Khi không xài tiền mặt: Ai sẽ bị bỏ lại?

TRƯỜNG SƠN 23/05/2019 21:05 GMT+7

Những được và mất của một xã hội không tiền mặt đã được tranh luận rất nhiều, nhưng có một khía cạnh mới được nhắc đến gần đây - ai sẽ bị bỏ lại phía sau khi tiền mặt bị tước mất ngôi vua trong thanh toán?

Ảnh: LoyLap
Ảnh: LoyLap

Nếu trước đây không tiền mặt đồng nghĩa với việc bỏ tiền giấy và thay bằng thẻ nhựa (tín dụng, ghi nợ) thì những năm gần đây còn có thêm sự tham gia của ví di động, ứng dụng liên kết với tài khoản ngân hàng và cho phép người dùng sử dụng điện thoại thông minh làm phương tiện thanh toán.

Nhanh chóng, tiện lợi, bảo mật, hiện đại, phù hợp xu thế - những lợi ích mà thanh toán phi tiền mặt mang lại, song không phải ai cũng có điều kiện thụ hưởng những tiện ích đó.

Ai dễ tổn thương?

Tại Việt Nam, những người trẻ sành điệu hiện có thể dễ dàng sống cả ngày không cần tiền mặt vì mọi thứ có thể mua, thanh toán qua điện thoại thông minh, trong khi người bán hàng rong, nghệ sĩ đường phố hay... hành khất ở Trung Quốc cũng đã nhận tiền qua ví điện tử. Tại một số quốc gia, người già lãnh lương hưu qua thẻ và chuyển khoản luôn cho nhà thờ, thay vì bỏ tiền vào thùng lạc quyên.

Nhưng như thế đã đủ mọi thành phần của xã hội hay chưa? Báo cáo Access to Cash Review do một nhóm nghiên cứu độc lập ở Anh công bố hồi tháng 3 cho thấy vẫn còn có các đối tượng dễ bị tổn thương sẽ bị cho đứng ngoài nền kinh tế không tiền mặt.

Cụ thể, báo cáo cho rằng những cuộc đua hướng đến tương lai không còn tiền mặt của các quốc gia có thể sẽ bỏ lại phía sau “những người không có thẻ tín dụng hay tài khoản ngân hàng, không quen dùng điện thoại thông minh hay máy tính để giao dịch thanh toán, hoặc không có kết nối Internet băng thông rộng hay mạng di động”.

Báo cáo nhấn mạnh rằng kinh nghiệm quan sát được từ Thụy Điển cho thấy rủi ro tiềm tàng của việc lao vào xây dựng xã hội không tiền mặt mà không tính toán thấu đáo: “Hàng triệu người có thể bị loại khỏi nền kinh tế, đối mặt với nguy cơ cao hơn trong việc bị cô lập, bóc lột, nợ nần và chịu các chi phí cao hơn”.

Để không ai bị bỏ lại

Chính vì nhận thấy chính sách phi tiền mặt toàn bộ xã hội sẽ loại bỏ một số thành phần, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã yêu cầu tất cả các ngân hàng nước này vẫn giữ dịch vụ tiền mặt.

Các quan chức ngân hàng trung ương ở Thụy Điển cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoạch định chính sách giảm tiền mặt, tăng thanh toán điện tử và di động sao cho tất cả mọi người, mọi thành phần đều có thể tham gia nền kinh tế số, theo báo cáo Access to Cash.

Một động thái tương tự quan sát được từ Mỹ cho thấy khi sự hào hứng về một xã hội vắng bóng hoàn toàn tiền mặt đã qua, các chính phủ, ngân hàng trung ương, nhà hoạch định chính sách và cả những người cổ vũ cho xã hội không tiền mặt đã bình tĩnh trở lại để nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.

Hãng tin AP giữa tháng 4 có bài phóng sự xoay quanh sự phát triển - và kèm theo nó là những luồng ý kiến phản bác - của mô hình xã hội không tiền mặt. AP kể chuyện Hembert Figueroa, thợ hàn không có tài khoản ngân hàng, không thể ăn tối tại nhà hàng Mexico Dos Toros, vốn chỉ nhận trả qua thẻ hoặc điện thoại thông minh, ở khu Manhattan, thành phố New York, Mỹ.

Số lượng các cơ sở từ chối tiền mặt như Dos Toros ở Mỹ đang tăng, song đang bị nhiều nhà hoạt động phản đối vì các cửa hàng như vậy luôn “đóng cửa” với nhóm khách hàng chỉ có tiền mặt như Figueroa. Trong câu chuyện của AP, thu ngân của cửa tiệm đã thông cảm và thuyết phục một khách hàng khác trả tiền giúp qua điện thoại thông minh và nhận lại tiền mặt từ người thợ hàn này.

Không được như Thụy Điển, rất nhiều người Mỹ không có tài khoản ngân hàng. Theo số liệu năm 2017 của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang, khoảng 8,4 triệu hộ gia đình Mỹ không có tài khoản ngân hàng. Các nghiên cứu dự đoán thanh toán tiền mặt vẫn sẽ chiếm 11,2% GDP Mỹ vào năm 2021.

Chỉ với một cửa hàng truyền thống nhưng không chấp nhận tiền mặt, một người lao động đã không thể bước vào, huống gì mô hình cửa hiệu không thu ngân của tương lai như Amazon Go của gã khổng lồ bán lẻ Amazon.

Ngay cả khi đã áp dụng thanh toán tự động và không tiền mặt, Amazon Go cũng vẫn phải chấp nhận cho dùng tiền mặt.

Cửa hàng Amazon Go cho phép người mua sắm thoải mái chọn hàng rồi ra về, mọi khâu như lập đơn hàng, thanh toán đều được thực hiện ngầm nhờ hệ thống camera, cảm biến và công nghệ xử lý siêu phức tạp. Chỉ những ai có điện thoại thông minh cài app Amazon Go mới vào mua sắm tại đây.

Thế nhưng khi khai trương cửa hàng Amazon Go mới nhất tại thành phố New York hôm 6-5, Amazon tuyên bố cơ sở này sẽ chấp nhận thanh toán tiền mặt vì không muốn tự giới hạn đối tượng khách hàng.

“Thêm hình thức thanh toán giúp có thêm khách hàng mua sắm, điều đó tuyệt cho cả quý khách hàng lẫn chúng tôi” - Cameron Janes, phó chủ tịch phụ trách các cửa hàng hữu hình của Amazon, nói với Business Insider.

Một phát biểu rất “ngoại giao” vì rõ ràng một cửa hàng không cần nhân viên, không có cảnh đứng chờ tính tiền, giờ lại có một góc để nhận tiền mặt không phải là những gì Amazon hình dung khi phát triển Amazon Go.

Song dù muốn dù không, Amazon buộc phải thay đổi, do lẽ hiện nhiều chính quyền địa phương ở Mỹ có luật cấm cửa hình thức cửa hàng không tiền mặt vì phân biệt đối xử với khách hàng không có khả năng thanh toán di động. Hội đồng thành phố New York cũng đang cân nhắc biện pháp tương tự, và có vẻ Amazon đã chấp nhận “tuân thủ” quy định trước khi nó ra đời.

Những người không có điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng có thể chẳng bao giờ là khách hàng của Amazon, nhưng các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng việc họ bị cho đứng ngoài, dù chỉ là vô tình, xã hội không tiền mặt có thể gây ra các hệ quả không mong muốn.

Các chính quyền vì thế buộc phải hành động thông qua can thiệp bằng chính sách, và câu chuyện của Amazon là một trường hợp cụ thể đáng tham khảo khi xét tới tính bao trùm của xã hội không tiền mặt.■

“Less cash”, chứ không “cashless”

Thanh toán di động là hình thức hiện đại, công nghệ cao, nhưng chính vì “công nghệ thấp” mà tiền mặt lại có lợi thế khá lớn: ai cũng xài được và hoàn toàn miễn phí.

“Tiền mặt không cần ta phải sắm điện thoại thông minh, không cần có tài khoản ngân hàng, không phụ thuộc vào nhà băng hay ứng dụng nào” - Công ty giải pháp bảo mật G4S (Anh) nhận xét trong Báo cáo tiền mặt thế giới (World Cash Report) năm 2018.

Jesus Rosano, giám đốc phụ trách các giải pháp tiền mặt thuộc G4S, cho biết tiền mặt vẫn mang lại sự tin tưởng nhiều hơn. “Tiền mặt không thể bị tin tặc đánh cắp, không sợ hết pin - Rosano nói - Những đặc tính này sẽ giúp tiền mặt vẫn còn giá trị lớn trên khắp toàn cầu”.

Thành bại của nỗ lực xây dựng xã hội không tiền mặt phụ thuộc vào việc ưu điểm của các hình thức thanh toán điện tử có đánh bại được lợi thế nói trên của tiền mặt hay không. Theo tạp chí Global Finance ngày 7-5, xét tình hình hiện tại và trong những năm tới, có lẽ chúng ta chỉ có thể tiến tới xã hội ít tiền mặt hơn - “less cash”, thay vì không tiền mặt (“cashless”).

Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt, thúc đẩy việc giảm nhanh hơn nữa tỉ trọng tiền mặt trên tổng các phương tiện thanh toán, với chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam, cùng sự đồng hành của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thương mại, các nhà bán lẻ… thực hiện chương trình Ngày không tiền mặt 16-6.

Đây sẽ là một chuỗi các hoạt động để cộng đồng thấy rõ hơn những lợi ích thanh toán không tiền mặt. Hàng loạt hoạt động ưu đãi lớn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng dành cho các doanh nghiệp đồng hành mang đến cho người tiêu dùng những cơ hội mua sắm hấp dẫn khi thanh toán không tiền mặt tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị, đến các sàn thương mại điện tử… Bên cạnh đó, Diễn đàn không dùng tiền mặt tổ chức tại TP.HCM vào ngày 6-6 sẽ điểm lại những kết quả đạt được qua các giai đoạn thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, là nơi các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, dự báo về các xu hướng công nghệ thanh toán trên thế giới và hiến kế cho việc xây dựng xã hội không tiền mặt.

Để hưởng ứng chương trình, bạn đọc có thể tham gia các hoạt động như “Cùng Tuổi Trẻ sáng tác slogan cho Ngày không tiền mặt” bằng việc sáng tạo nên các câu khẩu hiệu ngắn, ấn tượng, thể hiện đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc không sử dụng tiền mặt. Cơ hội nhận giải thưởng của cuộc thi này lên đến 50 triệu đồng. Các doanh nghiệp cũng có thể đồng hành với chương trình bằng cách đăng ký tham gia các hoạt động ưu đãi cho người tiêu dùng khi thanh toán bằng các hình thức không sử dụng tiền mặt. Chính thức tham gia chương trình, doanh nghiệp sẽ được các ưu đãi về phí thanh toán từ các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và ngân hàng đồng hành chương trình.

Sáng 20-5, Ngân hàng Nhà nước cùng báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức họp báo chính thức công bố Ngày không tiền mặt tại khách sạn Vinpearl Luxury, The Landmark 81 (TP.HCM). Đến thời điểm này, có những đơn vị đồng hành cùng chương trình như Tập đoàn Vingroup, Grabpay by Moca, Huawei Việt Nam, Ngân hàng SHB, Shopee, Lazada… Bạn đọc có thể tìm hiểu, hưởng ứng và tham gia chương trình, đăng ký tại: https//ngaykhongtienmat.tuoitre.vn hoặc email: ngaykhongtienmat@tuoitre.com.vn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận