Hiểu lịch sử để kiến tạo tương lai

HẢI MINH THỰC HIỆN 05/04/2017 19:04 GMT+7

TTCT- Trước khi trở thành hiệu trưởng ngôi trường danh giá nhất thế giới, giáo sư Drew Gilpin Faust là một sử gia hàng đầu của nước Mỹ. Những cuốn sách về cuộc nội chiến và lịch sử miền Nam nước Mỹ của bà có giá trị thức tỉnh quan trọng. Giáo sư Drew Gilpin Faust trao đổi với TTCT trong vai trò của một nhà sử học.

Giáo sư Drew Gilpin Faust -Thuận Thắng
Giáo sư Drew Gilpin Faust -Thuận Thắng

 Bà còn nhớ lá thư mình gửi cho tổng thống (Dwight) Eisenhower năm bà 9 tuổi (năm 1957)?

- Khi ấy, tôi đã viết một lá thư cho tổng thống Eisenhower nói về việc ông ấy phải chấm dứt tình trạng chia rẽ dựa trên chủng tộc. Tôi thấy lại bản gốc lá thư vào cuối năm 2003 ở Thư viện Eisenhower. Tôi tự hỏi không biết có thực là mình đã gửi lá thư không. Thật thú vị.

Điều gì khiến bà quan tâm tới lịch sử khi còn nhỏ tuổi như thế?

- Tôi sống trong một cộng đồng ở Virginia nơi người da đen và da trắng rất tách biệt, và vào những năm 1950 bắt đầu xuất hiện áp lực đòi chấm dứt sự chia rẽ dựa trên chủng tộc trong một vụ ở Tòa án tối cao tên là Brown kiện Hội đồng giáo dục.

(Vụ kiện dân sự trong các năm 1952 - 1954 kết thúc bằng việc Tòa án tối cao Mỹ tuyên bố việc các chính quyền bang lập trường học dành riêng cho học trò da đen và da trắng là vi hiến. Vụ kiện được coi là sự kiện bước ngoặt để đòi quyền bình đẳng cho người da đen - TT).

Và một thượng nghị sĩ Virginia tên là Harry Byrd, sống ở cùng hạt của tôi, nói bang Virginia thà đóng cửa các trường học chứ quyết không để học sinh da trắng và da đen học lẫn lộn. Vụ việc ầm ĩ trên đài phát thanh. Lúc đó tôi không có tivi, chỉ có máy thu thanh.

Tôi thấy rất buồn và bắt đầu nhìn cộng đồng xung quanh mình với cách nhìn mới. Khi tôi tìm thấy lá thư này năm 2003, tôi kinh ngạc bởi những lý lẽ đậm màu sắc tôn giáo trong đó, tôi đã nói về những đứa trẻ của Chúa, về những người da nâu và da vàng và việc họ đều có quyền bình đẳng ra sao.

Gia đình tôi là một gia đình sùng đạo và tôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc. Tôi nhìn thấy quá nhiều điều mâu thuẫn xung quanh, so với những gì tôi được dạy. Tôi đã viết cả một tiểu luận về vấn đề này.

Làm sao để trẻ nhỏ quan tâm hơn tới lịch sử, thưa bà? Ở Việt Nam chúng tôi rất quan tâm vấn đề này và thường tranh luận về quan điểm dạy và học sử, chuyện để môn lịch sử đứng chung hay riêng trong chương trình giáo dục của nhà trường phổ thông?

- Tôi nghĩ có hai tầng nấc trong câu hỏi này. Thứ nhất là làm sao để việc học sử hấp dẫn hơn, thú vị hơn, có cả những giáo viên dạy sử giỏi và dạy chán ngắt, theo tôi, điều quan trọng là chúng ta tạo ra được những giáo trình và cách tiếp cận giúp trẻ nhỏ hứng thú tham gia.

Tôi thấy lịch sử hấp dẫn bởi những câu chuyện phi thường về con người có thể soi rọi những trải nghiệm trong quá khứ cả giống và khác với những trải nghiệm chúng ta đang có hiện giờ. Sự giống và khác nhau đó là điều khiến tôi hứng thú.

Nhưng còn câu hỏi lớn hơn là tại sao cần phải dạy lịch sử. Điều tối quan trọng là hiểu rằng chúng ta đang ở vị trí như hiện giờ là kết quả của sự tình cờ từ những quyết định được đưa ra, từ cách người ta hành xử trong quá khứ.

Mọi chuyện đã có thể khác đi, cuộc đời của chúng ta đã có thể hoàn toàn khác nếu họ đưa ra những quyết định khác.

Tôi thấy điều đó thật mạnh mẽ. Nếu người ta thấy được rằng hiện tại là sản phẩm của những hành động trong quá khứ, thì điều đó sẽ cho phép chúng ta hình dung ra một tương lai khác với hiện tại, và cả cách chúng ta với tư cách những con người, sẽ thúc đẩy và ảnh hưởng lên tương lai đó, điều mà bạn không thể thấy được nếu không hiểu lịch sử.

Là một sử gia, bà nghĩ nên nhìn nhận về một cuộc nội chiến ra sao để thúc đẩy quá trình hòa giải sau đó dễ dàng hơn, khi người ta có khuynh hướng nhấn mạnh vào tính chất anh hùng của các cuộc chiến, mà ít để ý hơn tới những đau thương và hậu quả tàn khốc của chúng?

- Đó là một câu hỏi lớn. Ở Mỹ - có lẽ là rộng lớn hơn nước Mỹ, có cả một nền văn chương và nhiều sách vở vinh danh các cuộc chiến, các câu chuyện chiến tranh được truyền lại hết thế hệ này tới thế hệ khác, khuyến khích các thế hệ tương lai tiếp tục kể câu chuyện đó, vì đó được coi là những gì vinh quang.

Ở Mỹ vào thời chiến tranh Việt Nam, xuất hiện rất nhiều những tài liệu có quan điểm phê phán về việc kiểu chiến tranh tàn bạo như thế có thể dẫn dắt mọi người sai lầm ra sao, khiến họ tiến hành những cuộc chiến mà lẽ ra họ đã làm khác đi như thế nào.

Trong lịch sử cuộc nội chiến của chúng tôi (nội chiến Mỹ 1861-1865 - TT), phần lớn những tác phẩm ban đầu, và khi nói ban đầu, tôi muốn nói là khoảng thời gian 100 năm sau cuộc chiến, tập trung chủ yếu vào những viên tướng anh hùng, những trận đánh vinh quang, của cả hai phe miền Nam và miền Bắc.

Chỉ trong khoảng 20-30 năm qua ở Mỹ mới xuất hiện quan điểm mang tính phê phán hơn về cuộc chiến, rằng nó thật sự rất tàn bạo và khủng khiếp, không phải là anh hùng, và gây ra sự hủy diệt lớn với xã hội và cộng đồng.

Có cả sự đối xử tàn nhẫn với tù binh nữa. Với những binh lính người Mỹ gốc Phi chiến đấu cho phe miền Bắc, khi họ bị bắt, phe miền Nam không coi họ là tù nhân chiến tranh và sẽ bắn bỏ họ. Những góc tối hơn của cuộc chiến đó đã xuất hiện đầy đủ hơn trong thế giới của các sử gia trong thế hệ vừa qua.

Tôi thấy kinh ngạc và đáng nói khi cuốn sách của tôi (This Republic of Suffering, tạm dịch: Nước Cộng hòa đau khổ - trong đó giáo sư Faust nhấn mạnh khía cạnh tàn khốc của cuộc nội chiến Mỹ - TT) mãi tới năm 2008 mới ra mắt, khi cuộc chiến đã kết thúc được gần 150 năm.

 
 

 Một sự thật tối quan trọng về cuộc nội chiến là quá nhiều người đã chết và chẳng ai viết về điều đó cả, vì họ tập trung quá nhiều vào những gì anh hùng, chiến thắng, những sứ mệnh tốt đẹp của cuộc chiến. Nên cuốn sách của tôi có lẽ là sự nhìn nhận lại chiến tranh thực sự có ý nghĩa gì.

Một số người hỏi tôi liệu cuốn sách của tôi có ý cho rằng cuộc chiến lẽ ra không bao giờ nên diễn ra, rằng cứ để yên cho chế độ nô lệ hay không.

Và tôi nói không, tôi không định trả lời câu hỏi đó. Đó không phải là những gì cuốn sách muốn nói. Cuốn sách muốn nói rằng nếu chúng ta định tiến hành chiến tranh thì chúng ta phải hiểu cái giá của nó.

Chiến tranh có giá của nó. Và có những lúc chúng ta có thể muốn tiến hành chiến tranh, chống lại Hitler, chống lại chế độ nô lệ, nhưng chúng ta phải hiểu chiến tranh là gì, đó không phải là vinh quang, là diễu binh, là thổi kèn trận.

Đó là sự tàn phá, là những gì khiến xã hội và loài người phải trả giá đắt. Và tôi nghĩ đó là những gì tôi muốn nói trong cuốn sách.

Điều thú vị là cuốn sách được giới quân sự ở Mỹ đón nhận rộng rãi, vì họ là những người hiểu cái giá của chiến tranh, và họ muốn công chúng hiểu họ đang phải làm gì khi bị yêu cầu tham gia chiến tranh, vì họ là những người trả giá đầu tiên cho chiến tranh. Như một cử chỉ của lương tâm xã hội, họ muốn công chúng biết điều đó.

Rất cảm ơn bà. 

Giáo sư Drew Gilpin Faust đã viết nhiều sách về đề tài lịch sử miền Nam nước Mỹ và cuộc nội chiến, tập trung rất nhiều vào thân phận của con người trong cuộc chiến. Ngoài This Republic of Suffering, cuốn Mothers of Invention: Women of the Slaveholding South in the American Civil War (1996, tạm dịch: Những bà mẹ của phát kiến: Phụ nữ ở vùng miền Nam còn chế độ nô lệ trong cuộc nội chiến Mỹ) giúp bà được trao giải Francis Parkman của Hội các sử gia Hoa Kỳ năm 1997...

Trong vai trò một sử gia, bà đã thách thức cái nhìn truyền thống về cuộc nội chiến Mỹ (1861 - 1865).

Cuốn This Republic of Suffering: Death and the American Civil War ngoài đoạt những giải thưởng và danh hiệu (giải thưởng sách Bancroft của Đại học Columbia cho sách về ngoại giao và lịch sử Mỹ, đề cử cho giải Pulitzer hạng mục lịch sử...) trước hết là một lời tự vấn lương tâm.

Chúng tôi đã nói quá nhiều tới khía cạnh vinh quang của chiến tranh, về những viên tướng lẫy lừng, những trận đánh thắng lợi... mà quên mất những đau thương mất mát”, quên mất rằng “chiến tranh chính là điều bộc lộ tất cả những gì bạo tàn nhất của loài người” - bà nói.

Los Angeles Times Book Review đánh giá This Republic of Suffering là “một câu chuyện lịch sử chấn động về chiến tranh, tập trung chỉ vào chết chóc và cách người Mỹ chuẩn bị cho cái chết, tưởng tượng về cái chết, mạo hiểm với cái chết, trải qua cái chết và nỗ lực để hiểu cái chết”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận