Hàng không "nằm đất"

NGUYÊN HẠNH 09/04/2020 21:04 GMT+7

TTCT - Nếu ngành hàng không từng vươn lên thành một trong những trụ cột của toàn cầu hóa từ cuối thế kỷ trước thì trong thời thế giới khủng hoảng vì dịch COVID-19 hôm nay, bức tranh về ngành công nghiệp này chỉ toàn những con số cắt giảm u ám và hình ảnh máy bay “nằm đất” thành hàng dài trên đường băng.

Máy bay
Máy bay "nằm đất" trên đường băng ở sân bay quốc tế Frankfurt (Đức). Ảnh: Maxar Technologies

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) mới đây đã kêu gọi lãnh đạo các nước G20 hành động nhanh chóng để hỗ trợ ngành hàng không, nếu không mạng lưới liên kết quốc tế sẽ đối mặt với “thiệt hại không thể vãn hồi”.

“Không có sự liên kết toàn cầu mà ngành hàng không mang lại, việc khôi phục kinh tế hậu đại dịch và tiến trình hướng đến đảm bảo sự thịnh vượng của cộng đồng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - IATA nhấn mạnh.

Những con số tương phản

Hồi tháng 2, thời điểm dịch bệnh vẫn chưa được xem là vấn đề lớn bên ngoài Trung Quốc, IATA dự báo doanh thu ngành trên toàn cầu sẽ thiệt hại 29,3 tỉ USD vì COVID-19. Một tháng sau, cơ quan này chỉnh lại con số, tăng gấp 4 lần: 113 tỉ USD, tương đương 1/5 tổng doanh thu hàng không thế giới trong năm ngoái.

Kể từ khi IATA thay đổi dự đoán, mọi chuyện đã chuyển biến tồi tệ hơn. Lệnh cấm gần như toàn bộ chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ có hiệu lực từ ngày 14-3 của Tổng thống Donald Trump đã đẩy các tuyến hàng không liên lục địa vào cảnh khốn đốn. Những đường bay này từng mang lại tầm 20 tỉ USD doanh thu cho các hãng vào năm ngoái, theo tạp chí Economist.

Vào lúc 10h sáng 30-3, số liệu từ trang theo dõi dữ liệu bay Flightradar24.com cho thấy có 2.800 chuyến bay trên bầu trời nước Mỹ, so với 7.800 chuyến vào đầu tháng. Theo Ian Petchenik, giám đốc truyền thông Flightradar24, trên toàn cầu, tỉ lệ hủy chuyến bay đang cao hơn tại Mỹ. “Các chuyến bay thương mại đã giảm 55% trong tuần cuối tháng 3-2020 so với năm 2019” - Petchenik viết trên blog của Flightradar24.

Còn ở châu Âu, số liệu do Tổ chức An toàn hàng không châu Âu (Eurocontrol) công bố ngày 25-3 ghi nhận hoạt động hàng không hằng tuần giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình, Eurocontrol ghi nhận khoảng 25.000 chuyến/ngày trên khắp châu Âu thời “tiền COVID-19” (tháng 1-2020), con số mới nhất cuối tháng 3 là 8.619 chuyến được xếp lịch bay tại châu Âu.

Dù vậy, lãnh đạo của một số hãng bay đang bám víu vào hi vọng số lượng du khách quốc tế sẽ quay trở lại lưu lượng ban đầu, trước thời kỳ khủng hoảng, giống như điều đã từng xảy ra sau cuộc tấn công khủng bố 11-9 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Có thể nhìn vào Trung Quốc để thấy có lý do để hi vọng. Vào giữa tháng 2, thời điểm căng thẳng nhất của dịch COVID-19 tại Trung Quốc, khoảng 70% chuyến bay đã bị hoãn, khiến hãng bay nước này lỗ nặng, theo Công ty thống kê hàng không OAG. Giờ đây khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, người dân Trung Quốc đang trở lại với hàng không nhờ một loạt khuyến mãi lớn.

Tuy nhiên, chỉ một vài hãng hàng không may mắn có thị trường nội địa rộng lớn như Trung Quốc hay Mỹ. Với hầu hết các lệnh cấm đi lại xuyên biên giới vẫn còn hiệu lực, những hãng hàng không phụ thuộc vào các tuyến bay quốc tế còn nhiều thách thức trước mắt.

Điển hình, thị trường nội khối Liên minh châu Âu (EU) dù có vẻ rộng lớn nhưng thực chất lại được tạo thành từ nhiều quốc gia đơn lẻ. Giữa diễn biến khôn lường của đại dịch, đặc biệt là tại Ý và Tây Ban Nha, những quốc gia EU đang dựng lại hàng rào. Đan Mạch và Ba Lan đã cấm đa số du khách nhập cảnh.

Ngoài ra, các hãng hàng không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhưng không phải hãng nội địa cũng không khỏi điêu đứng. Hãng Cathay Pacific của Hong Kong đã giảm 65% hoạt động trong tháng 3 và 4, đồng thời dự báo sẽ cắt giảm thêm vào tháng 5, trong khi Korean Air của Hàn Quốc cắt 80% lịch trình.

Máy bay của hãng American Airlines xếp hàng dài trên đường lăn. Ảnh: Reuters
Máy bay của hãng American Airlines xếp hàng dài trên đường lăn. Ảnh: Reuters

Con người - trung tâm của mọi khủng hoảng

Ngày 30-3, đội ngũ mặt đất của Virgin Australia đã trình diễn chia tay chuyến bay quốc tế cuối cùng, khởi đầu thời gian hãng hàng không Úc đình chỉ toàn bộ tuyến bay quốc tế cho đến ngày 14-6. Màn trình diễn ca khúc Don't stop believin' (tạm dịch là: Đừng thôi tin tưởng) diễn ra tại sân bay quốc tế Brisbane này có thể xem là lời chào thay cho nhiều hoạt động hàng không khác trên toàn thế giới.

Ở một châu lục khác, Anna Alvarez, một nhân viên sân bay quốc tế George Bush tại Houston, Texas, Mỹ, không khỏi lo lắng cho cuộc sống của mình cùng các con trong những ngày sắp tới. “Tôi không thể ngủ. Làm sao tôi có thể mua thức ăn? Đó là điều đáng sợ. Tôi là người phải tìm cách cứu gia đình mình” - bà nói với Houston Chronicle.

Cũng như Alvarez, hàng ngàn người lao động tại sân bay George Bush và hàng trăm người khác tại sân bay Hobby lân cận đã bị cắt giờ làm hoặc thậm chí mất việc.

United Airlines, hãng hàng không chiếm gần 60% thị trường Houston, đã thông báo cắt giảm hàng chục chuyến bay tại sân bay trên, như một trong những cách tiết kiệm chi phí. Các biện pháp còn lại bao gồm cắt giảm khoản chi cho các nhà thầu và nhà cung cấp dịch vụ, dẫn tới việc các công ty này cắt giảm số nhân viên tại sân bay.

Tình hình đã trở nên bi đát sau khi Tổng thống Trump tuyên bố ngừng tiếp nhận du khách 26 nước châu Âu kể từ ngày 13-3. Bà Sara Nelson, chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên hàng không, tổ chức đại diện cho tiếp viên của 20 hãng bay Mỹ, cho biết ngành hàng không gần như “mù tịt” về tuyên bố của ông Trump.

“Các nhân viên hàng không không biết điều này có nghĩa gì với họ và đối với một số người, nó đã làm gián đoạn cuộc sống của họ. Họ thậm chí không biết liệu còn có công việc sau 24 giờ tới hay phải về nhà” - bà Nelson nói với New York Times.

Theo CNBC, công việc của hơn 750.000 người lao động trong lĩnh vực hàng không đang bị đe dọa vì dịch bệnh.

Ban đầu, các hãng hàng không Mỹ yêu cầu Washington hỗ trợ 58 tỉ USD để đối phó với các tác động từ dịch bệnh. Những doanh nghiệp này còn đòi hỏi được miễn trừ nghĩa vụ nợ đối với một nửa gói hỗ trợ đó, điều gây ra làn sóng phản đối khắp nơi.

Tuy nhiên, khi nhận ra thiệt hại của các hãng bay đang giáng đòn trực tiếp vào thu nhập của người lao động, các tổ chức công đoàn Mỹ lập tức thay đổi hướng tiếp cận, đòi hỏi ngành hàng không không được sa thải nhân viên để đổi lấy gói cứu trợ.

Nỗ lực này đã được ghi nhận trong gói kích thích kinh tế 2.200 tỉ USD do Quốc hội Mỹ thông qua hồi tuần trước. “Chúng tôi cơ bản nói với các hãng hàng không rằng: Cộng đồng không thích các người. Các người sẽ không nhận được gì, nhưng chúng tôi sẽ giành được điều gì đó để giữ công việc của người dân” - bà Nelson trả lời phỏng vấn của CNBC hôm 27-3.

Không chỉ Mỹ, chính phủ nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp nhằm giải cứu ngành hàng không của mình. Úc hôm 18-3 đã công bố gói hoàn tiền và miễn cho các hãng hàng không các khoản chi phí, điển hình như kiểm soát không lưu. Toàn bộ gói hỗ trợ này trị giá 430 triệu USD, trong đó 96 triệu USD được tung ra trước, theo Al Jazeera.

Thụy Điển và Đan Mạch ngày 17-3 cũng công bố khoản vay trị giá 300 triệu đôla dành cho hãng hàng không SAS. Đây là những quốc gia đi đầu trong nỗ lực giải cứu ngành hàng không trên thế giới.■

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Với đà tăng trưởng trước đó, nhiều hãng đã mạnh tay đầu tư vào các tuyến bay mới, các khu chờ rộng rãi tại sân bay và đương nhiên là cả thêm nhiều chiếc máy bay hiện đại. Giờ đây khi các đường bay bị ngưng hàng loạt, những tàu bay không thể cất cánh ắt cần chỗ nghỉ ngơi. 

Nhưng với loại phương tiện khổng lồ như máy bay, chuyện tìm chỗ “nằm đất” chờ qua đại dịch không đơn giản. Theo báo Los Angeles Times, giải quyết nhu cầu sân bãi cho các máy bay không vận hành như một thách thức lớn của ngành hàng không.

Vì nhu cầu giảm mạnh trong dịch COVID-19, Delta và American Airlines, 2 trong số các hãng hàng không lớn nhất thế giới, đã công bố kế hoạch cho tổng cộng hơn 1.000 chiếc máy bay “nằm đất”, còn hai hãng Qantas và Jetstar sẽ cho tổng cộng 150 máy bay tạm thất nghiệp.

Theo trang Traveller (Úc), các máy bay tạm ngưng khai thác vì COVID-19 có thể đậu tại sân bay các thành phố, hoặc chuyển đến các bãi đáp chuyên dụng (airpark).

Sân bay Kingman tại Arizona là một trong những sân bay lớn nhất nước Mỹ, rộng gần 1.619ha. Tổng giám đốc Kingman, Steve Johnson, nói với tờ Newsweek hôm 26-3, có tới 164 hãng hàng không đang hoạt động tại sân bay này và bộ phận quản lý sân bay đang tìm đủ mọi cách để có thêm chỗ chứa với một lượng lớn máy bay sẽ đáp lại sắp tới. Ông Johnson ước tính Kingman có thể chứa khoảng 350 chiếc.

Bãi đáp Pinal County Airpark có thể chứa đến 400 máy bay, trong khi ban quản lý bãi đáp APAS (Úc) đang tìm cách tăng gấp đôi công suất hiện tại (30 chiếc) để đáp ứng nhu cầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận