Hiện trạng hướng nghiệp: Bề nổi và hô hào

HOÀNG HƯƠNG 05/05/2014 22:05 GMT+7

TTCT - Rất nhiều bậc cha mẹ ép con chọn nghề, 75% học sinh thiếu hiểu biết về nghề, hướng nghiệp trong nhà trường vẫn ở bề nổi và nặng tính hô hào... Hướng nghiệp đúng cách là một bài toán cần đến sự căn cơ, khách quan và đề cao tính hiệu quả.

Thầy Nguyễn Ngọc Thái (ĐH Kinh tế TP.HCM) tư vấn cho học sinh tại buổi tư vấn hướng nghiệp ở Tiền Giang - Ảnh: Như Hùng

“Việc chọn nghề, chọn trường mà không đánh giá được đặc điểm của người sắp học nghề, suy nghĩ “cứ vào ĐH rồi tính tiếp” đã làm không ít gia đình lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức...” - cô Dương Thu Trang, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM), kết luận sau khi kể về hai trong số nhiều học sinh của mình đã từ bỏ ngành học ở trường ĐH sau vài tháng đầu chỉ vì các em “không thể sống cuộc sống không phải là mình” do bị cha mẹ ép buộc chọn ngành.

75% học sinh thiếu hiểu biết về nghề

Theo ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, hằng năm cả nước có hơn 1 triệu học sinh rời ghế nhà trường để chọn con đường vào các trường CĐ, ĐH. Có hơn 400.000 học sinh đạt được nguyện vọng và khoảng 370.000 học sinh chọn học tại các trường dạy nghề. Hơn 1/3 học sinh còn lại chấp nhận chờ kỳ thi vào ĐH, CĐ năm sau chứ không học nghề.

Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước.

Thất bại của công tác hướng nghiệp đã dẫn đến việc đa số học sinh không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có ngành thí sinh đổ xô vào học, có ngành chỉ lác đác vài thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động. Các cuộc khảo sát cho thấy chỉ 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

Cũng theo ông Tuấn, ngoài một số lượng khá lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, có đến hơn 60% cử nhân, kỹ sư các trường ĐH ở Việt Nam chấp nhận làm những công việc trái ngành hoặc phù hợp cho trình độ thấp hơn (CĐ, trung cấp) trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu.

Trong khi đó, tại TP.HCM “mỗi năm có khoảng 70.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Một số học sinh không đủ khả năng nhưng phụ huynh vẫn muốn các em tiếp tục học THPT, dẫn đến tình trạng nghỉ, bỏ học trong trường THPT” - ông Phạm Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết.

Ông Thanh một mặt lo lắng việc phụ huynh và học sinh ít quan tâm vào học tại các trường chuyên nghiệp, dạy nghề dù thị trường lao động đang rất cần người có tay nghề, một mặt thừa nhận hoạt động, biện pháp hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học mà TP.HCM thực hiện những năm qua chưa đạt hiệu quả mong đợi.

Ảnh: Như Hùng

Thí điểm mô hình 9+5

Ngày 16-4, UBND TP.HCM đã gửi văn bản xin phép Bộ GD-ĐT cho thực hiện thí điểm mô hình đào tạo CĐ 9+5. Hệ này sẽ tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS, đào tạo năm năm để đáp ứng yêu cầu phân luồng phù hợp tâm lý, nguyện vọng học lên ĐH, CĐ của học sinh. Thời gian đào tạo sẽ chia thành ba giai đoạn. 

Giai đoạn 1: đào tạo hai năm, đạt trình độ sơ cấp nghề và một số môn văn hóa theo chương trình văn hóa của Bộ GD-ĐT dành cho đối tượng học sinh THCS hệ TCCN (sau giai đoạn này, học sinh có thể đi làm ở các doanh nghiệp nếu có nhu cầu).

Giai đoạn 2: đào tạo một năm, đạt trình độ TCCN, hoàn tất chương trình văn hóa của Bộ GD-ĐT dành cho đối tượng học sinh hệ TCCN.

Giai đoạn 3: đào tạo hai năm, đạt trình độ CĐ (học sinh tốt nghiệp ra đi làm hoặc tiếp tục học liên thông hoàn thiện bậc ĐH và các bậc cao hơn).

Đây là mô hình mà TP.HCM đang kỳ vọng trở thành giải pháp hữu hiệu cho công tác phân luồng học sinh sau THCS. Nó được xem như một “làn gió mới” cho công tác hướng nghiệp học sinh THCS bởi lâu nay người ta chỉ quan tâm đến hướng nghiệp cho học sinh THPT, chưa chú trọng đối với học sinh sau THCS.

Theo các chuyên gia về hướng nghiệp, nhiều người vẫn đang lầm tưởng công tác hướng nghiệp chính là tư vấn hướng nghiệp, trong khi thật ra đây chỉ là một công đoạn.

Trường phổ thông hiện chỉ làm được một hoặc một số công đoạn trong những yêu cầu đa dạng của một học sinh sắp bước vào đời: muốn biết về ngành nghề, xu hướng thị trường lao động; muốn được định hướng trên sở thích, sở trường; muốn biết đầy đủ, cập nhật thông tin về các quy định xét tuyển, thi tuyển ĐH, CĐ, trung cấp, dạy nghề; muốn có người giúp hướng dẫn chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình; muốn biết về các trường và ngành đào tạo, khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp của ngành đó...

“Hệ quả của việc chọn sai nghề đã bộc lộ qua những con số cụ thể. Hiện tượng khá phổ biến là học sinh không biết dựa vào đâu để chọn lựa, chọn lựa theo cảm tính, trào lưu hoặc quá thực dụng.

Không phải do các em không ý thức được tầm quan trọng của việc chọn nghề, chọn trường; không phải do các em coi thường tương lai của bản thân mà chủ yếu do các em không biết hỏi ai khi đa số giáo viên và phụ huynh không có nhiều thời gian, chưa ý thức đủ và cũng không biết cách để hướng nghiệp cho học sinh, con em mình” - cô Hoàng Thị Diễm Trang, phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM), thẳng thắn nói.

Bắt đầu từ... phụ huynh

Nhiều giáo viên chủ nhiệm ở TP.HCM đã đề xuất hướng nghiệp cho phụ huynh trước, sau đó mới đến học sinh. Vài năm gần đây, Trường THPT Gia Định đã mời chuyên viên đến tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh học sinh và đề nghị họ hỗ trợ tích cực giáo viên chủ nhiệm trong hướng nghiệp. Một số lớp đã chủ động mời chuyên gia tư vấn cho phụ huynh và học sinh. Mô hình này giúp công tác tư vấn đi vào thực chất. 

“Qua đó, chúng tôi hi vọng có thể giảm tình trạng phụ huynh ép con em chọn trường, chọn nghề theo suy nghĩ, sở thích của bố mẹ” - cô Diễm Trang nói.

Theo ông Ngô Doãn Chính - giám đốc Trung tâm hướng nghiệp Ngôi Nhà Xanh (TP.HCM), cơ quan quản lý giáo dục hiện đã thấy được tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư cho hướng nghiệp chưa nhiều, giáo trình cập nhật thực tiễn sản xuất chưa có, hầu hết giáo viên hướng nghiệp là giáo viên kiêm nhiệm. Người phụ trách chung công tác hướng nghiệp tại trường thường là hiệu trưởng hoặc hiệu phó, hoạt động trong quỹ thời gian rất hạn chế.

Môn hướng nghiệp hiện đã được coi là môn học chính thức nhưng kết quả môn học này chưa được xếp chung thang điểm trong việc xếp loại học sinh, do vậy không khắc phục được tâm lý học cho xong, học để tham khảo, học theo nghĩa vụ... tại hầu hết các trường.

Với phạm vi hoạt động vẫn ở bề nổi như vậy, hoạt động hướng nghiệp cần rất nhiều thay đổi để đi qua mức hô hào khẩu hiệu. “Chúng ta cần những con người thật sự tâm huyết, cần những doanh nghiệp tốt tạo điều kiện cho hướng nghiệp và cần các cơ quan quản lý có một chính sách rõ ràng cho hướng nghiệp để công việc thiết yếu này đi đúng hướng” - ông Chính nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận