Không có vaccine nào cho biến đổi khí hậu

HỒNG VÂN 22/06/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Nhóm các nhà lãnh đạo khối 7 nước công nghệ phát triển hàng đầu thế giới gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ (G7) vừa họp tại khu vịnh Carbis, hạt Cornwall (Anh) tuần qua đã thảo luận về các bước cần tiến hành để ngăn chặn một tình trạng khẩn cấp về y tế khác tương tự như đại dịch COVID-19.

Các bác sĩ xuống đường biểu tình yêu cầu các lãnh đạo thế giới quan tâm hơn đến các thách thức khí hậu và dịch bệnh với con người vào ngày 29-5-2021 ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP

Hội nghị xanh, nhưng…

Cuối tháng 5, chính phủ Anh xác nhận sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức sự kiện bền vững, để cuộc nhóm họp của các nhà lãnh đạo G7 ở Vịnh Carbis sẽ là một hội nghị trung tính carbon (lượng phát thải carbon = lượng carbon xử lý/bù đắp được).

Các giải pháp đặt ra là sử dụng nguyên liệu địa phương (cây trái, hải sản thu hoạch trong bán kính 100 dặm - 160km) để thết đãi quan khách, sử dụng vật liệu tái chế, năng lượng/nhiên liệu xanh và bền vững, cũng như hạn chế sử dụng nhựa đến mức tối đa.

Chiến lược này được Thủ tướng Anh Boris Johnson xem là bước đệm quan trọng trước thềm hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) sẽ được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11 tới.

“Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, việc chúng ta đứng ra làm gương là rất quan trọng, đó là lý do vì sao Hội nghị G7 sẽ là hội nghị trung tính carbon” - Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma, phát biểu sau thông tin về hội nghị bền vững được Anh công bố.

Thế nhưng, tấm gương đâu chẳng thấy, chỉ biết chính ông Boris Johnson bị truyền thông trong nước và quốc tế chỉ trích ngay khi vừa đến Vịnh Carbis: Ông đi bằng chuyên cơ thay vì các chuyến tàu hỏa dành riêng đưa đón quan khách như chính phủ đã sắp xếp. Lựa chọn phương tiện di chuyển này đi ngược với những lời hoa mỹ về bền vững, giảm phát thải carbon nêu ra trước đó.

Trang Insider dẫn số liệu do chính Bộ Chiến lược kinh doanh, năng lượng và công nghiệp Anh cho biết chuyến bay nội địa 399km từ sân bay Stansted (London) đến phi trường Newquay (Cornwall) sinh ra 97,5kg khí nhà kính/hành khách.

Hành trình tương tự bằng xe lửa - từ ga Paddington đến ga Newquay, dài 482km, phát ra 17,8 kg khí nhà kính/hành khách.

Theo báo Washington Post, sau lùm xùm về chuyện đi dự hội nghị của thủ tướng Anh, chính phủ chưa tiết lộ nhiều thông tin về tổng lượng phát thải carbon sau 3 ngày diễn ra sự kiện.

Trước đó, chính phủ Anh cho biết sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng bền vững ở các quốc gia đang phát triển, cũng như mua tín dụng carbon thông qua các chương trình của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế để bù đắp số phát thải ở Carbis.

Natasha Connolly, phó giám đốc phụ trách bền vững của Arup, công ty tư vấn được chính phủ Anh thuê tính toán chuyện phát thải nhà kính của hội nghị, nói với Washington Post tinh thần là chính phủ sẽ không bỏ sót bất kỳ khoản phát sinh ô nhiễm nào. 

Connolly thừa nhận chuyện di chuyển của những người tham gia từ khắp nơi đổ về Cornwall làm tiêu tốn nhiềuu năng lượng nhất: các chuyến bay riêng chở các nhà lãnh đạo quốc gia đương nhiên có mức ô nhiễm trên đầu người cao hơn bay giá rẻ với vé hạng tiết kiệm.

“Nhưng các quyết định mà những nhà lãnh đạo này sẽ đưa ra sẽ bù đắp lại cho ảnh hưởng mà họ đã gây ra cho môi trường” - Connolly nói thêm.

“Bờ vực” của tình trạng trái đất đang nóng lên

Trở lại chương trình nghị sự chính. Không phải ngẫu nhiên mà G7 lại đặt trọng tâm vào vấn đề bền vững. Ngoài COVID-19, thế giới cũng đang bị đe dọa bởi một khủng hoảng khác: biến đổi khí hậu.

Ngày càng có nhiều bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu nhận ra sự liên quan giữa biến đổi khí hậu và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, theo kênh truyền hình France24.

Họ yêu cầu cần hành động lập tức, tập trung vào chăm sóc sức khỏe dự phòng với các chương trình giáo dục trong trường học và cộng đồng, phân phối và tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế công bằng hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn các ngành công nghiệp để đảm bảo nước và không khí sạch... 

Những yêu cầu này được viết trong một bản kiến nghị có hơn 1.200 bác sĩ và nhân viên y tế nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới ký tên.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh thế giới đang “trên bờ vực” của tình trạng trái đất đang nóng lên, có liên quan đến sự xuất hiện của các dịch bệnh mới, trong khi Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng: “Không có vaccine nào cho biến đổi khí hậu”.

Viết trên Twitter, ông Tedros cho biết sức khỏe và biến đổi khí hậu “gắn bó chặt chẽ với nhau”. WHO và tạp chí y khoa uy tín Lancet khẳng định biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu trong thế kỷ 21 - trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu đã được gióng lên trong nhiều năm qua nhưng gần đây nhiều tiếng nói hơn đã tham gia vào các cuộc vận động, kiến nghị.

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan hơn, lũ lụt làm lây lan bệnh dịch tả... Đó là những gánh nặng y tế và sẽ diễn ra nặng nề hơn nếu các quốc gia tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại. 

Những căn bệnh chưa từng thấy ở châu Âu, như sốt xuất huyết, đã đến Pháp, Tây Ban Nha và Croatia. Zika xuất hiện ở Nam Âu. 

Viêm não do ve truyền và virus Tây sông Nile có mặt ở Mỹ. Một số bệnh như tim mạch và hô hấp cũng sẽ tăng mạnh hơn... Tất cả đều là những hiện tượng đáng lo ngại.

Bác sĩ đa khoa Rita Issa ở London (Anh) cho biết bà đã chứng kiến một số lượng đáng báo động bệnh nhân, có cả trẻ em, ở phòng khám của mình gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu. 

“Bệnh nhân đến khám với một loạt các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, từ thực phẩm, nơi cư trú và không khí. Nhiều trẻ em mới 10 tuổi đã bị giảm chức năng phổi. Nếu thực sự giải quyết những vấn đề sức khỏe này, chúng ta phải giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí. Nếu không muốn phải điều trị các trường hợp sốc nhiệt, say nắng ngày càng nhiều thì cần phải hành động ngay bây giờ”.

Con người chỉ khỏe mạnh khi Trái đất chúng ta khỏe mạnh. -Ảnh minh họa New York Times

Phòng dịch vẫn tốt hơn “dập dịch”

Báo cáo của Tổ chức Liên chính phủ về nền tảng chính sách khoa học cho đa dạng sinh học và sinh thái (IPBES) công bố vào cuối tháng 10-2020 cảnh báo các đại dịch trong tương lai có thể xảy ra thường xuyên hơn và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu với tác động tàn khốc hơn cả COVID-19.

Hơn 2/3 số bệnh mới phát sinh và hầu như tất cả các đại dịch đã biết là do mầm bệnh có nguồn gốc động vật gây ra.

Theo các nghiên cứu khoa học gần đây, việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ động vật có chi phí thấp hơn 100 lần so với xử lý một khi nó lây lan. Các dịch bệnh mới phát sinh, lây từ động vật sang con người sẽ không giảm mà thậm chí còn tăng, ngay cả khi thế giới đẩy lùi được COVID-19. 

Do đó, thế giới cần một hệ thống giám sát thường xuyên, lâu dài và dĩ nhiên là đắt đỏ để phát hiện nhanh các nguy cơ. Dù đắt, chi phí này vẫn không là bao khi so sánh với tác động của một trận dịch thực sự, như COVID-19 mà chúng ta đã thấy.

Kinh nghiệm từ các hệ thống cảnh báo và giám sát nhỏ ở một số nước châu Phi, châu Á cho thấy hệ thống này phải được xây dựng và thực hiện với sự tham gia của cộng đồng địa phương và người lãnh đạo.

Ngoài ra, hệ thống này chỉ có ích khi chúng ta có sử dụng dữ liệu của nó để xây dựng các mô hình dự báo phản ánh các kịch bản theo thực tế.

Sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 cho thấy cách tiếp cận hiện tại còn có khuyết điểm, các hệ thống báo cáo quốc tế phản ứng quá lâu và do đó các biện pháp hạn chế (đi lại, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang,...) được thực hiện quá chậm ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Một hệ thống cảnh báo sớm mới cần sự tham gia của các tổ chức quốc tế như WHO, FAO - Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc...

Thực tế, để áp dụng bất kỳ khuyến cáo nào chắc chắn sẽ không dễ dàng vì lý do kinh tế nhưng COVID-19 đã cho chúng ta bài học: phản ứng chậm đồng nghĩa với trả giá.■

Kết quả của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change số tháng 6-2021 cho thấy hơn 1/3 số ca tử vong do nắng nóng trên khắp thế giới từ năm 1991 đến năm 2018 là kết quả của sự ấm lên toàn cầu do con người gây ra. 

Hơn 43 quốc gia trong nghiên cứu có mức nhiệt cao hơn nhiệt độ tối ưu cho sức khỏe con người và điều này đã được người dân cảm nhận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận