Khủng hoảng nhập cư có cực đoan hóa xã hội Đức?

DUY VĂN 14/11/2015 22:11 GMT+7

TTCT - Đã có hơn 120 người chết trong một loạt vụ tấn công khủng bố cùng lúc tại nhiều địa điểm ở Paris. Đêm thứ sáu 13-11 đã trở thành nỗi kinh hoàng của nước Pháp khi mối đe dọa khủng bố mang một diện mạo khác hẳn: khủng bố thường dân. Liệu vụ tấn công đồng loạt này có liên quan gì đến cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo châu Âu?

Người dân Paris kinh hãi trước cuộc khủng bố đẫm máu đầy thách thức (Reuters)

Chính sách mở cửa cho dòng người tị nạn và yêu cầu các nước EU chia sẻ hạn ngạch không chỉ bị một số đồng minh EU phản ứng (thủ tướng Hungary gọi chính sách này là “chủ nghĩa đế quốc về đạo đức” và xây rào chắn, hay Slovenia phải ban bố tình trạng khẩn cấp…), Thủ tướng Angela Merkel còn phải đối phó với sự chia rẽ của xã hội Đức. Trong đó có những đề nghị khôi phục lại kiểm soát biên giới...

1 Nhật báo Đức The Welt am Sontag số ra ngày 30-10 đăng bài báo nhan đề “Các quan chức an ninh sốt ruột đợi cú “đi trước” của bà Merkel”. Bài báo chỉ ra phản ứng của các cơ quan an ninh Liên bang Đức trước cách đối phó cuộc khủng hoảng nhập cư của bà Merkel, mà theo họ là “thiếu kiểm soát và không có một kế hoạch cho việc nhập cư hàng loạt”.

Các cơ quan an ninh này, theo bài báo, gồm Cơ quan tình báo trong nước, Văn phòng hình sự liên bang và Cơ quan tình báo nước ngoài (BND), Cảnh sát liên bang.

Dẫn một nguồn giấu tên, bài báo nói “chính sách các biên giới mở” của bà Merkel đang đưa đến việc “nhập cư không kiểm soát những kẻ cực đoan, hậu quả là sự cực đoan hóa các công dân có quan điểm trung dung do họ không muốn tình trạng di cư hàng loạt này áp đặt lên họ bởi tầng lớp thượng lưu chính trị”.

Dẫn tiếp một “báo cáo chưa được ký” do một quan chức an ninh cấp cao soạn thảo, bài báo viết việc di trú hàng loạt này vô hình trung đang “nhập khẩu chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, chủ nghĩa bài Do Thái Ả Rập, các xung đột quốc gia và sắc tộc của các dân tộc khác, cũng như khái niệm luật pháp và xã hội khác”.

Xe buýt chở người tị nạn phân bổ về Sumte (Hạ Saxony, Đức) -Getty Images
Xe buýt chở người tị nạn phân bổ về Sumte (Hạ Saxony, Đức) -Getty Images

Bài báo chỉ trích chính quyền Angela Merkel đã “cản trở các cơ quan an ninh thực thi nhiệm vụ mà họ có nghĩa vụ thực hiện theo pháp luật”, rồi dẫn lời cựu bộ trưởng an ninh nội địa và lãnh đạo BND August Hanning, tuy đã 69 tuổi nhưng “vẫn còn là một chuyên gia an ninh có nhiều mối quan hệ ở Đức và trên thế giới”, với chương trình 10 điểm của ông này đưa ra tuần trước, kêu gọi Chính phủ Đức hành động trong khuôn khổ pháp luật để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư này. Một số trong 10 điểm này:

Chấm dứt nhận người nhập cư và ra tuyên bố từ phủ thủ tướng rằng khả năng nhận người nhập cư đã tới giới hạn, ra lệnh cho cảnh sát liên bang ngay lập tức đóng cửa biên giới với tất cả những người nhập cư đến Đức không được phép, và trục xuất kiên quyết, không nhân nhượng tất cả những người nhập cư trái phép, “đóng băng” dòng nhập cư hiện nay ở Balkans, hạn chế việc đoàn tụ gia đình ở Đức, áp đặt nghĩa vụ di trú với người nhập cư bằng việc cắt trợ cấp xã hội nếu những nghĩa vụ này bị vi phạm...” (1).

2 Nhưng ở nước Đức hiện nay không chỉ có nỗi lo của những người phụ trách an ninh. Nhà sử học nổi tiếng của Nga, tác giả của nhiều sách best-seller giải thích những vấn đề quốc tế đương đại Nikolai Starikov đã giới thiệu trên trang web của ông thư ngỏ của công dân Đức gửi bà Merkel (2).

Tác giả thư là Peter Haisenko, một trong những báo cáo viên mà ông Starikov cùng làm việc tại một hội nghị về Ukraine ở Đức.

Peter Haisenko chỉ trích cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay của bà Merkel, khi bà tuyên bố “Chúng ta có thể làm điều đó” nhưng “Bà không chỉ cho chúng tôi là chúng ta có thể làm điều đó như thế nào”. Ông nói về không khí chính trị nguy hiểm khi “những công dân bình thường bày tỏ nỗi lo ngại (quanh vấn đề nhập cư hàng loạt) rất có cơ sở” thì bà “đặt tất cả họ vào góc Đức quốc xã”.

Peter Haisenko viết: “Cả bà lẫn chính phủ của bà không ai biết có bao nhiêu người nhập cư đã đến Đức năm nay, cũng như hiện giờ họ đang ở đâu. Chúng tôi thì biết chính xác rằng tất cả, tôi nhấn mạnh là tất cả, những trung tâm tiếp nhận người tị nạn đã đầy người, mà dòng tị nạn không hề ngưng nghỉ. Không cần phải giàu trí tưởng tượng lắm để hình dung điều gì sẽ xảy ra vào mùa đông này, khi nước Đức bị tuyết phủ dày 20cm, mà mùa đông năm nay được dự báo là sẽ nhiều tuyết hơn mọi năm.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu những chiếc lều rũ sập trước sức nặng của tuyết hay nếu người ta sẽ chết hàng loạt do bị nhiễm độc khí CO2, bởi lẽ các lều sẽ được sưởi ấm bằng những máy sưởi không tiện nghi dùng trong trường hợp khẩn cấp này?”.

Trong khi đó, công dân này chỉ ra: Liên bang Đức vẫn còn chưa giải quyết hết số người tị nạn cũ không được quyết định tiếp nhận: 600.000 người. 600.000 người bị đề nghị trục xuất này hiện vẫn chưa có cách để đưa khỏi nước Đức. Đến ngày tác giả viết thư ngỏ, 21-10, có tin chính phủ kêu gọi quân đội Đức hỗ trợ bằng máy bay vận chuyển của quân đội. Peter Haisenko viết: “Nếu mỗi chiếc Transall chứa được 100 người thì nước Đức cần tới 6.000 chuyến bay để giải quyết số người cũ này! Và kể cả nếu điều này thực hiện được, nhưng nếu quốc gia của người tị nạn không cho máy bay hạ cánh?”, tác giả đặt câu hỏi.

Peter Haisenko còn mô tả một bức tranh đáng sợ hơn về “những dòng trai tráng khỏe mạnh, đa số được qua đào tạo quân sự, đi vào các thành phố, chiếm các căn hộ và cướp các siêu thị. Khi đó bà sẽ bảo vệ công dân Đức ra sao?

Và điều gì sẽ xảy ra nếu những người di trú đầu tiên bị cảnh sát bắn khi phải tự bảo vệ mạng sống chính mình? Liệu hành động đó có bị gọi là “bài ngoại” hay là phát xít? Bà thật sự muốn thế giới lần nữa tràn ngập những mô tả về “những người Đức quái vật” hay sao?”. Tác giả kêu gọi bà Merkel “cứu nước Đức khỏi sự hỗn loạn”, “hãy hoàn thành nhiệm vụ của một thủ tướng”, bảo vệ người Đức mà bà Merkel từng tuyên thệ khi nhậm chức.

Chủ tịch làng Sumte - ông Christian Fabel -DPA
Chủ tịch làng Sumte - ông Christian Fabel -DPA
Theo nhật báo Đức Der Tagesspiegel, thủ hiến bang Bavaria Horst Seehofer đã ký hợp đồng với cựu thẩm phán Tòa án hiến pháp Udo Di Fabio để kiểm tra chính sách di trú của chính quyền liên bang có tương thích với các điều khoản hiến định hay không. Chuyên gia này sẽ đưa ra kết luận liệu dòng người di trú không giới hạn hiện nay có đe dọa “tính nhà nước” của chính quyền bang không (Bavaria có hiến pháp riêng). Tuy cả chính quyền bang lẫn ông Udo Di Fabio đều không khẳng định họ chuẩn bị kiện chính quyền bà Merkel, nhưng tờ Der Tagesspiegel cho rằng những kết luận kiểu này sẽ kéo theo các phán quyết tòa án (http://www.tagesspiegel.de/politik/horst-seehofer-laesst-gutachten-anfertigen-bayern-bereitet-klage-wegen-fluechtlingspolitik-vor/12537344.html).

3 Mối lo của Peter Haisenko không phải thiếu cơ sở. Trang web DW đã mở hẳn một cột tin về người tị nạn, trong đó cái tin “Ngôi làng Sumte Đức: 500 người tị nạn trên 100 dân” đập vào mắt. Tin cho biết từ sáng 2-11, chuyến xe buýt đầu tiên chở 50 người tị nạn đã về đến làng, sau đó trong ngày thêm một chuyến nữa.

Dự trù tổng số người được đưa tới sẽ là 500, và có thể lên tới 750 người. Lý do ngôi làng này được chọn: trong làng có 20 tòa nhà văn phòng bỏ trống, nên chính quyền bang Hạ Saxony đã mướn để định cư số người tị nạn này.

Thật ra từ đầu tháng 10, kế hoạch di dời người tị nạn về làng này (dự tính lên tới 1.000 người) đã được thông báo cho người đứng đầu hội đồng làng là ông Christian Fabel. Ông Fabel đã loan tin này trên đài phát thanh địa phương Norddeutsche Rundfunk (NDR), cho biết: “Tâm trạng dân làng chẳng mấy vui vẻ. Chúng tôi không biết điều gì đang chờ đợi mình”.

Họ đặt ra nhiều câu hỏi: Làm thế nào bảo đảm an ninh? Người tị nạn sẽ mua thực phẩm ở đâu? Liệu hệ thống liên lạc có ổn định nếu quá nhiều người cùng sử dụng? Nhiều người công khai chống làn sóng di trú này, trong đó có tờ báo địa phương Schweriner Volkszeitung, lo âu rằng du lịch - thu nhập chính của khu vực này - sẽ bị ảnh hưởng trước làn sóng nhập cư.

Cùng lúc tại Sumte, những kẻ cực đoan cánh hữu đẩy mạnh hoạt động, kêu gọi bạo lực với người di trú. Tuy nhiên, như chủ tiệm buôn xe đạp D. Hammer trả lời báo chí, ông không cho phép những người cánh hữu này sử dụng ông cho mục đích của họ: “Chúng tôi rất cảnh giác những người này, bởi đa số người dân địa phương muốn giúp người nhập cư kể cả khi chúng tôi hiểu ở Sumte giờ đây mọi thứ có thể thay đổi hẳn”.

Bài báo trên DW cũng cho biết nhiều nhà báo nước ngoài đã đổ về làng này để ghi nhận không khí của “cuộc sống chung” này. Tờ báo Mỹ The Miami Herald trong bài tường thuật từ hiện trường viết rằng làn sóng nhập cư đang thử thách những giới hạn của lòng khoan dung Đức và sự hiếu khách. Các phương tiện truyền thông Anh, Tây Ban Nha, Nga thì lấy ngôi làng này làm ví dụ cho việc Đức khó lòng xoay xở với sự tràn ngập người tị nạn. Với họ, “Sumte là biểu tượng cho thực tế rằng những ý định tốt có thể mang tới những hậu quả không như mong muốn”, bài báo viết. ■

“Người tị nạn kính mến, chúng tôi thật sự muốn giúp bạn, nhưng chúng tôi không thể. Ở nước Đức hiện giờ không còn một chiếc giường trống nào, nói chi đến khả năng tìm nơi trú ẩn thích hợp cho mùa đông. Hãy ở lại, theo khả năng của bạn, qua mùa đông này ở nơi mà bạn không phải chết cóng. Chúng tôi sẽ làm tất cả, sẽ cho tất cả tiền có thể, để đảm bảo cung ứng cho bạn ở nơi bạn đang ở hiện nay. Ai đang trên đường đến Đức hay Trung Âu, người ấy đang từ chỗ xấu rơi vào một chỗ tồi tệ hơn!”.

(Trích thư ngỏ công dân Đức Peter Haisenko gửi Thủ tướng Merkel và kêu gọi bà nhắn nhủ như thế tới dòng người tị nạn)

 

(1): www.wsws.org/en/articles/2015/10/30/germ-o30.html

(2): nstarikov.rublog/58829?print=print. Bản gốc của thư ngỏ: www.anderweltonline.com/klartext/klartext-2015/tun-sie-ihre-pflicht-frau-bundeskanzlerin/

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận