Hiểu về chợ như một cơ thể sống

TS LÊ THANH HẢI 21/01/2016 03:01 GMT+7

TTCT - Nếu chỉ hiểu đơn giản chợ là một khu vực để mua bán thì sẽ bỏ quên những điều căn bản khác về sự hình thành giá trị của hàng hóa - từ vật chất biến thành một sản phẩm và rồi là vật thể thể hiện các mối quan hệ giữa cá nhân và các giai cấp trong xã hội, tức là việc tạo ra giá trị thặng dư cho thị trường.

Trên cung đường Đồng Hới - Vinh có ngôi chợ nhỏ nối kết những phận nghèo gắn liền với đôi tàu chợ VĐ31, VĐ32. Đó là chợ tàu, tên gọi khác của ga Ngọc Lâm thuộc xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) -THÁI LỘC
Trên cung đường Đồng Hới - Vinh có ngôi chợ nhỏ nối kết những phận nghèo gắn liền với đôi tàu chợ VĐ31, VĐ32. Đó là chợ tàu, tên gọi khác của ga Ngọc Lâm thuộc xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) -THÁI LỘC


Tích lũy vốn xã hội

Nông sản Việt phân phối chủ yếu qua kênh chợ truyền thống. Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (2011), cả nước có gần 9.000 chợ truyền thống với 80% hàng hóa chuyển qua kênh phân phối này

Có thể nhìn lại vị trí của các khu chợ hình thành dần theo sự phát triển tự nhiên của xã hội. Về miền Tây, nếu từ đường lộ muốn xuống đò dọc hay đò ngang thường bạn sẽ phải chạy xe máy băng qua nhiều khu chợ.

Không chỉ chợ Bến Thành của Sài Gòn, nơi từ xưa đã là bến để ghe thuyền ghé vào, kết cấu chợ là khu vực tập trung người mua bán nối kết giữa bến thuyền và đường lộ là đặc điểm trong phát triển đô thị ở miền Tây Nam bộ cũng như ở miền Trung, hay ngay cả một số khu chợ xưa ở Hà Nội khi các dòng kênh còn chưa bị lấp. Nền kinh tế năng động của TP.HCM thật sự cũng khởi đầu từ hai chợ nối liền nhau bằng con kênh: từ Chợ Gạo tới Chợ Lớn.

Và chắc chắn chợ không chỉ đơn giản là chỗ mua bán, mà còn là bản sắc văn hóa Việt. Những vấn đề liên quan tới chợ dù quy mô to hay nhỏ không nằm ở chỗ số vốn tạo ra nhà chợ hay tiền hàng luân chuyển hằng ngày, mà còn là vốn xã hội và vốn văn hóa đang được tích lũy ở đây. Giới tài phiệt trên thế giới luôn có sẵn phép tính để định giá khi mua bán chợ hay cho một quốc gia có chợ vay tiền.

Một trong số những điều được quan tâm hàng đầu là vị trí của chợ trong khu dân cư nếu là chợ bán lẻ, hay trục lộ giao thông nếu là chợ đầu mối. Bên trong chợ, chỉ cần khác nhau vị trí đầu chợ và cuối chợ, giá cả mua bán cho một diện tích giống hệt nhau đã lên xuống cách nhau cả chục lần.

Người thiết kế chợ giỏi sẽ biết làm sao để số lượng quầy cao giá là nhiều nhất. Một mô hình chợ hợp lý và phát triển thì tất yếu sẽ được các công ty không phân biệt sắc tộc và văn hóa tụ về làm ăn. Đó cũng chính là sự thành công của phố thị cảng biển Hội An với người Nhật Bản hồi thế kỷ 17, Phố Hiến với người Hoa thế kỷ 18, hay khu chợ Sài Gòn và Mỹ Tho với người Ấn Độ đầu thế kỷ 20.

Ngay cả người Pháp với thái độ ngạo mạn bề trên đòi văn minh hóa xứ Đông Dương cũng phải kiêng nể khi thiết kế chợ, không chỉ tôn trọng tập quán địa phương về truyền thống và địa điểm chợ mà còn tự động đầu tư nạo vét kênh rạch giúp chợ phát triển, tức là tạo ra nguồn thu nhập kinh tế cho toàn xã hội.

Những người bám chợ nhiều năm như tiểu thương, trong đó có nhiều hộ đã vài đời buôn bán nơi một khu chợ, luôn là những ý kiến thực tiễn cần được lắng nghe và học hỏi thật sự, thay cho những ý chí quy hoạch hăm hở dẫu mục đích tốt song lại không bao quát được hết các tầng sâu về giá trị của chợ, dẫn đến phá hỏng một cỗ máy kinh tế quan trọng dù ở cấp độ địa phương rất nhỏ.

Các khu chợ đầu mối không chỉ đơn giản là nơi kiếm sống của vài trăm người mua bán, mà là đầu ra và là nguồn sống cho cả năm trời trồng cấy của cả trăm ngàn hộ nông dân. Nó còn chứa trong lòng những mối dây liên kết về vốn, tài chính lâu năm dựa trên chữ tín, thói quen và đặc thù của địa điểm.

Chợ cá Nhật-LÊ NAM
Chợ cá Nhật-LÊ NAM

Hiểu rõ những lợi ích khác

Vấn đề chợ ở Việt Nam đang được rất nhiều nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm, đặc biệt các loại hình chợ và địa điểm mua bán khác nhau. Tháng 3 tới đây, hội thảo thường niên về Đông Nam Á tại Đại học Oxford (Anh) dành riêng một tiểu ban cho vấn đề chợ ở Việt Nam, mà điểm quan tâm hàng đầu là số vốn xã hội và vốn văn hóa được tích lũy trong không gian kiến trúc hạ tầng đó.

Việc di dời từng ngôi chợ không thể đơn giản là bản vẽ quy hoạch kỹ thuật hay vài dòng lý giải kinh tế, mà thật sự phải là công trình nghiên cứu vô cùng nghiêm túc về lợi ích của chợ mới cho việc phát triển bền vững, duy trì và nuôi dưỡng nguồn vốn xã hội và vốn văn hóa đã được tích lũy nhiều năm, có nơi cả trăm năm, ảnh hưởng tới cuộc sống của cả một khu dân cư nếu là chợ bán lẻ hay toàn bộ cơ cấu kinh tế trong tỉnh như trường hợp của chợ trung tâm, nhất là chợ đầu mối hay sàn nông sản.

Không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng chợ mới xây bị hoang phế. Tại Thái Lan, khi chính quyền tỉnh tính sai trong việc đầu tư xây dựng bến xe, tiểu thương tự động họp chợ ở nơi khác như khu chợ dọc cửa khẩu Mae Sot với Myanmar.

Chính quyền Thái Lan nhanh chóng nhận ra sai lầm và dồn phần ngân sách còn lại để xây mái tạm cho khu chợ đang phát triển theo tự nhiên, người bán hàng trong chợ cũng tự động thiết kế lại sạp cho phù hợp để dành đường cho xe máy tiếp tục lưu thông như trước. Ngay giữa thủ đô Bangkok, khu chợ nổi tiếng Maeklong họp ngay trên đường ray xe lửa, mỗi giờ xe lửa hú còi chạy tới, các tiểu thương lại vội vã dọn hàng kéo mái che nắng lại cho đoàn tàu chạy qua rồi trở lại trải sạp kéo dù mua bán tiếp như trước.

Đây vốn là một khu chợ tạm, sau đó chính quyền cho xây dựng đường xe lửa băng ngang qua và định di dời. Các tiểu thương ở đây từ chối ra đi. Rốt cuộc, Maeklong vẫn đang tồn tại khỏe khoắn cùng những chuyến tàu dẫu được mệnh danh là khu chợ nguy hiểm nhất thế giới, song vì thế mà nó có thêm sức hút đáng kể với khách du lịch quốc tế.

Chợ Maeklong ở Bangkok, Thái Lan ngay trên đường ray xe lửa
Chợ Maeklong ở Bangkok, Thái Lan ngay trên đường ray xe lửa

Muốn cải tạo chợ phù hợp với cảnh quan và lối sống của cộng đồng thật sự không khó. Ở London (Anh), khi xây mới khu cao ốc tài chính ở Canary Wharf, người ta đã cẩn thận chừa lại không gian cho khu chợ cá Billingsgate.

Nằm trong khu cảng cũ trên bờ sông Thames, đây là chợ cá lớn nhất nước Anh, cung cấp thủy sản mà đặc biệt là hải sản cho toàn bộ London, ước tính 25.000 tấn/năm. Hình thành từ khoảng thế kỷ 16, địa danh này được xếp hạng là chợ cá lớn nhất thế giới hồi thế kỷ 19.

Người ta không giữ lại ngôi chợ như một di tích lịch sử, bởi bản thân chợ cá này ngày xưa, giống như bao nhiêu chợ cá khác trên thế giới và cả ở Việt Nam, chỉ là bãi đất trống để mang cá từ dưới thuyền lên mua bán rồi chuyển sang xe ngựa và nay là xe tải chở đi khắp nơi.

Giới tài phiệt tài chính giữ lại chợ cá Billingsgate là giữ lại văn hóa mua bán truyền thống của nước Anh, là chính những người có sạp ở trong chợ và khách hàng đến mua bán, từ mối lái và chủ cửa hàng cá khắp thủ đô lúc 4g sáng đến đầu bếp của các nhà hàng vào tầm 5g và cả đoạn cuối là dân nghèo ở phía đông London hay người thích mua cả thùng cá với giá rẻ về nhà ăn, cùng khách du lịch “hốt hụi chót” trước giờ đóng cửa 6g-7g sáng, rồi nhanh chóng trả lại không gian cho một khu tài chính giàu sang bậc nhất thế giới.

Khu chợ thứ hai đáng chú ý là chợ hoa và nông sản Covent Garden. Nằm ở trung tâm London, toàn bộ lồng chợ được giữ lại để biến thành khu chợ cho khách du lịch, bao quanh là bảo tàng, nhà hát và nghệ thuật đường phố cùng vô số quán ăn để giải trí cho dân công sở sau giờ làm việc.

Kiến trúc chợ cũ nay không còn phù hợp làm chợ đầu mối để mua bán nông sản, cần hàng loạt kho bãi và đường ra vào cho xe container nhưng lại rất hợp với chức năng mới hiện nay, giữ nguyên toàn bộ di sản văn hóa và xã hội, tiếp tục tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế London và nước Anh.

Hoạt động mua bán nông sản được chuyển dần sang địa điểm mới, giữ lại tên cũ, được thiết kế lại cho phù hợp. Mỗi một thiết kế chợ mới như vậy là một bản thiết kế lại nguyên cả một hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển bền vững.

Do đó di dời chợ thật sự là một bài toán kinh tế - xã hội đòi hỏi trình độ sâu rộng của người làm chính sách, họ cần học hỏi từ nhiều bài học và học ngay cả từ truyền thống kinh doanh mua bán ở địa phương mình.■

Dù khu chợ cũ Kế Xuyên nhếch nhác nhưng nhiều hộ vẫn không đồng ý di dời -TRƯỜNG TRUNG
Dù khu chợ cũ Kế Xuyên nhếch nhác nhưng nhiều hộ vẫn không đồng ý di dời -TRƯỜNG TRUNG

 

Địa điểm dựng chợ theo lựa chọn tự nhiên từ xa xưa của người dân là các vị trí thuận lợi gần cầu, ngã ba sông, gần đường lớn thuận tiện vận chuyển hàng hóa hay ở khu vực trung tâm của cộng đồng. Các không gian dựng chợ đều là không gian công cộng (public space) rộng mở cho mọi người dễ tiếp cận, sử dụng và chia sẻ.

Từ đầu những năm 2000, Việt Nam đã ban hành các chính sách nhằm phát triển “thích hợp” chợ truyền thống, tập trung các lĩnh vực quy hoạch mạng lưới phân phối và các vấn đề quản lý chợ, giao tư nhân xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ. Mới đây nhất, Bộ Công thương đã ban hành quyết định 64/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo hướng “văn minh, hiện đại”. Theo kết quả quan sát được, chợ từ chỗ thuộc về người dân nay đã trở thành không gian tư (private space) thông qua các dự án xây dựng trung tâm thương mại do tư nhân làm chủ, thường được gọi là “xã hội hóa”.

Chợ còn là không gian xã hội mà trong đó “các hoạt động buôn bán diễn ra trong sự “bày binh bố trận” phức tạp của các mối quan hệ và định chế xã hội mà nếu không có chúng, hoạt động kinh tế không thể nào xảy ra” (Bestor 1999). Không phải cứ xây chợ to đẹp là “văn minh, hiện đại”, mà điều quan trọng là mối quan hệ mua bán vô hình chằng chịt giữa các bạn hàng vốn là nguồn vốn xã hội và vốn văn hóa, góp phần tích lũy vốn tư bản. Ở đó, chợ như một xã hội thu nhỏ với quy định hoạt động cũng như thiết kế phần nào thể hiện quyền lực hay tính nhân văn.

Tại một trong những chợ cá lớn nhất thế giới là Tsukiji ở trung tâm Tokyo, cứ mỗi 4-5 năm người ta tổ chức xổ số để chuyển những người bán hàng từ vị trí tốt sang vị trí xấu trong chợ và ngược lại, bất kể mặt hàng, quy mô hay ảnh hưởng xã hội của họ. Việc đổi chỗ các quầy hàng thông qua xổ số nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng giữa những người bán phát sinh do sự khác biệt về hình dạng, kích thước và vị trí các gian hàng trong ngôi chợ khổng lồ hình cánh quạt này.

Ths Nguyễn Hoàng Mỹ Phương

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận