Khi hòa bình không còn là nghiễm nhiên

JULIAN HUESMANN (ĐỨC) 14/03/2022 01:00 GMT+7

TTCT - Tin tức Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tấn công Ukraine sáng 24-2 gây chấn động khắp thế giới. Người châu Âu bị sốc trước sự thật là chiến tranh đã quay trở lại châu lục này. Ở Đức, thế hệ trẻ lớn lên trên một châu lục đã có trật tự hòa bình tương đối kiên cố, nay họ phản ứng thế nào trước thực tế mới này?

Sáng 24-2, tôi thức giấc, đang ăn sáng và nhâm nhi cà phê, lướt điện thoại thì thực tế đó ập tới. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Bearbock đang phát biểu về tình hình Ukraine. 

 
 Ảnh: Wallpaper Flare

Bà nói: “Hôm nay chúng ta đều tỉnh dậy trong một thế giới mới”. Đúng, tôi đã tỉnh dậy trong một thế giới mới, nhưng sự run rẩy nhận ra rằng thế giới đã thay đổi hoàn toàn chỉ chấn động trong tai sau khi nghe một người khác nói ra điều đó.

Ai theo dõi bão chí, tin tức và hàng chục kênh mạng xã hội khác nhau hẳn đều thấy hàng trăm ngàn người khắp thế giới, bao gồm cả ở Nga, xuống đường để phản đối chiến tranh. 

Trong vòng một vài giờ ngày thứ nhất của cuộc chiến, vài nghìn người đã tụ tập biểu tình ở Cổng Brandenburg và Phủ Thủ tướng Đức tại thủ đô Berlin. 

Cổng Brandenburg - biểu tượng của thành phố Berlin và cả nước Đức - được thắp sáng màu cờ Ukraine. 

Từ chiều tối hôm đó đến giờ, vô số thành phố Đức treo cờ Ukraine, thắp sáng tòa thị chính và các thắng cảnh quan trọng bằng hai màu đỏ - xanh. Trên cả nước, hàng trăm nghìn người kéo đến các quảng trường trung tâm để phản đối chiến tranh.

Thành phố Köln vốn có truyền thống lễ hội cải trang Karneval lâu đời, năm nay lễ hội này cũng biến thành một cuộc tuần hành phản đối chiến tranh. 

Ngày 27-2, biểu tình vì hòa bình lên đến đỉnh điểm với nửa triệu người tham gia. Đây là cuộc biểu tình phản chiến lớn nhất sau cuộc xuống đường phản đối chiến tranh ở Iraq do Mỹ phát động vào năm 2003 - cũng thu hút nửa triệu người ở Berlin.

Đối với nhiều người trẻ, trong đó có tôi, chúng tôi sinh ra thì Liên Xô không còn, bức tường Berlin đã sụp đổ và nước Đức đã thống nhất. 

Lớn lên trong hoàn cảnh đó, “xung đột Đông - Tây” không có ý nghĩa sâu đậm với tôi như với ba tôi - ông thỉnh thoảng vẫn kể chuyện nghe tiếng động cơ máy bay tiêm kích hai bên phóng xuyên bầu trời dọa nhau khi ông còn trẻ. 

Trong thế giới quan của người trẻ ở châu Âu ngày nay có một liên minh các nước mà trên hết đã thỏa thuận với nhau bảo đảm một nền hòa bình thực sự và (tưởng như) kiên cố sau các đại khủng hoảng thế kỷ XX.

Trong khi phong trào Fridays for Future về biến đổi khí hậu chủ yếu thu hút người Đức trẻ từ tầng lớp trung lưu thành thị, các cuộc biểu tình phản chiến lần này thu hút cả người già lẫn trẻ từ các tầng lớp xã hội khác nhau. 

Người già thì còn nhớ rõ thời kỳ Thế chiến II và Chiến tranh lạnh đáng sợ ra sao. Người trẻ lớn lên trong một châu Âu và thế giới khác bây giờ nhận ra giá trị và ý nghĩa của hòa bình.

Tại cuộc biểu tình phản chiến lớn ở Berlin, nhà hoạt động Luisa Neubauer - người đại diện quan trọng của phong trào Fridays for Future - nói trước hàng ngàn người: “Ta có thể nói gì? Ta có thể nói gì khi nhìn thấy điều không thể tưởng tượng được phát trực tiếp trên tivi… Ta có thể nói gì?”.

Một người Đức trẻ giải thích quan điểm của mình với Deutsche Welle: “Tôi sợ sự leo thang của xung đột này và việc chiến tranh lan ra. Đây không là lý do duy nhất tôi đến đây hôm nay, tôi cũng đứng lên ủng hộ quốc gia Ukraine, nhưng tôi còn lo sợ đây chỉ là phần đầu của một điều gì đó lớn hơn, đáng sợ hơn với châu Âu và cả thế giới”. 

Một người Đức trẻ khác nói với kênh rbb24: “Người Ukraine đang đau khổ nhất trong tình trạng này. Nhưng thực ra tôi phải nói trước khi chiến tranh nổ ra, tôi thấy khá thờ ơ. Những gì xảy ra đã làm thay đổi thế giới quan của tôi, vì tôi vốn lớn lên với niềm tin rằng châu Âu sẽ luôn có hòa bình”.

Thế kỷ XXI có lẽ sẽ chứng kiến những chuyển động địa chính trị chưa từng thấy. Trước mắt chúng ta, một thế giới mới đang mở ra với đầy bất an và khó đoán, nhất là khi đang ngày càng có nhiều cường quốc hoài niệm về những quá khứ thống trị xa xưa. 

Phải chăng xung đột Nga - Ukraine chỉ là hồi mở màn cho những thay đổi đó? Một chỉ dấu về những bất trắc sắp tới: Cuộc chiến thậm chí đã khiến ba nước có truyền thống trung lập và phi bạo lực lâu dài là Đức, Thụy Điển và Thụy Sĩ thay đổi chính sách “dĩ hòa vi quý” trong quan hệ ngoại giao. 

Còn với những người trẻ, họ phải nhận ra một thực tế nghiệt ngã rằng hòa bình không phải là tất yếu - nó là một thứ quý giá đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ nhưng thiết yếu và là nền tảng của một thế giới thực sự văn minh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận