Jan Oberg: Một nền dân chủ "diễn" hơn là sống thật

DUY VĂN THỰC HIỆN 18/06/2014 08:06 GMT+7

TTCT - Kết quả cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (diễn ra từ ngày 22 đến 25-5) được các phương tiện truyền thông đánh giá là “sốc” và “chấn động”: các đảng cực hữu và hoài nghi về tương lai châu Âu bất ngờ đăng quang.

Mặt trận bình dân (Pháp) do bà Marine Le Pen (ảnh) làm chủ tịch, đã thắng lớn trong cuộc bầu cử vừa qua: từ 3 ghế, đảng này đã chiếm được 24 ghế trong Nghị viện châu Âu

Tiến sĩ xã hội học Jan Oberg (giám đốc Quỹ hòa bình xuyên quốc gia, Thụy Điển) và nhà bình luận quốc tế William Plaff (Mỹ) đã chia sẻ với TTCT các giải thích về “cú sốc” này.

* Động đất - đó là từ tạp chí The Economist (Anh) nhận định kết quả cuộc bầu cử nghị viện Liên minh châu Âu (EU) vừa rồi, với sự đăng quang của một số chính đảng cánh hữu và dân tộc. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Đúng là có những nỗi lo ở châu Âu sau kết quả bỏ phiếu bầu nghị viện EU mới đây. Nhưng thay vì sợ và lên án người chiến thắng, chúng ta nên tự hỏi: Chuyện gì khiến mang tới kết quả thế này? Câu trả lời ngắn gọn của tôi là: Bản thân dân chủ đang gặp khủng hoảng sâu sắc. Dân chủ đang “diễn” hay trở thành nghi thức hơn là sống thật.

"Dân Pháp chỉ yêu cầu một loại chính trị. Chính trị của người Pháp, cho người Pháp, với người Pháp. Họ không muốn bị bên ngoài dẫn dắt nữa"

Marine Le Pen

Có hai điều nổi bật từ cuộc bầu cử này: 1/ Sự gia tăng những lá phiếu ủng hộ các đảng dân tộc, dân túy, cánh hữu và chống Hồi giáo cũng như các đảng hoài nghi về đồng euro, đặc biệt ở Đan Mạch, Pháp, Hi Lạp và Anh. 2/ Số người đi bỏ phiếu giảm từ 62% của năm 1979 còn 43% năm 2009 và nay chỉ tăng có 0,09%, dù EU đã rất nỗ lực tác động người dân đi bỏ phiếu.

Có nghĩa trong khi thế giới đấu tranh cho dân chủ thì chỉ 43% người dân EU thấy việc đi bỏ phiếu mỗi bốn năm một lần là có ý nghĩa. Vậy thật thảm thương cho một EU đang cố thúc đẩy dân chủ khắp nơi, kể cả bằng sức mạnh quân sự.

Dễ hiểu là hai yếu tố nêu trên hợp lại đã khiến nhiều người châu Âu - nơi diễn ra hai cuộc chiến tranh thế giới, nơi đóng đô NATO và có các quốc gia vũ trang nhiều nhất cùng với hai quốc gia có vũ khí hạt nhân - lo âu... Có lẽ vì vậy mà nhà bình luận Mỹ có nhiều thập niên sống ở Paris William Plaff đã gọi phản ứng của chính giới và truyền thông châu Âu lẫn Bắc Mỹ hiện nay không phải là sốc hay khủng hoảng, mà là một cơn “hysteria” (cuồng loạn).

* Theo William Plaff, sự trỗi dậy của phái hữu trong các cuộc bầu cử EU 2014 không giống với sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít thập niên 1930?

- Mỗi khi nền dân chủ hay kinh tế thất bại trong mắt nhân dân, luôn có nguy cơ người ta quay sang các trào lưu cánh hữu hay dân túy. Từ lịch sử của mình, người châu Âu có lý do để lo lắng cho những phát triển này. Đúng là chúng ta nên quan tâm tới điều đó.

Có gì đó rất sai khi chỉ 43% công dân EU cảm thấy cần bày tỏ ý kiến về một tổ chức quyết định phần lớn cuộc đời họ. Và có gì đó rất sai khi 65% công dân EU nghĩ rằng sau tất cả những năm qua kể từ Cộng đồng than và thép (1951) ra đời, EU không hiểu họ muốn gì.

JAN OBERG

* Vậy có vấn đề gì với nền dân chủ của phương Tây nói chung và nền dân chủ trong EU nói riêng, thưa ông?

- Tôi tin chắc rằng các vấn đề của nền dân chủ và kế hoạch tư bản tân tự do của phương Tây chính là nguyên nhân, trong khi các xu hướng phiếu chống người nhập cư, ủng hộ các chính đảng cánh hữu và dân tộc là hậu quả.

Nói cách khác, chính vì nền dân chủ và kinh tế đang trục trặc mà chúng ta có mẫu phiếu này.

Dĩ nhiên rất khó để các chính khách phương Tây chấp nhận hiện trạng này. Đương nhiên họ tin rằng mình đại diện cho nền dân chủ thật sự - thậm chí đến mức xem dân chủ như một món hàng sẵn sàng xuất khẩu hay áp đặt lên mọi người, những ai mà họ cho là ít tiến bộ hay văn minh hơn.

Nếu bạn muốn có một bức tranh rộng lớn hơn, tổng hợp đầy đủ biến số nêu trên, bạn hãy vào trang web của The Pew Research Global Attitude Project. Tuy các thống kê của nó chỉ dựa trên bảy nước, nhưng tôi cho rằng nó khá tiêu biểu. Theo đó:

- Tâm trạng ủng hộ EU chỉ tăng một ít.

- Một phần rất ít người tin rằng sự hội nhập kinh tế sẽ làm kinh tế vững mạnh (vì thế chúng ta có thể nhìn sự hi sinh chính trị cho việc hội nhập này một cách tiêu cực hơn).

- Chỉ 1/3 người có cái nhìn ủng hộ các định chế EU.

- Điều thú vị nhất nhưng cũng đáng buồn nhất: các công dân EU thất vọng về sự tương tác cá nhân của họ với EU: 65% nói EU không hiểu những nhu cầu của họ, 63% nói mối quan hệ này chẳng khác nào “xâm nhập”, trong khi 57% đánh giá mối tương tác không hiệu quả. 77% nói thất nghiệp là nỗi lo lớn nhất của họ. Vậy người ta còn rất nhiều việc phải làm để có một cảm giác dân chủ thật sự.

- Trung bình 55% người muốn ít người nhập cư đến đất nước họ hơn (còn nếu căn cứ vào các cuộc tranh luận trên truyền thông, có cảm giác con số này phải cao hơn). 50% công dân EU có cái nhìn không thiện cảm về Roma, 46% về người Hồi giáo và chỉ 18% về người Do Thái.

Nhìn vào thống kê này sẽ dễ hiểu hơn góc nhìn của công dân đối với EU trước một loạt vấn đề. Lời đáp cho thách thức này không phải là điều mà các lãnh đạo EU hay nói, kiểu như “Chúng ta cần học cách bán (những giá trị) EU tốt hơn”. Đó là câu trả lời của các diễn viên mang đầu óc thị trường. Và thống kê này cũng giúp chúng ta không chống lại những lá phiếu cho các giá trị dân tộc và chống EU.

* Vậy theo ông, sau kết quả bầu cử này, EU sẽ đi về đầu?

- Câu trả lời là phải xem xét việc thiếu dân chủ - thậm chí việc không có một nền dân chủ sống động - hết sức nghiêm túc. Và điều các lãnh đạo EU cần nghiên cứu chính là “dân chủ đang cần được dân chủ hóa”! Tôi muốn nhắc lại lời nhà lãnh đạo kiệt xuất Ấn Độ M. Gandhi, người cho rằng “một nền dân chủ là khi ở đó người yếu nhất cũng có cùng cơ hội với người mạnh nhất...

Nền dân chủ phương Tây, như nó vận hành hiện nay, là chủ nghĩa phát xít bị pha loãng. Một nền dân chủ thật sự không được tạo ra bởi 20 người ngồi ở trung tâm. Nó phải được hình thành từ bên dưới, bởi người dân của mỗi ngôi làng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận