Hàng không Việt Nam trong đại dịch: Chưa thể lường hết hậu họa

TUẤN PHÙNG 08/04/2020 18:04 GMT+7

TTCT - Theo đánh giá sơ bộ của Bộ GTVT từ giữa tháng 3-2020, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay quốc tế do dịch COVID-19 khoảng 30.000 tỉ đồng. Đây mới là đánh giá sơ bộ của các hãng hàng không, còn thiệt hại thực tế đến lúc hết dịch và dư chấn của dịch được chuyên gia nhận định là chưa thể lường hết.

Máy bay của tất cả các hãng Việt Nam nằm chờ qua dịch tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Diệu Linh
Máy bay của tất cả các hãng Việt Nam nằm chờ qua dịch tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Diệu Linh

Mất hàng loạt thị trường quan trọng

Dự báo của Cục Hàng không VN, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát trước tháng 4-2020, tổng thị trường hàng không của VN sẽ đạt 67 triệu hành khách, giảm 15,4% so với năm 2019. Trong đó, các hãng hàng không VN vận chuyển được 12,7 triệu lượt khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu hành khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trường hợp xấu hơn, nếu dịch được kiểm soát trước tháng 6-2020, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với năm 2019. Trong đó, các hãng VN vận chuyển 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái).

Những số liệu trên là căn cứ để nhà chức trách hàng không nhận định doanh thu của các hãng hàng không VN giảm khoảng 30.000 tỉ đồng trong năm 2020. Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến năm 2020 lượng khách giảm 2,85 triệu, doanh thu giảm 12.500 tỉ đồng, Jetstar Pacific dự kiến giảm thu nhập năm 2020 khoảng 732,8 tỉ đồng.

“Vietjet, Bamboo Airways đều bị ảnh hưởng. Vietjet bị ảnh hưởng tương đương Vietnam Airlines. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, Vietjet bị ảnh hưởng nặng hơn Vietnam Airlines” - ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Cục Hàng không VN, đánh giá.

Tuy nhiên, các nhận định trên được đưa ra trước thời điểm dừng khai thác thị trường châu Âu, Úc và Đông Nam Á nên con số sụt giảm lượng khách của các hãng hàng không VN đến thời điểm này còn lớn hơn kịch bản trên.

Thực tế từ ngày 25-3-2020, các hãng hàng không VN chỉ còn khai thác thị trường nội địa. Nhưng từ ngày 30-3 đến 15-4 phải hạn chế khai thác để ngăn ngừa dịch lây lan nên mỗi hãng chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày trên 3 đường bay nội địa thay vì khai thác hơn 30 đường bay như trước đây. Do đó, Vietnam Airlines, Vietjet chỉ còn khai thác 8-10 chuyến bay/ngày.

Trong khi đó, Vietnam Airlines có hơn 106 máy bay, Vietjet có 75 chiếc, Bamboo Airways có 22 chiếc, Jetstar Pacific có 18 chiếc. “Hơn 90% đội bay “đắp chiếu”, chỉ duy trì vài ba chiếc khai thác những đường bay trên” - đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Lịch sử hàng không chưa bao giờ gặp

“Rất nặng” - ông Lê Hồng Hà, phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, đánh giá như vậy khi trao đổi với TTCT về ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến Vietnam Airlines mất hàng chục ngàn tỉ doanh thu tính đến thời điểm này.

Ông Hà cho biết gần 1 tháng nay lao động của Vietnam Airlines, nhất là lực lượng làm theo sản lượng nghỉ luân phiên. Kể cả lực lượng ở tổng hành dinh cũng phải nghỉ luân phiên vì không còn nhiều việc.

“Lãnh đạo Vietnam Airlines đã tự nguyện giảm lương và không nhận lương trong giai đoạn này. Nhưng chi phí cố định như thuê, mua máy bay, lãi vay chiếm rất lớn trong hàng không thì không thể giảm được. Điều này khiến tích lũy của hãng trong 2-3 năm nay không còn gì nữa. Kể cả các hãng hàng không giàu mạnh của Mỹ cũng gặp phải tình huống mất hết vốn liếng tích lũy, buộc Chính phủ phải có gói giải cứu chứ không chỉ các hãng của VN” - ông Hà cho biết.

Theo tính toán của Vietnam Airlines, nếu tình hình hiện nay kéo dài đến tháng 6-2020 thì hãng chỉ còn khai thác 10% so với năng lực bình thường. Nếu đến tháng 6 hết dịch cũng không có đợt vận chuyển cao điểm hè trong thị trường nội địa như mọi năm vì học sinh sẽ đi học bù, thi tốt nghiệp và các trường quay lại học trong tuần thứ hai của tháng 8.

“Lịch sử hàng không chưa bao giờ có tình huống đại dịch kéo theo khủng hoảng kinh tế như thế này. Dịch SARS năm 2003 diễn biến hình chữ V vì sụt xuống rồi đi lên nhanh. Nhưng dịch COVID-19 được nhận định diễn biến theo hình chữ U hoặc chữ L vì kéo theo tác động mạnh đến nền kinh tế mà chưa biết bao giờ hết dịch”.

Ông Hà cho biết thêm dịch SARS xuất hiện ở VN cuối tháng 3-2003 nhưng kết thúc nhanh, chỉ ảnh hưởng thị trường hàng không nội địa đến hết tháng 5-2003. Tháng 7-2003 thị trường nội địa phục hồi và tăng trưởng cao hơn tháng 7-2002.

Tức là nhu cầu đi lại, du lịch chỉ bị nén trong một giai đoạn ngắn rồi bùng lên, lúc đó dịch chưa gây nhiều thiệt hại về kinh tế nên người dân vẫn còn tiền để đi du lịch. Nhưng với dịch COVID-19 gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến người dân không còn tích lũy để đi du lịch khi hết dịch là điều được tiên lượng.

Theo ông Hà, do hành khách ít đi máy bay nên các chuyến bay nội địa hiện nay không có lãi, chỉ bù được phần nào chi phí biến động. Mục đích chính là duy trì hoạt động của các bộ phận liên quan và duy trì giao thông hàng không chứ hầu như không có mục đích kinh tế.

“Quan trọng nhất vẫn phải nuôi dưỡng và xốc lại lực lượng và xây dựng, chuẩn bị các kịch bản phục hồi sau khi dịch được dập tắt để bung ra hoạt động sau những ngày bị kìm nén” - ông Hà nói.

Với kiến nghị gói hỗ trợ giảm thuế, phí cho hàng không đã được Bộ GTVT trình Chính phủ, ông Hà nhận định: Nếu không có hỗ trợ của Chính phủ thì các hãng hàng không trên thế giới khó có thể vượt qua được. Ở VN dù chưa có gói hỗ trợ của Chính phủ nhưng các kiến nghị giảm thuế nhiên liệu, phí dịch vụ cho các hãng hàng không đều là giải pháp tích cực.

Máy bay các hãng
Máy bay các hãng "đắp chiếu" tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Bằng Giang

Bộ GTVT đề xuất gì?

Để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng việc miễn giảm một số thuế, giá để giúp đỡ các doanh nghiệp hàng không, vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép bộ ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không VN: áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa kể từ ngày 1-3 đến hết 31-5-2020; cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ ngày 1-3 đến hết 31-5-2020. Các chính sách trên có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ: miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách...

Theo Cục Hàng không, nếu giảm 50% giá cất, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong 3 tháng kể từ 1-3-2020 kết hợp miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong 3 tháng từ 1-3-2020 sẽ giúp các hãng hàng không giảm tổng chi phí khoảng 1.918 tỉ đồng gồm 204 tỉ đồng từ chính sách giảm giá dịch vụ và 1.714 tỉ đồng từ miễn thuế.

Nếu áp dụng chính sách trên nhưng chỉ giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong 3 tháng từ 1-3, các hãng hàng không giảm chi phí khoảng 1.061 tỉ đồng, trong đó có 857 tỉ đồng từ thuế nhiên liệu.■

Doanh nghiệp liên quan hàng không cũng thiệt hại

Ngoài hãng hàng không, các doanh nghiệp liên quan cũng bị thiệt hại do dịch COVID-19. Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) cho biết: Do vị trí địa lý của VN, các chuyến bay quá cảnh theo tuyến Đông Tây đi, đến Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số sản lượng điều hành bay của VATM. Dịch COVID-19 khiến sản lượng điều hành bay của VATM sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Chỉ trong tháng 2-2020, tổng sản lượng điều hành bay quá cảnh giảm hơn 14.599 chuyến, tương đương giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng điều hành bay đi, đến (các chuyến bay quốc tế) giảm gần 3.415 chuyến, tương đương giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 3-2020, các hãng hàng không tiếp tục cắt giảm thêm các chuyến bay đi/đến các vùng dịch mới trên thế giới, sản lượng điều hành bay dự báo tiếp tục sụt giảm gần 47% so với tháng 3-2019. Cuối năm 2019, trung bình trong một ngày VATM điều hành gần 2.500 lần chuyến nhưng ngày 17-3-2020, số chuyến điều hành trong ngày chỉ 991 lần chuyến.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự kiến tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của ACV quản lý, khai thác trong năm 2020 sụt giảm tới 40% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm khoảng 70%.

Vì vậy, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của ACV năm 2020 sẽ giảm khoảng 10.000 tỉ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn cùng với các hãng hàng không, ACV đã quyết định giảm giá 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá cho các hãng hàng không VN và quốc tế khai thác tại các sân bay do ACV quản lý.

Theo cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, việc dừng bay tới Trung Quốc từ ngày 1-2 khiến các hãng hàng không VN mất thị trường đã khai thác 5,1 triệu khách trong năm 2019. Lượng khách của các hãng VN chiếm 62% thị phần của thị trường 8,1 triệu khách này.

Với việc dừng bay tới Hàn Quốc, các hãng VN cũng thiệt hại nặng ở thị trường này khi mà năm 2019 các hãng VN chở 3,1 triệu khách, chiếm 33% thị phần.

Bên cạnh đó, các hãng VN phải dừng khai thác thị trường: Hong Kong vận chuyển 554.000 khách, chiếm 32% thị phần trong năm 2019; dừng khai thác thị trường Đài Loan vốn chở 1,7 triệu khách chiếm 52% thị phần năm 2019; dừng khai thác thị trường Nhật Bản mà năm 2019 các hãng VN chở 2,1 triệu khách, chiếm thị phần 73%.

Ngoài ra, từ nửa cuối tháng 3-2020 các hãng hàng không VN mất thị trường châu Âu, Úc và Đông Nam Á khi dừng khai thác bởi dịch COVID-19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận