Không thánh thần, chẳng luật pháp

DU LONG 09/11/2017 00:11 GMT+7

TTCT - Tuần qua dư luận bùng nổ vụ “ông hoàng tơ lụa” bị lộ việc bán hàng “made in China”. Trong một góc nhìn nào đó, để chữa cháy, “người trong cuộc” đã thừa nhận có bán “hàng Tàu” từ... 30 năm nay.

Mh
 

 

Chỉ lấy làm lạ rằng vẫn có người không tin chính những gì “người trong cuộc” nói, nhất định nói hộ cho rằng chẳng qua nhân viên cửa hàng đó “độn” thêm hàng Tàu do... thiếu hàng bán dịp lễ 20-10, rồi nhất định ghi “phát hiện” này vào báo cáo chính thức.

Nhưng nhắc lại những chuyện này không phải để “đánh kẻ ngã ngựa” mà là để khái quát lại một vài câu chuyện về tính cách của một số nhà kinh doanh.

Đó là loại tính cách mà tiếng Pháp gọi là “sans foi ni loi”, tiếng Anh định nghĩa “Fearing neither God nor man”, tức chẳng tin bất cứ gì, chẳng sợ thánh thần cũng không ngán con người, chẳng xem luật pháp ra chi, chỉ làm theo ý mình, tất nhiên là bên ngoài mọi khuôn khổ, ngoại trừ của đồng tiền.

Bởi thế, thiên hạ gọi đó là những plutocrats - những kẻ “bạo vì tiền” thường thấy trong những banana republics - tức những nền kinh tế “phồn vinh giả tạo”, chủ yếu dựa vào một vài mặt hàng xuất khẩu nào đó, như Honduras xuất khẩu chuối do Hãng United Fruit Company của Mỹ là chủ đầu tư.

Các banana republics đó thường là những xã hội phân tầng với một đám đông thuộc giai cấp lao động và một thiểu số những “đại gia” mạnh vì gạo, bạo vì tiền kia.

Cách làm giàu của những người đó giông giống nhau, khởi sự từ một ngành nghề nào đó, khi có chút “hồ” thì nhảy qua địa ốc - mảnh đất màu mỡ của những ai may mắn có vài “cơ hội”, nhờ đó mà “gột nên hồ” và sau này hái ra tiền. Cách “buôn bán” các cơ hội như thế trong lĩnh vực đất đai, vô vàn báo cáo về nạn tham nhũng trong nền kinh tế Việt Nam đã nói tới.

Cốt lõi vấn đề trong vụ xìcăngđan “hàng Tàu” đeo nhãn “Made in Vietnam” này không chỉ là chuyện thất tín hay bội tín, mà là do chẳng tin vào bất cứ điều gì, chẳng xem pháp luật ra gì, ngoài mãnh lực của lợi nhuận.

Thiếu vắng hẳn một đức tin vào các khái niệm thiêng liêng như “đất nước”, “tổ quốc”, “lòng tự trọng dân tộc”... hay những khái niệm siêu hình như thượng đế và lẽ công bằng, luật nhân quả..., lại không có chút e dè gì về mặt luật pháp, luật của loài người, luật của “ông thiên”... mới có thể ung dung gần 30 năm bán khăn lụa nhập từ Trung Quốc với giá cắt cổ, chỉ vì không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.

Cái sự bất chấp đó, tai hại thay, lại không phải là hiếm. Cư dân của một loạt chung cư mà một “đại gia” xây rồi bán từng than trời vì “đại gia” bán căn hộ xong là mất tích, để mặc khách hàng với bao nỗi truân chuyên với căn hộ mua rồi: từ cái thang máy “made in... đâu đó” do công ty của người nhà “đại gia” cung cấp cứ vài bữa lại hư, đến các ban quản lý thuộc công ty gia đình của “đại gia” đảm nhận chẳng hiểu làm gì, tới cái quỹ phí bảo trì mấy chục tỉ của cư dân không biết đi đâu mà hở một chút là bắt đóng thêm tiền...

Những sự làm giàu kiểu ấy, dân gian gọi là “bạo phát bạo tàn”, thiếu hẳn đi cái mà đạo đức học thông thường ngày trước khuyên răn “Ăn ở sao cho có hậu”, cũng chính là điều mà sau này ta cùng thế giới gọi là “phát triển bền vững” (sustainable development).

Anh bán khăn không phải là ví dụ độc nhất cho một cách làm ăn chẳng kiêng gì trời đất, chẳng sợ gì luật pháp.

Và một khi chẳng còn tin còn sợ bất cứ điều gì thì làm sao người ta biết sống cho “có hậu”? Các giáo sư Malte Faber, Thomas Petersen, Johannes Schille của Đại học Heidelberg (Đức) đã phân biệt “con người kinh tế” (homo economicus) và “con người duy xã hội” (homo politicus) như sau:

“Con người kinh tế” được xem là người tối đa hóa lợi ích của bản thân, tìm cách đạt mục tiêu của mình với tốn phí tối thiểu; còn “con người duy xã hội” là người ra sức tìm xem điều gì là tốt nhất cho xã hội của mình với tốn phí tối thiểu”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận