Hướng nghiệp đang mất phương hướng

TRỊNH VĨNH HÀ (THỰC HIỆN) 06/05/2014 20:05 GMT+7

TTCT - “Cũng như khá nhiều bạn trẻ đang bị mất phương hướng do không xác định được con đường cần cho đời mình, công tác hướng nghiệp hiện nay khiến cả học sinh, phụ huynh rối loạn bởi có quá nhiều thông tin lẫn lộn thật - giả, những cách hướng nghiệp cứng nhắc, thiếu hiểu biết”. TS Phạm Mạnh Hà, giảng viên khoa công tác thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

TS Phạm Mạnh Hà trong một chương trình tư vấn hướng nghiệp - Ảnh: Quang Thế

Phổ biến vẫn coi hướng nghiệp là hướng học

Qua thực tế công việc, ông thấy việc hướng nghiệp đối với học sinh cuối cấp phổ thông hiện nay thế nào?

- Những năm trước, người ta thường nói công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông là khoảng trống do chưa được quan tâm đúng mức. Những năm gần đây tình thế đảo ngược, các nhà trường nói nhiều hơn về hướng nghiệp, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh quan tâm hơn. Nhiều chương trình hướng nghiệp được đưa vào nhà trường. Ở đô thị, thông tin tới học sinh rất nhiều...

Nhưng điều gì cũng có hai mặt. Tình trạng hiện nay khiến tôi lo lắng nhiều hơn, vì hướng nghiệp cho giới trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng nếu không hiểu và làm đúng sẽ gây rối loạn. Học sinh bị nhiễu loạn thông tin, dễ hoang mang, lo lắng hơn và cũng dễ lạc đường hơn.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những bất cập của thời “bùng nổ thông tin hướng nghiệp” không?

- Khi đi thực tế ở nhiều trường, tôi phát hiện một điểm khá chung là các trường không có cán bộ hướng nghiệp chuyên trách. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và các cán bộ được giao làm công tác hướng nghiệp thiếu kỹ năng và thiếu thông tin cần thiết. Thông tin của các cơ sở đào tạo chủ động “tiếp thị” vào các trường phổ thông khá nhiều, nhưng thông tin đáng tin cậy dự báo nhu cầu nhân lực của các ngành nghề trong 4-5 năm sau thì thiếu. Thầy cô giáo chỉ “định hướng nghề nghiệp” cho học sinh chủ yếu theo sự phân loại về năng lực học tập, căn cứ vào điểm số. 

TS Phạm Mạnh Hà là người khởi xướng mô hình tư vấn học đường và điều hành phòng tư vấn miễn phí tại nhiều trường THPT ở Hà Nội. Ông sát cánh cùng chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ trong năm năm qua với công việc “Gỡ rối - hướng nghiệp”. Tuổi Trẻ đã trao tặng ông giải “Bạn đồng hành quanh tôi” vào tháng 3-2014, ghi nhận những đóng góp của ông cho công tác hướng nghiệp. 


Tại Thanh Hóa, tôi đã chứng kiến một trường THPT không cho học sinh tự do làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ. Trường tổ chức thi thử và ấn định những học sinh đạt từ hơn 20 điểm được đăng ký vào các trường tốp trên, học sinh đạt từ 15-20 điểm đăng ký vào các trường tốp giữa, còn học sinh đạt dưới 15 điểm thì không cho nộp hồ sơ dự thi ĐH... 

Dù đó là sự quan tâm tới hướng nghiệp nhưng cách làm cứng nhắc và không được phép, vì việc dự thi phải tùy thuộc vào nguyện vọng của người học. Công tác hướng nghiệp là để tư vấn, định hướng chứ không thể ép buộc.

Như vậy bất cập nằm ở sự yếu kém, thiếu hụt về năng lực của người làm công tác hướng nghiệp?

- Đó chỉ là một nguyên do. Công tác hướng nghiệp ít được quan tâm, kém hiệu quả (ở giai đoạn trước) và rối loạn, mất phương hướng (ở giai đoạn này) xét sâu xa là do những bất cập của hệ thống giáo dục, mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông. 

Lâu nay các trường đều đặt ra những tiêu chí “chất lượng” như tỉ lệ học sinh khá, giỏi, tỉ lệ đỗ đạt cao, tựu trung là đánh giá kết quả học tập, thi cử của học sinh. Vì vậy thầy trò đều lao vào dạy và học để có điểm số tốt. Từ sự “lệch chuẩn” này mà công tác hướng nghiệp cũng chệch theo hướng bám vào kết quả học tập để “phân luồng”: học sinh học giỏi môn nào thì thi vào ngành học có môn thi tương tự hoặc ngược lại, muốn thi vào ngành nào được xã hội coi là “hot” thì cố học tốt những môn học đó. 

Căn cứ để tư vấn cho học sinh chủ yếu cũng từ điểm số môn học. Tóm lại, hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông bây giờ vẫn là hướng học. Nhiều học sinh chọn khối thi, ngành thi theo học lực thể hiện trên điểm số, trong khi các em không hiểu gì về ngành nghề tương lai, không biết với ngành nghề đó mình cần có kỹ năng gì, tư chất có thích hợp làm công việc đó không...

Nhưng năng lực học tập cũng là một căn cứ cần thiết để định hướng nghề nghiệp?

- Nó là một căn cứ nhưng không phải là căn cứ duy nhất và chủ yếu. Ở đây cần phân biệt giữa việc cố gắng để có một việc làm và định hướng phát triển sự nghiệp của mỗi người. Với quan điểm cần một việc làm trong xã hội trọng bằng cấp thì nhiều người định hướng cho con cái cố vào ĐH, chọn ngành nào ra trường dễ xin việc. 

Hậu quả của quan điểm này khiến nhiều bạn trẻ đậu ĐH rồi vẫn rơi vào tình trạng hoang mang, mất phương hướng, phải bỏ dở giữa chừng. Có người tốt nghiệp ĐH mà vẫn thất bại trên con đường gây dựng sự nghiệp chỉ vì bước sai ngay từ đầu. 

Công tác hướng nghiệp cần được hiểu đúng và có chiều sâu hơn. Phải cho các bạn trẻ biết nhiều hơn thông tin về công việc để các bạn tự trải nghiệm với đam mê, tự lựa chọn...

Làm việc này thật khó khi nhà trường đang bị áp lực nặng nề trong việc nhồi nhét kiến thức để ứng phó thi cử?

- Đúng vậy. Đề cập tới khía cạnh này cần phải nói thêm: nền giáo dục phổ thông của chúng ta không quan tâm tới quá trình giáo dục mà chỉ coi trọng kết quả. Công tác hướng nghiệp cũng y như vậy, gần tới lúc chọn ngành, nghề, đăng ký dự thi ĐH-CĐ thì cấp tập đưa nhiều hoạt động hướng nghiệp khác nhau vào nhà trường, thậm chí áp đặt học sinh trong việc chọn ngành. 

Trước đó, những hoạt động giúp bạn trẻ tiếp cận dần môi trường công việc, những hoạt động giúp các bạn bộc lộ năng lực bản thân, kỹ năng làm việc, niềm đam mê, khát vọng rất ít hoặc kém hiệu quả, nặng tính hình thức, phong trào. Năng lực tham gia hoạt động xã hội, cộng đồng rất được coi trọng bởi giúp ích cho người học trong việc hình thành thái độ làm việc, kỹ năng làm việc. 

Trục lợi từ hướng nghiệp

Hiện nay, rất nhiều cơ sở đào tạo tới tận trường phổ thông để giới thiệu thông tin. Theo ông, đây có phải là một việc tích cực góp phần thúc đẩy hướng nghiệp cho học sinh?

- Tuy không phủ nhận khía cạnh tích cực của những cơ sở đào tạo muốn cung cấp thông tin chính xác, mới nhất cho học sinh ở giai đoạn cần chọn ngành nghề dự thi, nhưng tôi muốn chia sẻ về một hiện tượng đáng buồn. Không ít cơ sở đào tạo, chủ yếu là các cơ sở đào tạo ngoài công lập chưa có uy tín, thiếu nguồn tuyển, đã chủ động tới các trường phổ thông để lợi dụng hình thức hướng nghiệp của nhà trường thuyết phục học sinh đăng ký dự thi sau khi cung cấp các thông tin không chính xác. 

Tôi biết có những nơi, thầy giáo được hưởng 500.000 đồng/hồ sơ đăng ký dự thi từ các cơ sở đào tạo ngoài công lập. Để được hưởng lợi, cán bộ hướng nghiệp, hiệu trưởng đã không khách quan, công tâm trong việc cung cấp thông tin cho học sinh, cho phép tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo... nhằm mục đích “tiếp thị” cho một cơ sở đào tạo nào đó. Đây cũng là một hiện tượng làm nhiễu loạn thông tin trong quá trình hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp phổ thông.

Tôi biết điều này từ các phụ huynh, học sinh và thực tế ở một số nhà trường. Nếu việc này không được ngành GD-ĐT lưu tâm chấn chỉnh và phụ huynh, học sinh không tỉnh táo thì xu thế “kinh doanh trong hướng nghiệp” này sẽ gia tăng nhanh. 

Từ năm nay, quy định về tuyển sinh cởi mở hơn, có đến hơn 100 trường có đề án tuyển sinh riêng, trong đó nhiều trường chỉ cần xét học bạ. Nếu chỉ để đạt giấc mơ vào ĐH, đây là thời điểm nhiều học sinh dễ đạt được ước mơ của mình. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các em có được nghề nghiệp tốt. 

Theo ông, phải chấn chỉnh những rối ren đó ra sao?

- Trước hết phải nói tới vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc dự báo nhu cầu nhân lực. Khi những thông tin dự báo không có và không đến được người học thì việc định hướng nghề nghiệp sẽ luôn bất ổn. 

Mới đây tôi có dịp làm việc với tỉnh Yên Bái, lãnh đạo tỉnh cho biết từ nay tới năm 2017 sẽ không cần tuyển thêm giáo viên. Nhưng một số cơ sở đào tạo sư phạm của chính tỉnh này vẫn tuyển sinh đào tạo giáo viên. Như vậy, thông tin về nhân lực đã không được chuyển tới người học. Cơ quan tuyển dụng và nơi đào tạo dường như không liên đới đến nhau. 

Ngoài việc dự báo, ngành GD-ĐT cần có những thay đổi mạnh mẽ trong quá trình giáo dục, cần giảm nhiều kiến thức không cần thiết để tăng thời gian tổ chức các hoạt động khác, tìm cách giúp học sinh có nhiều trải nghiệm với cuộc sống; hình thành, phát triển tính tích cực xã hội của các em. 

Ngành GD-ĐT cần tính tới việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách hướng nghiệp và dành định biên cho người làm công việc này trong các nhà trường, ngoài ra cần khôi phục các trung tâm hướng nghiệp từng có trước đây.

Ông đang thử nghiệm việc hướng nghiệp cho cha mẹ học sinh ở trường phổ thông. Vì sao ông chọn phụ huynh chứ không phải học sinh?

- Từ thực tế nhiều năm làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho Tuổi Trẻ, khi trò chuyện với học sinh, tôi nhận thấy phần lớn các em bị định hướng của cha mẹ chi phối. Không ít bậc phụ huynh trước đây không hề được tư vấn nghề nghiệp đúng đắn, nay lại áp dụng chính điều đó với con mình. 

Từ những buổi tư vấn theo hình thức “cha mẹ - con cái đối thoại” đó, không ít phụ huynh đã giật mình nhận ra họ không hiểu gì về năng lực, ước mơ của con, còn quá nhiều khúc mắc giữa cha mẹ và con cái không được giãi bày để thấu hiểu và đi tới điểm chung. 

Tổ chức một chương trình tư vấn cho cha mẹ khó gấp nhiều lần cho học sinh vì không phải ai cũng tự nguyện, tin tưởng, không dễ thuyết phục những người trưởng thành từng có quan niệm cứng nhắc, bảo thủ về chọn nghề. Nhưng khi làm được thì tỉ lệ định hướng nghề nghiệp của chúng tôi thành công hơn nhiều so với tư vấn chỉ cho học sinh. 

Chúng tôi chọn các trường chuyên trước vì qua khảo sát, chúng tôi thấy những học sinh có học lực giỏi, tập trung tối đa vào việc học thì việc chọn nghề dễ sai hơn, khi sai thì khó điều chỉnh hơn do xu thế “hướng nghiệp là hướng học” đã nói ở trên. 

Tôi mong muốn việc hướng nghiệp cho cha mẹ được mở rộng hơn, nhất là trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin hiện nay, vì phụ huynh là những người có thể hỗ trợ các nhà trường sàng lọc thông tin và tư vấn cho con cái tốt nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận