Gót chân Achille của Đông Nam Á

DU LONG 09/02/2004 07:02 GMT+7

TTCN - Không lấy làm lạ tại sao phát ngôn viên của tổ chức WHO Tây Thái Bình Dương từ Manila hôm 3-2-2004 lại cảnh cáo: “Không một chốn nào ở châu Á là an toàn trước dịch cúm gà/người!” (AFP). Nguyên nhân của tình hình này có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan.


Thiêu gà trong hố rồi lấp hay chôn gà, cách nào bớt ô nhiễm về lâu dài hơn?

Khách quan như trường hợp virus H5N1 hung hãn này chẳng rõ từ đâu ập đến. Có khi “từ trên trời rơi xuống” như từ các loài chim di trú, hay từ những con chim đeo khuyên như con chim xả xuống ở Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) “trong tình trạng ủ rũ, có ghi mã số, hai bên nách có đóng dấu bằng chữ…” (SGGP 4-2-2004). 

Song, đáng ngại nhất vân là những nguyên nhân chủ quan. Éo le thay, lại là chủ quan trong sinh sống hằng ngày và nay trong thời dịch tễ. Đọc tin “chim lạ đeo khuyên” nêu trên, thấy nông dân phát hiện chú chim đã giao lại cho xã, xã giao lại cho công an huyện... 

Chẳng rõ cùng với việc công an “chăm sóc, tiếp tục xác định thông tin về con chim lạ này”, còn có cơ quan thú y, dịch tễ nào cùng tham gia “tìm hiểu” xem con chim trên (đeo khuyên là trong khuôn khổ một thử nghiệm nào đó) để truy ra xem chim này xuất phát từ nước nào (qua những chữ thích trên chim), vì mục đích gì, có mang mầm bệnh không. Nếu dừng lại ở công an huyện mà thôi, thì cơ khổ!

Có khi chủ quan một cách “gan lì” như ở Thái Lan. Đến thứ năm 5-2-2004, bệnh cúm gà đã lan đến 40 tỉnh của nước này, song tờ The Nation vẫn rao: nhà cầm quyền Phukhet sẽ tổ chức “hội chợ” gà vào thứ bảy tới, du khách nước ngoài sẽ được mời… ăn thịt, trứng gà miễn phí. 

Cũng theo báo này, không chỉ đảo Phukhet mới tổ chức “hội chợ” gà, mà còn nhiều tỉnh thành khác, kể cả những nơi đã nhiễm dịch như Bangkok! 

Tất nhiên, có những biện luận cho chọn lựa này, trong đó có lý do kinh tế (quốc gia) và lợi ích (cá nhân) liên quan đến số phận đàn gà mấy trăm triệu con. Chính vì thế người ta chọn biện pháp “nhắm mắt tin” nơi thịt gà nấu chín thay vì tiêu hủy cả đàn gà vịt như WHO đã khuyến cáo. 

Có thể hiểu sự “gan lì” này - không nhất thiết là đồng tình - nếu biết rằng chỉ có 1% trại gà ở Thái nuôi trên 1.000 con và có đến 99% trại nuôi cá thể. 

Thế nhưng, chọn lựa như trên lợi bất cập hại. Cũng tờ The Nation loan tin:  “Cao ủy EU về y tế và bảo vệ người tiêu dùng David Byrne đã cho gọi đại sứ Thái tại Bruxelles đến để bày tỏ sự bất bình của mình về việc thủ tướng và bộ trưởng nông nghiệp nước này trong tháng trước đã đoan chắc với ông rằng ở Thái hoàn toàn không có cúm gà, để nhất định mời ông này đến thăm và lưu lại đây những sáu ngày; sau đó để rồi ông này họp báo loan tin giùm rằng “không có bằng chứng bệnh cúm gà ở Thái Lan”. 

Chỉ vài mươi giờ sau tuyên bố của ông David Byrne, Chính phủ Thái chính thức thừa nhận là có dịch cúm gà, khiến cho tuyên bố “chắc như đinh đóng cột ” của cao ủy EU về y tế bỗng dưng trở thành “dối trá”, nhất là đối với hàng mấy trăm triệu người tiêu dùng EU. 

Cao ủy y tế của EU bị “cho vào xiếc” là điều dễ hiểu: năm ngoái, cho đến hết tháng mười một, EU đã nhập khẩu 136.000 tấn thịt gà Thái. Hậu quả của “màn xiếc” này là EU đã gia hạn cấm nhập khẩu thịt gà Thái (cùng các nước có dịch) đến tháng tám. 

Có lẽ chủ quan nhất chính là Indonesia, hôm thứ năm tuần trước khi “nước đến chân” mới… chịu nhìn nhận có cúm gà sau khi bị WHO cảnh cáo. Một tuần lễ sau, trên trang chủ của tờ Jakarta Post vẫn hầu như không nói đến cúm gà. Chỉ có một bài về cúm gà, xếp thứ mười mấy trên danh sách rao tin bài, thậm chí xếp sau bài viết về chứng tiêu chảy trên đảo Papua (đứng thứ ba trên danh sách này). 

Thế nhưng, nội dung bài báo này - “Người dân Jakarta biết rất ít về bệnh cúm gà lây lan”- có vẻ như vừa viết vừa phải lách trong một tình hình “không dễ gì công khai”: “Sau nhiều tháng che đậy, sau cuộc họp khu vực ở Bangkok tuần trước, chính phủ đã mới chịu xác nhận có dịch cúm gà và ra lệnh giết gà. Thế nhưng, Bộ Nông nghiệp vẫn chỉ khuyên dân chúng ăn thịt gà nấu ở nhiệt độ trên 800C, trứng gà trần trên 600C mà thôi”. 

Nếu các chính phủ có những chủ quan của mình, thì người dân tùy vị trí khác nhau mà chủ quan ít hay nhiều. Khi thả gà vịt chết trôi sông, chôn hủy gà một cách tùy tiện như thế…, chẳng ai chịu nghĩ rằng điều đó sẽ làm ô nhiễm, đầu tiên là nguồn nước, có khi ngay chính cái giếng nhà mình! Đây sẽ là một đại dịch khác, nhất là khi không phải ở Đông Nam Á người dân đều được sử dụng nước thủy cục. 

Ngay cả nước thủy cục lấy từ hạ nguồn, trong khi ở thượng nguồn gà thả trôi sông. Cho dù có tăng chlor để khử trùng, nước có sạch không?... Đó không phải là những câu hỏi trong tình trạng hốt hoảng mà cần được đặt ra, giải đáp và giải quyết một cách có hệ thống. 

Cũng thế, ý thức và thói quen vệ sinh thường thức - điều kiện tiên quyết để phòng chống dịch, nhất là khi dịch lây qua đường hô hấp - cũng chưa thành nếp ở Đông Nam Á. Thói quen “hỉ mũi công cộng”, thậm chí quẹt vào vách, hay khạc đàm qua cửa sổ hoặc ra phía sau xe, ho sù sụ không che chắn... thậm chí còn nói đùa “ở dơ sống lâu”! 

Mẫu số chung của mọi hành động mất vệ sinh công cộng là: tống khứ cái dơ bẩn ra xa mình, ai đó lãnh đủ ráng chịu. Phải mất hai mươi năm, một thế hệ mới được dạy dỗ trong nhà trường và các thế hệ đi trước được rèn bởi luật pháp nghiêm minh, Singapore mới bỏ một thói quen cũ và tập một thói quen mới.

Đông Nam Á có những thế mạnh của mình, song những điểm yếu không phải là ít. Người anh hùng Achille mình đồng da sắt của thần thoại Hi Lạp đã chết vì một mũi tên nơi gót chân. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận