Hai người Mỹ tạc tượng nạn nhân da cam VN

QUANG TÁM 07/04/2009 17:04 GMT+7

TTCT - Hơn nửa tháng nay, có hai thanh niên Mỹ lặn lội khắp TP.HCM, Đồng Nai và Đà Nẵng để hoàn thành một đề tài về các nạn nhân da cam gồm các phần điêu khắc hình tượng, quay phim, chụp ảnh và ghi chép câu chuyện của các nạn nhân.


Luce và Kirk đắp lấy hình cẳng chân dị tật của anh Sơn

Họ là Keisha Luce (31 tuổi) - hiện đang học thạc sĩ ngành xã hội nhân văn Trường ĐH Dartmouth - và Kirk John Torregressa - nhiếp ảnh gia còn khá trẻ. Cả hai đều có bố từng tham chiến tại VN những năm 1960, nhưng bố Luce qua đời khi cô mới 10 tuổi vì căn bệnh ung thư do ảnh hưởng chất độc da cam.

Câu chuyện được kể bằng tượng

Thôn 5, Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) một ngày cuối tháng 3. Bên bụi tre làng, Luce tay cầm kéo nhẹ nhàng cắt từng móng chân và dùng khăn ướt lau sạch đôi chân dị tật cho người đàn ông có tên Đặng Văn Sơn (46 tuổi) bị nhiễm chất độc da cam. Công việc có lúc bị khựng lại vì nhiều lần Luce im lặng. Còn Kirk bấm máy lia lịa, không bỏ sót một bức ảnh nào ghi lại hình hài dị tật của người đàn ông này.

Sau đó Luce và Kirk đắp từng lớp bột đặc quánh màu xanh lên đôi bàn chân queo quắp ấy, rồi đắp tiếp lên một lớp bột vải. Chừng một giờ sau, hình mẫu đôi bàn chân dị tật của anh Sơn đã được Luce hoàn thành. “Thật không thể tưởng tượng được, chất độc đã làm con người sinh ra như thế này” - Luce ngắm nghía đôi bàn chân mà mình vừa hoàn thành và thốt lên.

Luce và Kirk tiếp tục đắp lấy hình đôi cẳng chân và hai khớp vai dị tật của anh Sơn. Hơn 15g, họ mới hoàn thành bộ tượng đúc cơ thể anh Sơn.

Anh Sơn bị nhiễm chất độc từ bố của mình trong chiến tranh. Ông đã chết cách đây gần chục năm. “Từ khi sinh ra, thân hình tui đã như thế này rồi. Lúc trước không biết đó là chất độc da cam, mọi người nghĩ tui bị dị tật thôi” - anh Sơn kể. Lớn lên, đôi chân của anh ngày càng teo tóp, queo quắp như người bại liệt, việc đi lại phải nhờ nạng. 

Rồi anh lập gia đình. Vợ anh khỏe mạnh nhưng con trai đầu chết khi sinh ra được ba ngày, con gái thứ hai sinh ra đã có đôi chân bại liệt, trí não chậm phát triển. Đứa thứ ba hiện giờ lâu lâu cũng bị di chứng, thường xuyên nhức xương chân và phải uống thuốc. Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng, tại huyện này có gần 2.000 nạn nhân da cam, trọng điểm là tại xã Hòa Nhơn. 

Từ đầu tháng 3, Luce và Kirk đã đến thăm các nạn nhân da cam ở Bệnh viện Từ Dũ, làng Hòa Bình (TP.HCM) và TP Biên Hòa. Kirk tâm sự: “Lần đầu gặp họ, tôi thật sự bối rối và rất nặng nề. Lúc đó tôi không biết chia sẻ với họ bằng cách nào”. Tại Đà Nẵng, họ được Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng dẫn đi thăm 12 gia đình da cam. 

Luce tâm sự: “Mỗi gia đình một hoàn cảnh, mỗi nạn nhân có một nỗi đau riêng. Điều đó làm tôi buồn. Tận mắt chứng kiến nỗi đau của các nạn nhân da cam, tôi muốn kể những câu chuyện đó cho người dân Mỹ”.

Luce căt móng chân để chuẩn bị đăp bột - Ảnh: Q.T.

Người Mỹ muốn biết sự thật

Luce sinh ra trong một gia đình có hai chị em tại bang New Hampshire (Mỹ). Bố cô bị nhiễm chất độc da cam năm 1969 khi tham chiến tại VN. Thuở nhỏ, Luce nhiều lần chứng kiến bố bị căn bệnh hành hạ, nghe ông kể về chiến tranh VN. 

Lớn lên, Luce nghe nói về các nạn nhân da cam ở VN. “Tôi đã ấp ủ làm một đề tài về những con người này từ rất lâu. Một lần đi dạo, tình cờ nhìn thấy những bức tượng, tôi nảy sinh ý tưởng làm những bức tượng về nạn nhân da cam” - Luce kể. 

Luce và Kirk là đôi bạn thân từ hồi còn học đại học, bố Kirk cũng là một cựu binh từng tham chiến tại VN thập niên 1960. Vốn là nhiếp ảnh gia, Kirk đã xem rất nhiều triển lãm về VN tại Mỹ nhưng đối với anh, VN còn khá xa lạ. Anh muốn đến VN, muốn ghi nhận bằng hình ảnh để về làm một triển lãm tại nước Mỹ về những nạn nhân da cam. Vì vậy Kirk đã đồng ý ngay khi nghe Luce đề nghị cùng thực hiện đề tài.

Tổng thể và thành phần

Khi Luce hoàn thành phác thảo chi tiết đề tài và kêu gọi bạn bè cùng thực hiện, nhiều người đã ngăn cản cô. Theo họ, rất khó để tìm những người làm mẫu cho cô đúc tượng và liệu người ta có chịu tâm sự về nỗi bất hạnh của mình không. “Cuối cùng, những người bạn đó đã ủng hộ tôi vì họ và những người dân Mỹ hơn ai hết rất muốn biết về sự thật, về cuộc sống của những nạn nhân da cam VN hiện nay” - Luce tâm sự.

Đề tài của Luce có tên “Tổng thể và thành phần”, là việc kết hợp lịch sử truyền miệng với điêu khắc hình tượng và những bức ảnh do Kirk chụp về nạn nhân da cam. Với lịch sử truyền miệng, Luce dự kiến phỏng vấn khoảng 30 nạn nhân là những cựu chiến binh, dân thường và những trẻ em bị nhiễm chất độc, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và VN. Còn điêu khắc, cô sẽ đúc hình những nạn nhân da cam bằng kỹ thuật đúc trực tiếp để tạo ra một bộ 8-10 tác phẩm điêu khắc hình tượng.

Đến nay, Luce đã hoàn thành công việc của mình với tám tác phẩm điêu khắc hình tượng, còn Kirk có hơn 2.000 bức ảnh về nạn nhân da cam và hàng trăm câu chuyện họ thu thập được trong chuyến đi. “Chúng tôi sẽ đưa công trình ra triển lãm tại nước Mỹ vào cuối mùa hè này. Thông qua đó, chúng tôi kể cho người Mỹ biết thêm về những thường dân VN phải gánh chịu chất độc da cam suốt hơn 35 năm qua” - Luce nói.

Nghệ thuật góp phần cho nghĩa vụ đạo lý

Luce cho biết: “Trọng tâm của đề tài là đưa ra ánh sáng câu chuyện của những con người bình thường nhưng phải sống với những hậu quả bất thường của chiến tranh. Công trình này mang cả tính trí tuệ lẫn nghệ thuật nhằm thu hút khán giả, kêu gọi họ liên hệ vấn đề này một cách riêng tư hơn và với hiểu biết sâu sắc hơn. 

Những câu hỏi đặt ra là sự nhận thức chung về những dị tật này, nghĩa vụ đạo đức và pháp lý đối với những nạn nhân. Dự án dựa vào quan điểm: nghệ thuật có thể truyền đạt và đóng góp cho cuộc thảo luận vấn đề vừa mang tính chính trị, vừa hết sức nhạy cảm này một cách đúng đắn và có ý nghĩa”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận