Kiểm định, tích hợp và độc quyền trong giáo dục

THANH NGHỊ 08/07/2014 01:07 GMT+7

TTCT - Gần 5.000 học sinh và phụ huynh chưa hết bất ngờ vì thông tin đột ngột chấm dứt chương trình phổ thông quốc tế Cambridge (do Công ty EMG Education triển khai) thì tiếp tục ngơ ngác với tuyên bố của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc “áp dụng thí điểm” một chương trình tích hợp toán, tiếng Anh và khoa học với “chuẩn Anh Quốc” để thay thế.

Cần làm rõ những lùm xùm quanh chương trình tích hợp
Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận không ký kết với Bộ Giáo dục Anh
Anh dứt khoát bảo không, EMG khăng khăng nói có

Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh có con em đang học chương trình này hiểu rõ hơn về những điều liên quan tới kiểm định, các chuẩn đầu ra của những chương trình quốc tế, đồng thời tiếp tục chuyển tải những câu hỏi của họ cần sự giải đáp cụ thể, chi tiết, có trách nhiệm của các bên liên quan.

Hội đồng khảo thí quốc tế thuộc Đại học Cambridge (CIE) trong một email gửi Tuổi Trẻ đã xác nhận việc Công ty EMG không còn được tổ chức này cho phép triển khai chương trình phổ thông quốc tế Cambridge và hợp đồng hợp tác giữa CIE và EMG sẽ chấm dứt vào ngày 20-7-2014. Điều này đồng nghĩa với việc EMG không còn là đối tác được CIE chấp thuận kiểm định.

Về chương trình Cambridge và kiểm định

EMG được MOET chấp thuận cho thí điểm triển khai việc dạy tiếng Anh theo chương trình Cambridge dưới sự kiểm định của tổ chức khảo thí CIE. Việc thí điểm là nhằm “đánh giá chất lượng trước khi tiến hành việc nhân rộng đại trà”.

Việc EMG và CIE chấm dứt hợp đồng đối tác trong khi vẫn còn hàng ngàn học sinh đang theo học chương trình này tại hàng chục trường công ở Việt Nam là một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử CIE.

Chương trình Cambridge nhắc đến là chương trình phổ thông quốc tế Cambridge, trong đó dạy toán, tiếng Anh và khoa học bằng tiếng Anh, không phải chương trình dạy tiếng Anh của Cambridge (Cambridge ESOL) với các chứng chỉ như Starters, Movers, Flyers. Chương trình phổ thông quốc tế là một chương trình khó và yêu cầu học thuật cao hơn chương trình Cambridge ESOL rất nhiều.

Dựa vào khung chương trình quốc gia Anh công bố công khai trên Internet, các tổ chức giáo dục có uy tín đã phát triển các giáo trình quốc tế, ví dụ chương trình phổ thông quốc tế Cambridge IGCSE (International General Certificate of Secondary Education), phổ thông quốc tế Edexcel (Edexcel IGCSE). Các giáo trình này không hoàn toàn giống giáo trình quốc gia Anh và có thể được thiết kế phù hợp hơn với thị trường quốc tế.

Các giáo trình này thường được học viện và trường tư thục (private schools) áp dụng, bao gồm cả các trường tư thục trong hệ thống của các tổ chức này trên toàn thế giới. Cần nhấn mạnh chương trình phổ thông Cambridge hiện đang dạy là dành cho học sinh quốc tế, nghĩa là chương trình đã được biên soạn dành cho đối tượng nói tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Đầu ra của chương trình này là chứng chỉ phổ thông quốc tế IGCSE. Tuy nhiên, học sinh không nhất thiết và không bắt buộc phải thi chứng chỉ IGCSE mới được học chương trình này.

Kiểm định và khảo thí có ý nghĩa ra sao khi thực hiện các chương trình như thế này? Bất cứ chương trình phổ thông nào khi đưa ra đều phải được kiểm định (chất lượng) và được một tổ chức chấp nhận khảo thí. Theo thông lệ quốc tế, bộ giáo dục các nước chỉ đưa ra chương trình khung và mục đích giáo dục, các tổ chức được tự do phát triển sách giáo khoa và giáo trình dựa trên chương trình khung đó. Các tổ chức đó có thể tổ chức khảo thí và cấp bằng nếu được bộ giáo dục của nước sở tại đồng ý.

Kiểm định là thước đo để đảm bảo chất lượng tối thiểu. Việc một trường học tuyên bố là thành viên của một tổ chức học thuật không có nghĩa là trường học đó được kiểm định. Được kiểm định là một mục tiêu mà các trường học phải nỗ lực để đạt được.

Tại Anh có nhiều tổ chức khảo thí chương trình phổ thông, trong đó lớn nhất là Cambridge International Examinations (CIE) thuộc Đại học Cambridge và Edexcel (trước gọi là Hội đồng khảo thí London, nay có phần lớn cổ phần thuộc về Tập đoàn Pearson). Bất cứ trường nào cũng có thể dùng sách giáo khoa do họ soạn mà không cần phải xin phép, nhưng nếu muốn gọi chương trình của mình là Cambridge hay Edexcel thì bắt buộc phải có sự đồng ý của họ.

Ở Mỹ hiện nay dùng chuẩn Common Core - chuẩn do Tổ chức National Governors Association Center for Best Practices (NGA) và The Council of Chief State School Officers (CCSSO) phát triển. Muốn sử dụng Common Core, trường phải xin phép tổ chức này. Nói thế để hiểu thật ra không có cái gọi chung chung là “chuẩn Anh Quốc” hay “chuẩn Mỹ”, mà chỉ có những chuẩn rất cụ thể như chuẩn Cambridge, Edexcel hay Common Core...

Cần trở lại một vấn đề quan trọng: Khi chào mời chương trình phổ thông quốc tế Cambridge, Sở GD-ĐT TP.HCM và EMG tuyên bố thực hiện ở dạng “thí điểm”. Nay khi ngưng chương trình đột ngột, cả hai nơi đều không đưa ra được một đánh giá toàn diện về toàn bộ quá trình “thí điểm” đã được thực hiện. Việc sở đột ngột cho dừng mà chưa làm đánh giá kết quả và chất lượng trên hàng ngàn học sinh tham gia, cũng như không hề tham khảo và thông báo đến phụ huynh không những là một điều rất bất thường mà còn đi ngược lại những cam kết của ngành giáo dục về việc đảm bảo sự minh bạch, công khai và dân chủ trong hoạt động giáo dục.

Một lớp học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Tích hợp là tích hợp gì?

Chi phí của chương trình tích hợp dao động từ 2,2-4 triệu đồng/tháng, tương đương chương trình Cambridge, mặc dù các trường sẽ không phải trả phí bản quyền Cambridge nữa (khoảng 4.200 USD/năm/trường cho tiểu học, 8.500 USD/năm/trường cho THCS và THPT theo thông tin từ CIE).

Cơ cấu chi phí mà học sinh phải trả, theo giám đốc Lê Hồng Sơn, bao gồm tiền cho thi lấy bằng cấp, chứng chỉ và tài liệu tích hợp.

Nhưng nếu tham gia các kỳ thi kiểm định, chi phí mỗi kỳ thi như vậy thường không quá 92 USD/lần/học sinh cho một môn thi IGCSE của Cambridge và 50-60 USD/lần/môn học của Edexcel. Việc lấy khung chương trình trên mạng của Bộ Giáo dục Anh hoàn toàn không mất phí.

Trong tất cả trả lời của Sở GD-ĐT TP.HCM về chương trình tích hợp sẽ được áp dụng để thay thế chương trình phổ thông quốc tế Cambridge, rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời thấu đáo: Đâu là tính hợp lý và cơ sở khoa học khi lựa chọn khung giáo dục Anh Quốc? Đầu ra của chương trình? Chủ sở hữu/chịu trách nhiệm cho chương trình?

Trong giải thích đầu tiên (Tuổi Trẻ ngày 17-6-2014), Sở GD-ĐT TP giải thích sẽ dùng “khung chương trình quốc gia Anh” (UK National Curriculum) chương trình Key Stages của Cơ quan Kiểm định chất lượng và khảo thí - Standards and Testing Agency (STA) - trực thuộc Bộ Giáo dục Anh cung cấp để “tích hợp với chương trình quốc gia Việt Nam”.

STA là cơ quan khảo thí của Bộ Giáo dục Anh cho giáo trình quốc gia Anh, nghĩa là rất đặc thù với nước Anh, học sinh Anh, chắc chắn có một độ chênh tương thích với các chương trình như Cambridge IGCSE hay Edexcel IGCSE - vốn là những chương trình được thiết kế dành cho học sinh quốc tế.

Sau khi công bố đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến”, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện thí điểm đề án này. Một số điểm nổi bật của đề án như sau:

- Học sinh học các môn tiếng Anh, toán và khoa học bằng tiếng Anh theo chương trình thí điểm 6 tiết/tuần, đồng thời vẫn học các môn toán và khoa học bằng tiếng Việt.

- Học sinh được đánh giá kết quả học tập theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT Việt Nam. Đồng thời phải hoàn thành các bài kiểm tra, thi của cơ quan khảo thí trực thuộc Bộ Giáo dục Anh (STA).

- Cuối các cấp học, học sinh theo học chương trình thí điểm vẫn kiểm tra, thi bằng tiếng Việt để được đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp cấp học theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT Việt Nam.

Vậy mà trước đó, trong cuộc họp báo ngày 23-6-2014, giám đốc sở Lê Hồng Sơn khẳng định “học sinh theo học chương trình này sẽ không phải học lại các môn toán, khoa học (lý, hóa, sinh ở trung học) và tiếng Anh theo chương trình Việt Nam” và cam kết “học sinh học chương trình tích hợp sẽ được giảm tải mà vẫn đạt được những kiến thức chuẩn thông qua ngôn ngữ học thuật tiếng Anh”?!

Với khung chương trình “chuẩn Anh Quốc” như EMG và sở tuyên bố, không có cách gì học sinh Việt Nam có thể học với 6-8 tiết/tuần mà thi nổi kỳ thi lấy chứng chỉ phổ thông Anh Quốc cả. Nếu học sinh Anh phải học toàn thời gian mới có thể tiếp thu được khối lượng chương trình thì làm sao học sinh Việt Nam với 6-8 tiết có thể học được cả toán - tiếng Anh - khoa học để đủ trình độ thi lấy chứng chỉ của Anh?

Cần nhắc lại việc kiểm định và khảo thí kết quả phổ thông cần phải được thực hiện bởi một tổ chức được ủy quyền của Văn phòng kiểm soát kiểm định và bằng cấp (Ofqual) như Cambridge, chứ không phải cứ học theo giáo trình của Anh là được cấp bằng của Anh. Toàn bộ chương trình “tích hợp” mới chưa hề đưa ra bất cứ thông tin nào về tổ chức kiểm định cho nó cả.

Theo trả lời của sở và EMG, thuận lợi của chương trình tích hợp này là học sinh sẽ có nhiều “đầu ra hơn so với chương trình Cambridge”, và một trong những lý do EMG và sở dừng chương trình Cambridge vì đối tác CIE không chấp nhận đầu ra của các tổ chức khác. Đây là một tuyên bố ngụy biện do lẽ CIE, EMG hay bất cứ tổ chức nào, gồm cả cơ quan quản lý như Sở GD-ĐT, cũng không thể bắt học sinh chỉ được thi chứng chỉ phổ thông quốc tế Cambridge.

Việc thi đầu ra với bất cứ hội đồng khảo thí nào là quyền đương nhiên của mọi học sinh, các em có thể tùy ý chọn thi với hội đồng khảo thí CIE, Edexcel, College Board... cũng như việc hiện giờ bất cứ học sinh nào cũng có thể đi thi TOEFL, GRE, GMAT hay SAT của tổ chức khảo thí ETS. Đó là quyền cá nhân, không ai có thể cấm được. Việc thi lấy chứng chỉ phổ thông quốc tế không phải là đặc ân của bất cứ chương trình nào, mà là điều mọi học sinh đủ năng lực đều có thể đăng ký tham dự bất kể các em học chương trình phổ thông nào, thậm chí chỉ học chương trình hoàn toàn của Việt Nam.

Câu chuyện độc quyền

Độc quyền trong kinh tế học thường là hiện tượng một nhà cung cấp nắm hầu như toàn bộ nguồn cung sản phẩm, dịch vụ nhất định tại một thị trường và hầu như không có cạnh tranh từ các đối thủ khác. Trong giáo dục, hiện tượng độc quyền xảy ra khi một công ty, tổ chức nắm toàn bộ quyền phân phối, triển khai một sản phẩm, chương trình giáo dục nhất định và học sinh không có các lựa chọn thay thế.

Có hai loại độc quyền chính: độc quyền và độc quyền tự nhiên. Độc quyền tự nhiên thường xuất phát từ đặc thù của ngành là do chi phí sản xuất sẽ giảm đáng kể nếu thị trường chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ và do đó có thể tận dụng lợi thế quy mô để đạt được hiệu quả tốt nhất (ví dụ như ngành dịch vụ công ích). Trong khi đó độc quyền hình thành do các nguyên nhân như doanh nghiệp độc quyền sở hữu các bằng phát minh, sáng chế hay các nguồn nguyên liệu đầu vào mà không đối thủ nào có được hoặc doanh nghiệp độc quyền được sự ủng hộ từ chính phủ và các cơ quan quản lý để duy trì vị thế độc quyền. Việc độc quyền dù trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đem lại nhiều tác hại đối với sự phát triển của nền kinh tế như cản trở quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mức giá cao không tương xứng với sản phẩm, gây méo mó các mối quan hệ kinh tế trong toàn xã hội.

Do các tác hại lớn đối với nền kinh tế, việc độc quyền thường bị lên án và có những chế tài rất nặng đối với hành vi này. Trên thế giới đã có rất nhiều án phạt đối với việc độc quyền được ghi nhận. Ví dụ trong năm 2012, Ủy ban Liên minh châu Âu cáo buộc Philips, Samsung, LG, Toshiba, Panasonic và Công ty Pháp Technicolor cùng bắt tay nhau hình thành liên minh nhằm độc quyền giá và phân chia khu vực độc quyền. Kết quả là liên minh này đã bị tuyên phạt số tiền kỷ lục 1,47 tỉ euro (1,92 tỉ USD).

Độc quyền trong giáo dục sẽ gây ra các hệ lụy vô cùng tiêu cực đối với môi trường giáo dục với những lý do sau:

Thứ nhất, do không phải cạnh tranh với các đối thủ khác, doanh nghiệp độc quyền giáo dục sẽ có xu hướng chỉ nhắm vào lợi nhuận mà không chú ý đến việc đầu tư nâng cao chất lượng. Do đó học sinh sẽ phải học tập trong một môi trường giáo dục tụt hậu và kém chất lượng với chi phí rất cao. Hậu quả là toàn bộ lực lượng lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia sẽ bị sụt giảm.

Thứ hai, việc độc quyền trong giáo dục gây ra bất bình đẳng ngay trong chính môi trường giáo dục, thể hiện qua việc sử dụng cơ sở vật chất chung (được đầu tư bằng ngân sách nhà nước) với các điều kiện ưu đãi hơn (sĩ số lớp ít hơn, trang thiết bị tốt hơn) cho các học sinh có tiền theo học chương trình hợp tác.

Thứ ba, độc quyền giáo dục có thể biến học sinh trở thành “chuột bạch” trong những cuộc chơi “thí điểm” mà không hề có tổng kết, đánh giá.

Thứ tư, nếu không có chuyên môn cao mà chỉ chạy theo lợi nhuận, nơi được độc quyền hoàn toàn có khả năng thao túng và gây ảnh hưởng lớn về kiến thức, tinh thần và quan niệm lên các thế hệ tương lai của đất nước thông qua nội dung giáo dục về dài hạn.

Với khoảng 4.900 học sinh, 33 trường, trung bình mỗi trường 5 lớp và mỗi lớp 30 em theo học với mức học phí trung bình 150 USD/tháng trong 10 tháng (tiền bán giáo trình khoảng 100 USD/học kỳ), thì theo các chuyên gia đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, ước tính (quy đổi tiền VND) doanh thu của EMG là 148,5 tỉ đồng.

Khi trừ đi các chi phí (lương giáo viên 30 USD/tiết, một tháng học 24 tiết ước tính), chi phí mua sách (50% giá bán), chi phí license (theo thông tin của CIE), chi phí cho trường (15% doanh thu), thuế, các chi phí quản lý và bán hàng khác, lợi nhuận sau thuế vẫn là một con số rất lớn: 52,12 tỉ đồng. Nếu số trường là 100, số học sinh là 15.000, lợi nhuận sẽ là 157,95 tỉ đồng

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận