Giáo dục 10 năm, 20 năm nữa sẽ như thế nào?

NGUYỄN VẠN PHÚ 30/09/2017 21:09 GMT+7

TTCT - Con người tương lai cần gì? Trẻ em đang ngồi trên ghế nhà trường cần học gì trước những thay đổi lớn lao hiện nay và sắp tới?

.
.

 Nếu tin lời phân tích của tờ The Economist, nhiều nghề sẽ biến mất trong tương lai gần. Phần mềm khai thác dữ liệu sẽ thế chỗ các trợ lý luật sư vì chúng tìm và phân tích thông tin nhanh hơn con người nhiều lần.

Kỹ thuật viên đọc phim chẩn đoán y tế sẽ nhường ghế cho phần mềm xử lý hình ảnh vì chúng cho ra kết quả chính xác hơn con người. Các ứng dụng đa dạng sẽ tước việc của các đại lý du lịch, bán vé máy bay... Đó chỉ là một vài ví dụ.

Còn nếu nghe theo dự báo của các chuyên gia tham gia một bàn tròn do BBC tổ chức, không hẳn tự động hóa sẽ chiếm hết việc của con người, mà đúng hơn đến 60% ngành nghề hiện nay sẽ phải nhường 2/3 các công đoạn của nghề cho máy móc, phần mềm.

Tức là có thể công việc không mất đi, nhưng cách “hành nghề” sẽ khác trước một trời một vực.

Chúng ta không biết điều gì?

Dù tin theo ai đi nữa, có lẽ chúng ta phải thừa nhận một điều: không ai biết 10 năm nữa kỹ năng nào sẽ không còn cần thiết, kỹ năng nào sẽ được nhấn mạnh; kiến thức nào sẽ trở nên lạc hậu, điều gì sẽ giúp một người thích nghi với cuộc sống lúc đó.

Nhường cho máy làm 2/3 công việc thì chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta không biết. Vậy làm sao chúng ta có thể yên tâm đứng trước các học sinh hiện nay đang ngồi ở bậc tiểu học và 10 năm, 15 năm nữa sẽ phải ra đời, đối diện với sự bất định đó, để rồi dạy các em những điều từng được dạy cho chúng ta?

Không lẽ chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, trong khi biết đâu tương lai máy sẽ tuyển người và máy sẽ không thèm nhìn đến bằng cấp?

Trở lại với dự báo của BBC, lấy nghề báo để minh họa. Nghề báo hiện nay, viết chỉ là công đoạn cuối cùng.

Các công đoạn chuẩn bị trước đó cần sự hỗ trợ rất lớn từ máy móc: tìm thông tin nền trên Internet, kiểm tra các tin về cùng đề tài đã được đăng tải, nên hỏi câu gì trong cuộc họp báo sắp tới, xác định được tranh cãi quanh đề tài được giao thực chất là gì...

Khác với ngày xưa, phóng viên ngày nay phải biết xu hướng người đọc đang quan tâm gì, phải biết khai thác dữ liệu lớn, phải biết “ngửi” tin từ mạng xã hội, từ cái âm thanh ồn ào, râm ran của hàng ngàn ý kiến để sàng lọc các manh mối cần biết.

Chẳng khác gì phóng viên phải hợp tác chặt chẽ với phần mềm, với ứng dụng hay với các công cụ mang tính thông minh nhân tạo, nhường bớt việc cho chúng.

Trường đào tạo các nhà báo tương lai không dạy cụ thể những kỹ năng làm việc theo kiểu hợp tác như thế.

Các kỹ năng như đào xới dữ liệu (data mining), nhận biết và tận dụng dữ liệu lớn (big data), viết từ khóa (key words) cho máy tìm kiếm... thường do phóng viên tự tìm hiểu và tự học trong khi hành nghề.

Mà dù có muốn tổ chức cũng không biết tìm thầy ở đâu ra trong ngành báo chí để dạy các kỹ năng này. Chỉ mới hình dung đến đó đã thấy tương lai của ngành đào tạo nghề báo phải khác bây giờ nhiều lắm.

Nhìn rộng ra cuộc sống của một người bình thường hiện nay: phải thừa nhận họ tiêu tốn từ vài phút đến vài giờ cho mạng xã hội.

Ở đó, khác với ngày xưa, họ phải có những kỹ năng như viết ngắn gọn, súc tích nhưng mang tính thuyết phục người nghe, đọc hiểu được mọi hình thức biểu cảm để lọc được nội dung thật sự, biết phân biệt được giả chân, ngay cả trong tin tức.

Sẽ có người thấy tiếc vì ngày xưa chỉ biết học viết theo văn mẫu, đẻ ra toàn câu sáo rỗng, những đoạn văn vô hồn, không thuyết phục được ai.

Sẽ có người băn khoăn vì sao ngày xưa mình cũng học phân tích, chứng minh, bình luận đủ cả nhưng đọc một nội dung có linh tính là sai nhưng không biết sai ở đâu, vì sao sai, làm sao để bác bỏ.

Sẽ có người đọc đến đây và thốt lên: không lẽ giáo dục mà phải mang nhiệm vụ chuẩn bị cho người ta chơi Facebook à?

Nếu đo lường được tác động của các mạng xã hội, trong đó Facebook là một kênh quan trọng, đang ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, quyết định của nhiều người như thế nào, ắt chúng ta sẽ không nghĩ thế.

Quan trọng hơn, sự độc quyền và đôi lúc sự lũng đoạn thông tin của các tay chơi lớn như Google, Facebook, Twitter sẽ bị hạn chế phần nào nếu chúng ta có những kỹ năng chống chọi lại.

Và đó chính là nhiệm vụ của giáo dục: trao công cụ để con người tìm tự do, không bị khống chế bởi xu thế chung hay sự xô đẩy của đám đông bị kích động.

Chỉ vài ba năm nữa thôi, cảnh một em học sinh đưa điện thoại di động lên, như hỏi trợ lý ảo Siri của iPhone, hỏi một câu bất kỳ, máy sẽ trả lời vanh vách không phải là chuyện khoa học viễn tưởng.

Kiến thức sẽ không nằm trong bộ nhớ con người nữa, nó chuyển qua nằm trên máy hay trên mây (cloud).

Khi tốc độ truy xuất giữa bộ nhớ sinh học và bộ nhớ điện tử là gần như nhau thì việc gì không chuyển kiến thức lên mây để não bộ chứa chuyện khác.

Tìm lại sự độc lập của tư duy

Vậy con người tương lai cần gì? Trẻ em đang ngồi trên ghế nhà trường cần học gì trước những thay đổi đó?

Chúng ta không biết cụm kỹ năng nào sẽ tối cần thiết, cụm kỹ năng nào sẽ biến mất trong tương lai, nhưng việc đó không ngăn cản các nước chuẩn bị cho học sinh của mình (xem box).

Các chuyên gia giáo dục hàng đầu gần như đạt sự đồng thuận về tương lai của giáo dục, trong đó ai cũng nhấn mạnh cần nhất là tính sáng tạo, tư duy độc lập và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Thế giới hiện nay tràn ngập thông tin nên vấn đề không phải là tiếp nhận hay chia sẻ thông tin, mà là ứng xử như thế nào với thông tin, bắt nó phục vụ mình trong thế giới thật.

Thật ra trẻ nhỏ bắt đầu những ngày đi học với sự độc lập trong suy nghĩ. Óc tưởng tượng của các em tràn ngập sự sáng tạo, nhưng chính nhà trường mài mòn dần các đặc tính đó bằng cách nhồi nhét kiến thức, áp đặt suy nghĩ theo lối mòn và đi kèm là các biện pháp kỷ luật, ít nhất là bằng điểm số.

Chỉ cần người lớn tránh sang một bên cho các em sáng tạo cũng đã là một thay đổi lớn trong giáo dục tương lai.

Nhìn xa hơn một chút nữa, người ta đang nói về khả năng thiết kế các chương trình học mang tính cá nhân hóa cho từng học sinh.

Đó là điều hoàn toàn khả thi nhờ tiến bộ công nghệ, lúc đó em giỏi sẽ học nhanh hơn em trung bình trong cùng một lớp.

Người ta cũng nói về môi trường học, không chỉ trong lớp học truyền thống mà còn là học bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu cũng nhờ tiến bộ công nghệ. Nói cách khác, học sẽ là phụ, hành (thực hành trong đời thực để giải quyết vấn đề) mới là chính.

Kiến thức là phụ, tìm giải pháp cho các dự án thầy cô giao mới là chính. Cũng nhờ thế, học sinh sẽ có quyền chọn môn học, chọn tốc độ học, thậm chí tự thiết kế chương trình học cho mình.

Nền giáo dục Việt Nam hiện chỉ mới chú trọng trang bị cho các em kiến thức nền về văn học, toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và một chút kỹ năng công nghệ thông tin, vẫn còn thiếu lĩnh vực tài chính, văn hóa và quan hệ dân sự.

Các năng lực khác gồm tư duy độc lập, giải quyết vấn đề, cổ xúy sáng tạo, thực hành giao tiếp, tổ chức hợp tác... chưa được chú trọng.

Chính vì thế các em thiếu đi sự tò mò, sự chủ động, tính bền bỉ, thích nghi, óc lãnh đạo... toàn là những tố chất cần có của một người sống ở thế kỷ này. Từ đó mới thấy tương lai giáo dục vẫn còn ngổn ngang trăm bề, chứ đâu phải chỉ là biên soạn chương trình mới.■

 

 

Chuẩn bị cho tương lai

Theo một nghiên cứu của Economist Intelligence Unit (EIU) vừa mới công bố tuần trước, Singapore đứng đầu châu Á và thứ 5 toàn thế giới trong việc chuẩn bị cho học sinh bước vào tương lai.

Trong một khảo sát đánh giá cách hệ thống giáo dục của các nước trang bị những kỹ năng cho tương lai học sinh như thế nào, EIU xếp thứ tự năm nước đứng đầu thế giới gồm: New Zealand (88,9 điểm), Canada (86,7 điểm), Phần Lan (85,5 điểm), Thụy Sĩ (81,5 điểm) và Singapore (80,1 điểm).

Việt Nam nằm ở nhóm nước cần có sự cải thiện, xếp thứ 28 với 42 điểm.

Nghiên cứu này cho rằng công nhân tương lai sẽ cần phải nhanh trí, linh hoạt và năng nổ, sẵn sàng nhận biết và đáp ứng nhanh chóng các xu hướng mới nổi.

Các kỹ năng này rất cần thiết để ứng phó với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, di dân và thay đổi cơ cấu dân số.

Hai trong các điểm mạnh của hệ thống giáo dục ở Singapore là vị thế cao của người thầy trong xã hội, nên thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm và khả năng các trường tổ chức chương trình bên ngoài lớp học để học sinh có thể học các kỹ năng phong phú như lập trình, chế tạo robot, viết ứng dụng giải quyết các vấn đề xung quanh các em.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận