Kiều hối không chỉ là tiền

LÊ THANH HẢI 27/01/2013 04:01 GMT+7

TTCT - Đã đến lúc thế giới phải quan tâm đến nền kinh tế kiều hối - có lẽ là thông điệp nổi bật nhất trong cuộc hội thảo trực tuyến toàn cầu mới đây về đề tài này do Wiley-Blackwell (*) tổ chức, quy tụ trên 2.600 nhà khoa học từ 146 nước trên thế giới tham gia.

Phóng to
Kiều bào về quê đón Tết Quý Tỵ năm 2013 qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Thật vậy, chỉ cần nhìn vào lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong năm qua sẽ thấy tầm quan trọng của cơ chế kinh tế toàn cầu này. Con số đó xấp xỉ 10 tỉ USD, ngang bằng lượng tiền giải ngân từ các dự án đầu tư trực tiếp FDI. Xét ra, chính sách kiểm tra tiền mặt qua cửa khẩu ở sân bay Gatwick hay Frankfurt chẳng hạn cũng có khả năng gây hại cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam không kém gì việc áp thuế phá giá giày da hay tôm cá.

Nguồn tiền của Việt kiều gửi về cho thân nhân trong nước quan trọng không thua gì các nguồn tiền viện trợ hay nguồn vốn phát triển. Tiền này tác động trực tiếp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đầu tư cụ thể vào tri thức gia đình, và mang tính chiến lược lâu dài.

Kinh tế “xám” quan trọng

Hành khách người Việt trên các chuyến bay hồi hương của Vietnam Airlines là ví dụ rất điển hình cho kinh tế kiều hối. Nếu không bị hạn chế thì số tiền Việt kiều đổ vào cho nền kinh tế Việt Nam có lẽ còn nhiều hơn số tiền của các vị khách du lịch nước ngoài đi cùng chuyến bay. Báo cáo được Liên Hiệp Quốc thực hiện hồi năm 2010 ước tính 90% của tổng số 200 triệu di dân trên thế giới là vì lý do kinh tế, và tổng số kiều hối họ chuyển về nước là 325 tỉ USD.

Cụ thể thì kiều hối nhiều gấp ba lần viện trợ phát triển cho châu Phi, cao hơn đầu tư trực tiếp ở Mexico, nhiều hơn nguồn tiền thu được từ du lịch ở ngay tại quốc gia nổi tiếng với các khu du lịch nổi tiếng cho khách nước ngoài như Morocco, và nhiều hơn ngoại tệ thu được nhờ xuất khẩu hàng chủ lực như trà ở Sri Lanka. Một công trình nghiên cứu trước đó ghi nhận kiều hối vượt quá 50% GDP của Tajikistan và Haiti, vượt quá 10% tổng thu nhập quốc dân ở 23 quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Xét ra thì nguồn kiều hối ít dao động hơn tiền đầu tư, viện trợ và các nguồn tiền khác cho nền kinh tế. Một phần cũng là vì khá nhiều tiền kiều hối đến từ khu vực lao động không chính thức, với các ngành nghề và công việc nằm ngoài mối quan tâm chính thức của chính phủ các nước, như ghi nhận của Viện Nghiên cứu phát triển Pháp trong báo cáo mới đây về châu Á, có nhắc đến Việt Nam.

Khu vực kinh tế không chính thức còn thường được gọi là kinh tế xám, vì không phải là những hoạt động bất hợp pháp nhưng cũng không hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của chính quyền. Các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc và Singapore là nơi tập trung dân nhập cư lao động bất hợp pháp, và là nơi có nguồn tiền để họ chuyển về nhà. Với các nước đang phát triển như Việt Nam thì đây sẽ là nơi nhận được kiều hối đầu tư vào qua các mối quan hệ gia đình và mở mang phát triển, khuếch trương hoạt động kinh doanh.

Toàn bộ chu kỳ kinh tế này nằm bên ngoài sự ghi nhận của nhà nước, và càng tách xa ảnh hưởng của cơn khủng hoảng toàn cầu, vì tính chất chủ yếu là sản xuất và dịch vụ đáp ứng nhu cầu thiết thực hằng ngày của các khu dân cư. Khi kinh tế suy thoái người ta có thể tạm ngưng mua sắm và không dùng iPhone nhưng vẫn chi tiêu đều đặn cho các quán ăn lề đường, cắt tóc hay giặt ủi. Suy thoái cũng khiến doanh nghiệp phát triển vùng xám để giảm chi phí thuế.

Đó là một phần lý do tại sao kiều hối đổ về Việt Nam không giảm mà còn tăng liên tục trong vài năm qua, khi kinh tế thế giới suy thoái và các nguồn đầu tư cũng như viện trợ đều khó khăn hơn trước.

Những nghiên cứu còn bỏ ngỏ

Để có thể tận dụng tốt nhất nguồn kiều hối vào phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam cần có nhóm cố vấn nghiên cứu giúp nắm bắt vấn đề và đưa ra chính sách phù hợp. Chỉ cần nhìn sang các nước đang phát triển là có thể học được rất nhiều kinh nghiệm quý. Chẳng hạn, nhiều ngân hàng ở Brazil, El Salvador, Mexico và Kazakhstan phát triển mạnh mà không cần vốn đầu tư nước ngoài hay vốn tự có, vì họ dùng dự báo kiều hối làm nguồn tư bản luân chuyển trong hệ thống tài chính.

Hiện có hai ngân hàng lớn của Việt Nam là BIDV (Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam) và VietinBank (Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam) rầm rộ mở chi nhánh ở châu Âu, nhưng qua hoạt động ban đầu có thể thấy họ chưa có chiến lược phù hợp cho kiều hối.

Điều này cũng không quá khó hiểu, bởi vì kinh tế kiều hối vẫn đang còn là khái niệm mới ở Việt Nam, và kiều hối trong khu vực kinh tế xám đang còn là đề tài bị né tránh. Trong cả trăm báo cáo ở hội thảo toàn cầu về di dân, không tìm thấy bài viết nào về người lao động Việt Nam.

Trong mười năm trở lại đây, ngành Việt Nam học chỉ có vài báo cáo khoa học vắn tắt và mang tính phác thảo về đề tài này, mà đa số bằng tiếng Anh. Một số nghiên cứu chỉ điểm lại các con số do Chính phủ Việt Nam đưa ra về kiều hối, còn nghiên cứu của GS Hùng Cam Thái ở Hoa Kỳ mới chỉ phác họa chân dung xã hội của người gửi tiền. Rải rác ở khoa tài chính một số trường đại học tại Việt Nam có luận văn về kiều hối, nhưng chủ yếu chỉ là bản dịch tiếng Việt của các công thức chuyển tiền phổ biến trong hệ thống ngân hàng toàn cầu - một phần của các phương thức thanh toán quốc tế.

Đã tới lúc cần có những công trình nghiên cứu mang tính tổng hợp hơn và chi tiết hơn, giúp mô tả tường tận góc cạnh Việt Nam của hệ thống kinh tế kiều hối toàn cầu này. Về định lượng cần xác định con số tiền thật sự là bao nhiêu, luân chuyển như thế nào, ảnh hưởng ra sao đến ngành nghề cụ thể nào trong phát triển bền vững của Việt Nam, và bị tác động từ những yếu tố ngoại cảnh nào trên thế giới.

Về định chất thì cần giải thích tâm lý xã hội của người gửi tiền và người nhận tiền, giá trị thị trường và giá trị thực chất của lượng tiền được chuyển về nước, cũng như giá trị thặng dư khi tiền được đầu tư vào xóa đói giảm nghèo hay phát triển doanh nghiệp. Tất cả nghiên cứu đó đều có thể trả lời những câu hỏi lớn về chính sách, xem Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện gì trong luật pháp, hay đại sứ quán Việt Nam ở các nước phải làm gì để giúp khai thông nguồn vốn chiến lược này cho đất nước, và các vấn đề xã hội nào cần cả cộng đồng ý thức và giúp đỡ...

Và quan trọng hơn cả là các xu hướng biến chuyển của hệ thống kinh tế toàn cầu mới mẻ này, mà nhìn ở tầm vĩ mô trị giá trên 300 tỉ USD mỗi năm, trong đó có 10 tỉ USD sẽ chạy vào Việt Nam. Rất nhiều báo cáo kiểu như vậy đã được ban tổ chức hội thảo đưa lên mạng, chờ các chuyên gia Việt Nam đọc và dịch sang tiếng Việt.

Cũng cần nhắc thêm về vốn văn hóa và vốn xã hội, được xếp chung bên cạnh vốn tài chính trong kiều hối. Thành viên trong gia đình từ nước ngoài khi về thăm quê luôn đem theo những thói quen và tiện nghi hằng ngày trong cuộc sống - thường là từ các nước tiên tiến, giúp tạo ra nhu cầu và đồng thời là giải pháp giúp nâng cấp cuộc sống ở trong nước.

Ngày nay với điều kiện đi lại dễ dàng, thành viên trong gia đình từ Việt Nam ra nước ngoài thăm thân nhân cũng tạo ra sự thay đổi tương tự như vậy về văn hóa sống. Khi giới trẻ được tạo điều kiện đi du học, và sau này là nhân viên trong công ty được tạo điều kiện ra nước ngoài nâng cao tay nghề, thì sự thay đổi sẽ còn giúp tăng năng suất và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong vùng về thu hút đầu tư.

Nhìn rộng hơn, tiếng Việt và bản sắc Việt Nam chính là vốn xã hội giúp nối kết các cộng đồng người Việt ở các nước, tạo nền quan hệ cho các ngành kinh doanh như nails và phở đi từ nơi này sang nơi khác, kéo thêm tiền vào vòng quay kiều hối. Và đó có lẽ là câu chuyện cần được bàn thêm nhiều sau này.

Nhìn trên bình diện toàn cầu, những tập đoàn ngân hàng như HSBC hay tổ chức tài chính Western Union từ rất sớm đã phát hiện dòng luân chuyển của tiền trong mối quan hệ cá nhân và gia đình xuyên quốc gia. HSBC phấn đấu trở thành một ngân hàng địa phương toàn cầu (global local bank), còn Western Union thì tin là luân chuyển tiền sẽ giúp thế giới tốt hơn (moving money for better).

Trong vòng năm năm trở lại đây, chính phủ các nước lớn cũng bắt đầu chú ý đến lượng tiền luân chuyển bên ngoài vòng kiểm soát. Hoa Kỳ phạt HSBC gần 2 tỉ USD về các hoạt động chuyển tiền bị nghi là rửa tiền cho mafia ma túy ở Mexico và khủng bố.

Quy định mới nhất ở Liên hiệp châu Âu đòi hành khách phải có giấy tờ hợp lệ khi đem quá 7.000 euro ra khỏi biên giới và hải quan cửa khẩu được quyền hỏi xuất xứ của số tiền dù ít hơn quy định trên nhưng nhiều hơn 1.000 euro. Chuyện Việt kiều cầm theo nhiều tiền về nước cho thân nhân là thường lệ, cho nên hải quan ở hai cửa khẩu đầu mối tập trung các chuyến bay của Vietnam Airlines ở Gatwick (London) và Frankfurt (Đức) liên tục kiểm tra...

___________

(*): Wiley-Blackwell là một tổ chức quốc tế chuyên kinh doanh xuất bản trong lĩnh vực học thuật, khoa học kỹ thuật, y tế, hằng năm xuất bản gần 1.500 tạp chí bình duyệt (peer reviewed) và trên 1.500 cuốn sách.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận