​Khi tin tức là thứ yếu

ĐỨC HOÀNG 22/06/2015 17:06 GMT+7

Tin tức không còn là độc quyền của báo chí. Nhưng lĩnh vực này đã sống bằng đưa tin suốt nhiều thế kỷ. Nếu không còn lợi thế về tin thì nó biết sống bằng gì?

 

Trong một buổi giao lưu với sinh viên ngành truyền thông, sau phần giới thiệu về rap news, tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus Lê Quốc Minh nhận được một câu hỏi. “Những chủ đề thời sự nghiêm túc, như chủ quyền biển đảo, diễn đạt bằng rap như thế này liệu có còn giữ được tính chất khách quan không?” - một sinh viên giơ tay.

Rap news là một sản phẩm đặc biệt của báo VietnamPlus, đã nhận giải thưởng sáng tạo của Hiệp hội Báo chí và nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) năm 2014. Trong các bản tin rap news, các vấn đề thời sự nóng sẽ được mô tả lại bằng nhạc rap bởi hai ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng nhạc rap là một dòng nhạc dành cho giới trẻ với nhịp điệu nhanh và dồn dập, và có lẽ không chỉ có một người cùng thắc mắc như bạn sinh viên trên: làm sao giữ được “tính khách quan” khi đọc rap về những chủ đề thời sự đầy nghiêm túc?

Ông Minh suy nghĩ một lúc rồi trả lời rằng trong quan điểm của ông, rap news chỉ mang tính gợi mở đề tài chứ mục đích của nó không phải là phản ánh toàn bộ bức tranh thời sự đang diễn ra. Trong thời đại ngày nay, với rất nhiều nguồn thông tin, độc giả sẽ luôn có khả năng đào sâu, tìm kiếm thêm, đối chứng và tiếp nhận thông điệp theo cách họ muốn. Một bản tin không thể bóp méo được thực tế đang diễn ra, chỉ có thể làm nhiều người biết đến một vấn đề hơn, quan tâm đến chúng và tự xây dựng thực tế của riêng mình.

Cách nghĩ này không có gì mới, bởi đó cũng là quan điểm của rất nhiều người làm báo trên thế giới hiện nay. Nó được tác giả Mitchell Stephens gọi là “chủ nghĩa ấn tượng” trong báo chí. Trong cuốn sách Hơn cả tin tức - tương lai của nghề báo (Beyond the news - The future of journalism, Columbia Journalism Review Books), giáo sư Stephens đã chỉ ra rất nhiều dẫn chứng cho thấy nhiệm vụ của báo chí ngày nay không còn là đưa tin tức thuần túy. Thời đại ngày nay là của những tờ báo biết cung cấp “ấn tượng về tin tức”.

CUỘC CẠNH TRANH KHÔNG CÂN SỨC

Tại sao tiêu đề cuốn sách lại là Hơn cả tin tức - tương lai của nghề báo? Bởi một lý do rất dễ nhận thấy: ngày nay, việc đưa “tin nóng” (breaking news) đã không còn là lợi thế của báo chí. Trong sách, giáo sư Stephens đã phân tích một vụ điển hình, khi mà những người dùng Internet đánh bại các hãng tin lớn nhất thế giới một cách ngoạn mục.

Vào ngày 29-6-2012, Tòa tối cao Mỹ tuyên bố quyết định của mình về việc luật chăm sóc sức khỏe của chính quyền Obama (thường được gọi là Obama-care) có hợp hiến hay không.

Tom Goldstein và Amy Howe là một cặp vợ chồng luật sư, từng tham gia nhiều phiên tòa tại Tòa tối cao. Năm 2002, họ lập ra SCOTUblog (viết tắt của blog Tòa tối cao Hoa Kỳ). Để vận hành, họ thuê một phóng viên tên Lyle Denniston. Năm đó, ông này đã 81 tuổi.

Hãng CNN là kênh đầu tiên đưa tin về quyết định đó lúc 10 giờ 7 phút sáng. Fox News đưa tin tám giây sau đó. Tuy nhiên, cả hai hãng này đều đưa tin sai. Trên CNN, phát thanh viên Kate Bolduan rất tự tin tuyên bố: “Các thẩm phán đã quyết định bác bỏ hình thức bảo hiểm bắt buộc - phần chính yếu của dự luật chăm sóc sức khỏe”. Ba phút sau đó, trên website của kênh CNN, hãng này giật tít lớn: “Bảo hiểm bắt buộc đã bị bác”.

Cùng lúc đó trên kênh Fox, người dẫn Bill Hemmer nói trực tiếp và rõ ràng: “Chúng tôi có tin nóng trên kênh Fox News: hình thức bảo hiểm bắt buộc đã bị phán quyết là vi hiến”.

 Báo chí giờ chỉ còn cần cung cấp cho độc giả một “frame”, một ấn tượng về tin tức, và họ sẽ tự lắp những thông tin của mình từ nhiều nguồn khác vào.
 

Thật ra, thẩm phán tối cao John Roberts đã tìm được một cách khác để thông qua bảo hiểm bắt buộc. Vào lúc 10 giờ 8 phút sáng, SCOTUblog, “hãng tin” nhỏ bé được một biên tập viên tuổi gần đất xa trời vận hành, khẳng định điều ngược lại với Fox và CNN. Khi quyết định được đưa ra, Lyle Denniston cầm bản photo quyết định của tòa chạy tới gặp luật sư Tom Goldstein (trong cùng tòa nhà). Họ cùng xem xét phán quyết, mất đúng một phút, và sau đó cho nước Mỹ biết điều đúng đắn: “Bảo hiểm bắt buộc đã tồn tại như một loại thuế”. Hai phút sau đó, Goldstein viết: “Như vậy, hình thức bảo hiểm bắt buộc là hợp hiến. Thẩm phán tối cao Roberts đã nghiêng về phía cánh tả trong tòa”.

Không chỉ hai kênh tin tức lớn nhất, ngay cả tờ báo in uy tín nhất nước Mỹ cũng bị ba kẻ ngoại đạo kia đánh knock-out. Bài đầu tiên trên tờ New York Times về quyết định này được đăng vào lúc 10 giờ 26 phút. Bài bắt đầu bằng câu: “Tòa tối cao vào ngày thứ năm đã ra phán quyết về cải cách y tế của Tổng thống Obama, trong một kết luận phức tạp mà các quan sát viên của tòa đang gấp rút phân tích”. Gấp rút phân tích? Trong khi SCOTUblog đã phân tích xong quyết định từ lâu.

Câu chuyện mà Mitchell Stephens kể lại này chỉ là một bằng chứng tiêu biểu cho cách mà Internet “phũ” với báo chí truyền thống. Không chỉ nhanh hơn mà còn chính xác hơn, bởi bất kỳ ai trên hành tinh giờ cũng có thể trở thành một “nhà xuất bản” chỉ với một chiếc máy tính, thậm chí là một chiếc điện thoại cầm tay.

Đó cũng là lý do mà từ cách đây vài năm, hãng tin khổng lồ CNN đã phải bỏ câu slogan trứ danh của mình. Từng có thời họ tuyên bố hào sảng: “Be the first to know” - “Người đầu tiên biết chuyện”. Giờ không ai dám nhận thế nữa: hãy xem bản tin của CNN về vụ rơi máy bay MH17. Hình ảnh về máy bay rơi được CNN chiếu đi chiếu lại là một đoạn video tự quay của người dân có mặt tại hiện trường. Đoạn video đó tất nhiên đã lan truyền khắp thế giới từ trước đó thông qua YouTube. Rất nhiều người đã được tiếp cận nó trước CNN.

Cuộc cạnh tranh không hề cân sức. Nếu ai đã xem Kỵ sĩ bóng đêm hẳn sẽ nhớ cách mà Batman tìm ra kẻ thù Joker ở cuối phim: anh ta hack và biến tất cả điện thoại trong thành phố Gotham thành một máy thu sóng. Mô hình ấy tồn tại ngoài đời thực: ngày nay, cùng với Facebook, Twitter, YouTube, mỗi chiếc điện thoại cá nhân đều là một máy thu/phát tin tức. Ai cũng có thể đưa điện thoại lên ngang mặt và tin tức được tạo ra. Miễn phí. Chảo vệ tinh của CNN hay những phóng viên lỗi lạc của The New York Times không có cơ hội cạnh tranh với hệ thống này.

Một phóng viên tác nghiệp tại hiện trường vụ rơi trực thăng Mi171 tại Hòa Lạc năm ngoái kể lại việc đầu tiên anh làm khi đến hiện trường không phải là cố tiếp cận nơi máy bay rơi mà là tìm người dân xung quanh: rất nhanh chóng, những người dân “bắn bluetooth” cho phóng viên những tấm ảnh đầu tiên chụp tại hiện trường.

TƯƠNG LAI NÀO CHO BÁO CHÍ?

Trong cuốn sách, giáo sư Stephens đã đưa người đọc trở lại lịch sử của báo chí để khẳng định suốt một thế kỷ, quan niệm phổ biến nhất về nhiệm vụ của báo chí là đăng tải “những thứ của hôm qua” - theo cách diễn đạt của ông. Nhưng nếu như mọi người có thể cập nhật tin tức từng phút một thông qua mạng xã hội thì nhiệm vụ của báo chí là gì?

Trong cuốn sách của mình, Mitchell Stephens đặc biệt lưu ý tới một trường hợp: tờ Independent của Anh. Được nhà báo dày dạn kinh nghiệm Simon Kelner lãnh đạo, tờ báo này cũng phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức. Kelner kể ông nhận ra sự thay đổi kể từ năm 2004, khi báo chí đang chạy theo cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tờ Independent, giống với các tờ báo lớn khác tại Anh, khi đó cũng làm theo cách truyền thống: đăng tải lại diễn tiến cuộc bầu cử từ hôm trước. “Đó là một cuộc chạy kiệt sức và tốn kém với chúng tôi” - Kelner nhớ lại. Và sau cuộc đua kiệt sức đó, doanh số của tờ báo sụt giảm. Mọi người không cần đến một tờ báo để biết diễn biến cuộc bầu cử nữa: họ có thể cập nhật từng phút một thông qua nhiều phương tiện khác.

Kelner quyết định thay đổi chiến thuật: trong một số báo, ông dành tới 21 trang chỉ để phân tích và lý giải về cuộc bầu cử. Doanh số tờ báo tăng 15% trong hôm đó.

“Ý tưởng một tờ báo sẽ trở thành địa chỉ đầu tiên mà mọi người tìm đến để biết điều gì đang diễn ra trên thế giới đã đơn giản không còn phù hợp” - Kelner tuyên bố. Và tờ báo của ông làm tất cả mọi thứ dựa trên tin tức, những thứ mà ông gọi là “các tầng lớp” (layers): phân tích, kiến giải, góc nhìn hay đôi khi chỉ là một ấn tượng thuần túy. Như tờ bìa màu đỏ nổi tiếng ngày 16-5-2006.

Ngày 16-5-2006, Kelner trao quyền biên tập tờ Independent cho danh ca nhạc rock Bono. Trang bìa của tờ báo hôm sau hoàn toàn không giống với một sản phẩm báo chí mà như một tấm apphich đêm nhạc. Nó được in toàn bộ màu đỏ cùng với dòng chữ lớn: “Không có tin gì hôm nay”. Phía dưới là một dòng chữ rất nhỏ: “Chỉ có 6.500 người châu Phi chết hôm nay vì một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị (HIV/AIDS)”.

Một bạn sinh viên báo chí nào đó tất nhiên cũng có thể hỏi Kelner như đã hỏi về rap news: tại sao lại biến tấu một tin tức nghiêm túc theo cách “nghệ sĩ” như vậy, có còn giữ được tính khách quan và chân thực không? Nhưng đó là cách mà giáo sư Stephens gọi là cung cấp cho độc giả một “khung tranh” (frame). Báo chí giờ chỉ còn cần cung cấp cho độc giả một “frame”, một ấn tượng về tin tức, và họ sẽ tự lắp những thông tin của mình từ nhiều nguồn khác vào.

CNN giờ đã đổi câu khẩu hiệu của họ thành “Go there” - tức “CNN sẽ đến đó”. Không còn là người đầu tiên biết chuyện, CNN giờ sẽ đến nơi mà sự kiện diễn ra (sau khi ai cũng biết đến nó), đào sâu thêm thông tin, đưa ra các bình luận và những góc nhìn riêng của họ. Kênh truyền hình này bây giờ nổi tiếng với các “mũ chương trình” gắn liền với tên của người dẫn. Nó mang nặng dấu ấn cá nhân, chứ không còn tôn thờ sự khách quan tuyệt đối của tin tức như thuở trước.

Tất nhiên, không phải ai cũng tán đồng quan điểm mới mẻ này. Sau nhiều thế kỷ đưa tin và tôn thờ cái gọi là “sự thật” và “sự khách quan”, không dễ gì để chấp nhận việc tin tức được diễn đạt theo những cách chủ quan. Thậm chí một bình luận viên của kênh ESPN từng bị đuổi việc vì thể hiện chủ kiến cá nhân trên sóng. Mitchell Stephens không tin điều đó, ông cho rằng từ thuở hồng hoang, báo chí đã chẳng bao giờ tiếp cận được cái gọi là “sự thật”. Nó vĩnh viễn chỉ đăng tải được một vài khía cạnh của sự thật, nên giờ đăng chủ kiến một cách hệ thống chẳng có gì là sai trái.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận