Hành trình nghiên cứu vaccine “made in Việt Nam”

HOÀNG LỘC - LAN ANH 09/12/2020 07:12 GMT+7

TTCT - Ngày 10-12, dự án phát triển vaccine Nanocovax - vaccine ngừa COVID-19 “made in Việt Nam” - chính thức khởi động khâu thử nghiệm lâm sàng trên người. Ba công ty khác tại VN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, mang lại kỳ vọng lớn cho nhiều người dân trong nước trước tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng trên thế giới.


Nanocovax là vắc xin COVID-19 đầu tiên của VN sẽ thử nghiệm trên người. Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây là dự án của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (gọi tắt là Nanogen). Đợt thử nghiệm trên người do Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) triển khai, là một bước tiến đáng ghi nhận, mở ra kỳ vọng về một loại vaccine chống COVID-19 mang thương hiệu VN.

Hành trình nghiên cứu vaccine

Ngày 3-12 vừa qua đánh dấu 1 năm ngày virus corona chủng mới xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Đây là căn bệnh được đánh giá là lây lan mạnh và nguy hiểm nhất trong vòng 100 năm qua.

Khi COVID-19 có chiều hướng bùng phát mạnh trên toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới vào cuộc đua sản xuất vaccine. Lúc này, có 4 nhà sản xuất vaccine VN tham gia, gồm Công ty Nanogen cùng 3 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế là Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC). Ban đầu, hi vọng manh nha chỉ là cố để tiếp cận công nghệ, xây dựng được quy trình...

Đầu tháng 5-2020, bằng việc đầu tư nguồn lực con người, nâng cấp trang thiết bị vật tư, cơ sở hạ tầng để nghiên cứu, bào chế vaccine, 4 nhà sản xuất này được Bộ KH&CN phê duyệt “danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch COVID-19”. Trên thực tế, các nhà khoa học đã âm thầm nghiên cứu trước khi được phê duyệt: tháng 3-2020, ngay khi trở về từ Anh, nhóm các nhà khoa học của VABIOTECH vừa cách ly tại công ty, vừa nghiên cứu, đến tháng 4 họ bắt đầu cho tiêm thử nghiệm trên chuột để đánh giá mức độ an toàn, dò liều tối ưu trên động vật.

Ở IVAC, tháng 7-2020, lô vaccine thử nghiệm được gửi đi đánh giá ở Mỹ. Tại Nanogen, công việc tiến triển nhanh hơn và hôm 10-12, bước tuyển tình nguyện viên cho thử nghiệm trên người chính thức khởi động, để ngày 17-12 tiêm mũi đầu tiên trên người.

Để đi đến con đường hôm nay, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến nhà sản xuất phải trải qua một con đường gian nan. “Tất nhiên, chẳng ai muốn thấy nhiều ca mắc COVID-19, nhưng việc VN không có nhiều ca nhiễm cũng khó khăn cho khâu lấy mẫu, không có phòng thí nghiệm đủ lớn để thử nghiệm vaccine trên động vật. Trong khi các phòng thí nghiệm trên thế giới đều “kẹt cứng” với các dự án nghiên cứu vaccine và thời điểm ấy chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng giai đoạn (phase) 1 để tham khảo. Lúc bấy giờ cũng chưa có các quy định cụ thể về quy trình thủ tục hướng dẫn sản xuất, đăng ký sử dụng vaccine COVID-19”, đại diện Nanogen nói.

Điều đó giải thích tại sao VN bắt tay nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 khá sớm nhưng lại về đích muộn hơn so với nhiều nước.

Suốt quá trình sản xuất, nhằm tháo gỡ mọi rào cản, đã có rất nhiều cuộc tham vấn, điều phối giữa Bộ Y tế và các nhà sản xuất để hoàn thành hồ sơ tiền lâm sàng sớm nhất có thể, nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, khoa học. Bộ Y tế đồng thời yêu cầu Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế; Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP.HCM… hỗ trợ 4 nhà sản xuất kiểm định toàn bộ hồ sơ liên quan đến nghiên cứu ở trong phòng thí nghiệm, đánh giá các kiểm tra thử thách và đặc biệt là dò được liều an toàn ở trên động vật.

3 hướng phát triển vaccine phổ biến

Hiện trên thế giới có 3 hướng phát triển vaccine chính: vắc xin mRNA (vaccine RNA truyền tin, Mỹ); vaccine tiểu đơn vị protein và vaccine vectơ. Trong khi phần lớn các vaccine của các hãng dược phẩm trên thế giới đều theo hướng mRNA và vaccine vectơ thì vắc xin của Nanogen là protein tái tổ hợp.

Nhược điểm lớn nhất của loại vaccine protein tái tổ hợp này là vấn đề thời gian, bởi phải tạo dòng và chọn lọc trên tế bào. Tuy vậy nó lại mang một ưu điểm rất lớn, đó là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và điều kiện bảo quản thuận lợi hơn nhiều loại vaccine khác.

Những nỗ lực ấy đã mang lại hiệu quả nhất định. Tháng 8-2020, Nanogen thông báo đã nghiên cứu sản xuất thành công 4 loại kháng thể dựa trên trình tự của 4 loại kháng thể được phân lập từ các bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi. Thay vì tạo ra một loại kháng thể, nhóm nghiên cứu tạo ra 4 loại kháng thể sử dụng thành một chuỗi hỗn hợp và được bào chế thành hai loại sản phẩm gồm tiêm và xịt, có khả năng khóa được nhiều vị trí ngăn virus xâm nhập vào tế bào. Nhóm nghiên cứu cũng đã phát triển xong và có khả năng sản xuất chế phẩm scFv và peg-scFv kháng RBD của protein S của SARS-CoV-2.

Trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người, đơn vị đã thử nghiệm tiền lâm sàng nghiêm ngặt về đáp ứng miễn dịch trên chuột Balb/c (chủng chuột bạch tạng nuôi cấy trong phòng thí nghiệm), chuột Hamster (chuột đuôi cụt - chuột đất vàng) và khỉ. “Các thử nghiệm này cho thấy vaccine có khả năng sinh miễn dịch tốt. Đặc biệt thử nghiệm về độc tính trên chuột nhắt, chuột lang, thỏ và khỉ đều cho thấy vaccine đảm bảo tính an toàn” - bác sĩ Nguyễn Phương Thủy, trưởng phòng y khoa của Nanogen, một trong các thành viên tham gia quá trình sản xuất vaccine từ ngày đầu, chia sẻ.

Đơn vị này đã tham khảo các nghiên cứu lâm sàng của nước ngoài để xây dựng các tiêu chí đánh giá độ an toàn và hiệu quả dựa trên đặc điểm quần thể, dịch tễ học tại VN. Trong đó xây dựng nhiều phương án cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 dựa trên kết quả dự kiến của giai đoạn 1, với mục tiêu thực hiện “gối đầu” thử nghiệm giai đoạn 2 trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Hoàng Hoa Sơn, Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), đến thời điểm này toàn thế giới có 51 nhà sản xuất vaccine đang thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 trên người. Nanogen của VN là đơn vị thứ 52, tháng 2-2021 thêm IVAC tham gia thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người, tháng 3-2021 là vaccine của VABIOTECH. “Chúng tôi đang rất hi vọng” - ông Nguyễn Ngô Quang, phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), nói.

Nghiên cứu, phát triển vaccine COVID-19 tại Công ty VABIOTECH. Ảnh: L.ANH

 

Vaccine dạng tiêm, dung dịch xịt mũi

Là đơn vị đầu tiên được phép thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 trên người của VN, Nanogen nói rằng họ rất kỳ vọng đây là vaccine COVID-19 đầu tiên “made in Việt Nam” được đưa ra thị trường. Mục tiêu trước mắt là cung cấp đủ vaccine cho người Việt, cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. “Đến nay mức giá cuối cùng của vaccine chưa chốt. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng cân đối cho vừa túi tiền để mọi người dân VN có thể tiếp cận”, đại diện Nanogen khẳng định.

Vaccine của Nanogen và IVAC được sản xuất dạng tiêm, trong khi vaccine của VABIOTECH dự kiến sản xuất cả dạng dung dịch xịt mũi. Đây là một đường dùng rất mới, rất táo bạo. Theo ông Quang, hiện tất cả đang ở khâu dự kiến, nhưng ông đánh giá các nhà sản xuất đã nỗ lực rất nhiều để thành quả tuy mới ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng vaccine ngừa COVID-19 có thể coi là những dự án đầu tiên mà giai đoạn nghiên cứu của VN tiếp cận gần như ngang bằng với thế giới.

“Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, nếu tiêm ít nhất được 20 - 40% dân số thì đạt mức an toàn về dịch tễ. Với VN, theo tỉ lệ này, nếu 20 - 40 triệu người được tiêm thì có thể an toàn cộng đồng, đi du lịch, học hành, làm việc, sinh hoạt trở lại bình thường như trước khi có dịch”, ông Quang cho biết.

Theo quy mô sản xuất mà các nhà sản xuất vaccine Việt công bố, mỗi năm VN có thể sản xuất hàng chục triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Đây không phải là công bố “mơ hồ”, vì VN đã có hẳn một nền sản xuất vaccine. Từ những năm 1960, VN đã sản xuất được vaccine và hiện đã sản xuất được 12/14 vaccine tham gia chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Hi vọng với tiến độ như trên, cuối năm 2021 sẽ có vaccine COVID-19 của VN sử dụng cho người Việt…■

Tuổi tình nguyện viên: từ 12-70 tuổi

Theo Nannogen, bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine trên người vô cùng quan trọng, và đơn vị này khuyến khích người dân tham gia. Ở giai đoạn 1 sẽ thử nghiệm lâm sàng trên 40 tình nguyện viên, đều do Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) phụ trách tuyển chọn. Về tuổi từ 18-50 tuổi, đảm bảo khỏe mạnh (không mắc các bệnh truyền nhiễm, mãn tính…), phải được sàng lọc qua một số cận lâm sàng cơ bản, đặc biệt không phải người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19.

Ở giai đoạn 2 và 3 có thay đổi về độ tuổi tình nguyện viên: từ 12-75 tuổi (sức đề kháng yếu hơn). Giai đoạn 2 dự kiến thực hiện vào giữa tháng 1-2021 ở TP.HCM (có thể tại Viện Pasteur), với quy mô thử nghiệm trên 400-600 tình nguyện viên. Tất cả các thông tin tuyển chọn tình nguyện viên được công bố sau cuộc họp của Hội đồng đạo đức (Bộ Y tế) vào ngày 9-12.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận