​Iran: “ngoại giao nụ cười”

MINH THƯ 31/07/2015 02:07 GMT+7

Ngay sau khi Iran và các nước P5+1 ký được thỏa thuận hạt nhân ngày 14-7, đã có tiến cử hai ngoại trưởng Iran và Mỹ vào ghế ứng viên giải Nobel hòa bình 2015. Ngoại trưởng John Kerry đã quá quen thuộc trên trường thế giới, trong khi cái tên Mohammad Zavad Zarif dường như vẫn còn khá xa lạ cho đến ngày 14-7-2015.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng nhiệm Iran Zavad Zarif với nụ cười nổi tiếng - Ảnh: AP

Lời tiến cử hai ngoại trưởng Mỹ, Iran là ứng viên cho giải Nobel hòa bình 2015 đã được giám đốc Chương trình giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) Tariq Rauf đưa ra.

Tariq Rauf từng đứng đầu bộ phận thanh sát và chính sách an ninh của Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế - IAEA (2002-2011). Theo đánh giá của Rauf, văn bản vừa được ký có thể xem là thỏa thuận đa phương quan trọng nhất nhiều thập niên qua, sánh ngang tầm với Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện 1996 (CTBT) (1).

Những nỗ lực cuối cùng đã đạt được tại Vienna (Áo) sau 18 ngày thương lượng liên tục, kết thúc 12 năm đàm phán về chương trình hạt nhân Iran.

Học trên "đất quỷ"

Đánh giá sơ bộ thỏa thuận mang tên “Kế hoạch hành động toàn diện chung” (JCPOA), nhiều chuyên gia cho rằng đây là “một thắng lợi của hòa bình, chiến thắng của phi bạo lực đối với bạo lực, và thắng lợi của tri thức đối với sự ngu dốt” (TFF.org).

Về phần mình, phát biểu trên truyền hình ngay sau khi thỏa thuận được ký, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran đã theo đuổi bốn mục tiêu trong các cuộc thương lượng này và bốn mục tiêu này đều đã đạt được trong JCPOA: tháo dỡ tất cả cấm vận chống Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân trong khi Iran vẫn theo đuổi được chương trình hạt nhân hòa bình (hai mục tiêu còn lại liên quan đến các khía cạnh kỹ thuật của việc tháo bỏ cấm vận) (2).

Nhiều người Iran đã chúc mừng nhau trên các trang mạng xã hội, cho rằng đó là thắng lợi của Iran, của lý trí và sự thực tiễn.

Công lớn trong việc thúc đẩy thắng lợi này là Ngoại trưởng Zavad Zarif. Như tiến sĩ Jan Oberg, giám đốc Viện Nghiên cứu tương lai và hòa bình xuyên quốc gia, có nhiều năm theo dõi vấn đề Iran, đã không tiếc lời nhận định: “Javad Zarif là vị ngoại trưởng xuất sắc nhất của Iran, và có lẽ là người chuyên nghiệp nhất với ngôn ngữ cơ thể thân thiện nhất, kể cả nụ cười, giữa các đồng nghiệp ở bất cứ đâu - nhóm (đàm phán) của ông đã đạt được những điều không thể...” (3).

Karim Sadjadpour, phân tích gia của Carnegie Endowment for International Peace, cũng cho rằng: “Zarif là vị ngoại trưởng hiệu quả nhất mà Iran có được từ sau Cách mạng Hồi giáo.

Ông ta là người duy nhất trên thế giới có thể trò chuyện với John Kerry (ngoại trưởng Mỹ) ngày hôm trước rồi hôm sau với Ali Khamenei (đại giáo chủ Iran), và bảo đảm với cả hai rằng ông chia sẻ mục đích cuối cùng của họ” (4).

Nụ cười của ngoại trưởng Iran cũng được nhà báo Iran Bozorgmehr Sharafedin nhắc đến trong bài viết trên Reuters, đăng trong ngày JCPOA được ký kết. Sharafedin nhận định: “Khó có thể tưởng tượng cuộc đàm phán hạt nhân Iran với các cường quốc mà không có gương mặt của Zarif, người đã đạt được thỏa thuận bằng chính sách được dân Iran gọi là ngoại giao nụ cười”.

CNN thì nhận xét: những người theo dõi cuộc đàm phán hạt nhân Iran có thể đọc được trên các bản tin những khái quát sau về Ngoại trưởng Zarif: một người “lịch sự”, dù phải giải quyết những vấn đề đau đầu nặng ký nhưng luôn “vui vẻ”.

Lướt qua tiểu sử của Ngoại trưởng Zarif sẽ hiểu vì sao ông có thể góp phần đáng kể trên để đưa Iran từ việc bị phương Tây cách ly trở lại hội nhập với cộng đồng quốc tế. Du học Mỹ từ năm 17 tuổi, ông tốt nghiệp hai bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế ở Đại học bang San Francisco và Đại học Denver.

Cũng tại Denver, ông tốt nghiệp tiến sĩ chính sách và luật quốc tế năm 1988. Vào những năm 1990, ông từng làm trung gian thương lượng để thả các con tin Mỹ bị các nhóm Hezbollah thân Iran ở Lebanon bắt giữ.

Zarif cũng là đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc (2002-2007), tham gia giải quyết nhiều vấn đề tồn tại giữa Iran và Mỹ trong thời gian này. Năm 2007 ông là chủ tịch hội nghị của Hội đồng Iran - Mỹ. Thời kỳ này giúp ông xây dựng nhiều mối quan hệ cá nhân với các chính khách Mỹ sau này tham gia chính quyền như Joseph Biden (hiện là phó tổng thống Hoa Kỳ), Chuck Hagel (từng là bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ từ năm 2013-2015), Dennis Kucinich (cựu thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Ohio)...

Nhưng mối quan hệ thân tình đó của Zarif với Mỹ không làm Tổng thống Rouhani cũng như đại giáo chủ Khamenei phân vân khi giao cho ông trọng trách ngoại trưởng năm 2013, vì không ai khác mà chính ông ngày 18-11-2008 từng cáo giác Washington đang mưu toan dấy động bất hòa giữa những người Iran để lật đổ chính quyền Tehran. Khi đó ông đã nói: “Khái niệm về một cuộc cách mạng nhung ở Iran không nên coi như một nỗi sợ không căn cứ”.

Sau này khi đã trở thành ngoại trưởng Iran, Javad Zarif khéo léo xây dựng hình ảnh một Tehran ôn hòa hơn so với thời chính quyền tiền nhiệm của cựu tổng thống Mahmoud Ahmedinejad. Bản thân Zarif không chỉ là một ngoại trưởng thân thiện, mà còn biết vận động ngoại giao qua công nghệ.

Liệt kê sáu điều mà người ta ít biết về Ngoại trưởng Zarif, CNN nêu điểm đầu tiên: Zarif là ngoại trưởng thường xuyên viết trên Twitter bằng tiếng Anh!

Cười với kẻ thù

Chuyện sau đây được ghi nhận trên CNN: Tháng 9-2013, Zarif gửi tweet nhân lễ năm mới của người Do Thái Rosh Hashanah: “Chúc mừng Rosh Hashanah”. Christine Pelosi (con gái của chủ tịch phe thiểu số trong Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi) đáp lại: “Cảm ơn. Năm mới sẽ ngọt ngào hơn nếu ông có thể chấm dứt việc khước từ Holocaust của Iran, thưa ngài”.

Và Pelosi đã rất ngạc nhiên khi nhận hồi đáp của Ngoại trưởng Iran Zarif: “Iran không bao giờ phủ nhận nó (nạn diệt chủng). Người muốn từ bỏ nó đã ra đi rồi” (*). Bằng cách này, Zarif đã đặt một khoảng cách giữa chính quyền ôn hòa Rouhani với chính quyền cứng rắn trước đây Ahmedinejad.

Ngày 27-9-2013, ông đã gặp người đồng nhiệm Mỹ John Kerry trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên ở cấp cao nhất giữa Mỹ và Iran sau sáu năm. Ông đã xây dựng được một ấn tượng tốt đẹp, căn cứ vào lời kể lại của Ngoại trưởng John Kerry: “... Cuộc gặp có tính xây dựng và Ngoại trưởng Zarif có một giọng điệu khác và một tầm nhìn khác”.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ John Limbert cũng nhận xét: “Khi Zarif và nhóm của ông bắt đầu cuộc đàm phán năm 2013, toàn bộ không khí trong phòng đã thay đổi...Kerry và Zarif có cách tiếp cận ngoại giao giống nhau. Điều làm tôi ấn tượng nhất là cả hai hiểu được tầm quan trọng của sự kiên nhẫn. Họ đều có khả năng lắng nghe, kiên trì và không bao giờ lùi bước”.

Dĩ nhiên, không phải tất cả người Iran đều ủng hộ ngoại trưởng của họ. Việc ông Zarif du học trên đất của “quỷ sa tăng”, từ mà nhiều người Iran cực đoan dùng gọi người Mỹ, đã khiến ông trở thành một nhân vật gây chia rẽ ở Iran. Những người Iran cứng rắn đã chỉ trích ông vì đối thoại trực tiếp với “ác quỷ lớn nhất”, “kẻ thù của nhà nước Hồi giáo”.

Hossein Rassam, cựu cố vấn về Iran của Bộ Ngoại giao Anh, nhận xét: điểm mạnh của Zarif - cuộc đời ngoại giao bên ngoài Iran của ông - cũng chính là điểm yếu của ông. Theo tường thuật của nhà báo Sharafedin, một video clip bị rò rỉ hồi tháng 5 cho thấy ông Zarif đã tranh cãi nảy lửa với một đại biểu Quốc hội Iran, người cáo buộc ông là “phản bội”...

Mới tháng trước, Quốc hội Iran với phe bảo thủ chiếm đa số đã toan cắt đôi cánh của Zarif bằng một luật mới, áp đặt các điều kiện cho bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào. Một số người Iran còn truy nguyên quá khứ, gọi ông là kẻ hèn nhát khi du học ở Mỹ thập niên 1980 thay vì ở lại bảo vệ đất nước trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq 1980-1988.

Lẽ đương nhiên Zarif cũng không thiếu người chống đối ở Mỹ. Theo tường thuật của nhà báo Reuters Sharafedin, thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton từng gửi tweet cho Zarif hồi tháng 4-2015: “Ông trốn ở Mỹ trong chiến tranh Iran - Iraq trong khi nông dân và trẻ em bị đưa vào cõi chết”.

Zarif cũng không vừa, đáp lại trong lời chúc nhân dịp Cotton sinh con trai: “Cái cần là một nền ngoại giao nghiêm túc chứ không phải việc bôi nhọ cá nhân có khuôn mẫu hay không”. Đây cũng chính là cách tiếp cận ngoại giao của Zarif mà nhà thương lượng về vấn đề hạt nhân của Iran Hossein Mousavian gọi là cách tiếp cận “zero căng thẳng”.

Karim Sadjadpour ở Trung tâm Carnegie cũng tinh ý chỉ ra rằng Zarif “không bao giờ vượt quyền trong những mục tiêu chiến lược của Iran vì cần sự ủng hộ của đại giáo chủ Khamenei, nhưng luôn thu các vấn đề vào góc nhìn lợi ích quốc gia hơn là hệ tư tưởng cách mạng”. Tiêu chí ngoại giao của Zarif như ông từng đề cập trong hồi ký Ngài đại sứ: “Trong ngoại giao anh phải luôn cười, nhưng không bao giờ được quên rằng đang nói chuyện với kẻ thù”.

Bình luận về thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa được ký, nhiều chuyên gia bày tỏ lo âu về chặng đường gian nan sắp tới, khi việc thực thi sẽ gặp không ít khó khăn từ phía những đồng minh Mỹ chống Iran như Israel hay Saudi Arabia. Nhưng như ông Zarif trả lời phỏng vấn NBC từ Vienna đã nhấn mạnh: thỏa thuận này tốt cho tất cả và không thể gây hại cho bất cứ ai. Ít ra nó đã chấm dứt một cuộc xung đột không cần thiết!  

JCPOA do Iran ký với P5+1 (năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với EU mà đại diện là Đức) quy định: Iran sẽ phải loại bỏ kho dự trữ uranium làm giàu mức trung bình, cắt giảm 98% kho dự trữ uranium làm giàu mức thấp và giảm 2/3 số lượng máy ly tâm trong ít nhất 15 năm tới.

15 năm tiếp đó, Iran cũng đồng ý không làm giàu uranium trên 3,67% cũng như không xây dựng bất kỳ cơ sở làm giàu uranium mới hay những cơ sở nước nặng nào. Các hoạt động làm giàu uranium của Iran sẽ bị giới hạn ở một cơ sở duy nhất sử dụng máy ly tâm thế hệ đầu tiên 10 năm qua. Những cơ sở khác sẽ bị chuyển đổi để tránh nguy cơ phát triển.

Để giám sát và kiểm tra sự tuân thủ của Iran với thỏa thuận, IAEA sẽ thường xuyên thanh sát những cơ sở này. Sau khi IAEA xác nhận sự tuân thủ của Iran, Mỹ và EU sẽ loại bỏ những cấm vận chống Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân (https://en.wikipedia.org/wiki/Joint_Comprehensive_Plan_of_Action).

 

(*): Năm 2006, trong một hội nghị quốc tế về Holocaust, tổng thống Iran khi đó là Ahmedinejad đã cho rằng nạn diệt chủng 6 triệu người Do Thái thời Thế chiến thứ hai là “một huyền thoại” và kêu gọi xóa sổ Israel “cũng giống như Liên Xô từng bị xóa sổ”. Vụ việc này đã lưu lại trong truyền thông như “việc Iran từ chối nạn diệt chủng”. Ông Ahmedinejad đã rời ghế tổng thống vào tháng 8, một tháng trước lễ Rosh Hashanah 2013 (http://www.haaretz.com/news/ahmadinejad-at-holocaust-conference-israel-will-soon-be-wiped-out-1.206977).

 

(1): http://www.presstv.com/Detail/2015/07/14/420267/Zarif-kerry-nobel-SIPRI

(2): http://english.farsnews.com/newstext.aspx?nn=13940423001264

(3): http://blog.transnational.org/2015/07/tff-pressinfo-328-congratulations-and-thank-you-iran/

(4): http://news.yahoo.com/zarifs-smile-diplomacy-secures-nuclear-deal-iran-100805249.html

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận