Khủng hoảng Ukraine:Những hẹn hò từ nay khép lại...

DANH ĐỨC 24/02/2022 19:02 GMT+7

Trái đất luôn xoay, lịch sử luôn được viết mới. Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ ở đông Ukraine là một trang sử mới nữa vừa được viết, với nhiều ngụ ý trọng đại, không chỉ ở Ukraine và Nga.

10h35 tối thứ hai 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc một bài diễn văn dài hơn 40 phút gửi đến “các công dân Nga” (ở Nga cũng như ở Ukraine) “cùng các thân hữu” về những diễn biến mới nhất ở Ukraine, cụ thể là việc ông quyết định “công nhận chủ quyền và độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR)”.

 
 Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng An ninh Nga trước quyết định công nhận độc lập của DNR và LNR. Ảnh: The Moscow Times

Quan hệ máu mủ là gì? 

Vì là một bài diễn văn gửi đến người Nga như ông nói, nên ông rộng rãi thời giờ “tâm tình” về câu chuyện Ukraine - Nga, mà theo ông: “Ukraine không chỉ là một quốc gia láng giềng đối với chúng ta, mà còn là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tâm linh của chính chúng ta”.

Ông trưng ra cái mẫu số chung thiêng liêng đối với ông làm luận cứ nền tảng: “Ở đó có những người đồng đội của chúng ta, những người thân yêu nhất của chúng ta - không chỉ là đồng nghiệp, bạn bè và những người từng cùng nhau phục vụ, mà còn là thân nhân, gắn bó máu mủ, là gia đình”.

Ông giở lại lịch sử Nga và Ukraine, từ cách đây mấy thế kỷ để nhắc lại tính thống nhất giữa người Nga và người Ukraine: “Từ thời xa xưa, những người sống ở phía tây nam của vùng đất Nga trong lịch sử đã tự gọi mình là người Nga và những người theo đạo Cơ đốc Chính thống. Đó là điều đã xảy ra từ trước thế kỷ 17, khi một phần lãnh thổ này nhập trở lại vào đất nước Nga”.

Đây không phải lần đầu ông Putin “nhất thể hóa” Ukraine với Nga. Gần đây nhất, tháng 7-2021, ông đã đúc kết hẳn thành một bài viết mang tựa đề “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine”, công bố trên website của phủ tổng thống Nga, mở đầu bằng quả quyết: “Tôi đã từng nói rằng người Nga và người Ukraine là một, một tổng thể duy nhất”.

Trong bài viết, ông liệt kê không chỉ mỗi người Ukraine, mà cả người Belarus: “Người Nga, Ukraine và Belarus đều là hậu duệ của Rus cổ đại, là nhà nước lớn nhất ở châu Âu... Được ràng buộc với nhau bằng một ngôn ngữ (mà ngày nay chúng ta gọi là tiếng Nga cổ), quan hệ kinh tế, sự cai trị của các hoàng tử triều đại Rurik, và - sau lễ rửa tội cho người Rus - bởi tín ngưỡng Chính thống giáo”.

Trong tinh thần “máu mủ” đó, khuya thứ hai 21-2, ông Puin giải thích chuyện Ukraine đã ra khỏi nước Nga: Ukraine hiện đại hoàn toàn do nước Nga tạo ra bằng cách chia tách, cắt đứt những gì mà trong lịch sử là đất nước Nga từ sau năm 1917, dưới thời Lenin rồi Stalin. 

Không chỉ cắt Ukraine khỏi Nga, mà còn chuyển giao cho Ukraine một số vùng đất trước đây thuộc Ba Lan, Romania và Hungary. Đến năm 1954, Khrushchev đưa Crimea khỏi Nga vì một số lý do và trao nó cho Ukraine. 

Bài diễn văn của ông Putin tối 21-2 nổi bật với những câu hỏi sau do ông đặt ra như để mọi người (Nga) cùng suy nghĩ theo ông: 

“Lợi ích của việc chuyển giao cho các đơn vị hành chính mới, thường được thành lập tùy tiện - các nước cộng hòa trong liên bang - các lãnh thổ rộng lớn không liên quan gì đến chúng?”.

“Chưa hết, các đơn vị hành chính này trên thực tế đã được gán cho địa vị và hình thức của các thực thể nhà nước?”.

“Tại sao lại trao cho các nước cộng hòa quyền ly khai khỏi nhà nước thống nhất mà không cần bất kỳ điều kiện nào?”.

Có thể tin rằng ba câu hỏi trên đã khiến ông bức xúc từ bao năm qua. “Hãy để tôi nhắc lại rằng những lãnh thổ và dân chúng đã được chuyển giao này, về mặt lịch sử mà nói, vốn là của Nga”, ông Putin nói. Để giải quyết sự phi lý đó, ông loan báo quyết định vô tiền khoáng hậu: “Tôi cho rằng cần phải đưa ra một quyết định lẽ ra phải được đưa ra từ lâu, [là] công nhận ngay chủ quyền và độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk”.

Câu chuyện Ukraine cứ khăng khăng đòi gia nhập NATO che đậy một điều khác: Ukraine còn đòi gia nhập EU nữa. Ông nhắc: “Nga luôn hợp tác với Ukraine một cách cởi mở và trung thực, như tôi đã nói, và tôn trọng lợi ích của nước này... Năm 2011, thương mại song phương đã vượt mốc 50 tỉ USD. Xin lưu ý rằng vào năm 2019, tức trước đại dịch, thương mại của Ukraine với tất cả các nước EU cộng lại vẫn thấp hơn số này”.

Từ hòa đàm tới trừng phạt

Tối 21-2, ông Putin cho thấy những hy vọng “hòa đàm” coi như đã kết thúc. Ông cho rằng Ukraine là con rối của NATO, rằng bộ chỉ huy quân đội nước này đã kết nối thông tin liên lạc với bộ chỉ huy NATO sẵn rồi, rằng Mỹ và đồng minh đã tuồn vô số vũ khí cho Ukraine, rằng dân Nga ở Donetsk và Lugansk đã và đang bị Ukraine đàn áp nên ông phải sơ tán “đồng bào” của mình.

Tố cáo sau cùng, vốn là nét chủ đạo của diễn văn công nhận độc lập DNR và LNR tối hôm ấy, ông từng đưa ra trong họp báo tuần trước với Thủ tướng Đức Olaf Scholz: “ Ở Donbass đang diệt chủng đó!”. 

Cuộc gặp đó, diễn ra hôm 15-2 sẽ được ghi chép là cuộc đàm phán cuối cùng giữa các lãnh đạo phương Tây với Nga trước khi tình hình không còn có thể quay đầu từ tối 21-2.

Về mặt cá nhân, mỗi nhà lãnh đạo, từ châu Âu đến Brazil, sang gặp ông Putin cũng đều ra về ít nhiều với hy vọng rằng mình sẽ được lưu danh là người mang lại hòa bình, và ông Putin cho họ nuôi dưỡng ước mơ đó, tới khi... Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh hạ màn hôm chủ nhật 20-2, ai về nhà nấy, thì qua thứ hai 21-2, ông mới quyết định. Dễ hiểu là với quyết định này, Nga sẽ cần Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Trong khi ông Putin dấn tới không chút ngần ngại, thì các đối thủ của ông vẫn chủ trương trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt như trước giờ. 24 giờ sau khi Nga công nhận DNR và LNR, Tổng thống Mỹ Joe Biden loan báo: 

“Nga không còn có thể huy động tiền từ phương Tây và cũng không thể giao dịch các khoản nợ mới của họ trên thị trường của chúng ta hoặc thị trường châu Âu. Bắt đầu từ hôm nay và tiếp tục trong những ngày tới, chúng ta cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt với giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình của họ. Họ chia sẻ lợi ích tham nhũng từ các chính sách của Điện Kremlin và cũng nên chia sẻ nỗi đau”.

Trừng phạt cho tới nay và sắp tới, mà ông Biden vừa loan báo, chủ yếu vẫn là tài chính. Đây là điều Mỹ đã và vẫn làm xưa nay. Năm ngoái, ba tháng sau khi ông Biden lên làm tổng thống, cũng đã có những biện pháp trừng phạt mới được rao là nghiêm ngặt. 

Song, thực tế lại không “ép-phê” mấy. Ví dụ, đánh giá của Fitch Ratings, một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, ngày 16-4-2021 nhận xét về các biện pháp trừng phạt trước đó một ngày của ông Biden như sau: “Xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Nga là BBB / ổn định, có khả năng chống chịu các lệnh trừng phạt mới được áp đặt của Hoa Kỳ”.

Fitch giải thích: “Chúng tôi không tin rằng các biện pháp của ngày 15-4 sẽ có hiệu quả. Tổng số nợ của Chính phủ Nga do những nhà đầu tư không phải người Nga nắm giữ vào khoảng 20%, sự tham gia của các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nhà đầu tư nước ngoài khác trên thị trường sơ cấp là không lớn (trung bình khoảng 10% trong 12 tháng qua theo Bộ Tài chính) và đã giảm khi Nga khai thác nguồn đầu tư nội tệ của họ để huy động vốn”. 

Tới 3-12-2021, xếp hạng của Fitch với Nga vẫn không suy suyển: BBB.

Dễ hiểu khi ông Putin tuyên bố không sợ trừng phạt. Ở đây lại phải nghe Fitch giải thích: “Sự phục hồi của giá dầu đã củng cố vị thế đối ngoại của Nga. Chúng tôi dự báo thặng dư tài khoản vãng lai tăng 5,4% trong năm 2021, lên mức cao nhất trong 15 năm là 7,8% GDP, và dự trữ ngoại hối tăng 50 tỉ USD, lên 646 tỉ USD tương đương 17,4 tháng thanh toán ngoại tệ hiện tại”. 

Tức hiện tại, ngân khố Nga còn vững hơn nhiều so với nửa năm trước, và giá dầu càng tăng, thì lại càng vững. Họ cũng không phải lo chuyện đầu ra khi bán nhiên liệu: Trung Quốc đã cam kết bao tiêu dầu khí của Nga. 

Mới hôm 4-2 vừa rồi, hai ông Putin và Tập Cận Bình đã ký một thỏa thuận theo đó Nga cung cấp dầu khí cho Trung Quốc trị giá 117 tỉ USD (Reuters 4-2). Thành ra, Nga cũng chẳng ngán chuyện Đức tạm ngưng dự án dẫn khí Nord Stream 2.

Tất nhiên, các trừng phạt mới cũng có thể gây tác động: ngăn chặn hoàn toàn khỏi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ và châu Âu công ty tài chính lớn thứ năm của Nga VEB, vốn có tài sản hơn 50 tỉ USD; phong tỏa hoàn toàn ngân hàng trị giá 35 tỉ đôla Promsvyazbank, vốn tài trợ cho các hoạt động của quân đội Nga, và đe dọa chặn giao dịch của các ngân hàng Sperbank và VTB, vốn đang có tích sản lên đến 750 tỉ USD, thậm chí có thể nhắm tới cả Ngân hàng Trung ương Nga...

Chẳng phải Mỹ khôn hay dại khi cứ dựa vào trừng phạt mà do đây là vấn đề nguyên tắc. Chỉ có điều các đối thủ của họ, từ Triều Tiên, Iran, cho tới Nga, lại không ớn các biện pháp đó, do quan niệm khác về quyền lực. Phú quý sinh lễ nghĩa, song phú quý quá, lễ nghĩa quá cũng là tự trói tay trước đối thủ. ■

Phản ứng các nước nhỏ

Khách quan mà nói, ông Putin “xót” các lãnh thổ Nga đã “mất” cũng chỉ là tiếp nối tâm trạng của Matxcơva vào những ngày cuối cùng của Liên bang Xô Viết. Sau khi ba nước Baltic độc lập vào năm 1990, quân dù Nga nhảy vô đóng tại thủ đô Vilnius của Lithuania từ tháng 3-1990. 

Ba nước Baltic, Estonia, Lithuania, Latvia, gia nhập Liên Xô vào năm 1940, đã nhanh chóng ra khỏi ngay đầu năm 1990, có lẽ do không cùng “máu mủ” người Slav và Chính thống giáo.

Càng đáng nói là ba nước này sau khi độc lập, đã nhanh chóng siết chặt việc nhập cư, khiến số người Nga tại đây giảm hẳn, trong khi số người bản xứ tăng lên: đến đầu thế kỷ 21, 4/5 dân số Lithuania là dân “bản xứ”, ở Estoina là 2/3, còn ở Latvia thì thấp hơn, khoảng 3/5 (theo Baltic States, Britannica).

Tổng thống Estonia, ngày hôm sau DNR và LNR “độc lập” - trả lời câu hỏi của Sky News: “Liệu sau khi Nga kiểm soát xong Ukraine, sẽ ngó tới các nước Baltics?” - đã chỉ có thể bày tỏ “mong rằng Nga sẽ không tiếp tục”. Albania, một nước rất nhỏ ở Balkan, trong phiên họp Hội đồng bảo an LHQ tối 21-2 đã ra tuyên bố “rằng hành động đó đã kết liễu các thỏa thuận Minsk và không có giá trị pháp lý quốc tế”.

Muốn hay không, quyết định của ông Putin đã làm dấy lên nhiều băn khoăn: (1) Sẽ ra sao nếu bất cứ nước lớn nào muốn thì cũng có thể áp đặt lên các láng giềng nhỏ hơn? (2) Việc nhân danh kiều dân để công nhận độc lập hay sáp nhập lãnh thổ sẽ dừng lại ở đâu?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận