Học trực tuyến ở Trung Quốc: Nói dễ hơn làm

CẢNH CHÁNH 23/03/2020 21:03 GMT+7

TTCT-Đầu tháng 2, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, học sinh không thể đi học, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khuyến khích các trường triển khai học trực tuyến. Đến nay sau hơn một tháng học trực tuyến, nhiều tỉnh thành đã bắt đầu cho học sinh đi học trở lại khi tình hình dịch bệnh đã được khống chế phần nào.

Ảnh: The Economist

Tính hiệu quả, phản ứng của học sinh, phụ huynh và giáo viên về mô hình học trực tuyến đang là những điều người dân nước này quan tâm.

Ý kiến trái chiều

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu giáo dục Trung Quốc thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh với 77.939 học sinh ở 31 tỉnh thành về học trực tuyến, 72,9% thích và rất thích học trực tuyến. Có 69,4% thấy hài lòng và rất hài lòng về hiệu quả học trực tuyến, chỉ 2,9% rất không hài lòng. Trong đó, mức độ hài lòng của học sinh trung học phổ thông cao nhất, học sinh trung học cơ sở thấp nhất. Lý do là học sinh cấp III có ý thức học tập, học sinh cấp II đang tuổi nghịch ngợm; còn học sinh cấp I hứng thú với loại hình học tập mới, nên mức độ hài lòng cao hơn học sinh cấp II.

Tờ Đông Quảng Nhật báo cũng đã có một cuộc điều tra phụ huynh học sinh trong thành phố, trong đó phụ huynh tiểu học chiếm 74%, cấp II chiếm 20%, cấp III chiếm 6%. Kết quả 52% học sinh thích học trực tuyến, 48% không thích. Lý do thích học trực tuyến là vì không phải đến lớp, không thích học trực tuyến vì hiệu quả không như học ở trường. Về hiệu quả học trực tuyến, số phụ huynh cho rằng hiệu quả chỉ mức trung bình chiếm 46,9%, hiệu quả cũng ngang như học trên lớp chiếm 4,55%, gần 30% phụ huynh cho rằng hiệu quả lúc tốt lúc không tùy môn học, 10% phụ huynh nói học trực tuyến giải quyết được nhu cầu học tập của con cái, 70% cho rằng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu học tập. Vì học trên mạng, nhiều phụ huynh lo lắng không có không khí học, hiệu quả không cao, học sinh không tự giác, không tập trung.

Riêng sinh viên có vẻ khá hứng thú với học trực tuyến. Trường đại học Hoa Kiều (Phúc Kiến) đã thăm dò ý kiến của nhiều học sinh trong trường về vấn đề này. Vũ Nhược Quân, sinh viên năm 3, cho biết: “Hiệu quả học trực tuyến cũng như trên lớp, nhưng học trực tuyến vui hơn vì có những tình huống bất ngờ khi livestream, tương tác với giáo viên nhiều hơn, nhiều vấn đề không dám hỏi khi đối mặt trực tiếp giờ có thể nhắn tin qua mạng. Thích nhất là học lúc nào cũng được, bài giảng có thể được nghe lại nhiều lần”. Lưu Trạch Nhất, sinh viên năm 3, thì cho rằng học trực tuyến cũng tốt, nhưng vẫn thích giao lưu trực tiếp với bạn bè thầy cô, nên rất mong được đến trường. Giang Cẩm, sinh viên năm 3, thích học trực tuyến vì không cần giơ tay phát biểu, chỉ cần nhắn tin nên các bạn đều tích cực trả lời. Có điều, việc học phụ thuộc đường truyền Internet nên nhiều lúc rất bất tiện. Nhưng nhìn chung thì rất tốt.

Phụ huynh căng thẳng

Việc học trực tuyến đối với học sinh hay phụ huynh đều là khá mới mẻ, nên không tránh khỏi bỡ ngỡ thời gian đầu. Liêu Vân, phụ huynh học sinh lớp 10 ở Bắc Kinh, kể trên tờ Bắc Kinh Nhật báo rằng một tháng qua bà cứ như chơi trò mèo vờn chuột với cô con gái. Lý do là cô học trò nhỏ không biết tự giác học, cứ cầm máy tính bảng là chơi game, nghe tiếng bước chân mẹ thì quay lại học. Dù mẹ có nhắc nhở, cô bé vẫn chứng nào tật nấy, có hôm còn chơi game đến nửa đêm. Bà mẹ tức mình ném luôn chiếc máy tính bảng. Nhưng việc học thì vẫn phải tiếp tục, dùng di động học cũng khó tránh khỏi chơi game, bà đành cho con học trên máy tính, và xóa hết các trò chơi điện tử trên máy. Ai nhè, hôm sau con bé bảo: “Mẹ chỉ xóa biểu tượng trò chơi trên màn hình nền thôi”. Không rành công nghệ bằng con và hết cách, bà mẹ cứ suốt ngày phải canh chừng, hoặc rón rén đến bên cạnh kiểm tra. “Giờ đây, tôi và con đều đang mong được đi học, không phải vì con bé thích đến trường, mà là vì sau khi đi học sẽ không phải suốt ngày giáp mặt với tôi, còn tôi cũng không phải suốt ngày giám sát con. Giờ mẹ con tôi đã chán nhìn thấy nhau rồi” - Liêu Vân thở dài.

Phụ huynh học sinh lớp 4, cô Mã Hân Vĩ cho biết thời gian qua cô đau đầu nhất là con không biết quản lý thời gian, làm gì cũng lề mề. Sáng nào cũng đều phải gọi dậy, dậy xong thì uể oải ngồi vào bàn học. May là con chỉ học từ các bài giảng thu hình sẵn chứ không phải học livestream. Ngày nào cũng vì chuyện học mà mẹ con mâu thuẫn, quan hệ mẹ con ngày càng xấu đi. Cô cảm giác hiệu quả việc học trực tuyến không cao.

Còn bà Ân Cần là phụ huynh học sinh lớp 8 thì cảm thấy rất mệt mỏi. Vì hằng ngày giáo viên chủ nhiệm gửi thông báo, bài tập vào nhóm chat của phụ huynh, nên ngày nào bà cũng phải vào nhóm để cập nhật thông tin, in bài tập về nhà, lịch học, bài kiểm tra cho con, chụp hình bài tập của con gửi lại cho cô… Đau khổ nhất là giờ thể dục, phụ huynh phải ghi lại hình ảnh học sinh hoàn thành bài thể dục rồi gửi cho giáo viên. Có hôm thì nhảy dây, thể dục đồng diễn, hôm thì tập võ…, mỗi lần tập thể dục hàng xóm lại lên phàn nàn. Những ngày qua, việc học của con không bị chậm trễ nhưng phụ huynh thì vừa phải làm việc tại nhà vừa phải làm trợ giảng cho con.

Nhiều phụ huynh phát hiện dịch vụ photocopy là dịch vụ đắt hàng nhất trong mùa dịch, vì nhà nhà đều phải in bài tập cho con. Những gia đình không tiện ra ngoài in bài tập, phụ huynh phải chép tay bài tập mấy trang giấy A4 ra cho con làm. Không ít phụ huynh than thở trên mạng xã hội WeChat, nào là: “Mau đi học lại đi, tôi sắp phát điên rồi”, “Nếu con nghỉ học thêm vài tháng, gia đình tôi chắc sẽ không chịu nổi, sẽ suốt ngày xào xáo”… Nhất là hiện nay nhiều phụ huynh đã bắt đầu đi làm trở lại, việc học trực tuyến của học sinh lại càng khó thực hiện nghiêm túc vì không ai quản lý; hoặc nhà chỉ có ông bà ở với cháu, trong khi ông bà cũng không rành công nghệ.

Giáo viên quá tải

Nhiều trường học ở Trung Quốc hưởng ứng học trực tuyến bằng nhiều hình thức khác nhau. Có trường chú trọng “giáo viên không nghỉ”, có trường “học sinh không nghỉ”. Học trực tuyến ở nhiều trường chỉ là buổi ghi hình tiết học, thiếu sự tương tác trực tiếp, nhưng có ưu điểm là có thể học bất cứ lúc nào. Còn học trực tuyến livestream thì học sinh được bình luận trực tiếp nhưng cũng có những tình huống cười ra nước mắt. Như thầy giáo livestream mà quên mở micro cứ thao thao bất tuyệt hết mấy tiếng đồng hồ, học sinh nhắn tin gọi điện thầy đều không nghe hoặc không nhìn thấy. Có thầy giáo thì vì lần đầu livestream, chọn chế độ quay phim 360 độ, học sinh nhìn thấy khuôn mặt thầy trắng trẻo với má hồng xinh xinh mà không nhịn được cười. Có giáo viên đang livestream thì con gái chạy xộc vào phòng gọi mẹ ơi. Hay như thầy giáo môn sinh đang giảng về vấn đề sinh sản thì bị kiểm duyệt, lý do nội dung nhạy cảm, còn học sinh thì để lại lời nhắn: “Làm tốt lắm!”.

Mới đây, ở một lớp học trực tuyến của Trường Đông Phương Mới, Tề Nam, Thiên Tân, do không nộp bài tập và online trễ đã xảy ra cảnh học sinh và giáo viên cự cãi nhau, học sinh đã dùng những lời lẽ khó nghe với giáo viên, lý do học sinh cho rằng giáo viên đã nhục mạ em. Mặc dù sau đó học sinh đã xin lỗi thầy nhưng vẫn bị cho thôi học, theo Tân Kinh báo.

Nhiều giáo viên không rành công nghệ, ghi hình bài giảng 20 phút, phải chuẩn bị hết một tiếng vì đa phần giáo viên không có thiết bị chuyên dụng cho việc ghi hình, dùng điện thoại di động ghi hình không phải chuyện dễ. Họ sáng nào cũng phải vào nhóm chat nhắn tin phụ huynh cho học sinh vào điểm danh, nếu vẫn không thấy thì gọi điện cho từng học sinh. Học xong thì cho bài tập, đau khổ nhất là khâu chấm bài, vì học sinh làm bài xong đều chụp hình gửi vào nhóm chat, một lớp 56 người mà chấm bài trên di động (vì ở nhà không có máy tính), đến 9h tối mới xong. Nếu là giáo viên chủ nhiệm còn cực hơn vì phải vào dự giờ các bộ môn khác. Nhiều giáo viên than mỏi mắt vì suốt ngày xem di động. Học trực tuyến 20 phút, nhưng sau đó còn gửi bài tập vào nhóm chat, giáo viên phải theo dõi hướng dẫn trả lời thắc mắc. Vì vậy giáo viên cũng mong được quay trở lại trường sớm.■

Ở Trung Quốc, học trực tuyến do trường tổ chức không phải thu phí, nhưng là chương trình học được tính vào chương trình giáo dục của năm học chứ không phải ôn tập kiến thức. Theo ông Lữ Ngọc Cương - vụ trưởng Vụ Giáo dục cơ sở, Bộ Giáo dục Trung Quốc, sau khi đi học trở lại, các trường sẽ tiến hành kiểm tra lại kiến thức học trực tuyến, dạy thêm cho những học sinh chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt quan tâm đến học sinh vùng sâu vùng xa, con em đội ngũ y bác sĩ tham gia chống dịch Covid-19. Bắc Kinh đến nay vẫn chưa có lịch cho học sinh đi học trở lại nhưng chính quyền thành phố cho biết sẽ không học bù vào thứ bảy, chủ nhật, học sinh học gì thi đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận