"Hồ sơ" một giống lúa

VÂN TRƯỜNG 19/10/2008 19:10 GMT+7

TTCT - IR 50404 là giống lúa từng được nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xem như “cứu tinh” của họ vì năng suất cao, dễ trồng, có thời điểm doanh nghiệp (DN) mua tất tần tật với giá khá cao.


Nông dân ĐBSCL điêu đứng vì giống lúa IR 50404. Ông Nguyễn Văn Đồng nói: “Lúa để năm tháng nay đã bị ẩm vàng rồi mà cũng chưa bán được”

Tuy nhiên từ giữa năm 2008 đến nay giống lúa này đột nhiên trở thành “của nợ” đối với hàng triệu nông dân vì rầy nâu bùng phát, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hoành hành. Đến khi thu hoạch thì thương lái chê, DN không thèm hỏi. Chưa có thống kê chính xác lượng lúa hiện còn tồn đọng ở ĐBSCL, nhưng có hơn 60% lúa tồn đọng chính là... IR 50404.

Giữa tháng 10-2008, từ quốc lộ 1A chúng tôi đi sâu vào vùng chuyên canh lúa của xã Điềm Hy (huyện Châu Thành) và Tân Phú (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Trên những cánh đồng vừa thu hoạch xong, nước lũ đang tràn về trắng xóa. 

Cũng như tại nhiều địa phương khác ở ĐBSCL, lúc này ở xã Điềm Hy hầu như nhà người dân nào cũng chất đầy lúa. Gặp hàng chục người, ai cũng bảo lúa không bán được vì thương lái chê giống IR 50404! 

5 tháng chưa bán được lúa

Chỉ tay vào “kho” lúa chất tràn ra tới mái hiên nhà, ông Nguyễn Văn Đồng (ấp Bắc A, xã Điềm Hy) nói: “Gia đình tôi làm 1,5ha ruộng. Sáu vụ liên tiếp vừa qua chỉ gieo sạ toàn giống IR 50404. Không hiểu sao hai vụ rồi (tức đã năm tháng) lúa thu hoạch đem về chất đầy mà vẫn chưa bán được. Kêu hoài mà lái không tới xem”.

Ông Cao Văn Phẫn ở gần đó khẳng định: “Gần như tất cả nông dân ở đây đều trồng lúa IR 50404 và ai cũng đang “ôm” mấy trăm giạ lúa không biết khi nào mới bán được”. Ngày 9-10, thương lái tên Mai ở Điềm Hy đánh ghe vào khu vực ấp Bắc A xem lúa nhưng cuối cùng không mua ký nào chỉ vì ở đây toàn lúa IR 50404. “Các DN xuất khẩu gạo chỉ mua lúa hạt dài để chế biến gạo 5% tấm, còn lúa IR 50404 không chế biến gạo 5% tấm được nên mua làm gì!” - bà Mai nói.

Không bán được lúa, nông dân gặp rất nhiều khó khăn vì các đại lý vật tư nông nghiệp liên tục đòi nợ. Tại nhà bà Nguyễn Thị Nâu (ấp Bắc B, xã Điềm Hy) lúc này có tới 20 tấn lúa IR 50404 tồn đọng từ vụ hè thu sớm (cách đây năm tháng) đến bây giờ vẫn chưa bán được. Căn nhà của bà Nâu không khác gì kho chứa lúa thời làm ăn hợp tác xã. Lúa chất đống từ hiên nhà đến phòng khách, phòng ngủ lẫn nhà bếp. 

“Tui còn nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu hơn chục triệu mà không biết làm cách nào để trả người ta. Kêu bán hoài mà lái không tới. Người đồng ý mua thì trả giá quá thấp, dưới giá vốn đầu tư, thấy tiếc nên không muốn bán. Chẳng biết tính sao bây giờ nữa” - bà Nâu than thở.

Một lãnh đạo Công ty Lương thực Long An ước tính hiện nay trong dân còn tồn đọng 60-70% sản lượng lúa thu hoạch vụ hè thu sớm và hè thu chính vụ. Hầu hết lúa tồn đọng là giống IR 50404. Ngay tại kho của các DN xuất khẩu gạo hiện cũng tồn đọng rất nhiều gạo IR 50404 vì đầu ra không có.

Trong thời gian này hầu hết khách hàng đặt mua gạo cấp cao loại 5% tấm nên các DN xuất khẩu nháo nhào tìm mua gạo loại này để giao hàng nhưng sản lượng không đáng kể. 

“Hiện nay chỉ còn Philippines ăn gạo 15-25% tấm, nhưng phải chờ đầu năm 2009 họ mới ký hợp đồng, do đó DN không dám mua gạo loại này. Giống IR 50404 chỉ chế biến được gạo 15-25% tấm, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên bị tồn đọng kéo dài” - vị lãnh đạo này nói.

Thạc sĩ Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết vụ hè thu vừa qua ở ĐBSCL người dân xuống giống hơn 1,6 triệu ha, trong số này diện tích canh tác giống IR 50404 chiếm tới 30%, tức khoảng 500.000ha. Nếu tính cả diện tích trồng lúa OM 576 (bị ế tương tự IR 50404) thì con số này khoảng 50%.

Giải thích nguyên nhân nông dân lựa chọn giống IR 50404 và OM 576, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng do vụ lúa đông xuân 2007-2008 được mùa, được giá và đặc biệt là giá lúa IR 50404 tăng đột biến, có lúc đạt 7.000đ/kg. Các DN xuất khẩu cũng thu mua hết lúa trong dân mà không hề phàn nàn hay cảnh báo gì. Nhiều nông dân thấy tín hiệu thị trường quá tốt nên đổ xô trồng giống lúa này với hi vọng “đổi đời”.

Giống lúa IR 50404 được nông dân lựa chọn vì có năng suất rất cao, ngắn ngày (85-90 ngày), dễ trồng, tỉ lệ gạo xay xát đạt cao... Họ vô tư tăng diện tích, tăng vụ. Một số địa phương gieo sạ hai giống IR 50404 và OM 576 tới 40-60% diện tích.

Ông Nguyễn Văn Đồng (xã Điềm Hy, huyện Châu Thành) nói: “Đầu năm 2007 tui thấy giống IR 50404 cho năng suất cao, trung bình khoảng 6 tấn/ha, riêng vụ đông xuân có thể đạt tới 8-9 tấn/ha và ít bị rầy nâu nên quyết định mua giống này”.

Ông Cao Văn Cường (ở cùng xã) cho biết thêm: “Vụ đông xuân năm 2007 giá lúa hạt dài chỉ cao hơn lúa IR 50404 khoảng 300 đồng/kg, nhưng lúa hạt dài năng suất thấp hơn nhiều so với IR 50404. Tính đi tính lại thấy làm lúa IR 50404 có lời nhiều hơn nên bà con nông dân ở đây ai cũng gieo giống lúa này. Không ngờ bây giờ tình hình bi đát quá”.

IR 50404 ế do... thị trường thế giới điều tiết

Ông Võ Quốc Hưng, chủ DN Phước Đạt ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), là người có thâm niên kinh doanh lúa gạo xuất khẩu hơn 30 năm nay. Khi được hỏi vì sao vụ đông xuân 2007-2008 các DN thu mua hết lúa IR 50404 với giá cao, còn bây giờ lại chê, ông Hưng giải thích: “Vụ đông xuân 2007-2008 thời tiết tốt nên chất lượng lúa gạo IR 50404 khá cao, hạt gạo bóng đẹp có thể chế biến gạo 5% tấm được. Còn vụ hè thu vừa qua thời tiết bất lợi, mưa nhiều nên chất lượng hạt gạo giảm (đen, ẩm vàng).

Nhìn bằng mắt thường cũng thấy mặt gạo IR 50404 hai vụ này khác nhau. Còn về thị trường, cuối năm 2007 nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới rất lớn nên giá gạo tăng cao hơn bình thường. Lúc đó khách hàng ký hợp đồng mua gạo khá dễ chứ không đưa ra các điều kiện khắt khe như bây giờ. Cộng hai yếu tố này lại thì thấy rằng giống IR 50404 khó đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu nên bị ứ đọng”.

Nói “không” với IR 50404

Tại cuộc họp về phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá với các tỉnh phía Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đã chính thức yêu cầu các địa phương phải vận động nông dân bỏ giống lúa IR 50404. Phía DN xuất khẩu, bà Đặng Thị Liên - giám đốc Xí nghiệp Cầu Tre (thuộc Công ty Lương thực Long An) - cũng đề nghị: “Giống lúa IR 50404 không thể chế biến gạo cao cấp được, trong khi đó hiện nay gần như các thị trường trên thế giới đều đặt hàng loại gạo 5% tấm.

Còn gạo cấp thấp như IR 50404 các DN vẫn còn tồn kho rất lớn. Bà con nông dân không nên sử dụng giống IR 50404 nữa mà nên chọn giống lúa hạt dài”. Trước đây giá gạo hạt dài và hạt ngắn như IR 50404 chỉ chênh lệch khoảng 50 USD/tấn, nhưng hiện nay đã chênh lệch tới 100 USD/tấn nhưng cung không đủ cầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận