Khóc, cười với chuyện “mỗi gia đình chỉ 2 con”

LAN ANH 23/10/2017 20:10 GMT+7

TTCT - Những năm qua, đã có vô vàn cách đối phó khi thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con. Trong đó có cả những câu chuyện “khóc”, “cười”.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Năm 2008, khi đang chuẩn bị được bổ nhiệm vị trí vụ trưởng, ông N.M.T., hiện là một vụ trưởng thuộc Bộ Y tế, bị khiếu kiện vì sinh con thứ ba. Điều đáng nói ở chỗ: con thứ ba của ông T. khi đó đã 11 tuổi (sinh năm 1997) và bao nhiêu năm trước đó không bị ai kiện tụng gì.

Không dám khai con của mình

Theo GS Nguyễn Đình Cử - chuyên gia về chính sách dân số, hơn nửa thế kỷ vừa qua VN thực hiện chính sách dân số xuyên suốt là giảm sinh.

Kết quả là xu hướng giảm sinh đã thể hiện rõ, đặc biệt nếu tính trong 23 năm qua (từ nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 khóa VII năm 1993 đến năm 2016) thì số con trung bình của bà mẹ tuổi sinh đẻ ở VN đã giảm từ 3,73 con/bà mẹ (năm 1993) xuống 2,1 con (năm 2016).

Tuy nhiên, đã có vô số chuyện cười ra nước mắt vì chính sách giảm sinh, mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con, đặc biệt ở các gia đình cán bộ công chức.

Sinh con thứ ba đã hơn 2 năm, nhưng gia đình chị L., một công chức có chồng là bác sĩ, chưa bao giờ dám chụp ảnh con đưa lên mạng xã hội, đưa con đến chơi nhà bạn bè thân thiết hay kể chuyện về con với bạn bè.

Chồng chị L. là con một, chị lại sinh hai bé đầu là gái, dù có người chê là cổ hủ, lạc hậu, phân biệt con trai - con gái, nhưng chị L. vẫn mong muốn thực hiện mơ ước của gia đình là có thêm cậu con trai.

Hai năm trước chị L. sinh con út là bé trai rất đáng yêu, nhưng cả nhà phải giấu biệt việc mới sinh con. Giấu chiếc kim còn khó, ở đây là giấu đứa trẻ đang lớn lên từng ngày, biết nói, biết đi đứng và sắp tới sẽ đến trường thì khó biết chừng nào.

Nhưng dù phải giấu, chị L. vẫn còn may mắn khi được khai sinh mình và chồng mình là cha mẹ đẻ của con mình, trong khi rất nhiều gia đình khác không được may mắn ấy, nhất là các gia đình thuộc diện được “quy hoạch”, đang là quan chức...

Một gia đình một quan chức phải khai sinh con đẻ (con thứ ba) là... con nuôi. Một gia đình khác phải đi nước ngoài nhờ mang thai hộ để sinh con thứ ba.

Hay có một gia đình có ông chồng là lãnh đạo thuộc ngành ngân hàng sinh tới bốn con, nhưng cơ quan, đồng nghiệp hoàn toàn không biết gì về hai con thứ 3 và thứ 4...

Việc giấu giếm, thậm chí phải nói dối khi khai sinh cho con có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về tình cảm gia đình khi cháu bé trưởng thành.

Càng nghèo càng đẻ nhiều

Theo số liệu của Bộ Y tế, sau nhiều năm kiên trì thực hiện giảm sinh, mức sinh ở VN trong 11 năm qua luôn xoay quanh mức sinh thay thế (2,1 con/bà mẹ).

Nhưng mức sinh này không đồng đều giữa các vùng, mà vùng càng nghèo lại càng đẻ nhiều, trong khi những khu vực có điều kiện kinh tế, sinh con ra có điều kiện nuôi dạy trẻ tốt hơn thì lại giảm sinh xuống mức quá thấp.

Cụ thể như TP.HCM, thành phố phát triển nhất VN hiện bình quân mỗi bà mẹ chỉ có 1,4-1,5 con, tỉnh Bình Dương cũng là vùng phát triển nhanh nhưng bình quân mỗi bà mẹ có 1,7 con, còn cả vùng Đông Nam Bộ là 1,69 con/bà mẹ, đồng bằng sông Cửu Long 1,84 con/bà mẹ, tất cả đều dưới mức sinh thay thế.

Trong khi đó các vùng nghèo vẫn chưa giảm sinh được như mong muốn: Kon Tum khoảng 3,4 con/bà mẹ, Hà Giang khoảng 3 con/bà mẹ, vùng Tây Nguyên khoảng 2,6 con/bà mẹ, Tây Bắc khoảng 2,2 con/bà mẹ. Những vùng này mức sinh đều trên mức sinh thay thế.

Theo quy định trong Pháp lệnh dân số, Luật công chức viên chức, ngoại trừ bảy trường hợp như mới sinh một lần nhưng là sinh ba, sinh lần thứ 2 là sinh đôi, lần sinh trước có con bị dị tật... mới được phép có ba con mà không vi phạm chính sách dân số, còn lại thì đều bị phạt như cắt thưởng, giảm lương, ảnh hưởng đến đường “quan lộ”.

Một quan chức của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cũng cho biết một số làng quê cũng có hương ước để “chế tài” người sinh hơn hai con. Ở Nghệ An gần đây người ta vẫn “phạt” (mặc dù hình thức là tự nguyện) 2 triệu đồng/trường hợp khai sinh con thứ 3.

Ông Nguyễn Văn Tân, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, cho biết từ năm 2008 - 2013 các quy định đã “nới” dần.

Như năm 2008 quy định kỷ luật mức cảnh cáo đối với đảng viên sinh con thứ 3, khai trừ đảng người sinh con thứ 4, thì đến năm 2013 quy định này đã thay đổi: kỷ luật mức khiển trách với đảng viên sinh con thứ 3, sinh con thứ 4 bị kỷ luật mức cảnh cáo, sinh con thứ 5 bị khai trừ đảng.

Gia đình có điều kiện: Có nên cấm sinh thêm?

Ông Tân cũng cho rằng chính sách dân số của giai đoạn mới là uyển chuyển trong vận động, làm sao nâng mức sinh của các vùng đang có mức sinh thấp như TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ lên mức sinh thay thế.

Các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên mức sinh thấp thì tiếp tục vận động để giảm về mức sinh thay thế, đồng thời giữ mức sinh thay thế ở những vùng đang đạt mức này.

Theo một chuyên gia về dân số, kết quả trên cho thấy những năm qua VN đã thực hiện tốt chính sách giảm sinh, bình quân số con/bà mẹ tuổi sinh đẻ giảm về mức sinh thay thế sớm 10 năm so với kế hoạch (đạt từ năm 2006) và trong 11 năm qua vẫn tiếp tục giữ ở mức sinh thay thế mà không giảm tiếp.

Nhưng kết quả này cũng minh chứng cho tính không đồng đều: những vùng nghèo vẫn có mức sinh quá cao và kéo dài, kéo mức sinh chung cả nước lên mức sinh thay thế, trong khi những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội, giáo dục... mức sinh đã giảm xuống rất mạnh.

Sự không đồng đều này cũng thể hiện qua một con số: khoảng 24% trẻ dưới 5 tuổi của VN đang bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, tỉ lệ này cao đặc biệt (ở mức trên 30%) ở các vùng nghèo, nơi điều kiện chăm sóc trẻ kém hơn.

Rất nhiều gia đình hiện đại VN đang chỉ sinh một con. Khảo sát trên truyền thông về phản hồi của người dân xung quanh ba đề xuất về chính sách dân số giai đoạn mới (trong đó có đề xuất “nới” để có thể sinh con thứ 3, thay vì 1-2 con như hiện nay), phần lớn ý kiến cho rằng họ còn cần thời gian chăm lo sự nghiệp, học hành, giáo dục 1-2 con cho tốt và không sinh thêm.

Một khảo sát được thực hiện năm 2014 và công bố gần đây của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình cho thấy mức sinh có dấu hiệu tăng nhẹ sau khi chi phí tránh thai tăng hoặc không còn được miễn phí.

Trong khi việc miễn phí tránh thai gần đây chỉ áp dụng với người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số... Điều đó cho thấy chính sách dân số chưa thật sự hiệu quả ở những vùng nghèo.

Sinh con là quyền của mỗi gia đình, nhưng tính từ năm 1979, chính sách giảm sinh cũng tránh cho VN sinh thêm khoảng 20 triệu người, giảm áp lực cho giáo dục, y tế, phát triển kinh tế...

Một chuyên gia nói với TTCT: ở giai đoạn mới, chính sách dân số phải “chuẩn” hơn, phải chú trọng đến chất lượng dân số, tránh những chuyện cười ra nước mắt và cũng tránh bùng nổ dân số ở những vùng nghèo.

Giảm sinh là giảm chung, nhưng chưa giảm ở vùng nghèo và kéo theo đó là không đáp ứng được yêu cầu về giáo dục, y tế, dân sinh ở vùng nghèo thì chính sách dân số vẫn chưa thật sự thành công.

Trong khi đó ở các thành phố lớn, nơi có điều kiện để chăm lo cho trẻ em hơn, thì cha mẹ lại phải giấu con. Không nên để bất hợp lý này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số, khi đó cả mục tiêu về quy mô dân số và chất lượng dân số đều sẽ bị ảnh hưởng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận