​Hết khó ngoài, lại khó trong

ĐỨC VỊNH 10/04/2015 20:04 GMT+7

Mặc dù tiêu chuẩn mạ băng và độ ẩm theo nghị định 36 đã được hoãn đến cuối năm nay mới áp dụng, hiện các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL vẫn kêu khó và đề xuất sửa đổi cho phù hợp thực tế.

Miếng cá tra sau khi lóc ra đã có độ ẩm gần 82%, qua công đoạn rửa sạch, xén tạo hình độ ẩm tăng lên - Ảnh: ĐỨC VỊNH

Tại Công ty CP Nam Việt, DN có bốn nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở TP Long Xuyên và TP Cần Thơ, trong các phân xưởng khâu chế biến cá tra philê vẫn theo quy trình cũ, sản xuất theo đơn hàng nhập khẩu với tỉ lệ mạ băng 20% và độ ẩm 85-86%.

Ông Doãn Tới, tổng giám đốc, cho biết lâu nay khách đặt mua hàng theo tỉ lệ đó, công ty liên tục mời chào sản phẩm tỉ lệ mạ băng và độ ẩm thấp theo tiêu chuẩn mới nhưng chẳng nhà nhập khẩu nào quan tâm. Trong khi đó giá cá tra nguyên liệu mua của nông dân có chiều hướng giảm lại, chỉ còn 23.000 đồng/kg.

TIÊU CHUẨN GÂY KHÓ

Theo các DN, lâu nay những thị trường có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe như Mỹ, châu Âu... chấp nhận độ ẩm trong miếng cá tra philê khoảng 85-86%. Việc quy định độ ẩm 83% và mạ băng 10% trong nghị định 36 là không cần thiết.

Thật ra, ngay từ lúc dự thảo nghị định 36 đưa ra tham khảo ý kiến DN đã bị cho là chưa hợp lý, thiếu tính thực tiễn. Đến khi nghị định có hiệu lực thi hành, hàng loạt DN ở ĐBSCL gửi đơn kiến nghị, Bộ NN&PTNT báo cáo, Chính phủ cho lùi đến ngày 31-12 năm nay mới áp dụng.

Tuy vậy, các DN cho rằng đấy chỉ là giải pháp tình thế, bởi việc lùi thời điểm áp dụng chẳng qua là kéo dài thời gian. Do đó họ tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT bãi bỏ quy định tỉ lệ mạ băng và độ ẩm trong nghị định 36, đồng thời tiếp tục khảo sát thực tế, nghiên cứu để đưa ra quy định lại hàm lượng độ ẩm tối đa trong sản phẩm cá philê cho sát với điều kiện sản xuất kinh doanh.

Hiện các DN kiến nghị chỉ cần quy định ghi rõ trọng lượng tịnh hoặc tỉ lệ mạ băng trên nhãn hàng hóa với tỉ lệ mạ băng cho phép là 20% trở xuống, bởi lâu nay việc mạ băng nhằm bảo quản tốt sản phẩm và được nhà nhập khẩu chấp nhận tỉ lệ 10-20%.

Vasep cũng tiếp tục đề xuất bãi bỏ quy định mạ băng và độ ẩm theo nghị định 36, thay vào đó chỉ cần quy định DN phải dán nhãn trên thùng sản phẩm có ghi rõ về hàm lượng, công khai thông tin về chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm với thông tin này. Đồng thời, bỏ quy định đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Cá tra trước khi xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Phước Bửu Huy - phó tổng giám đốc Công ty Cadovimex II, bản thân thớ thịt cá tra khi vừa lóc ra đã có độ ẩm gần 82%.

Sau khi qua công đoạn rửa sạch, tạo hình và mạ băng để bảo quản, nước tự thẩm thấu vào nên miếng philê thường có độ ẩm tăng lên gần 84%, điều này diễn ra một cách tự nhiên trong quá trình chế biến. Còn mạ băng là lớp nước đá áo bên ngoài miếng cá có tác dụng bảo quản, thường được các nhà nhập khẩu chấp nhận tỉ lệ 10-20% trên khối lượng.

Còn ông Võ Đông Đức, tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho rằng miếng cá tra lóc ra qua công đoạn rửa sạch, chỉnh hình bằng nước đá giữ tươi và xử lý để bảo quản thì đã có độ ẩm gần 83%. Nếu làm sản phẩm độ ẩm 83% thì hầu như không sử dụng phụ gia, trong khi theo kết quả nghiên cứu gần đây của một hội đồng khoa học, miếng philê có phụ gia với mức tăng trọng 25% sẽ dai hơn, cho cảm quan tốt nhất và giảm giá thành.

“Việc tăng trọng này không phải là ăn gian khối lượng, chất phụ gia do nước ngoài đề nghị DN làm theo giá thành thương mại, đúng giá thị trường chấp nhận” - ông Đức giải thích.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An, nếu làm miếng cá có độ ẩm 83% thì định mức chế biến cao, thay vì được 1kg thành phẩm thì chỉ được 800g nên giá thành sản phẩm tăng lên 1 USD/kg.

“Còn mạ băng là lớp nước đá bọc ngoài miếng philê nhằm bảo quản chứ không vì tăng trọng, tỉ lệ 10-20% không phải để ăn gian khối lượng mà do khách hàng yêu cầu và họ mua với giá căn cứ vào trọng lượng tịnh nên quy định tỉ lệ mạ băng 10% là không cần thiết” - ông Sơn nói.

Nhiều DN cho rằng cá tra Việt Nam đã xuất khẩu vào 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, tính chất và đòi hỏi về chất lượng sản phẩm của mỗi thị trường mỗi khác nên yêu cầu của nhà nhập khẩu về tỉ lệ độ ẩm và mạ băng cũng khác nhau. Lâu nay khách hàng chủ yếu đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không hiểu vì sao Việt Nam lại quy định tỉ lệ mạ băng và độ ẩm thấp “cứng nhắc” như thế.

Mặt khác, các DN dẫn một số tiêu chuẩn ở nước ngoài như CODEX, theo quy định vệ sinh dịch tễ và các tiêu chuẩn SanPiN 2.3.2.2603-10 (sửa đổi SanPiN 2.3.2.1078-1001) của Liên bang Nga, chỉ tiêu 86% đối với cá pollock của Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ... để so sánh, và cho rằng hàm lượng nước tối đa 86% trong sản phẩm cá philê đông lạnh là phù hợp.

MUA BÁN KHÓ

Thu hoạch cá tra nguyên liệu để đưa về nhà máy chế biến xuất khẩu - Ảnh: ĐỨC VỊNH

Nhiều DN kể sau khi nghị định 36 ra đời họ đã cố gắng thương thảo nhưng các nhà nhập khẩu không chấp nhận nâng giá, đồng thời bảo nếu giá bán tăng sẽ chuyển qua mua sản phẩm khác.

Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), cho hay sản phẩm với tỉ lệ mạ băng và hàm lượng nước theo nghị định 36 có nhu cầu tiêu thụ khá khiêm tốn, trong khi giá thành tăng lên sẽ rất khó tiêu thụ.

Ông Nguyễn Xuân Hải, phó tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, cho hay sản phẩm độ ẩm 83% vốn rất hiếm người mua, nay tình hình xuất khẩu cá tra đang khó khăn mà lại chào giá cao hơn nên chẳng khách hàng nào chịu ký hợp đồng.

Theo ông Võ Đông Đức, các tiêu chuẩn thường do nước nhập khẩu quy định. “Họ không đòi hỏi cao, chúng ta lại tự đặt ra, tự làm khó mình, thật vô lý” - ông Đức bình luận. Trong khi đó Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng quy định cứng nhắc về hàm lượng độ ẩm và tỉ lệ mạ băng trong nghị định là thiếu cơ sở. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - phó chủ tịch Vasep, con cá tra chưa tạo được mảng thị trường riêng, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng các loại cá biển hơn.

Trước đây Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ra quy định để quản lý chặt việc khai thác cá biển tự nhiên, đồng thời chi phí đánh bắt cao do giá dầu tăng nên cá tra của Việt Nam có cơ hội len vào mảng thị trường thay thế cá thịt trắng trên thế giới. Tuy nhiên, khi giá dầu giảm, chi phí đánh bắt thấp, một khi việc quản lý đánh bắt được dỡ bỏ, cá tra phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ sản phẩm các loại cá khác.

“Hiện nay giữa lúc kinh tế thế giới khó khăn, việc nâng giá bán là không thể. Do đó nếu làm sản phẩm độ ẩm và mạ băng tỉ lệ thấp có giá thành cao thì cá tra có nguy cơ mất thị phần” - ông Dũng lo lắng.

Điều bất cập nữa trong nghị định 36 mà DN thành viên Vasep phản đối là sau khi ký hợp đồng với nhà nhập khẩu, DN phải đăng ký với Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Theo đó, hiệp hội này sẽ xem DN có đáp ứng những tiêu chí trong nghị định hay không rồi mới chấp thuận cho xuất khẩu, mỗi container sản phẩm (20 tấn) thu phí 100.000 đồng. Sau đó hải quan sẽ dựa vào thông tin này để làm thủ tục thông quan cho các lô hàng.

“Những quy định này rất vô lý, chẳng giúp ích gì cho công tác quản lý mà còn gây thêm phiền hà và tốn kém thời gian, chi phí cho DN. Không có cơ sở pháp lý nào cho phép một hiệp hội thẩm định hợp đồng xuất khẩu của DN” - ông Dũng nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận