Hành động phản kháng cuối cùng của Fidel Castro

TTCT- Lãnh tụ Cuba Fidel Castro vừa qua đời ở tuổi 90 ngày 25-11-2016 tại Santiago de Cuba, Cuba. Sau hàng trăm nỗ lực có giấy tờ ghi chép hẳn hoi của CIA, tiêu tốn hơn 1 tỉ USD để ám sát ông, Fidel đã lại chiến thắng những địch thủ của mình một lần cuối cùng, bằng cái chết bình thản và tự nhiên.

Fidel Castro
Fidel Castro

Giống như cuộc đời ông, cuộc cách mạng của ông, và những hành động đậm chất anh hùng trong sự nghiệp chính trị, việc ông ra đi gây sốc cho tất cả chúng ta, bất chấp tuổi tác, tình trạng sức khỏe suy giảm và cả các tin đồn đoán gần đây. Sức hút ở tầm toàn cầu và vượt qua thế hệ của ông tương xứng với tình cảm và sự mô tả dữ dội về ông, đôi khi là trái ngược nhau, từ những người ngưỡng mộ và chỉ trích ông.

Những niềm tin vững chắc

Những tin đồn về sự ra đi của biểu tượng cách mạng Cuba ban đầu bị nghi ngờ và gây bối rối, nhưng khi tên ông bắt đầu tràn ngập trên Internet, nhiều người chúng tôi bắt đầu gọi điện và gửi thư điện tử cho bạn bè ở Cuba suốt đêm.

Trên hòn đảo, việc tiếp cận Internet vẫn còn khó khăn, và tin tức lan đi còn chậm hơn những nơi khác. Nửa đầu của ngày hôm sau, người dân Cuba vẫn còn hoài nghi và bối rối.

Tiếp sau đó là nỗi buồn, đôi nơi là sự bất an và cả nỗi sợ, ít ra là trong đa số những người bạn Cuba mà tôi liên lạc được 24-28 giờ sau đó. “Tôi không thể tin được là điều này đã xảy ra. Giờ tiếp theo sao đây?” - một người bạn hỏi.

Vào lúc chín ngày quốc tang được công bố, âm nhạc và giải trí ngừng lại, một số người Cuba khác đối mặt với thực tế: “Ông ấy rốt cuộc cũng là con người, có sinh có tử. Chúng tôi phải giữ bình tĩnh và xem điều gì sẽ đến”.

Một số người trẻ thì phải an ủi những người lớn tuổi hơn trong gia đình: “Tôi nói với mẹ đừng khóc nữa. Rồi sẽ ổn thôi. Người dân sẽ nhớ mãi ông ấy. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc cách mạng”. Cesar, phụ trách một chương trình nghệ thuật cho trẻ em ở Santa Clara, thì sợ rằng đường hướng cách mạng Cuba có thể thay đổi, nhưng vẫn tin rằng giới trẻ Cuba sẽ tiếp tục di sản của lãnh tụ Fidel.

Những tiếng nói từ chính Cuba bác bỏ các lời đồn ác ý nói người Cuba thấy nhẹ nhõm khi Fidel qua đời. Yaritza, một phụ nữ trẻ quê ở phía đông hòn đảo giờ đang sống tại La Habana, viết cho tôi:

Bạn thân mến, rất nhiều người chúng tôi thấy sốc trước sự thật tàn nhẫn này, dù biết ông ấy đã già và đau yếu. Ông ấy, với cả một thế hệ, là người cha, người bạn, người bác, người ông, và với nhiều người Cuba là một vị thần bất tử của những người Hi Lạp và La Mã vẫn được mô tả trong sách vở và phim ảnh. Cha mẹ tôi tuyệt vọng.

Tôi rất buồn và lo lắng cho tương lai con trai mình, đất nước mình, và thậm chí là cả thế giới. Hôm nay là một ngày mà bạn không biết mình còn có thể suy nghĩ tỉnh táo hay không”.

Trong những trao đổi sau đó, khi được hỏi liệu tôi có thể chia sẻ quan điểm của cô ấy không, cô ấy viết thêm: “Tôi hiểu rằng chúng ta, những con người, không hoàn hảo, và ông ấy cũng thế. Tôi nghi ngờ việc có ai khác có thể lãnh đạo đất nước này như ông ấy.

Người Cuba thông minh và sáng tạo. Chúng tôi mạnh mẽ và có thể kháng cự lệnh cấm vận, những cơn bão, và những giai đoạn khan hiếm hàng hóa tồi tệ. Ông ấy luôn cho chúng tôi nguồn năng lượng, sự phản kháng, và sức mạnh... Những ai nghĩ người Cuba bị đàn áp là sai, vì một lần nữa, người Cuba đủ mạnh mẽ để đấu tranh chống lại những người lãnh đạo mà chúng tôi không thích.

Nước Cuba mới sẽ được kiến tạo bởi những người Cuba như những người Cuba mong muốn. Khi chúng tôi viết Cách mạng ở Cuba, thì chữ C luôn được viết hoa”.

Chứng quên lịch sử của nước Mỹ

Tôi gặp Yaritza ở Cuba vào tháng 2-2016 trong một chương trình trao đổi văn hóa nhân dân, nhờ vào hàng loạt sắc lệnh giải tỏa các hạn chế và hướng tới bình thường hóa quan hệ của Tổng thống Obama.

Ban đầu mong ước học hỏi về lịch sử và trải nghiệm văn hóa và đời sống Cuba, tôi nhanh chóng bị mê hoặc bởi khoảng cách lớn giữa hai nước láng giềng. Khi ngày càng có nhiều người Mỹ tới hòn đảo này, tôi kinh ngạc bởi khoảng trống về kiến thức và thông tin của nhiều du khách Mỹ tới Cuba. Quan hệ Mỹ - Cuba là không thể tách rời quan hệ Mỹ - Fidel Castro.

Một số thành viên trong đoàn hỏi hướng dẫn viên của chúng tôi, Yolanda, người dân Cuba “thực sự” nghĩ gì về Fidel? Yolanda kể lại câu chuyện gia đình cô. Cha cô có xuất thân khiêm nhường, và cuộc cách mạng mang tới cho ông nhiều thứ.

Thường chỉ ăn đồ thừa ở gia đình chủ mà bà cô làm người hầu trong những năm trước cách mạng, ông bà cô đã khóc như mưa ở lễ tốt nghiệp đại học của Yolanda. Đó là món quà quý giá nhất họ nhận được từ cuộc cách mạng, điều mà họ nghĩ họ không bao giờ sống tới lúc chứng kiến được.

Một lần khác, một người trong đoàn nói với giám đốc của Bảo tàng Xóa mù chữ, một phụ nữ đã dành 50 năm sự nghiệp cho việc dạy học đọc và viết: “Đầu tiên quý vị giáo dục người ta để cho người ta có tự do, nhưng rồi lại tước đoạt tự do đó khi chối bỏ họ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí”.

Tôi lưỡng lự trước khi phiên dịch điều đó do tôi đang đứng trước bức ảnh một thành viên 13 tuổi của phong trào xóa mù chữ Cuba đã bị một kế hoạch phản cách mạng của CIA sát hại.

Những câu chuyện đó khiến tôi kinh ngạc. Lúc đó chúng tôi đang ở cao điểm vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ. Mọi tin tức ngóc ngách nhỏ nhất về cuộc đua được truyền đi khắp nơi khắp chốn. Ngược lại, trong khi cáo buộc Castro bưng bít thông tin với người dân, chúng tôi lại chẳng biết gì về lịch sử và nền chính trị Cuba, hay về sự can dự của nước Mỹ ở quốc gia này.

Vì thế, tôi hỏi nhóm, gồm khoảng 40 người Mỹ, ai biết về vụ “5 người Cuba” (vụ 5 người Cuba bị Mỹ cáo buộc làm gián điệp vào năm 1998). Không cánh tay nào giơ lên.

Tôi hỏi bao nhiêu người biết về chiếc máy bay của Venezuela bị bắn hạ không khác gì khủng bố bởi những công dân Mỹ do CIA đào tạo dẫn tới cái chết của toàn bộ tuyển đấu kiếm quốc gia Cuba. Cũng không ai biết.

Tôi hỏi bao nhiêu người biết về hàng loạt vụ đánh bom mà các công dân Mỹ (cũng có lẽ là do CIA huấn luyện) thực hiện khắp La Habana những năm 1990, bao gồm cả ở khách sạn chúng tôi đang ở. Vẫn là sự im lặng.

Còn bao nhiêu sự kiện như thế nữa: những lần CIA tổ chức xâm nhập Cuba và vụ sát hại một du khách người Ý, vụ cấm đoàn đại biểu Cuba ở Liên Hiệp Quốc được đi lại tự do ở New York, những cố gắng ám sát Fidel Castro, chương trình Peter Pan của CIA nhằm chia tách những đứa trẻ Cuba khỏi gia đình chúng...

Chứng quên lịch sử của người Mỹ là một căn bệnh kinh niên. Frances Negrón-Muntaner, tác giả về nỗi ám ảnh của Mỹ với Cuba, viết trên tạp chí Pacific Standard rằng Mỹ từng 4 lần tìm cách mua lại Cuba giai đoạn 1823-1897 và tới năm 1958, các công ty Mỹ kiểm soát “90% ngành điện và điện thoại, 83% ngành đường sắt và 43% ngành mía đường” ở Cuba, hợp tác chặt chẽ với các gia đình tội phạm có tổ chức địa phương.

Nhà độc tài Batista, được Mỹ bảo trợ, nắm quyền qua một cuộc đảo chính, những vụ giết chóc và tra tấn, gieo rắc kinh hoàng cho ước tính 20.000 thường dân.

Alan Yuhas viết trên báo Guardian về vùng lãnh thổ Puerto Rico và Cuba: “Hai hòn đảo Caribê hoàn toàn khác nhau trong quan hệ với Mỹ. Một nơi đầy rẫy tham nhũng và nợ nần, những căn nhà bị bỏ hoang và xập xệ, những gia đình ly tán vì quyền lực của đế quốc bên cạnh họ. Còn nơi kia là Cuba”.

Hiện mắc nợ 370 triệu USD và bên bờ vực phá sản, dự án thí nghiệm chủ nghĩa tư bản của Mỹ ở Puerto Rico đã thất bại hoàn toàn. “Không chỉ dự án điều thần kỳ kinh tế cho Puerto Rico không duy trì được tới hai thập niên, nó còn dẫn đến việc hơn 700.000 người dân Caribê phải lưu lạc tới những thành phố như New York, trở thành người lao động rẻ mạt”. Sự so sánh đó, ít ra là một phần, thách thức lập luận cho rằng chế độ của Castro là xấu vì người Cuba đã bỏ nước mà đi.

Một trong những lời phản bác mạnh mẽ nhất của Fidel trước các chỉ trích là khi ông trả lời phỏng vấn tạp chí Mexico Siempre vào tháng 5-1991: “Họ nói về thất bại của chủ nghĩa xã hội, nhưng chủ nghĩa tư bản thì thành công ở chỗ nào tại châu Phi, châu Á, và Mỹ Latin?”.

Negrón-Muntaner đưa ra một lời giải thích khác: nước Mỹ quên mất vai trò của chính họ trong những khó khăn của nền kinh tế Cuba, trong khi không nói gì về vai trò của họ trong sự nghèo khó của Puerto Rico.

Chính quyền Cuba của Fidel loại bỏ nạn mù chữ năm 1961, cung cấp giáo dục và y tế miễn phí cho toàn dân.

Các bác sĩ và hệ thống y tế của nước này vào loại tốt nhất thế giới và bất chấp những hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn có tỉ lệ tuổi thọ trung bình cao (gần bằng Mỹ), tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp (trong những năm gần đây thấp hơn cả Mỹ, theo CIA Factbook và Tổ chức Y tế thế giới).

Cuba là nước đầu tiên tìm cách loại bỏ hoàn toàn việc truyền HIV từ mẹ sang con, phát minh ra văcxin ung thư phổi đầu tiên trên thế giới, đã được dùng cho các bệnh nhân miễn phí gần một thập niên qua, là nước đầu tiên tạo ra các văcxin viêm gan B và não mô cầu BC.

Chính quyền Fidel phân phối lại đất đai và cơ hội trong một xã hội trước đó chia rẽ nghiêm trọng bởi giai cấp và sắc tộc.

Cuba cũng xuất khẩu các chương trình tiến bộ và lý tưởng nhân đạo của họ ra nước ngoài, bao gồm các chương trình xóa mù chữ giúp dạy đọc và viết cho hơn 10 triệu người khắp Mỹ Latin. Các bác sĩ và những phái đoàn y tế tình nguyện của Cuba hoạt động ở hơn 150 nước.

Trong một bài phát biểu lịch sử năm 1991 ở Cuba, Nelson Mandela đã nói: “(Chiến thắng của Cuba)... đã đập tan huyền thoại không có thật về sự bất bại của những kẻ đàn áp da trắng”. Khi bị chỉ trích về mối quan hệ của ông với Castro, Mandela đáp lại: “Chúng tôi giờ được dạy dỗ về việc phải đối xử với người dân Cuba ra sao bởi những kẻ đã ủng hộ chế độ apartheid suốt 40 năm qua”.

Điều lớn lao nhất

Những tình cảm gắn với mọi cuộc tranh luận về Fidel cũng sẽ phản ánh hệ giá trị của chúng ta, rằng chúng ta tin tưởng hơn ở những giá trị đại đồng như sự bền vững, y tế và giáo dục miễn phí cho toàn dân, hay những giá trị cá nhân hơn như quyền tư hữu và tinh thần doanh nhân.

Chúng cũng nói lên việc chúng ta coi trọng các tài sản xã hội và sự bình đẳng ra sao, hay nên để sự cạnh tranh khốc liệt kiểu chủ nghĩa tư bản thống trị đến mức nào.

Là một người Mỹ, mỗi ngày tôi sống trong một hệ thống xây dựng trên sự loại trừ về mặt xã hội những kẻ thua cuộc, những đẳng cấp và cộng đồng chủng tộc bị bỏ lại, những sự chối bỏ có chọn lọc các nhu cầu cơ bản nhất với con người như nước sạch và chăm sóc y tế.

Tôi sống trong một hệ thống cho phép 500% lợi nhuận từ sản xuất những loại thuốc cứu mạng con người và để 1% dân số giàu hơn so với 99% còn lại. Như thế, tôi không thể tránh khỏi ảo tưởng về người đàn ông mà bất chấp 60 năm bị tấn công công khai và bí mật, nhắm vào đất nước ông, cá nhân ông, và hình ảnh của ông, bởi một siêu cường, vẫn đã hiên ngang đứng vững và tiếp tục lý tưởng của mình, dù cũng còn những thiếu sót.

Người đàn ông đó, với đất nước 11 triệu dân của mình và những nguồn lực ít ỏi, đã trở thành nỗi ám ảnh lớn và dài nhất với nước Mỹ, mà ngay cả cái chết của ông cũng là một hành động phản kháng tới cùng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận