Khi nỗi sợ hãi vẫn thắng thế

TTCT- Những ngày qua, người Ý rúng động trước ba cái chết: cậu bé Aylan Kurdi (3 tuổi, người Syria) trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, một người nhập cư gốc Ukraine khi ngăn chặn một vụ cướp ở ngoại ô Napoli, đôi vợ chồng già ở ngoại ô Catania (đảo Sicilia) - nạn nhân vụ giết người cướp của dã man do một người xin tị nạn 18 tuổi gốc Bờ Biển Ngà gây ra.

Làn song người tị nạn đang làm châu Âu rung chuyển (www.eu2014.at)

Những cái chết ấy tạo ra một làn sóng tình cảm nhiều chiều xô đẩy các dòng dư luận trước vấn đề nghiêm trọng về nhân đạo gây chia rẽ nước Ý, tạo ra chiến tuyến giữa những người cánh tả muốn dang tay cứu giúp người tị nạn và những ai theo cánh hữu vốn luôn nhìn thấy trong những dòng người ồ ạt vượt biển từ Libya sang Ý những nguy cơ khủng bố, bất ổn xã hội và đe dọa an ninh.

Trong khi nước Đức đã mở cửa cho người xin tị nạn, nhiều nước châu Âu khác đang thay đổi quan điểm sau cái chết của bé Aylan Kurdi và trở nên mềm mỏng hơn trong vấn đề này thì nước Ý vẫn thế, sợ hãi và lo ngại khi vụ giết người ở Catania đã che khuất hình ảnh cái chết thương tâm của Aylan và hành động anh hùng của người đàn ông nhập cư tại Napoli. Nỗi lo sợ đang thắng thế.

Những thăm dò dư luận gần đây cho thấy nỗi lo về an ninh do dòng người di cư vượt biển đang lấn át một nỗi lo khác mang tính thường trực: cuộc sống và việc làm. Người Ý cũng sợ số người tị nạn và xin nhập cư gia tăng sẽ ảnh hưởng đến văn hóa và tôn giáo của họ.

Điều này khiến Ilvo Diamanti, nhà bình luận thời sự và chính trị hàng đầu của nước này, cho rằng Ý - đất nước của rất nhiều triệu người di cư sang châu Mỹ vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 - hóa ra vẫn là một quốc gia của những kẻ hẹp hòi và ích kỷ, không sẵn sàng mở cửa và tiếp nhận những sắc tộc và tôn giáo trong một thế giới đang biến động.

Hàng loạt cuộc bạo động chống lại các trung tâm tiếp nhận người di cư nổ ra ở Rome. Một số lớp học ở đảo Sardinia và Bologna là nơi các phụ huynh phản đối dữ dội nhà trường chỉ vì họ thuê lao công gốc Digan. Một số địa phương ở miền bắc biến những cuộc tuần tra của tổ dân phố tự quản thành những cuộc biểu dương lực lượng chống người nhập cư.

Tình trạng tội phạm gia tăng ở các thành phố lớn được đổ cho người nhập cư và tị nạn, chứ không phải là sự bất lực của nhà cầm quyền. Những hành động mang tính nhân đạo của cộng đồng trở nên quá ít ỏi.

Và người ta chưa thể xua đuổi được nỗi lo về an ninh để nhận ra một vấn đề nghiêm trọng không kém: trong vòng 20 năm nữa với dân số tiếp tục già đi nhanh chóng, Ý sẽ thiếu 2-4 triệu lao động. Những dòng lao động ấy có thể tìm thấy ở đâu nếu không phải từ những người nhập cư, hiện đã chiếm 8% dân số nước này và làm ra gần 10% GDP của Ý?

Anatolyi Korol, người nhập cư gốc Ukraine thiệt mạng trong khi ngăn cản vụ cướp ở Napoli, là một ngoại lệ - một người hùng đặc biệt. Mamodou Kamara, kẻ bị tình nghi giết hai cụ già ở Catania, thì không bao giờ được coi là ngoại lệ, bởi không ít người Ý nhìn những người da màu như một mối đe dọa.

Nhưng đa số người di cư không phải là người hùng, cũng không phải kẻ giết người. Họ chỉ là những người bình thường chạy trốn chiến tranh và nghèo đói. Họ di chuyển thành những làn sóng người vượt biển và đất liền sang châu Âu. Ý, điểm tiếp nhận đầu tiên trong hành trình ấy, vẫn tiếp tục chìm trong những tranh cãi bất tận liên quan không chỉ đến những người khốn khổ ấy, mà còn cả cuộc sống, văn hóa và tương lai của chính đất nước này.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận