Học gì từ Bangkok?

NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH 28/11/2011 21:11 GMT+7

TTCT - Tuần rồi, chính quyền TP.HCM cho hay sẽ cử một đoàn đi nghiên cứu thực tế và trao đổi kinh nghiệm phòng chống ngập lụt tại Bangkok (Thái Lan) vì “cần nghiên cứu xây dựng đề án, kế hoạch... để chủ động phòng chống ngập lụt cho thành phố”.

Trong một bài toán kép về “lũ lụt trong biến đổi khí hậu” mà cả Hà Nội và TP.HCM cùng phải đối mặt, nên ưu tiên những gì trước khi quá muộn?

Phóng to
Ngập do triều cường trên đường Lương Định Của, quận 2, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Trận lũ để lại thiệt hại ban đầu ước tính 6 tỉ USD vừa qua ở Thái Lan mang đến những áp lực to lớn cho chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề an sinh xã hội và kinh tế. Bangkok có thể là một dự báo trước cho TP.HCM, lý do là sự tương đồng nhiều mặt giữa hai đô thị này, từ thủy văn, địa chất, điều kiện tự nhiên đến mức độ tổn thương trước hiện tượng biến đổi khí hậu.

TP.HCM: Nghĩ lại về quy hoạch thoát nước đô thị

TP.HCM, thượng nguồn có hồ Dầu Tiếng điều tiết lũ cho lưu vực sông Sài Gòn và hồ Trị An làm nhiệm vụ tương tự cho lưu vực sông Đồng Nai. Nên nếu có mưa trên diện rộng xảy ra, áp lực thoát lũ cho đô thị trung tâm không lớn bằng Bangkok. Bên cạnh đó lại có vùng thoát lũ tự nhiên ở hạ nguồn phía nam Sài Gòn là khu vực sinh thái Cần Giờ chưa bị bêtông hóa nên việc tránh được những trận lụt khủng khiếp trong đô thị như xảy ra ở Bangkok là không khó.

Nhưng như vậy, liệu thành phố này có may mắn hơn Bangkok? Nếu nhìn vào quy hoạch thoát nước đô thị hiện thời, câu trả lời sẽ là không. Cứ sau mỗi trận mưa “tương đối”, ngay cả trong mùa khô, thành phố lại ngập nhiều nơi. Căn nguyên nằm ở việc mưa kết hợp thủy triều và một mạng lưới cống thoát nước được xây cách đây 50 năm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tiến sĩ Bhijit Rattakul, cựu thị trưởng Bangkok, hiện đang giữ chức giám đốc Trung tâm Chuẩn bị đối phó thảm họa châu Á, cho rằng lợi ích nhóm của giới xây dựng và đầu tư bất động sản sẽ là rào cản cho những quyết sách của chính phủ trong việc quy hoạch các vùng thoát lũ tự nhiên.

Cuối năm nay, mực nước triều có thể đạt tới đỉnh kỷ lục mới 1,58m, trở thành một thách thức lớn đối với các dự án chống ngập của thành phố. Dự định xây dựng tuyến đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến sông Kinh) với kinh phí 8.300 tỉ đồng để chống triều cường, đặc biệt là khu vực quận 2 và Bình Thạnh - hai trong nhiều điểm nóng về úng ngập hiện nay - chỉ mới giải đáp được “bổ đề” về chống ngập trước mắt, trong vòng 3-5 năm.

Để có được lời giải hoàn chỉnh cho bài toán thoát lũ đô thị, phải xác định hướng quy hoạch tổng thể, nhất quán cho thành phố. Các nhà quy hoạch đô thị đều hiểu rõ rằng chính sách là yếu tố quan trọng nhất tác động đến quy hoạch. Mười năm trở lại đây, TP.HCM đã đưa ra chính sách phát triển, xây dựng các khu công nghiệp và đô thị ở khu vực phía Nam (gồm quận 7, huyện Nhà Bè và khu sinh thái Cần Giờ), khiến khu vực thoát nước tự nhiên của thành phố bị thu hẹp, làm cho tình hình ngập càng nghiêm trọng hơn. Liệu chính sách này có cần được chính quyền xem xét lại và điều chỉnh theo hướng hài hòa với thiên nhiên hơn hay không?

Khu vực thoát lũ của thành phố ở Nam Sài Gòn từ những năm cuối của thế kỷ trước đã được quy hoạch thành khu vực tập trung dân số thấp, có cơ sở hạ tầng thông thoáng tiêu biểu với khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng kết hợp khu sinh thái Cần Giờ, tương đối “thuận” theo tự nhiên sông Sài Gòn. Nhưng những năm gần đây, hàng loạt dự án chung cư cao tầng được ồ ạt “bổ sung” vào khu vực này.

Tư duy tranh thủ cơ sở hạ tầng mới và tốt sẽ làm rối quy hoạch của quận 7, làm tăng mật độ dân cư và mức độ bêtông hóa hạ lưu sông Sài Gòn. Nếu không rõ ràng trong lựa chọn mục đích quy hoạch (phát triển khu dân cư cao cấp hay phổ thông), nhất là xem nhẹ yếu tố thoát nước đô thị, Nhà Bè sẽ sớm mất đi sự thông thoáng và nhanh chóng bị lấn chiếm bởi các dự án xây dựng đô thị trong tương lai gần.

Trong trường hợp quỹ đất để phát triển đô thị của TP.HCM không còn nhiều, việc mở rộng quy hoạch đô thị về phía nam là khó tránh, chí ít ngay từ bây giờ phải nghĩ đến việc xây dựng hệ thống liên hoàn gồm đê, cửa cống và cảng biển có tác dụng điều tiết thủy triều ở cửa biển Cần Giờ. Một hệ thống liên hoàn tương tự đã được áp dụng thành công tại thành phố cảng Le Havre - khu vực hạ lưu sông Seine (Pháp), cho thấy việc phát triển hệ thống cảng ven biển trên các cửa sông sẽ tăng cường công tác duy tu bờ, nạo vét lòng sông ở các khu vực này. “Nhất cử lưỡng tiện”, nhờ đó mà quy hoạch thoát nước đô thị cũng được hưởng lợi.

Trong tư duy quy hoạch đô thị ở Việt Nam hiện nay có xu hướng chia đô thị thành các vùng và đường vành đai (Périphérique) theo hình mẫu đô thị Paris, nhằm mục đích chính giảm áp lực dân số và giao thông cho khu vực trung tâm, kết hợp phát triển quy hoạch theo chiều ngang (hạn chế nhà tầng cao của kiến trúc trong nội ô). Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu đang đi theo trường phái này.

Riêng trường hợp TP.HCM, về khía cạnh quy hoạch thoát nước đô thị rất nên tham khảo khuynh hướng quy hoạch thành phố theo chiều đứng mà thủ đô Berlin (CHLB Đức) đã áp dụng thành công. Với mật độ dân số cao hơn chút ít (3.900 người/km2) so với TP.HCM, người Đức đã chọn cách phát triển Berlin bằng những cao ốc, chung cư để giải quyết nhu cầu nhà ở và thương mại cho người dân. Ngay cả trong trung tâm thành phố, các cao ốc này nằm hài hòa cạnh những công trình kiến trúc từ thời đại đế Friedrich II mà không hề phá hủy nét đẹp của các kiến trúc cổ này.

Berlin lại có đủ diện tích để xây dựng những đại lộ rộng lớn, hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông và vẫn có một quỹ đất lớn là rừng, công viên, vườn, sông và hồ ngay trong đô thị. Điều này càng có giá trị nếu đối chiếu với tình trạng không đủ diện tích cho thi công tại TP.HCM, vốn dẫn đến vấn nạn hàng nghìn “lô cốt” chiếm lòng đường trong khi tiến hành dự án nâng cấp hệ thống thoát nước.

Hà Nội: Đâu là vùng thoát lũ?

Phòng lũ cho Hà Nội lại có những đặc điểm khác TP.HCM và Bangkok. Trên hệ thống sông Hồng có hàng loạt hồ chứa có nhiệm vụ phòng chống lũ có thể chứa hàng tỉ khối nước, như hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La (trong tương lai) trên sông Đà, năm thủy điện đang được xây thêm trên sông Lô. Thủ đô có hệ thống đê bảo vệ và những khu phân chậm lũ, nếu lũ lớn uy hiếp Hà Nội, có thể phân lũ vào các khu đó. Ngoài ra, do xa biển nên Hà Nội không gặp vấn đề thủy triều xâm mặn. Câu chuyện phòng lũ

của Hà Nội nằm ngay trong việc là vận hành tốt hệ thống phòng chống lũ, bảo vệ đê và diện tích các hồ điều hòa trong thành phố.

Sau trận mưa lớn “biến phố thành sông” năm 2008 lịch sử, có ý kiến đề nghị tỉnh Hà Nam “hi sinh” hút bớt nước sông Nhuệ để cứu thủ đô. Đây cũng là điều xảy ra trong trận lũ lụt ở Thái Lan vừa qua nhưng với mức độ căng thẳng hơn. Người dân ở Sing Buri, Chai Nat và Nakhon Sawan, theo Bangkok Post, đã đặt dấu hỏi về chính sách xả lũ của Cơ quan thủy lợi quốc gia Thái Lan.

Vùng đô thị muốn xả nước về phía nông thôn với lập luận phải bảo vệ các khu dân cư đông đúc, còn nông thôn muốn xả nước vào khu vực thành phố để bảo vệ các cánh đồng lúa. Thậm chí trong ngày 7-10 ở tỉnh Ayutthaya, nơi lũ lụt trầm trọng nhất, đã xảy ra nổ súng đe dọa lẫn nhau giữa nông dân và người sống ở đô thị do tranh cãi về việc ngăn dòng lũ. Tình cảnh đó xảy ra vì thiếu vắng một quy hoạch toàn vùng cho thoát lũ, nên lúc cấp bách mới có những tranh chấp căng thẳng như vậy trong chuyện hứng chịu lũ giữa các địa phương.

Trong dự án “Quản lý sự tác động của biến đổi khí hậu” của Bộ Sinh thái Cộng hòa Pháp, các chuyên gia rất quan tâm đến hai thành phố là cửa thoát lũ của hai con sông lớn Garonne (Bordeaux) và sông Seine (Le Havre). Tại đây, họ tiến hành tính toán về khả năng ngập lụt của thành phố trong các kịch bản cực đoan của thời tiết như: sóng tràn qua đỉnh đê, nước lũ từ thượng lưu sông đổ về tăng đột biến kết hợp với mưa lớn sẽ làm hai thành phố ngập theo các mức độ khác nhau về các chỉ tiêu thời gian, độ cao và diện tích ngập lụt.

Từ các kịch bản này, nhà khoa học sẽ thống kê thiệt hại về kinh tế, xã hội của thành phố dựa trên thực trạng dân cư, cơ sở vật chất của khu vực. Mô hình đánh giá này sẽ được nhân rộng ra các thành phố lân cận và từ đây bằng những phép so sánh sẽ là những cơ sở khoa học giúp chính quyền của vùng đưa ra quy hoạch phân lũ và xả lũ khi thảm họa xảy ra.

Điều đó có thể là một tham khảo hữu ích cho Hà Nội trong việc xây dựng bản đồ quy hoạch thoát lũ khu vực. Sau đó, quy định mức độ ưu tiên phân lũ giữa các địa phương, đồng thời thông tin đến cho người dân về các kịch bản sẽ xảy ra khi lũ về để kịp thời có những biện pháp ứng phó hợp lý. “Tiên hạ thủ vi cường”, chủ động dẫn đường bao giờ cũng tốt hơn chèo chống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận