biển. Bờ biển Việt Nam rất dài. Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết và nhiều nơi khác cũng sẵn lòng ủng hộ chúng tôi xây dựng ICISE ở địa phương mình. Tuy nhiên, ở Vinh thì số ngày lạnh trong năm nhiều quá, không tắm biển được. Huế thì lại mưa dầm dề, dai dẳng cả tháng. Đà Nẵng thường bị bão lớn ập vào. Phan Thiết thì quá bằng phẳng, không núi non, xa trường đại học.

Quy Nhơn đáp ứng được nhiều yêu cầu: cảnh quan đẹp, vừa có biển, có núi, có sông, số ngày nắng ấm trong năm, có thể tắm biển khá nhiều. Hơn nữa, ở gần trường đại học, trung tâm có thể tác động nhiều hơn đến khoa học và giáo dục địa phương.

Và, điều cuối cùng khiến chúng tôi “nghiêng hẳn” về phía Quy Nhơn là do các nhà lãnh đạo tỉnh, thành phố như các ông Vũ Hoàng Hà, Nguyện Văn Thiện, Lê Hữu Lộc cũng như công ty xây dựng trực tiếp thi công công trình ICISE hết lòng ủng hộ chúng tôi. Tỉnh chẳng những cấp cho chúng tôi một mảnh đất lý tưởng bên bờ biển, rộng tới 200.000m2, mà còn xây dựng đoạn đường từ quốc lộ vào trung tâm, đưa điện, nước tới tận nơi và cải tạo cảnh quan.

Không rõ ở đâu có những hiện tượng tiêu cực như thế nào. Nhưng ở đây, ở Quy Nhơn - Bình Định này, suốt trong mấy năm xây dựng trung tâm, chúng tôi chưa hề gặp phải tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực như những lời đồn đại...

* Rất cảm ơn giáo sư. Chúc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 thành công tốt đẹp.

Giáo sư Trần Thanh Vân tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1957, tiến sĩ vật lý năm 1963 tại Paris với bản luận án xuất sắc chỉ rõ rằng hạt proton không phải là “viên gạch cuối cùng” của vật chất, mà là một cấu trúc gồm nhiều “viên gạch” còn nhỏ hơn nữa kết hợp lại (về sau được cộng đồng vật lý quốc tế làm sáng tỏ đó là các hạt quark).

Ông được Viện Vật lý Mỹ đánh giá là “người có công lao to lớn suốt bốn thập niên tập hợp các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch và nhiều nền văn hóa khác nhau ngồi lại bên nhau trong tình thân ái qua các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam; và cũng là người đã hoạt động không mệt mỏi nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam.

Tháng 4-2012, ông là một trong ba người châu Á được tặng Huy chương Tate (Tate Medal) tại hội nghị Hội Vật lý Mỹ ở Atlanta, bang Georgia. Trước giáo sư Trần Thanh Vân, chỉ mới có hai người châu Á được nhận huy chương này là Abdus Salam (gốc Pakistan, 1978) và Lục Vũ (CHND Trung Hoa, 2007).

Ông được Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tặng bằng tiến sĩ khoa học danh dự. 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền - một trong các nhà khoa học cốt cán của Cơ quan Không gian và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), nhà khoa học Việt đầu tiên đặt chân lên Nam Cực (1992) - đã hé lộ như vậy khi trò chuyện với TTCT về Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền - Ảnh: Đăng Nam

* Trong chương trình của Gặp gỡ Việt Nam lần này, chúng tôi được biết tiến sĩ sẽ có bài giảng về vũ trụ học trước các sinh viên cao học và giáo sư trẻ trong nước. Bài giảng đó là gì?

- Tôi sẽ giảng về bức xạ nền. Đây là một trong những vấn đề nghiên cứu hàng đầu của vật lý hiện đại. Bức xạ nền là bức xạ còn lại khi vũ trụ mới thành lập. Và đây là cách tốt nhất để chúng ta tìm hiểu về vũ trụ mới sinh. Ngoài ra bức xạ nền cũng cung cấp những dữ liệu khoa học để cho chúng ta biết vũ trụ đã phát triển như thế nào. Đã có rất nhiều câu hỏi mà ông bà ta ngày xưa từng đặt ra nhưng không trả lời được như vũ trụ từ đâu mà ra, bao nhiêu tuổi, lớn cỡ nào...

Nghiên cứu bức xạ nền sẽ cho chúng ta những hiểu biết nghiêm túc về mặt lý thuyết. Cộng với sự hỗ trợ của những công cụ thiết bị khoa học, chúng ta sẽ có được những thí nghiệm để kiểm chứng, từ đó thu nhận được những kết quả nhất định cho những câu hỏi trên. Vì thế người ta gọi đây là thời đại vàng son của vũ trụ và bức xạ nền là một trong những lý do đưa vũ trụ đến với thời kỳ vàng son của nó.

Thí nghiệm bức xạ nền mà tôi đang thực hiện tại Nam Cực là một trong những thí nghiệm hàng đầu về nghiên cứu bức xạ nền của thế giới. Theo kế hoạch, tháng 12 tới đây tôi sẽ quay lại Nam Cực để tiếp tục nghiên cứu.

* Còn những kỳ vọng tại cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần này ở Quy Nhơn?

- Việc nghiên cứu bức xạ nền đã đến giai đoạn mà tôi cho là sẽ có những kết quả mang tính chấn động trong vũ trụ học. Tôi hi vọng rằng đây là dịp để biết thêm về những thông tin “nóng” ấy. Hơn nữa tại cuộc gặp gỡ này sẽ khai trương Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại Quy Nhơn do vợ chồng GS Trần Thanh Vân sáng lập. Đây là một công trình rất ý nghĩa cho việc giao lưu, giới thiệu cộng đồng các nhà khoa học quốc tế với các nhà khoa học trong nước.

Ngoài ra đây là dịp để tôi có cơ hội giao lưu với các bạn sinh viên trong nước qua một khóa giảng dạy tại Quy Nhơn. Với cá nhân tôi, khi nào được về nước giảng dạy tôi đều rất hứng khởi, và không riêng gì tôi mà các nhà khoa học gốc Việt đều có khao khát được về quê nhà cống hiến.

* Anh có thể nói rõ hơn về những “thông tin mới về vũ trụ” mà anh vừa tiết lộ?

- Chúng ta biết rằng bức xạ nền xảy ra từ vụ nổ lớn và từ đó hình thành nên vũ trụ ngày nay. Vậy thì câu hỏi “Trước bức xạ nền là cái gì?”. Và những thông tin nhận được ở Gặp gỡ Việt Nam lần 9 có thể dẫn đến câu trả lời đó. Hiện nay câu trả lời được người ta nhắc đến nhiều nhất là mô hình vũ trụ lạm phát, nghĩa là vũ trụ hư vô... ban đầu nó rất nhỏ nhưng sau đó nó phóng đại rất nhanh, nhanh hơn tốc độ ánh sáng và người ta gọi đó là vũ trụ lạm phát.

Cho tới bây giờ giới khoa học có những dấu chỉ cho thấy vũ trụ lạm phát xảy ra nhưng đó chỉ là những điều kiện cần. Cần những phát hiện sắp tới cho thấy nó thật sự xảy ra và đó là điều kiện đủ cho giả thuyết.

* Gặp gỡ Việt Nam đang ngày càng quy tụ nhiều tài năng khoa học Việt Nam. Những hoạt động khoa học này không chỉ giúp đưa những tên tuổi lớn về nước, như GS Ngô Bảo Châu, mà còn tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước tiếp cận với các tinh hoa khoa học thế giới. Tiến sĩ có ấp ủ kế hoạch gì trong việc đào tạo các nhà khoa học trẻ Việt?

- Tôi có thể kể thêm vài tên tuổi lớn người Việt nữa tham gia hội thảo lần này như GS.TS Phạm Xuân Yêm, GS.TS Đàm Thanh Sơn - một trong những nhà vật lý xuất chúng của Việt Nam. Phải nói rằng tôi không ngạc nhiên bởi người Việt Nam khi có cơ hội học tập, nghiên cứu chắc chắn họ sẽ đạt được những thành công trong khoa học, nghiên cứu sáng tạo.

Cái tôi mừng hơn là các bạn sinh viên Việt Nam hiện nay có được những con người như Đàm Thanh Sơn hay Ngô Bảo Châu. Đây chính là những tấm gương để các thế hệ sinh viên kế tiếp noi theo, để biết thế nào là sáng tạo đích thực.

Một trong những mong mỏi không riêng gì cá nhân tôi mà của rất nhiều người Việt làm khoa học trên thế giới là làm sao đưa được thật nhiều sinh viên Việt Nam đến với các môi trường học tập tiên tiến trên thế giới. Cụ thể, dịp khai trương trung tâm quốc tế tại Quy Nhơn lần này là cơ hội để chúng tôi “chấm” tìm các sinh viên xuất sắc, đưa họ sang Mỹ, Nhật, Pháp đào tạo.

Lần này theo kế hoạch, tôi sẽ gặp các đồng nghiệp Nhật. Họ sang Quy Nhơn để báo cáo những công trình khoa học của họ, đồng thời muốn tìm gặp các sinh viên Việt Nam để đưa sang Nhật. Họ đã gửi yêu cầu cho tôi là phải thu xếp để họ gặp các tài năng trẻ và tôi đoan chắc với họ là làm được điều này!

* Cảm ơn tiến sĩ và chúc anh thành công.

 Năm 2010 tôi về Huế dạy môn vật lý tiên tiến (tài năng). Đây là chương trình do Bộ GD-ĐT tài trợ và dạy trong ba năm. Trong thời gian dạy ở đây, ấn tượng nhất là năng lực ngoại ngữ. Sinh viên Huế được trang bị ngoại ngữ rất tốt. Chương trình đào tạo này hoàn toàn bằng tiếng Anh, từ tài liệu đến bài giảng, bài tập, nhưng tôi không hề thấy họ “khổ sở” về ngôn ngữ.

Sau một năm giảng dạy, năm 2011 tôi đưa được sinh viên Nguyễn Trường Vũ sang Mỹ phụ tá cho tôi tại Học viện công nghệ California chuyên ngành vật lý thiên văn. Và tôi thật không ngờ Vũ lại học giỏi đến như vậy. Sau gần một năm tu nghiệp tại học viện danh tiếng này, đầu năm 2012 Vũ trở về Huế tiếp tục công tác tại Trường ĐH Sư phạm Huế.

TS Nguyễn Trọng Hiền


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận