Giải mã "bất ngờ xuất khẩu gạo"

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 18/11/2012 00:11 GMT+7

TTCT - Sau những hào hứng ít nhiều của khả năng đạt được danh hiệu quốc gia “xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới” trong năm 2012, cần bình tĩnh nhìn kỹ vào những số liệu không biết nói dối trên đường đi của hạt gạo Việt Nam để rút tỉa thêm những kinh nghiệm trong điều hành, đàm phán xuất khẩu gạo.

Phóng to
Vị thế xuất khẩu gạo hàng đầu chưa đem lại niềm vui cho nông dân - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trong bối cảnh thị trường thế giới đầy biến động, xuất khẩu gạo của nước ta năm nay cũng có không ít những bất ngờ.

Trước hết, điều bất ngờ nhất chính là khối lượng gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới từ đầu năm đến nay đã chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Đối với Việt Nam, sau giai đoạn đầu vô cùng khó khăn đã bứt tốc mạnh mẽ khiến chúng ta đang đứng trước khả năng trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới trong năm 2012. Điều đáng nói là phản ứng chung cho thấy tin tức này không mang lại niềm vui thật sự cho nền sản xuất nông nghiệp nội địa, đặc biệt là những nông dân vẫn đang “một nắng hai sương” trên cánh đồng lúa.

Đường đi của gạo xuất khẩu

Trên bình diện toàn cầu, các dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đến tháng 3 vừa qua vẫn cho rằng năm nay thế giới được mùa lớn, khối lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm rất mạnh xuống chỉ còn 32-33 triệu tấn so với kỷ lục 36,2 triệu tấn của niên vụ 2010/2011.

Thế nhưng dự báo mới nhất của cơ quan này cuối tuần vừa qua lại cho rằng khối lượng gạo xuất khẩu trong niên vụ này sẽ đạt kỷ lục mới 38,2 triệu tấn, tức tăng vọt 5-6 triệu tấn so với các dự báo trước đây và 2 triệu tấn so với kỷ lục của niên vụ vừa qua.

Trong khi đó, các số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy chúng ta kết thúc quý 1 năm nay chỉ với chưa đầy 1,1 triệu tấn, không những giảm 41,2% so với cùng kỳ năm 2011 mà đây còn là khối lượng gạo xuất khẩu thấp kỷ lục kể từ khi chúng ta đạt quy mô xuất khẩu từ 6 triệu tấn/năm trở lên từ năm 2009 đến nay.

Thế nhưng sau cú sốc này, với trên 2,3 triệu tấn trong quý 2 và trên 2,4 triệu tấn trong quý 3, cao kỷ lục trong vòng bốn năm trở lại đây, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta kết thúc 3/4 chặng đường của năm nay đã đạt trên 5,8 triệu tấn, nếu so với những thông tin của VFA thì cao nhất trong “làng xuất khẩu gạo thế giới” (tính đến ngày 2-10, Ấn Độ mới đạt 5,67 triệu tấn và Thái Lan chỉ đạt 5,15 triệu tấn).

Như vậy sau khi đã đạt kỷ lục mới trong tháng 10 và để cán đích 7,7 triệu tấn như đánh giá của VFA, khối lượng gạo xuất khẩu bình quân hai tháng cuối năm sẽ phải đạt kỷ lục 600.000 tấn.

Không những vậy, nếu áp các con số này vào số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê thì tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta năm nay sẽ vượt ngưỡng 8 triệu tấn, bởi 10 tháng đầu năm đã ước đạt 6,8 triệu tấn.

Tuy nhiên, việc chúng ta năm nay có đoạt “ngôi hậu” trong làng xuất khẩu gạo thế giới hay không sẽ còn phải chờ đến cuối năm. Bởi theo ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, lượng gạo xuất khẩu trong niên vụ 2011/2012 của Ấn Độ là con số tròn trĩnh 10 triệu tấn, trong khi của Thái Lan sẽ chỉ là 6,5 triệu tấn.

Đây thuần túy là những con số về mặt khối lượng. Vấn đề giá gạo xuất khẩu – vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ẩn phía sau tiến trình xuất khẩu của Việt Nam - lại hiện diện trên những con số rất khiêm tốn.

Trong điều kiện giá gạo thế giới giảm, việc giá gạo xuất khẩu của chúng ta giảm là tất yếu. Các số liệu thống kê của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy bình quân chỉ số giá gạo Indica (gạo tẻ hạt dài chiếm tuyệt đại bộ phận trong “rổ gạo xuất khẩu” của nước ta) trong 10 tháng qua đã giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Đây đương nhiên là hệ quả của việc nguồn cung trên thị trường thế giới rất dồi dào khiến các quốc gia xuất khẩu phải cạnh tranh để giành thị phần.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã diễn biến không bình thường ở nhiều khía cạnh.

Xét trên tổng thể, bình quân giá gạo xuất khẩu theo số liệu thống kê của VFA trong 10 tháng qua đạt 444 USD/tấn, giảm 44 USD và 8,3% so với cùng kỳ 2011. Đây rõ ràng là mức giảm quá lớn so với mức giảm chung của thế giới.

Nếu xét theo từng tháng, trong khi giá gạo xuất khẩu tháng 1 ở mức đỉnh 550 USD/tấn thì lượng xuất khẩu ở mức đáy 279.000 tấn, và ngược lại khi giá tháng 7 ở mức đáy 395 USD/tấn thì lượng xuất khẩu rất cao ở mức 765.000 tấn. Đó chính là “nghịch cảnh” giá cao thì xuất khẩu ít, còn giá thấp thì xuất khẩu nhiều rất phổ biến từ lâu nay.

Nếu giả định lượng gạo xuất khẩu trong hai tháng cuối năm đều là 600.000 tấn để đạt 7,7 triệu tấn như khẳng định của VFA và giá gạo xuất khẩu đều là 481 USD/tấn như trong tám ngày đầu tháng 11 này, chúng ta có bức tranh xuất khẩu gạo cả năm tính theo quý chắc chắn không như mong muốn.

Đó là khi giá trong quý 1 cao hơn giá bình quân cả năm 7,5% thì lượng gạo xuất khẩu chỉ chiếm 16,6%, còn quý 4 giá cũng cao hơn 4% thì lượng gạo xuất khẩu chỉ chiếm 22,4%. Ngược lại, trong khi giá gạo xuất khẩu quý 2 thấp hơn giá bình quân kỷ lục 3,8% thì lượng xuất khẩu lại chiếm kỷ lục 31,1% và hai con số tương ứng của quý 3 là 3,2% và 29,9%.

Như vậy, nếu tính chung hai quý giữa năm thì khối lượng xuất khẩu chiếm 61% với giá chỉ đạt 434 USD/tấn, còn khi gạo được giá 475 USD/tấn trong hai quý đầu và cuối năm thì lượng xuất khẩu chỉ chiếm 39%.

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng căn bệnh xuất khẩu ồ ạt khi giá thấp, còn khi giá cao thì co lại như vậy cũng đã xuất hiện trong năm 2011, nhưng rõ ràng tình hình năm nay đã nghiêm trọng hơn.

Phóng to

Sự thật khó chịu

Do vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao lượng gạo xuất khẩu trong năm nay có thể tăng đột biến 900.000 tấn so với năm 2011 (theo giả định nói trên và số liệu của Tổng cục Thống kê) trong khi sản lượng lúa năm nay ước tính chỉ tăng trên 1 triệu tấn, còn giá gạo xuất khẩu lại giảm mạnh như vậy.

Câu trả lời chỉ có thể là trong khi sản lượng lúa năm 2011 đã tăng hơn 2,3 triệu tấn, tương ứng với sản lượng gạo tăng khoảng 1,4 triệu tấn, nhưng lượng xuất khẩu chỉ tăng 350.000 tấn do giá xuất khẩu đã tăng đột biến 36 USD và đạt 521 USD/tấn vào tháng 9-2011. Vào tháng 10, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh lên 549 USD/tấn và cao hơn giá của Thái Lan 5 USD/tấn, tháng 12 đạt đỉnh 582 USD/tấn nên khối lượng gạo đã bắt đầu “rơi tự do” ngay từ đó và chạm đáy chỉ với 279.000 tấn trong tháng 1 năm nay.

Thực tế đó có nghĩa là do giá gạo xuất khẩu bị đẩy lên quá cao đã khiến nhiều khách hàng “chào tạm biệt” chúng ta. Hệ quả là tồn kho quá lớn trong hầu hết thời gian từ đầu năm đến nay đã tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải hạ giá để dụ họ trở lại và tăng tốc xuất khẩu.

Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của một hãng thông tấn phương Tây cho thấy sau khi từ bỏ cuộc đua về giá với các đồng nghiệp Thái Lan từ đầu tháng 12-2011, giá chào xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam đến nay chỉ có một tháng đã ngang bằng với của Ấn Độ, còn năm tháng thấp hơn và bốn tháng cao hơn, tính chung thì thấp hơn 2 USD (432 USD so với 434 USD/tấn đối với gạo 5% tấm).

Như vậy, có thể nói việc chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn trong xuất khẩu gạo năm nay chủ yếu vẫn do dự báo chưa sát thị trường thế giới từ cuối năm 2011, dù đã cố gắng “sửa sai” để giành lại thị trường và đã phải trả giá. Điều “may mắn” này lại có được khi người Thái vẫn kiên định với chính sách giá cả phi thị trường của mình và đang phải loay hoay với đống gạo dự trữ khổng lồ 14-15 triệu tấn của mình, còn tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cao vượt trội của Ấn Độ (trong khi tổng khối lượng chỉ tương đương như của chúng ta) lại chắc chắn là do họ có khối lượng quá lớn “bảo bối” gạo đặc sản basmati nổi tiếng thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận