​Iraq, Syria và bộ trưởng Hagel

DANH ĐỨC 12/12/2014 08:12 GMT+7

TTCT - Quá nhiều xung đột chính kiến giữa Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel với êkip Nhà Trắng và cả với tham mưu trưởng liên quân cùng các đồng minh.

Những người phản đối chiến tranh giương các khẩu hiệu trong lúc ông Hagel ngồi vào ghế tại cuộc điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện ngày 16-9 về chính sách của Mỹ đối với Iraq, Syria và mối đe dọa IS - Ảnh: Reuters
Những người phản đối chiến tranh giương các khẩu hiệu trong lúc ông Hagel ngồi vào ghế tại cuộc điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện ngày 16-9 về chính sách của Mỹ đối với Iraq, Syria và mối đe dọa IS - Ảnh: Reuters

Cuộc phỏng vấn Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm19-11 do Charlie Rose của Đài truyền hình CBS thực hiện giúp giải thích tại sao ông Hagel phải đột ngột từ chức hôm thứ hai 24-11: đã có bất đồng lớn giữa ông Hagel và êkip đồng sự của ông, và cả với các đồng minh Trung Đông về Iraq và Syria. 

 Lính mỹ sẽ lại tham chiến ở iraq?

Assad là một phần của bài toán. Song chỉ giải quyết Assad thôi, sẽ chẳng cất IS vô lại trong hộp được... Chúng ta có thể thay Assad ngay hôm nay nhưng vẫn sẽ không thay đổi gì cục diện. Sẽ thay Assad bởi ai? Đội quân nào có thể thắng được IS?
Bộ trưởng quốc phòng CHUCK HAGEL phát biểu trong buổi điều trần Hạ viện hôm 13-11 (Al-Monitor)

Bất đồng bức bách đầu tiên là vấn đề có gửi quân chiến đấu sang Iraq hay không.

Câu hỏi của Charlie Rose phản ánh bất đồng này: “Chủ tịch tham mưu liên quân từng nói rằng có lẽ đã đến lúc ông ấy phải khuyến cáo tổng thống tăng thêm lính tác chiến nhằm chặn đứng Nhà nước Hồi giáo (IS). Thành ra câu hỏi là hoàn cảnh nào sẽ dẫn đến quyết định đó? Chừng nào sẽ cần làm điều gì đó khác đi và bơm thêm quân tác chiến vào?”.

Câu trả lời phủ định của ông Hagel là “sẽ không có người Mỹ chiến đấu cuộc chiến đó” và sẽ vẫn chỉ “huấn luyện và cố vấn”. Ông cho biết hiện ở Iraq đang có 1.400 cố vấn Mỹ thuộc lực lượng đặc biệt và sẽ bổ sung 1.500 người nữa trong vài tuần tới cũng chỉ để giúp huấn luyện 12 lữ đoàn an ninh Iraq. 

Điều mà đối với ông Hagel là nguyên tắc, “chúng ta sẽ huấn luyện và trang bị” cho phía Iraq, thì lại không phải là điều mà tướng chỉ huy tham mưu liên quân Mỹ Martin Dempsey mong muốn.

Ngay hôm 16-9, trong cuộc điều trần cùng với Bộ trưởng Hagel trước Ủy ban quân vụ Thượng viện, tướng Dempsey đã ngỏ ý rằng ông sẽ xem xét việc khuyến cáo đưa quân trở lại Iraq (Fox News 17-9-2014).

Hục hặc này đã nổ ra trước Ủy ban quốc phòng Hạ viện trong cuộc điều trần hôm 13-11, khi tướng Dempsey lại phát biểu trước mặt Bộ trưởng Hagel: “Không loại trừ trong các giai đoạn phức tạp hơn tới đây khi phải quét sạch phe IS ra khỏi các thành thị sẽ cần đến binh sĩ Mỹ để giúp các đối tác Iraq” (nguồn: armedservices.house.gov). 

Điều khiến ông Hagel lo ngại là đưa quân tác chiến Mỹ vào Iraq sẽ dẫn đến một sự sa lầy nữa trong một cuộc chiến tranh Iraq khác, sau khi quân đội Mỹ thời bộ trưởng quốc phòng Dick Cheney của cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 đã rút ra “cho có”.

Giống như quân đội Mỹ đã sa lầy tại Việt Nam dưới thời cố bộ trưởng quốc phòng McNamara, có lẽ chẳng mấy bộ trưởng quốc phòng nào muốn nhảy vào một cuộc chiến tranh cầm chắc là sẽ sa lầy.

Ngược lại, những sứ mệnh như sang Tây Phi giúp chống Ebola với những 4.000 binh sĩ Mỹ cùng 1.100 nhân viên Bộ Quốc phòng, theo tường trình của ông Hagel sáng 30-10, lại “chắc ăn” hơn là phải đổ quân chiến đấu vào Iraq chiều ý của tướng Dempsey.

Thành ra mối bất đồng với tướng Dempsey về vấn đề “trực tiếp đánh hay không đánh ở Iraq?” qua hai lần thể hiện ngay trước Thượng viện và Hạ viện đã buộc ông Hagel phải tự hỏi ông ở đâu trong lòng nội các Mỹ và quân đội Mỹ.

 Không lật ông assad!

Các câu hỏi liên tiếp của Charlie Rose trong cuộc phỏng vấn cho thấy đâu là yêu cầu hiện nay đặt ra về vấn đề Syria: “Có phải ông đang bị một số áp lực từ các đồng minh đòi ông hành động hơn nữa chống lại Assad?...

Có cảm giác rằng người Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn, và Saudi Arabia muốn ông tập trung chú ý vào Assad hơn, và rằng họ đang lo ngại ông không làm như thế... Có một số người trong thành phần liên quân tin rằng phải chiến đấu lật đổ ông ta cũng mạnh mẽ ngang bằng chiến đấu chống IS”.

Chọn lựa của ông Hagel, qua trả lời của ông, rõ ràng là khó làm vừa lòng các đồng minh ấy: “Sách lược của chúng tôi là một sách lược chống lại IS... do lẽ IS đe dọa chúng tôi một cách rõ rệt”. 

Đồng minh ở Trung Đông là như vậy. Thế còn ở ngay trong Nhà Trắng? Các câu hỏi khác của Charlie Rose cho thấy ông Hagel đã “đụng” phải ai: “Ông đã gửi một bản ghi nhớ cho cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice kêu gọi một cách tiếp cận vấn đề toàn diện hơn...

Đã có những tường thuật rằng chính quyền đang xem lại chính sách đối với ông Assad do có sức ép từ các đồng minh, do có những câu hỏi được nêu ra, tỉ như liệu ông ta có đang hưởng lợi từ các nỗ lực chống Nhà nước Hồi giáo?”. 

Câu trả lời của ông Hagel cho thấy ông “không cùng hội cùng thuyền”: “Sẽ không có một giải pháp quân sự ở Syria, chỉ có thể có một giải pháp ngoại giao mà thôi... Chúng tôi đang tiến hành một cách tiếp cận toàn diện. Ý tôi là... giúp ổn định Iraq trước đã. Giúp hỗ trợ một chính phủ gồm đầy đủ (các phe) ở đó... Làm việc với các phe đối lập ôn hòa ở Syria... Huấn luyện và trang bị phe đối lập Syria ôn hòa...”.

Và ông chốt luôn thái độ của ông đối với ông Assad: “Assad phải ra đi... Song việc Assad ra đi như thế nào là tối quan trọng!” (tức không chơi trò lật đổ).

Hơn một năm sau vụ suýt tấn công Syria nhằm trừng phạt ông Assad tội chứa vũ khí hóa học do gặp phản ứng của Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov, buộc phải thỏa hiệp về một giải pháp thu gom và tiêu hủy, nay hồ sơ Assad được hâm nóng lại từ vụ IS.

Hậu Hagel

Báo New York Times ngày 24-11 đăng một bài xã luận mang tựa đề “Một vấn đề vượt quá ông Hagel”, trong đó nêu vấn đề ông Hagel đã phải thay đổi sứ mệnh công tác sau khi được bổ nhiệm: “Ông đã được chọn để giám sát sự thay đổi sang một cỗ máy quân sự thời bình, đồng thời cắt giảm chi tiêu quốc phòng...

Nhưng giờ đây, Mỹ lâm chiến trở lại ở Iraq, Syria và Afghanistan vốn đã gây tranh cãi mạnh trong chính quyền. Cụ thể là một bản ghi nhớ ông Hagel gửi đến Nhà Trắng, trong đó ông chỉ trích chính sách về Syria của chính quyền mà ông Obama dựa trên một nhóm nhỏ phụ tá, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice”. 

Vấn đề mà tờ New York Times nêu lên, “vượt quá câu chuyện ông Hagel”, chính là làm sao vừa cắt giảm ngân sách quốc phòng vừa đánh trận, bắt đầu là ở Iraq, rồi Syria...

Với việc cựu thứ trưởng quốc phòng Ashton Carter gần như chắc chắn thế chỗ ông Hagel, tình hình Iraq, Afghanistan và Syria sẽ rẽ nhanh sang hướng khác khi ông Carter đã từng lo việc đốc thúc sản xuất và gửi vũ khí cho binh sĩ Mỹ tác chiến tại Iraq và Afghanistan. Còn chuyện “tái cân bằng” ở châu Á chắc là sẽ chẳng có mấy thay đổi.

Theo Dustin Walker, chủ bút kiêm sáng lập hãng tin quốc phòng RealClearDefense, nếu gọi là tái cân bằng việc nâng tỉ lệ hiện diện của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương từ 55% lên 60% vào năm 2020, thì đến lúc đó số tàu chiến của Mỹ bị cắt giảm sẽ từ 285 chiếc xuống còn 230 chiếc (National Interest 24-4-2014).

Còn chuyện ông Hagel gặp khó khăn, từ đầu tháng 11 đã có thể cảm nhận trước khi ông hoãn lại chuyến thăm Việt Nam và Myanmar. Trong khi đó, người Nhật suốt năm nay ra sức tự lo thân mình, người Úc chuẩn bị mua 12 tàu ngầm Soryu của Nhật, người Hàn mua tên lửa đánh chặn Pac thế hệ 3...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận