“Kẻ cắp” và “bà già”

TRẦN TRỌNG 26/07/2017 19:07 GMT+7

TTCT- Câu chuyện ầm ĩ trên truyền thông Mỹ mấy ngày qua là cuộc gặp của Donald Trump Junior, con trai Tổng thống Mỹ Donald Trump, và một luật sư Nga với ý đồ gây hại cho chiến dịch tranh cử của đối thủ ông Trump - Hillary Clinton.

Ông Yeltsin vận động tranh cử.-Ảnh: businessinsider.com
Ông Yeltsin vận động tranh cử.- Ảnh: businessinsider.com

 

Nhưng nói về việc can thiệp vào các cuộc bầu cử dân chủ ở những quốc gia khác, thì chính Hoa Kỳ - với vai trò siêu cường không thể tranh cãi - mới là bậc thầy. Mỹ có một lịch sử rất dài tìm cách tác động lên những cuộc bầu cử ở các nước khác - họ đã làm thế 81 lần từ năm 1946 - 2000, theo một dữ liệu thu thập được bởi nhà khoa học chính trị Dov Levin thuộc Đại học Carnegie Mellon (Mỹ).

Số lần can thiệp đó còn chưa kể tới những cuộc đảo chính quân sự và các nỗ lực thay đổi chế độ sau khi những cuộc bầu cử cho ra các ứng viên mà Washington không thích, đáng kể là ở Iran, Guatemala và Chile.

Cả ngấm ngầm và công khai

Levin định nghĩa can thiệp vào bầu cử là “một hành vi tốn kém được thiết kế để quyết định kết quả bầu cử có lợi cho một trong hai phía”.

Những hành vi này, được tiến hành bí mật trong 2/3 các vụ can thiệp, bao gồm bỏ tiền cho những chiến dịch tranh cử của một đảng cụ thể, gieo rắc tin tức thất thiệt hay tổ chức các cuộc tuyên truyền, tác động để cử tri chỉ bỏ phiếu cho một phía hoặc không bỏ phiếu, giúp một bên thiết kế các nội dung tranh cử của họ, đe dọa công khai hay ngấm ngầm theo cách có lợi cho một ứng viên cụ thể, và cung cấp hoặc rút viện trợ như một điều kiện của bầu cử.

Trong 59% các trường hợp, những bên nhận được sự hỗ trợ của Mỹ lên nắm quyền, dù Levin ước tính tác động của “sự can thiệp” chỉ làm tăng trung bình 3% tổng số phiếu bầu.

Nghiên cứu của Levin tất nhiên không gói gọn ở Mỹ. Bộ dữ liệu của ông cho thấy Nga đã 36 lần (không kể lần gần nhất) can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng nghĩa với việc cứ chín cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra thì ít nhất một trong hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh đã can thiệp vào một cuộc trong khoảng thời gian đó.

Một ví dụ rất điển hình cho việc Mỹ can thiệp làm thay đổi kết quả bầu cử là cuộc tuyển cử ở Ý năm 1948.

“Chúng ta ném vào đó tất cả mọi thứ, bao gồm cả bồn rửa chén nhà bếp” để giúp Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo ở Ý đánh bại những người cộng sản, Levin nói bao gồm việc “tung ra hàng núi tiền” để trang trải chi phí vận động tranh cử, cử chuyên gia giúp điều hành chiến dịch, tài trợ cho các chính sách mị dân và đe dọa cắt viện trợ của Mỹ ở Ý nếu Đảng Cộng sản đắc cử.

Levin nói những can thiệp đều đặn của Mỹ có lẽ đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn các đảng cộng sản lên nắm quyền không chỉ vào năm 1948, mà còn ở bảy cuộc bầu cử tại Ý sau đó.

Suốt thời Chiến tranh lạnh, sự can dự của Mỹ vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài chủ yếu có động cơ từ nỗi lo sợ cộng sản, theo lời Thomas Carothers, chuyên gia về chính sách đối ngoại ở Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế.

“Mỹ không muốn thấy các chính phủ cánh tả đắc cử, nên nước này đã can thiệp tương đối thường xuyên nhằm ảnh hưởng lên các cuộc bầu cử ở những nước khác” - Carothers nói với The Los Angeles Times.

Chính sách này, như một quán tính, tiếp tục ngay cả ở thời hậu Liên Xô. Năm 1990 trong cuộc bầu cử ở Nicaragua, Cục Tình báo liên bang Mỹ (CIA) đã tiết lộ các thông tin gây tổn hại uy tín của Đảng Sandinista Mác-xít cho báo chí Đức, theo lời Levin.

Phe đối lập sử dụng các thông tin này chống lại ứng viên của Sandinista, Daniel Orteta. Ông này sau đó đã thất cử dưới tay Violeta Chamorro.

Ở Tiệp Khắc cùng năm đó, Mỹ cung cấp tiền bạc để huấn luyện và vận động cho đảng của Vaclav Havel và chi nhánh Slovakia của đảng này khi Tiệp Khắc chuẩn bị cho cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của thời kỳ quá độ hậu Liên Xô.

“Tư duy lúc đó là chúng ta cần phải chắc chắn chủ nghĩa cộng sản đã thật sự chấm dứt” - Levin nói.

Nhưng ngay cả sau đó, Mỹ vẫn tiếp tục tác động lên các cuộc bầu cử theo ý thích của họ, một siêu cường. Ở Haiti sau khi nhà độc tài và đồng minh của Mỹ, Jean-Claude “Baby Doc” Duvalier, bị lật đổ vào năm 1986, CIA đã tổ chức một chiến dịch tìm kiếm và hỗ trợ cho một số ứng viên có thể thách thức Bertrande Aristide, một linh mục Công giáo La Mã và người thúc đẩy thần học tự do.

Báo The New York Times những năm 1990 viết rằng CIA trả lương cho những thành viên trong chính quyền quân sự Haiti sau này sẽ khiến Aristide mất chức, dù ông đã thắng lớn trong cuộc bầu cử dân chủ trước đối thủ Marc Bazin, một cựu quan chức Ngân hàng Thế giới (WB) và cựu bộ trưởng tài chính được Mỹ ủng hộ.

Ở Trung Đông, Mỹ đã nhắm tới việc ủng hộ các ứng viên có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel - Palestine theo hướng có lợi cho Israel.

Năm 1996, trong nỗ lực hoàn tất di sản của thủ tướng Israel bị ám sát Yitzhak Rabin và các thỏa thuận hòa bình mà Mỹ làm trung gian, ông Clinton đã công khai ủng hộ ứng viên Shimon Peres, tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở khu nghỉ dưỡng Ai Cập Sharm el Sheik nhằm tăng sự ủng hộ từ cử tri cho ông Peres cũng như mời ông tới thăm Nhà Trắng trước cuộc bầu cử.

“Chúng tôi tin rằng nếu (ứng viên của Đảng Likud Benjamin) Netanyahu đắc cử, tiến trình hòa bình sẽ chấm dứt” - Aaron David Miller, nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ thời bấy giờ, nói.

Năm 1999, trong một nỗ lực tinh vi hơn để can thiệp vào bầu cử, các chiến lược gia hàng đầu của ông Clinton, bao gồm James Carville, đã được cử sang làm tư vấn cho ứng viên của Đảng Lao động Israel Ehud Barak trong cuộc tranh cử với Netanyahu.

Ở Nam Tư, Mỹ và NATO từ lâu đã tìm cách chia tách và cô lập Serbia và nhà lãnh đạo Nam Tư Slobodan Milosevic thông qua hàng loạt lệnh cấm vận kinh tế và hành động quân sự.

Năm 2000, Mỹ chi hàng triệu đôla viện trợ cho các đảng chính trị, chi phí vận động tranh cử và tuyên truyền qua truyền thông chống Milosevic.

Tất cả những yếu tố này đã đóng vai trò quyết định trong việc Nam Tư bầu ứng viên đối lập Vojislav Kostunica làm tổng thống, theo lời Levin. “Nếu không có sự can thiệp như thế..., Milosevic nhiều khả năng sẽ thắng cử một nhiệm kỳ nữa” - ông nói.

Quan hệ Nga - Mỹ

Thật vậy, người ta sẽ không thể hiểu mối quan hệ Nga - Mỹ hiện giờ mà không nhìn lại vai trò của nước Mỹ trong các vấn đề nội bộ của quốc gia là bại tướng dưới tay họ trong Chiến tranh lạnh.

Như lời chuyên gia về Nga Stephen Cohen, giáo sư Đại học Princeton và Đại học New York, sau khi Liên Xô sụp đổ, cách tiếp cận của các cố vấn Mỹ ở nước ngoài “không gì khác hơn là một phái bộ truyền giáo - một đoàn thập tự chinh biến nước Nga hậu cộng sản thành bản sao chép của hệ thống dân chủ và tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ”.

Ngay sau khi Tổng thống Bill Clinton bước vào Nhà Trắng năm 1993, các chuyên gia của ông đã trao đổi về việc “công thức hóa chính sách bảo hộ của Mỹ”, bao gồm sự ủng hộ không lay chuyển cho tổng thống Nga lúc bấy giờ Boris Yeltsin.

“Các tay truyền giáo và rao giảng đức tin chính trị, thường được gọi với tên “cố vấn”, được rải khắp nước Nga vào giữa những năm 1990” - Cohen viết. Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn an ninh quốc gia, thậm chí gọi Nga là “con đường thực tế nhất truyền bá các giá trị phương Tây”.

Kết quả của sự can thiệp không lấy gì làm tốt đẹp cho người dân. Từ năm 1990 - 1994, tuổi thọ trung bình của nam giới và nữ giới ở Nga giảm từ 64 và 74 xuống còn 58 và 71. Tỉ lệ tử vong tăng mạnh “là không thể hiểu nổi vào thời bình ở một nước công nghiệp hóa”.

Trong khi đó là thời kỳ sản sinh ra những tỉ phú giàu xổi, nghèo đói và thất nghiệp tăng mạnh, giá cả hàng hóa thiết yếu ở ngoài tầm với người dân, các cộng đồng bị hủy hoại ghê gớm, và phúc lợi xã hội tan biến.

Trong sự kinh hoàng của phương Tây, uy tín của Yeltsin bị giảm thảm hại tới mức khả năng một ứng viên cộng sản thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1996 là hiện hữu.

Để “cứu” Yeltsin, Clinton đã chuẩn thuận một khoản vay 10,2 tỉ USD thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gắn với các điều kiện về tư nhân hóa, tự do hóa thương mại, và các động thái khác biến Nga thành một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hoàn toàn.

Yeltsin đã sử dụng khoản vay đó để củng cố sự ủng hộ của ông trong cử tri, nói với các cử tri rằng chỉ ông mới có được tinh thần và sự tín nhiệm của một nhà cải cách để vay khoản tiền như thế.

Yeltsin đã sử dụng một phần khoản tiền đó, cộng thêm sự hỗ trợ từ các tỉ phú mới nổi, vào các phúc lợi xã hội trước bầu cử, bao gồm trả lương và lương hưu mà nhà nước còn nợ.

Như nhà báo Leonid Bershidsky đã bình luận, đó là một thời kỳ mà “những sự kiện với động cơ từ nước ngoài đã làm xói mòn nền dân chủ còn mong manh và dẫn tới thời kỳ độc đoán sau này”.

Yeltsin thậm chí còn dựa vào các chuyên gia chiến lược chính trị Mỹ, bao gồm một cựu trợ lý của Clinton, người có liên hệ trực tiếp với Nhà Trắng.

Rốt cuộc Yeltsin đã thắng cử, và trang bìa báo Time là dòng tít: “Những tay Yankee cứu tinh: Câu chuyện bí mật về việc các cố vấn Mỹ đã giúp Yeltsin đắc cử”.

Không rõ ràng như thế, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng Mỹ có vai trò trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Nga gần đây.

Hầu như sau mỗi cuộc bầu cử mà ông Putin chiến thắng, đều nổ ra biểu tình và các phương tiện truyền thông phương Tây đồng loạt lên tiếng chỉ trích và nghi ngờ kết quả bỏ phiếu.

Những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ là rất đáng ngại, nhưng sẽ khó có công lý và chính nghĩa trên chính trường thế giới nếu tình trạng tiêu chuẩn kép vẫn cứ duy trì như hiện nay. ■

Không chỉ can thiệp “hòa bình”

Không chỉ dừng lại ở những can thiệp “hòa bình”, Mỹ sẵn sàng viện tới đảo chính quân sự để lật đổ những chính quyền họ không thích. Năm 1953, CIA đã tổ chức kế hoạch lật đổ tổng thống Iran được dân bầu Mohammad Mosaddeqh.

“Cuộc đảo chính được tiến hành theo chỉ thị từ CIA, một phần trong chính sách đối ngoại của Mỹ, được chuẩn thuận ở cấp cao nhất” - tài liệu giải mật của CIA sau này nói. Một lần nữa, đó chính là bối cảnh cho cuộc cách mạng Iran 1979.

Còn cả những ví dụ gần đây hơn, như cuộc đảo chính quân sự với tổng thống Honduras Manuel Zelaya vào năm 2009. Bộ trưởng ngoại giao Mỹ khi đó, Hillary Clinton, không chịu gọi vụ lật đổ bằng vũ lực đó là “đảo chính quân sự” và thay vì kêu gọi phục hồi lãnh đạo dân cử, bà Clinton nói Honduras nên tổ chức bầu cử mới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận